Hội nghị Rimini bàn về tự do tôn giáo

42

Hội nghị Rimini bàn về tự do tôn giáo

WHĐ (29.08.2012) – Tự do tôn giáo là một trong những chủ đề được đề cập tại Hội nghị Rimini lần thứ 33 do phong trào Hiệp Thông và Giải Phóng tổ chức.

Đây là một phong trào Công giáo do linh mục Luigi Giussiani thành lập từ năm 1954. Phong trào này hiện diện tại 70 quốc gia, đa số thành viên ở Italia.

Tham dự Hội nghị lần này –kéo dài từ ngày 19 đến 25 tháng Tám 2012– có ông Nassir Adulaziz al-Nasser, Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc; ông Giulio Terzi, Bộ trưởng ngoại giao Italia, và Đức hồng y Jean Louis Tauran, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh về Đối thoại Liên tôn.

Ông Al-Nasser đã bày tỏ mối quan tâm đối với rất nhiều vụ vi phạm tự do tôn giáo ở nhiều nơi trên thế giới và ông hứa rằng Liên Hợp Quốc sẽ tiếp tục giám sát những gì đang xảy ra.

Ngoại trưởng Italia cho biết chính phủ đang tích cực tham gia đối thoại với các nước Địa Trung Hải về cả hai vấn đề kinh tế và văn hóa. Khoảng 20% thương mại của Ý là với các nước Bắc Phi và Trung Đông.

Ông cũng nói rằng Italia quan tâm đến việc bảo vệ các nhóm tín đồ thiểu số, và nhất là các Kitô hữu.

Ông nói tiếp, ở châu Âu tôn giáo đã bị gạt ra bên lề từ lâu. Chủ đề tự do tôn giáo bị coi là “rắc rối”, nhưng trong lĩnh vực chính trị, quan tâm đến tự do tôn giáo và nhân quyền là điều quan trọng.

Trích dẫn lời Đức giáo hoàng Bênêđictô XVI, ông cho rằng hạn chế tự do tôn giáo có nghĩa là giảm thiểu những gì thuộc về con người.

Về phần mình, Đức hồng y Tauran nói rằng nếu ngày nay người ta đề cập nhiều đến tự do tôn giáo là vì đó là một nguyên tắc bị vi phạm thường xuyên. Trường hợp gần đây nhất là của một cô gái ở Pakistan mắc hội chứng Down đã bị buộc tội báng bổ.

Cho đến khi kết thúc chiến tranh thế giới lần thứ hai, vấn đề tự do tôn giáo là chuyện nội bộ của mỗi quốc gia. Sau những kinh hoàng của cuộc chiến tranh đó, nhu cầu về quyền con người là đối tượng của các thỏa ước quốc tế.

ĐHY nói tiếp: “Tự do tôn giáo có nền tảng nơi chính bản chất của con người, được Thiên Chúa tạo dựng, và vì vậy phảitôn trọng quyền tự do ấy, ít nhất ở mức độ không can thiệp vào quyền lợi của người khác”.

Vì thế, Nhà nước không được xen vào tôn giáo và phải thừa nhận rằng con người có bản chất tôn giáo và tôn giáo là một phần của xã hội. Ngài kết luận: “Một thế giới không có Thiên Chúa sẽ là một thế giới phi nhân”.

(Zenit, 27-08-2012)

Minh Đức