TIN TỨC Tin Giáo hội Hội thánh của Chúa Giêsu hiệp nhất những khác biệt trong tình...

Hội thánh của Chúa Giêsu hiệp nhất những khác biệt trong tình huynh đệ

Sáng 29/06/2019 tại đền thờ Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cử hành thánh lễ kính hai thánh Phêrô và Phaolô, làm phép và trao dây Pallium cho 31 Tổng Giám mục mới được bổ nhiệm trong năm qua, trong số này  đặc biệt có Đức Cha Vũ Văn Thiên của tổng giáo phận Hà Nội. Dây Pallium len trắng được trang trí bằng những sợi tơ màu đen đan hình thánh giá trao cho các TGM như dấu chỉ của sự hiệp thông với người kế vị thánh Phêrô và với các giám mục khác, điều đó cũng nói lên sự quan tâm mục vụ của người mục tử nhân lành vác chiên trên vai.

Sau thánh lễ ĐTC cùng đọc kinh Truyền tin với các tín hữu tại quảng trường thánh Phêrô. Trong bài huấn dụ hôm nay, Đức Thánh Cha nói đến sự hiệp thông những khác biệt giữa hai vị thánh Phêrô và Phaolô chính là sự hiệp thông của toàn thể Giáo hội và mỗi người chúng ta hôm nay.

Anh chị em thân mến!

Hai thánh Phêrô và Phaolô, mà chúng ta mừng lễ hôm nay, trong các tranh tượng thánh là những biểu tượng đôi khi được mô tả như những người chống đỡ tòa nhà của Giáo hội. Điều ấy nhắc chúng ta nhớ đến những lời Chúa Giêsu nói với Phêrô trong Tin mừng hôm nay : “Phêrô, con là đá, trên đá này Thầy sẽ xây Hội thánh của Thầy” (Mt 16,18). Đây là lần đầu tiên Chúa Giêsu nói về từ “Hội Thánh”, nhưng thay vì nói về danh từ, tôi muốn mời anh chị em nghĩ về tính từ, có tính sở hữu “của tôi”: Hội thánh của tôi. Chúa Giêsu không nói về Giáo hội như một thực tại bên ngoài, nhưng Ngài diễn tả một tình yêu cao cả mà Ngài luôn ấp ủ : Hội thánh của Thầy. Ngài yêu mến Hội thánh, yêu mến chúng ta. Thánh Phaolô viết : “Chúa Kitô đã yêu thương Hội thánh và đã phó mình vì Hội thánh” (Eph 5,25), nghĩa là, thánh Tông đồ giải thích, Chúa Giêsu yêu thương Hội thánh như hiền thê của mình. Đối với Chúa, chúng ta không phải là một nhóm các tín hữu hay một tổ chức tôn giáo, chúng ta là hiền thê của Ngài. Ngài chăm sóc Hội thánh của mình với sự dịu dàng, yêu thương Hội thánh bằng tình yêu trung thành tuyệt đối, cho dù chúng ta lầm lỗi và phản bội. Giống như ngày xưa Chúa nói với Phêrô, hôm nay Ngài cũng nói cho tất cả chúng ta : “Hội thánh của Thầy, các con là Hội thánh của Thầy”.

Chúng ta có thể lặp lại những lời ấy : Hội thánh của tôi. Chúng ta đừng nghĩ về nó theo chiều hướng là tài sản riêng tư, nhưng nghĩ về Hội thánh bằng trọn cả tình yêu. Không phải để phân biệt chúng ta với người khác, nhưng để học hỏi vẽ đẹp qua việc ở với người khác, bởi vì Chúa Giêsu muốn chúng ta được hiệp nhất và mở lòng. Thật vậy, Hội thánh không phải là của “tôi” bởi vì Hội thánh đáp ứng được cho tôi, cho những ước muốn của tôi, nhưng Hội thánh là của tôi bởi vì tôi đổ vào đó tình thương mến của tôi. Hội thánh là của tôi bởi vì tôi chăm sóc Hội thánh, bởi vì, giống như các Tông đồ trong tranh tượng thánh, tôi cũng nâng đỡ Hội thánh. Nâng đỡ như thế nào? Bằng tình anh em. Bằng tình huynh đệ chúng ta có thể nói : Giáo hội của tôi.

