Buổi chiều đẹp trời hôm ấy, tay ôm vô lăng chở theo hàng ngàn két bia vừa nhận ở kho từ Sài Gòn đi Phan Thiết. Xe chạy đến vòng xoay Tam Hiệp, khi ôm cua vòng xoay, vì người đông nên anh lấy trái sang đường để tránh va chạm. Cú lấy trái khá gắt hay sao đó để rồi chiếc xe chở đầy bia mà anh đang điều khiển bị lật.
Dĩ nhiên, sau khi xa lật thì hàng ngàn két bia Tiger trên thùng xe đã đổ xuống đường. Tai nạn xảy ra không thiệt mạng người nào nhưng nhiều người đi ngang tai nạn ấy… “thiệt mạng”. Những người đó đã nhắm mắt làm ngơ trước tai nạn, trước nỗi đau của anh tài xế lam lũ kiếm sống, và tệ hơn nữa, còn làm cho anh thêm phần đau khổ bởi sau tai nạn, số bia còn lại chỉ khoảng 10%.
Chuyện những người lấy bia ngày hôm ấy người ta gọi là “hôi của”.
Chuyện “hôi của” sau những tai nạn như thế này không phải là chuyện mới.
Vào ngày 16/6, người đàn ông đi xe máy đến đoạn vòng xoay An Dương Vương – Trần Phú – Sư Vạn Hạnh, Q. 5, TPHCM thì bị 2 tên cướp từ phía sau giật giỏ xách. Nhờ nhanh trí, người này đã giữ được túi nhưng vì giằng co mạnh khiến túi bị rách và tiền 50 triệu bay ra đường.
Lợi dụng tình cảnh lúng túng của người đàn ông, nhiều người dân ào ra giữa đường lượm số tiền bị tung ra trước sự thẫn thờ và bất lực của nạn nhân.
Trưa 2/7, xe tải BKS 54Z… do tài xế S cầm lái, chở đầy bia chai nhãn hiệu Sài Gòn đỏ, lưu thông trên quốc lộ 1A. Khi đi đến cầu vượt Tân Thới Nhất (P. Tân Thới Nhất, Q. 12, TPHCM) do tài xế điều khiển xe với tốc độ khá cao đã khiến nhiều két bia đổ xuống đường. Trong lúc tài xế chưa kịp thu dọn lại hàng hóa thì hàng chục người đi đường bất chấp những mảnh vỡ thủy tinh mang bao tải lao vào “hôi của” đem bia về uống.
Ngày 12/8/2012, một xe tải chở hơn 20 tấn thức ăn hỗn hợp dành cho vịt khi di chuyển trên quốc lộ 1A, đã bị lật nhào xuống ruộng tại tỉnh Bình Định. Sau khi tai nạn xảy ra, nhiều người dân địa phương xông vào mang thức ăn cho vịt về nhà.
Chiều 12/9/2013, trước cửa UBND Q. Ba Đình, Hà Nội, Đại sứ quán Hà Lan tổ chức phát tặng 3.000 chiếc áo mưa cho người dân Hà Nội, với mong muốn nâng cao nhận thức chung về biến đổi khí hậu.
Khi đại biểu chưa nói hết nội dung thì hàng trăm người đã đổ xô lên sân khấu “cướp” áo mưa từ tay Ban Tổ chức. Nhiều người khoe: “Tôi đã lấy được 5 – 6 chiếc rồi, giờ cất đi và chạy vào lấy tiếp”.
Qua những lần như thế, nhiều người, trong đó có cả ta, ta sẽ phê phán, biểu môi, dèm pha, chỉ trích… Dĩ nhiên, phê phán, chỉ trích lòng tham, lối sống bất công đó là quyền tự do của mỗi người. Không ai ngăn cản người ta phê bình, chỉ trích trước cái xấu, cái bất công nhưng đây cũng là dịp cảnh tỉnh, nhắc bảo ta sau những chuyện hôi của như thế này.
Có thể, bất chợt, lòng tham của những người đi đường nổi lên trong lòng họ và thế là tiếng nói của lương tri, tiếng nói của công bằng, của tình người bị tắt. Khi lòng tham nổi lên thì họ quên đi tình đồng loại, quên đi hoạn nạn của người khác, và cứ thế mà lấy, cái gì cũng lấy dù biết đó không phải của mình.
