GÓC SUY TƯ “Hội chứng Emmaus” và sự chán nản của một số linh mục

“Hội chứng Emmaus” và sự chán nản của một số linh mục

Cha Zezinho: “Trong tháng này, tôi biết có năm linh mục mà tôi gặp đã từ bỏ chức vụ linh mục của mình vì nản lòng”.

Cha Zezinho đã đăng trên mạng xã hội một số suy nghĩ cá nhân về một hiện tượng mà ngài gọi là “hội chứng Emmaus”, liên quan đến những thất vọng mà một số linh mục đang mắc phải vì lý do không nhìn thấy những gì mà họ gọi là “giấc mơ đổi mới” của Giáo hội kể từ Công đồng Vatican II, nhiều lần được các nghị phụ bào chữa.

Ý kiến của linh mục người Brasil đại diện cho một trong những quan điểm về cuộc đối thoại phê bình giữa những người công giáo đối với sự kiện này trong lịch sử Giáo hội, vốn được thảo luận khá nhiều về sự ảnh hưởng của nó, chủ yếu được phía Giáo hội cho là tích cực và tiêu cực thuộc thành phần khác. Chính trong bối cảnh này, một số người công giáo coi cha Zezinho có khuynh hướng thiên về thần học giải phóng và ý thức hệ cánh tả, ngay cả khi ngài bác bỏ mối liên hệ này và tuyên bố mình không theo “cánh tả hoặc cánh hữu, cũng không phải trung dung”, nhưng ngài chỉ là người “bảo vệ Học thuyết Xã hội của Giáo hội”.

Đây là những gì cha Zezinho viết về cái mà ngài gọi là “hội chứng Emmaus”:

Không ai được miễn nhiễm, cũng như không ai được miễn nhiễm trước sự ngã lòng của Tôma!

Trong tháng này, tôi biết có năm linh mục mà tôi gặp đã từ bỏ chức vụ linh mục của mình vì nản lòng. Một vị sẽ trở thành cha của một đứa trẻ và muốn đảm nhận tư cách làm cha; một vị yêu một giáo viên trong trường; ba vị còn lại vì lý do chính trị cánh tả và cánh hữu. Tôi đã gửi tin nhắn cho bốn vị trong số họ bởi vì chúng tôi là bạn bè. Người kia đã đổi số điện thoại rồi.

Tôi nghĩ đến những ngày Khổ nạn và Phục sinh của Chúa Giêsu, những năm 30-35. Tôma đã rút lui khỏi nhóm. Hai môn đệ Emmaus nghĩ rằng giấc mơ đã tan biến. Chúa Giêsu vừa bị đánh bại và họ trở về quê với tâm trạng buồn sầu.

Những người bạn đồng hành của Tôma nói với ông rằng: Chúa Giêsu đã sống lại. Chính Chúa Giêsu đã nói điều này cho hai môn đệ trên đường đi Emmaus. Và dấu chỉ đó là chia sẻ bữa ăn tối sau 6 cây số bộ hành.

Ba người ngã lòng đã trở lại, nhưng tôi nghĩ đến hàng ngàn người đã không bao giờ trở lại để thi hành thánh chức, bởi vì đối với họ giấc mơ đã kết thúc và lý tưởng đã biến tan. Họ muốn theo Chúa Giêsu bằng những cách khác.

Không ai được miễn trừ khỏi cảm tính này, vì lý do không đồng ý với Giáo hoàng đương vị, với giám mục hay với những đổi thay hậu công đồng. CONVIVIO tự đặt câu hỏi về đường lối của công đồng. Họ mơ về Giáo hội như trước 1959.

Và tôi cũng đã đồng hành với những bi kịch của các linh mục, những người đã chọn chính trị và những thay đổi tiến bộ nhất mà họ không thấy được nơi thánh Gioan Phaolô II và ngay cả Đức Giáo hoàng Phanxicô. Giáo hội mà họ ước muốn đã không đạt được tốc độ như họ muốn. Họ tiến về phía trước trong một đảng phái chính trị hoặc như những người đời.

Các hội chứng Emmaus ảnh hưởng đến bất cứ ai đã từng mơ ước và không thấy Giáo hội thực hiện như mình muốn. Thất vọng? Tình cũ? Tình mới? Những giấc mơ chính trị mới dành cho đất nước?

Chỉ có họ biết điều đó. Tôi vẫn là bạn của họ, bởi vì tôi thích những bước đi của Giáo hội từ thời Đức Gioan XXIII, ngay cả khi chúng chậm chạp, tôi vẫn tiếp đọc sách Lịch sử Thế giới của tôi, của Giáo hội và các Giáo hội.

Tôi là một người hiểu khá chậm chạp về lịch sử Giáo hội (giống như các tông đồ). Tôi có thể hiểu được sự vội vàng của họ hay cách đọc của họ. Tôi cầu nguyện và tôn trọng. Tôi nghĩ rằng họ đang đau khổ nhiều hơn những gì họ đón nhận. Có điều gì đó không phù hợp với những gì họ ước mơ.

Tôi vẫn tiếp tục giấc mơ của mình, với những thay đổi nhanh chóng hay chậm chạp, nhưng tôi tin vào Công đồng và các văn kiện, tin vào các Giáo hoàng, giám mục mà tôi biết. Tôi không phải là người hoàn hảo, và tôi còn tệ hơn thế! Rất nhiều người trong số họ sốt sắng và có học thức hơn tôi, nhưng nó không giúp ích gì.

Tôi tiếp tục ở trong bầu khí của bữa tiệc ly. Tôi nghĩ rằng sẽ có ánh sáng cho tất cả những ai vẫn còn tin vào hiện tại và tương lai của Giáo hội chúng ta, mà sự chờ đợi lâu dài đã phá hủy bao nhiêu ước mơ.

Tác giả bài viết: G. Võ Tá Hoàng chuyển ngữ

 

Exit mobile version