Hôn nhân Kitô hữu: Yêu là ký kết với đau khổ

136

Khi nghĩ và nói về tình yêu, thường ta liên tưởng tới sự rạng rỡ của mùa xuân, tới vẻ đẹp tươi mới của hoa lá, tới hương vị ngọt ngào của nụ hôn… Tuy nhiên, lại có câu “Biết yêu là khổ, nhưng không yêu thì chết”. Và một danh nhân đã nói: “Yêu là ký kết với đau khổ” (Mme Cohin). Dường như sự đau khổ đã gắn kết với tình yêu như bóng với hình. Cũng vì lý do đó mà có người đã nhận định: “Người ta hưởng được hạnh phúc của tình yêu trong những đau khổ của nó gây ra hơn là những sung sướng nó đem lại” (Dulos).

Vậy thử hỏi có mối liên hệ nào giữa tình yêu và đau khổ không?

Chúng ta biết rằng, bản chất của tình yêu không phải đau khổ. Đau khổ không tác tạo nên tình yêu, nhưng nó là cách để duy trì, thể hiện và phát triển tình yêu. Ca dao VN có câu: “Yêu nhau mấy núi cũng trèo / mấy sông cũng lội mấy đèo cũng qua” hay “Yêu nhau trăm sự chẳng nề / một trăm chỗ lệch cũng kê cho bằng”. Mặc dù biết yêu là khổ, nhưng thà rằng đau khổ mà có tình yêu còn hơn là mất tình yêu. Vì mất tình yêu là mất tất cả.

Có thể nói, đau khổ là gia vị của tình yêu và nhờ nó mà tình yêu có một ý nghĩa đặc biệt. Đó là sự hy sinh vì người yêu, là sự dâng hiến cho người yêu và sự hòa hợp với người yêu.

Hy sinh vì người yêu

Chúng ta biết, hy sinh có hai nghĩa, nghĩa thứ nhất là chết (ngừng mọi hoạt động của cơ thể), nghĩa thứ hai là chịu thiệt hại, mất mát quyền lợi về vật chất, tinh thần hoặc một bộ phận nào đó trên cơ thể nhằm một mục tiêu cao cả hoặc một lý tưởng tốt đẹp (Theo Wikipedia).

Sự hy sinh trong tình yêu luôn hàm chứa sự đau khổ, mất mát, thiệt thòi.

Tình yêu trong hôn nhân đòi hỏi đôi bạn phải hy sinh hết mình vì bạn đời của mình và vì hạnh phúc gia đình. Đó là cách chứng minh tình yêu cụ thể nhất. Thánh nữ Têrêxa Hài Đồng Giêsu đã nói: “Yêu là hy sinh, chưa hy sinh thì chưa gọi là yêu”. Hy sinh cũng là điều kiện để bảo tồn và gia tăng sự hiệp thông, hiệp nhất trong gia đình. Như khẳng định sau đây: “Chỉ có một tinh thần hi sinh cao cả mới giúp gìn giữ được và kiện toàn được sự hiệp thông trong gia đình. Thực vậy, sự hiệp thông này đòi hỏi mọi người và mỗi người biết quảng đại và mau mắn mở lòng ra để thông cảm, bao dung, tha thứ cho nhau và hòa giải với nhau”. [1]

Người ta thường nói ví von rằng hoa hồng nào mà chẳng có gai. Cuộc tình nào mà chẳng có nước mắt và đau khổ. Hôn nhân đích thực không phải là thiên đàng của những mộng mơ, viễn tưởng mà trái lại đó là một trường đào tạo, một cuộc chiến đấu cam go của những anh hùng. Như có người đã nói: “Hôn nhân không phải là luống hồng mà là bãi chiến trường” (Danh ngôn).

