Hội nghị các đại chủng viện tại Việt Nam năm 2023: Đồng hành tòa trong và tòa ngoài

51

HỘI NGHỊ CÁC ĐẠI CHỦNG VIỆN TẠI VIỆT NAM
Tại TÒA TỔNG GIÁM MỤC HÀ NỘI
07.08.2023 – 10.08.2023

Hội Thánh có sứ mạng “quan tâm đến việc hình thành, phân định và đồng hành ơn gọi, đặc biệt ơn gọi hướng tới chức linh mục” (Ratio 2016)

Nhắc lại lời Đức Thánh giáo hoàng Gioan Phaolô II trong tông huấn Pastores Dabo Vobis, Ratio 2016 muốn khẳng định mạnh mẽ hơn nữa tầm quan trọng của việc đồng hành trong việc đào tạo các mục tử như lòng Chúa ước mong. Với các nhà đào tạo tại đại chủng viện, việc đồng hành cá nhân “chính là một phương tiện thiết yếu của việc đào tạo” nhằm giúp cho các chủng sinh luôn hướng đến một “sự ngoan ngùy với Chúa Thánh Thần” (Ratio 2016). Đây là lý do thúc đẩy sự gặp gỡ, chia sẻ và học hỏi của các nhà đào tạo trong hội nghị các đại chủng viện của Việt nam vào ngày 07.08.2023 đến ngày 10.08.2023 tại toà tổng giám mục Hà Nội với chủ đề: “Đồng hành tòa trong và tòa ngoài trong việc đào tạo linh mục tại Việt Nam.”

Hội nghị lần này quy tụ hơn 60 nhà đào tạo bao gồm đức cha tân chủ tịch Ủy ban Giáo sĩ Chủng sinh (UBGSCS) Giuse Đỗ Quang Khang, cha thư ký UBGSCS Giuse Phạm Văn Trọng, quý cha giám đốc, phó giám đốc và quý cha giáo thuộc 11 đại chủng viện của các giáo phận tại Việt Nam.

Trong ngày thứ nhất, bắt đầu từ 14g00, các tham dự viên đã được chào đón tại sảnh tiếp tân của tòa tổng giám mục Hà Nội. Sau những lời thăm hỏi và bữa ăn huynh đệ lúc 18g00, giờ Chầu Thánh Thể khai mạc do cha giám đốc đại chủng viện Hà Nội chủ sự vào lúc 19g30 đã diễn ra rất trang nghiêm và sốt sắng. Ở phần nghi thức khai mạc lúc 20g00, các tham dự viên của 11 đại chủng viện lần lượt được giới thiệu với toàn thể hội nghị. Tiếp đó, Đức cha tân chủ tịch UBGSCS đã chia sẻ các thao thức và định hướng hoạt động của UBGSCS và ước mong các nhà đào tạo từ nhiều miền đất nước có cơ hội được gặp gỡ và trao đổi kinh nghiệm với nhau. Liên quan đến hội nghị này, dựa trên hai sự kiện nóng bỏng đang diễn ra trong xã hội, Đức cha tân chủ tịch UBGSCS đã nhấn mạnh đến vai trò quan trọng của công cuộc đào tạo con người linh mục ngày này và nhu cầu cấp thiết của việc đồng hành với các ứng viên linh mục. Đây cũng là lý do tuyên bố khai mạc hội nghị các đại chủng viện 2023. Tiếp sau những thông tin liên quan đến chương trình hội nghị của cha thư ký UBGSCS, vào lúc 21g15 nghi thức khai mạc hội nghị kết thúc bằng bài hát kinh Salve Regina với mong ước đặt hội nghị trong sự cầu bầu của Mẹ Maria – Mẹ của các linh mục.

Trong ngày thứ hai và thứ ba, cùng với các giờ đạo đức thiêng liêng và các sinh hoạt gắn kết huynh đệ, hội nghị đã triển khai một nội dung gồm ba phần liên quan trực tiếp đến việc đồng hành trong đào tạo linh mục.

Ở phần thứ nhất, hội nghị lắng nghe bài thuyết trình : “Đồng hành ơn gọi linh mục: sứ vụ và nghệ thuật” của cha Phêrô Nguyễn Văn Hương, phó giám đốc của đại chủng viện Vinh.

