Học vấn là chìa khóa của sự khai mở

40

Học vấn là chìa khóa của sự khai mở

Không ai trong chúng ta dám tự xưng mình là người biết hết mọi sự trên đời và cũng không ai trong chúng ta dám vỗ ngực cho mình là người hoàn thiện. Trước thân phận “bất thập toàn” của mình, giáo dục là chìa khóa để chúng ta được phát triển cả về nhân cách lẫn tri thức, phát triển xã hội, và chu toàn ơn gọi làm người. Để từ đó, chúng ta mới có thể góp một phần sức lực nhỏ bé của chúng ta để xây dựng và phát triển gia đình và cộng đồng nhân loại.
Để gia đình và xã hội được trở nên tốt đẹp, mỗi người tự thân phải trở nên hoàn thiện mỗi ngày bởi vì mỗi người chúng ta là một phần tử quan trọng không thể tách rời khỏi gia đình và môi trường xã hội. Theo Aristotle, cuộc sống của mỗi người chỉ có nghĩa khi cá nhân đó sống cùng và bị ràng buộc bởi cách định chế và quy chuẩn đạo đức xã hội. dCó nghĩa là, chúng ta phải có trách nhiệm chia sẽ với, và xây dưng một xã hội công bằng, văn minh bác ái.
Vậy muốn làm tròn bổn phận đó, mỗi cá nhân trước hết phải rèn luyện con người của mình và trang bị kiến thức đủ để nhận biết chính mình và sau là để nhận biết con người và thế giới xung quanh.
Biết mình là biết khả năng cũng như giới hạn của mình. Biết mình là biết chúng ta là ai, mục tiêu và lý tưởng sống là gì…. Để từ đó, chúng ta luôn ý thức trong mọi lời nói, cư xử trong mối dây liên kết xã hội, trong những phấn đấu của mình.
Trong binh pháp Tôn Tử dạy rằng: Biết người biết ta, trăm trận trăm thắng. Lời dạy này không chỉ đúng ở góc nhìn quân sự nhưng còn đúng cho mỗi cá nhân trong mọi ứng xử xã hội. Vì thế, chúng ta cần học tập để biết khai mở cái hẹp hòi, ích kỷ cá nhân, cục bộ địa phương mà đón nhận những điều mới mẽ từ bên ngoài như là nguồn gió mới mang sức sống dồi dào cho cá nhân chúng ta, gia đình chúng ta, và xã hội chúng ta. Nhưng bên cạnh đó, chúng ta cũng phải học hỏi để biết tránh, loại bỏ những luồng gió độc hại có thể gây nguy hại đến chúng ta, gia đình chúng ta, và xã hội chúng ta.
Sự nhận biết mình là ai trong tương quan xã hội sẽ giúp chúng ta hoàn thiện hơn về nhân cách ứng xử làm người: nhân, lễ, nghĩa, trí, tín…, giúp chúng ta tập được nhân đức “khiêm nhường”-nhân đức của các nhân đức.
Bên cạnh đó, để chu toàn trách nhiệm của một công dân là xây dựng một xã hội phát triển, văn minh, công bằng và bác ái, không thể không có sự hiện diện và dấn thân của những người tài đức. Vậy nên, phấn đấu để hoàn thiện cá nhân cả về đức lẫn về tài là chưa đủ nhưng phải gánh vác, chia sẽ trách nhiệm xây dựng một xã hội phát triển. Đó là trách nhiệm của mỗi chúng ta và chúng ta phải học tập, tìm tòi để hội nhập với đà tiến của xã hội hóa, toàn cầu hóa. Trước sự biến chuyển gần như chóng mặt của thế giới, chúng ta cũng phải trở mình để bắt kịp đà tiến đó nếu không sẽ bị bỏ lại đàng sau hoặc tệ hơn là sẽ bị đào thải khỏi đà tiến ấy. Một kinh nghiệm thực tế đã chứng minh cho cái nguyên lý sinh tồn ấy, là từ sau giải phóng đất nước cho đến năm 1986, nhà cấm quyền đã thực hiện chính sách “bế quan tỏa cảng”. Và chính sách này không chỉ kìm hãm sự phát triển của đất nước mà còn gần như giết chết sức sống tương lai đất nước của hơn 80 triệu dân, và hậu quả là sau hơn 25 năm đổi mới, đất nước vẫn nghèo đói và lạc hậu. Chính sự ngu muội đến phủ phàng của đường lối “trùm chăn” này đã đem lại sự nghèo đói và mất cân bằng cả về kinh tế giữa các vùng miền trong chính đất nước hình chữ S này. Giao thương trì trệ, cấm cản đã tạo ra sự nghèo đói khốn cùng bao trùm lên đời sống của người dân Việt Nam như một bóng ma vô hình bóp nát tiếng than khóc của người dân và ném nó vào cơn vô vọng sợ hãi. Bên cạnh đó, nó còn kéo hệ lụy đến đời sống tinh thần, văn hóa, và nhân cách làm người. Trong một bối cảnh xã hội mà thực hành bác ái xã hội bị cấm cách, xiềng xích hay bỏ tù thì những nhân đức cơ bản như: nhân, lễ, nghĩa, trí, tín… chẳng thể nào tồn tại nhưng ngược lại sự dối trá, lừa gạt và lạm quyền lại thi đua triển nở và phát huy như một thứ cỏ dại mọc không thể kiểm soát. Chính vì vậy, để khôi phục lại căn tính đạo đức căn bản của đời sống xã hội, của mỗi người, việc học để trang bị kiến thức đối với từng cá nhân mang tính chất quyết định đến vận mệnh của dân tộc song song với chính sách mở cửa thông thương toàn cầu.
Bên cạnh học tập để hoàn thiện bản thân, phát triển xã hội, người Ki-tô hữu xem học tập như là con đường cần thiết để làm tròn bổn phận ơn gọi nên thánh của mình. Gương Chúa Giêsu sống thầm lặng trong gia đình Na-za-rét để học biết đức vâng phục, học biết sự chia sẽ những nỗi đau trong thân phận con người, để rồi Ngài trở thành cứu cánh và hoan lạc cho toàn thế giới, vẫn còn sáng chói cho mỗi một người chúng ta.
Vậy nên, học tập là sự khẩn thiết giúp chúng ta lớn lên mỗi ngày, hoàn thiện hơn mỗi ngày trong ơn gọi làm con Chúa, người con ngoan trong gia đình và là công dân tốt, biết chu toàn bổn phận và trách nhiệm . Hơn nữa, học tập giúp chúng ta nhận ra thánh ý Chúa trong bước đường chúng ta đi hầu giúp chúng ta sống tốt với tha nhận, với chính mình trong tình bác ái. Như vậy, con đường học vấn là chìa khóa để chúng ta được phát triển cả về nhân cách lẫn tri thức, phát triển xã hội, và chu toàn ơn gọi làm người.

JB Trinh