Một hình ảnh khác của hai thánh Phêrô và Phaolô được miêu tả khi họ ôm chặt nhau trong vòng tay. Giữa họ có rất nhiều khác biệt : giữa một ngư phủ và Pharisiêu, với kinh nghiệm sống, tính cách, cách thức làm việc, cảm xúc rất khác nhau. Giữa họ không thiếu những ý kiến trái ngược và tranh luận thẳng thắn với nhau (x. Gal 2,11…). Nhưng điều nối kết họ lại với nhau thì lớn vô cùng : Chúa Giêsu là Chúa của cả hai, cả hai đều nói “Lạy Chúa của con” với Đấng nói rằng “Hội thánh của Thầy”. Tình huynh đệ trong đức tin, mời gọi chúng ta tái khám phá niềm vui được làm anh chị em trong Hội thánh.

Trong ngày lễ này, kết hiệp hai vị Tông đồ với nhiều khác biệt, thật tuyệt vời để mỗi người chúng ta nói rằng : “Lạy Chúa, chúng con xin cảm tạ Chúa vì người đó khác với con: đó là món quà dành cho Hội thánh của con”. Chúng ta là những người khác biệt nhau nhưng điều đó lại làm cho chúng ta nên phong phú, là tình huynh đệ. Thật tuyệt vời khi đánh giá cao những phẩm giá của tha nhân, chấp nhận những tài năng của họ mà không ác ý hay ghen tỵ. Ghen tỵ gây nên những cay đắng trong lòng, đó là dấm chua đổ trên  tâm hồn. Những người ghen tỵ có cái nhìn chua cay. Nhiều lúc, khi gặp một người ghen tỵ, người ta muốn hỏi : hôm nay bạn dùng điểm tâm với thứ gì, cà phê sữa hay dấm chua? Bởi vì ghen tỵ là vị đắng. Ghen tỵ làm cho cuộc đời nên cay đắng. Trái lại tuyệt vời biết bao khi chúng biết rằng chúng ta thuộc về nhau, bởi vì cùng chia sẻ một niềm tin, một tình yêu, một hy vọng, một Thiên Chúa. Chúng ta người này thuộc về người kia và điều này thật tuyệt vời để nói rằng : Hội thánh của chúng ta, huynh đệ.

Cuối đoạn Tin mừng, Chúa Giêsu nói với Phêrô : “Hãy chăn dắt đoàn chiên của Thầy” (Ga 21,17). Ngài nói với chúng ta và gọi là “đoàn chiên của Thầy” bằng chính tình thương mến mà Ngài đã gọi Hội thánh của Thầy. Với biết bao yêu thương, cảm mến Chúa Giêsu yêu thương chúng ta! Ngài nghe chúng ta là đoàn chiên của Ngài. Tình thương mến đó xây nên tòa nhà Giáo hội.

Nhờ lời chuyển cầu của hai thánh Tông đồ, xin cho chúng ta có được ơn yêu mến Giáo hội của mình. Xin cho chúng ta có đôi mắt biết nhìn ra anh chị em mình nơi Giáo hội; xin cho chúng ta có con tim biết đón nhận tha nhân bằng tình yêu trìu mến mà Chúa Giêsu đã dành cho chúng ta. Và chúng ta cầu xin sức mạnh để cầu nguyện cho những ai không có suy nghĩ như chúng ta biết cầu nguyện, yêu thương, là điều ngược lại với nói xấu, ngay cả nói sau lưng. Đừng bao giờ nói xấu, hãy cầu nguyện và yêu thương.

Xin Đức Mẹ người đã mang lại sự hòa thuận giữa các Tông đồ và cầu nguyện với họ (Cv 1,14) gìn giữ chúng ta như anh chị em trong Giáo hội.

Trước mộ thánh Phêrô

Tác giả : Giuse Võ Tá Hoàng chuyền ngữ
Nguồn tin: Vatican.va:
Exit mobile version