Cùng với kinh nghiệm riêng của bản thân, cha Phêrô chia sẻ cho hội nghị những hoa trái mà cha đã tiếp nhận trong các khóa đào tạo về đồng hành tại Roma. Theo đó, tiến trình đào tạo linh mục trải qua ba giai đoạn bao gồm giáo dục, huấn luyện và đồng hành. Với giai đoạn đồng hành, thuật ngữ đồng hành trong tiếng Latinh là cum-panio, có nghĩa là “chung một tấm bánh”. Như thế, tự bản chất, đồng hành có nghĩa là chia sẻ. Việc đồng hành với người thụ hướng “không chỉ là hướng dẫn họ trong đời sống tâm linh, dạy dỗ, hay thiết lập tương quan một chiều với họ, nhưng là cùng nhau thực hiện hay cử hành và chia sẻ kinh nghiệm đức tin về Thiên Chúa và sự khôn ngoan của Thánh Thần”. Sau khi nói đến những điều kiện cần thiết để việc đồng hành hiệu quả, cha Phêrô tiếp tục chia sẻ những mô hình đồng hành có nền tảng từ Kinh thánh. Các mô hình, tựu chung dựa trên mẫu Chúa Giêsu đồng hành với hai môn đệ trên đường Emmaus (x. Lc 24, 13-35), có ba năng động bao gồm Nhìn (Vedere), Thấu hiểu (Comprendere) và Hành động (Agire). Nói cách khác, có ba bước đồng hành: khởi đầu, cùng hợp tác và kết thúc. Trong giai đoạn khởi đầu này, người đồng hành và được đồng hành cần tạo những mối tương quan gần gũi, thân thiện, tin tưởng và cởi mở với nhau. Còn trong giai đoạn cùng hợp tác, nhà đồng hành giúp người thụ huấn thấu hiểu bản thân qua việc khám phá và nhận thức một cách chính xác nếp sống, các thói quen, cảm xúc, chọn lựa, sở thích, sở trường, các phản đoán… phù hợp với các giá trị Tin Mừng và lý tưởng linh mục. Trong giai đoạn kết thúc, nhà đồng hành trợ giúp người thụ hướng đưa ra giải pháp và chương trình hành động quy chiếu về Chúa Kitô cho vấn đề đang xảy ra nơi người thụ hướng.

Ở phần thứ hai, hội nghị lắng nghe bài thuyết trình: “Cách thức đồng hành tòa trong trong việc đào tạo tu sĩ, chủng sinh” của cha Tôma Vũ Quang Trung thuộc dòng Tên và đang làm linh hướng chung tại đại chủng viện Hà Nội.

Qua nhiều năm kinh nghiệm trong việc đồng hành tòa trong, cha Tôma đã chia sẻ với hội nghị về ba mô hình đồng hành tòa trong thường được sử dụng bao gồm mô hình quyền bính, mô hình chế tài bằng tình cảm, và mô hình soi sáng hướng dẫn. Với mô hình quyền bính, người thụ hướng bị rập khuôn máy móc, thiếu tự phát, thiếu hồn nhiên và không có sáng kiến trước những điều được chỉ dẫn; họ chỉ tuân thủ các luật lệ bề ngoài mà không nội tâm hóa các giá trị, thậm chí trong lòng lại phản kháng. Với mô hình chế tài bằng tình cảm, người thụ hướng có thái độ quy lụy, làm theo ý nhà đào tạo để khỏi bị trù dập; họ có vẻ tiến bộ, nhưng sự tiến bộ sẽ không lâu bền; thậm chí, về lâu về dài họ có thể đánh mất nhân cách, không tạo được tính cách đặc sắc và nét độc đáo riêng. Với mô hình soi sáng hướng dẫn, người thụ hướng hấp thụ các giá trị cách ý thức và tự nguyện và biết vận dụng chúng một cách tự do và trưởng thành vào các hoàn cảnh đặc thù. Sau những chia sẻ về các mô hình đồng hành, cha Tôma cũng giới thiệu cho hội nghị các bước đồng hành và tư vấn cũng như các điều kiện cần có cho việc đồng hành.