Thực vậy, khi bước vào đời sống hôn nhân gia đình là chúng ta chấp nhận đi vào con đường khổ giá, con đường mà Chúa Giêsu đã mời gọi mọi môn đệ cùng đi với Ngài. Tác giả D. Wahrheit đã chia sẻ: “Ngày thành hôn trước mặt Giáo hội, hai người nam nữ nên vợ nên chồng. Bí tích hôn phối đưa hai người lên đường, hé mở cho họ thấy sự thánh thiện mà tay trong tay họ cùng nhau đạt tới. Cuộc lễ long trọng trong nhà thờ mới chỉ là một khởi hành. Đức tin không là một cây đũa thần để họ làm phép lạ. Họ chỉ biết rằng, con đường mà trên đó họ cùng nắm tay tiến bước với Chúa Kitô là một con đường hẹp. Con đường ấy được trải đầy những thập giá mà họ phải vác lấy từng ngày…” [2]

Như vậy, nếu phải chiến đấu, phải nỗ lực để có được một tình yêu chân chính trong một cuộc hôn nhân bền vững, thì ta phải dõi theo những gì mà Chúa đã dạy. Ngài đã nói: “Không có tình thương lớn hơn tình thương của người hi sinh mạng sống mình cho bạn hữu” (Ga 15,13). Sự đau khổ và sự chết của Đức Ki-tô đã giải thích cho ta hiểu rằng vì yêu và vì hạnh phúc của chúng ta, Ngài đã hi sinh đến chết (x. Ga 10,17; Pl 2,8). Đó là một Tình Yêu đích thực, tình yêu có sức mạnh cứu chuộc, thăng hoa và biến đổi.

Tình yêu còn có một sức mạnh sâu xa nữa, đó là sự dâng hiến, trao ban, chia sẻ nữa.

Dâng hiến cho người yêu

Dâng hiến, nghĩa là cho đi những gì thuộc về mình, không phải chỉ là những thứ bình thường như của cải vật chất, của cải tinh thần, mà ngay cả sự sống và những gì liên quan tới nó cũng được trao ban. Trong hôn nhân, sự dâng hiến thật là cao cả, vĩ đại và không gì so sánh được.

Tuy nhiên, sự dâng hiến của vợ chồng Ki-tô hữu không chỉ hiểu đơn giản là sự trao thân gửi phận, hay là sự trao tặng thân xác cho nhau, nhưng trên hết phải dõi theo sự tự hiến của Đức Ki-tô cho Hội thánh là hiền thê của Ngài.

Thực vậy, “Vấn đề chỉ được giải quyết khi chúng ta bắt đầu đề cập và phổ biến quan điểm dâng hiến theo Kitô giáo. Khi sự dâng hiến của Đức Kitô cho nhân loại được đưa lên thành mẫu mực, trở thành qui chuẩn thì mới có thể thay đổi hành vi của con người. Để đạt được mục tiêu đó, việc giáo dục giới tính theo lứa tuổi, việc dạy hôn nhân gia đình, dạy giáo lí phải kết hợp với giáo dục nhân bản Kitô giáo và tình dâng hiến trọn vẹn của Chúa Kitô cũng phải được đề cập một cách đồng thời.

“Dâng hiến sẽ không còn nặng tính toán ích kỉ. Dâng hiến không còn hệ lụy ở việc ‘trao thân cho nhau’ mới là dâng hiến đúng nghĩa. Dâng hiến phải bắt đầu từ trong tình yêu thực sự, đó là một tình yêu tất cả vì hạnh phúc của người mình yêu. Tình yêu đó khi hiến dâng là trao ban tất cả mà không cần nhận lại, là gìn giữ cho nhau và hướng đến một tương lai chung thủy hạnh phúc. Dâng hiến đúng nghĩa cũng mang trong nó đau thương của Thập Giá, đó là sự hi sinh những đòi hỏi của xác thịt nặng nề, sự kiềm chế những ước muốn dung tục và chiến đấu với những cạm bẫy quyến rũ của Satan…” [3]

Hòa hợp với người yêu

Có người nói, chết cho người yêu không khó bằng sống với họ. Điều đó có nghĩa là để hôn nhân bền vững lâu dài, thì ta phải chấp nhận sống hòa hợp với bạn đời. Không phải chỉ trong vài năm, mà là suốt cả đời. Đó là một yêu cầu cơ bản thiết yếu mà không ai có thể được miễn trừ.