Những người ôm bia, lấy thức ăn, hôi của đó đã được người khác ghi hình lại. Tuy nhiên, trong đời thường, có nhiều và rất nhiều người cũng hôi của của người khác nhưng không ai thấy để ghi hình, để chỉ trích.
Hôi của xuất phát tự trong tâm của những người thiếu công bằng, thiếu tình người. Nhiều lần, nhiều lúc, trong cuộc sống, ta cũng sống thiếu công bằng, thiếu tình người với anh chị em đồng loại nhưng ta giỏi lấp liếm, ta giỏi nói, giỏi che đậy để rồi khó có ai nhận ra ta là người như thế. Giản đơn là trong đời thường, có những anh chị em vì lỡ lầm, vì yếu đuối để rồi làm nên tội. Đứng trước những mảnh đời như thế, ta có tha thứ, có yêu thương và có nâng đỡ họ không? hay ta đứng đó nhìn hoặc là bàng quan? hoặc ta hùa theo đám đông tha hồ ném đá?
Công bằng trong cuộc sống là vấn đề hết sức nhạy cảm và tế nhị. Có thể ta hô hào thật to chuyện công bằng đó nhưng thật sự ta có sống công bằng hay không mới là chuyện khác.
Vẫn là thái độ, vẫn là sự giằng co trong nội tâm của mỗi người như Thánh Phaolô đã từng bộc bạch rằng điều tôi biết là tốt, tôi không làm; nhưng điều tôi biết là không tốt, tôi lại làm.
Trong những ngày đợi chờ của mùa Vọng, Thánh Phaolô đã mời gọi mỗi người chúng ta: “Đêm sắp tàn, ngày gần đến. Vậy chúng ta hãy loại bỏ những việc làm đen tối, và cầm lấy vũ khí của sự sáng để chiến đấu” (Rm 11, 12).
Thật sự phải chiến đấu thật nhiều. Cuộc chiến đấu lớn nhất và cam go nhất vẫn là chiến đấu với chính bản thân của mỗi người chúng ta.
Những ngày mùa Vọng, lời Thánh Vịnh 72 câu 7 văng vẳng bên tai của ta: Triều đại Người, đua nở hoa công lý, và thái bình thịnh trị tới ngày nao tuế nguyệt chẳng còn. Triều đại của Thiên Chúa là triều đại của công lý, của hòa bình và của tình thương.
Viễn cảnh này đã được ngôn sứ Isaia loan báo: Đai thắt ngang lưng là đức công chính, giải buộc bên sườn là đức tín thành. Bấy giờ sói sẽ ở với chiên con, beo nằm bên dê nhỏ. Bò tơ và sư tử non được nuôi chung với nhau, một cậu bé sẽ chăn dắt chúng. Bò cái kết thân cùng gấu cái, con của chúng nằm chung một chỗ, sư tử cũng ăn rơm như bò. Bé thơ còn đang bú giỡn chơi bên hang rắn lục, trẻ thơ vừa cai sữa thọc tay vào ổ rắn hổ mang. Sẽ không còn ai tác hại và tàn phá trên khắp núi thánh của Ta, vì sự hiểu biết Đức Chúa sẽ tràn ngập đất này, cũng như nước lấp đầy lòng biển (Is 11, 5-9).
Với những tâm tình đó, một lần nữa, ta nhìn lại lối sống công bằng trong ta. Ta duyệt lại đức công bằng trong ta đang có.
Có khi ta không hôi của cách công khai nhưng ta đang hôi của âm thầm và kín đáo.
Có khi ta không hôi của về vật chất nhưng ta hôi của về tinh thần và danh dự của anh chị em.
Xin cho ta công bằng từ trong lời nói đến việc làm để ta hành xử công bằng với anh chị em, cách riêng những người sống bên cạnh ta, sống chung mái nhà của ta và nhất là anh chị em ruột thịt của ta.
Khi ta sống công bằng thật sự thì ta sẽ có một chỗ trong đất nước luôn đua nở hoa công lý và nơi đó thái bình thịnh trị sẽ tồn tại mãi.
Lm. Anmai, CSsR