Ở phần thứ ba, hội nghị lắng nghe bài thuyết trình: “Kinh nghiệm đồng hành tòa ngoài trong việc đào tạo linh mục” của đức cha Giuse Bùi Công Trác, giám mục phụ tá tổng giáo phận Sàigon.

Với lối diễn giải dí dỏm qua những câu chuyện và thơ ca, đức cha Giuse đã khắc họa sứ mạng quan trọng của việc đồng hành qua hình ảnh sống động về mối liên hệ giữa nhà đồng hành và người được đồng hành. Nhà đồng hành vừa là một người cha vừa là một người bạn đón nhận tất cả những cảm nhận vui buồn của con mình về cuộc sống. Bởi thế, yếu tố không thể thiếu được trong việc đồng hành là sự tín nhiệm: nhà đồng hành và người được đồng hành phải tạo được sự tín nhiệm và tin tưởng lẫn nhau. Theo đức cha Giuse, để làm được điều này, nhà đồng hành phải lưu tâm đến các đức tính như không thiên vị, can đảm, biết phân định, sống gương mẫu, đạo đức và đầy lòng bác ái. Điều này có thể làm cho nhà đồng hành, giống như người cha của đứa con nhỏ, cảm thấy việc đồng hành quả thực là nặng nề và mệt mỏi. Tuy nhiên, với tình yêu và trách nhiệm, nhà đồng hành vẫn đón nhận gánh nặng mệt mỏi đó để giúp người được đồng hành trưởng thành hơn trong ơn gọi linh mục của mình. Ngoài ra, đức cha Giuse cũng đề cập đến một trong những cách thức quan trọng để việc đồng hành tòa ngoài được hiệu quả đó là cộng đoàn đồng hành. Nhà đồng hành phải nhận được sự hỗ trợ từ các nhà đồng hành khác và từ các chuyên viên; nhờ đó, nhà đồng hành sẽ hiểu hơn về người thụ hướng của mình.

Sau mỗi phần thuyết trình, các tham dự viên được dành giờ để trao đổi nhằm đào sâu vấn đề đang bàn thảo với các thuyết trình viên và với toàn thể hội nghị. Thêm vào đó, các tham dự viên có cơ hội làm việc nhóm theo các câu hỏi gợi ý để gia tăng tính thực tiễn của vấn đề nhờ kinh nghiệm của các tham dự viên đến từ nhiều vùng miền khác nhau.

Trong buổi chiều ngày 09.08.2023, hội nghị đã đúc kết kinh nghiệm được chia sẻ từ tất cả các nhóm làm việc những ngày qua; đồng thời cũng tiến hành lượng giá và góp ý nội dung, chương trình của hội nghị 2023 cũng như hội nghị năm tới. Theo đó, toàn thể hội nghị đều khẳng định về tầm quan trọng của việc đồng hành tòa trong và tòa ngoài trong việc đào tạo linh mục tại Việt Nam. Đây là một phương pháp giáo dục quan trọng và cấp thiết đối với việc đào tạo tại các đại chủng viện nói riêng và công cuộc đào tạo linh mục tại Việt Nam nói chung. Bởi thế, toàn thể hội nghị đã đề ra những kế hoạch hỗ trợ việc đồng hành tại các đại chủng viện, chẳng hạn các khóa học ngắn hạn và dài hạn nhằm đào sâu về phương pháp, kỹ năng đồng hành cho các nhà đào tạo. Hội nghị kết thúc với phần tổng kết và bế mạc vào lúc 16g30 cùng ngày.

Thánh Lễ bế mạc do đức cha Giuse, chủ tịch UBGSCS, cử hành vào sáng 10.08.2023 chất chứa tâm tình tạ ơn của toàn thể tham dự viên về hoa trái của hội nghị lần này. Sau bữa ăn sáng, các tham dự viên chia tay để trở về chủng viện của mình. Mỗi người đều mang trong mình những thao thức và ước mong liên quan đến việc đồng hành trong sứ mạng đào tạo các linh mục cho giáo hội Công giáo Việt Nam nói riêng và giáo hội Công giáo hoàn vũ nói chung.

Linh mục Giuse Phạm Văn Trọng
Thư ký Ủy ban Giáo sĩ Chủng sinh
WHĐ (18.08.2023)

#hoinghicacdaichungvien