Chúng ta đều biết rằng trong đời sống hôn nhân gia đình không gì quý hơn niềm hạnh phúc và sự hòa thuận bền vững lâu dài, bởi vì “Tất cả kho tàng trên trái đất này không thể sánh bằng hạnh phúc gia đình” (Caldéron). Chính vì hạnh phúc là điều quý giá như vậy mà người ta đã phải hi sinh, lao nhọc, khổ đau để có thể có được và nhất là để nuôi dưỡng và duy trì lâu dài.

Tuy nhiên trên thực tế, đã có khá nhiều người phải chấp nhận hạnh phúc vượt khỏi tầm tay mình. Đó là mảng tối của hôn nhân và là bi kịch của con người. Quả vậy, cuối cùng thì “người ta chỉ hiểu được giá trị của hạnh phúc khi đã mất nó “. Vì một lý do nào đó, người ta đã vô tình đánh mất thực tại tươi đẹp của cuộc hôn nhân mà chính họ đã vun đắp xây dựng. Cái thực tại đó là, “Đôi chim trong một tổ ấm; đôi con tim trong một lồng ngực; hai tâm hồn trong một liên minh bền vững làm bằng yêu thương và cầu nguyện, sẽ ngày càng bền chặt, ngày càng đầy phước” (Dora Greenwell).

Một liên minh bền vững ngày càng bền chặt sẽ là điều có thật nếu trong cuộc sống hôn nhân gia đình người ta biết sống hòa với nhau. Đó là dấu chỉ và biểu hiện của một tình yêu trung thực, trong sáng và sâu sắc nhất. Văn hào J.J Rousseau đã nói một câu ngắn gọn và đầy ý nghĩa như sau: “Định nghĩa tiếng YÊU thật giản dị, nó là sự hòa hợp giữa hai tâm hồn trai và gái ”.

Chúng ta có thể liên tưởng đến năm chữ “Hòa” trong đời sống gia đình. Đó là hòa thuận, hòa hợp, hòa hoãn, hòa bình và hòa đồng. Một cuộc hôn nhân hạnh phúc không xây dựng trên nền tảng tiền bạc hay điều kiện vật chất này nọ mà là trên mối tương quan êm ấm giữa hai vợ chồng. Mối tương quan ấy có được là do đôi bạn luôn biết tùng phục, yêu thương và kính trọng nhau, căn cứ lời khuyên nhủ của thánh Phaolô, như sau:

Người làm vợ hãy phục tùng chồng, như thế mới xứng đáng là người thuộc về Chúa. Người làm chồng hãy yêu thương chứ đừng cay nghiệt với vợ…” (Cl 3,18-19).

Quả vậy, tình yêu chân chính, lòng quảng đại, sự bao dung, tinh thần trách nhiệm, sự chung thủy…luôn là những điều kiện cần thiết bảo đảm cho một cuộc hôn nhân lâu bền, hạnh phúc. Người Kitô hữu trưởng thành luôn biết bảo vệ và trân trọng cuộc hôn nhân của mình như một ơn huệ và ơn gọi đến từ Thiên Chúa. Họ vui mừng hãnh diện vì được cộng tác và chia sẻ công việc của Thiên Chúa. Họ được nên thánh, được góp phần xây dựng và phát triển những “Hội thánh tại gia” là những gia đình đạo đức, hạnh phúc đích thực, họ loan báo Tin Mừng cho thế giới bằng đời sống chứng tá sáng chói và nổi bật./.

Aug. Trần Cao Khải

– – – – – – – – – – – –

[1] Đức thánh GH Gioan Phaolô II, Tông huấn về những bổn phận gia đình Ki-tô hữu /FC số 21

[2] Cẩm Nang Hạnh phúc Gia đình Kitô, trang 227-228

[3] Peter Thái Hùng, “Hiến dâng đúng nghĩa Ki-tô giáo”, nguồn: giaophanlangson.org