Thinh lặng, đơn giản có nghĩa là không nói nhưng không ai dám chắc khi không nói có nghĩa là thinh lặng. Mỗi ngày bài học về thinh lặng mỗi khó. Tự hỏi tại sao vậy? Nguyên nhân nằm ở bên ngoài ta hay ở một cõi sâu thẳm nào đó trong ta?
Trong một nhịp sống không ngừng chuyển động, con người luôn cần những kỹ năng sống thật năng động… Có những vấn đề ta tưởng mình đủ khôn ngoan và nhanh nhạy để giải quyết mà không cần ngồi lại hay lặng lại. Chúa thì vô hình, còn đôi tai ta lại thích vuốt ve bởi những thứ âm thanh đến từ bên ngoài… Có lúc sự ồn ào dẫn ta đi lạc, cái nhanh khiến ta lầm lẫn…Ta cần học và tập thinh lặng ngay khi đi tìm cho mình một câu trả lời. Mà để tìm được đáp án xác đáng nhất ta cần Chúa tham vấn. Đã từ lâu Chúa luôn cố gắng làm cho con người nghe được tiếng Ngài, Chúa lịch sự và giản dị, Chúa chờ cho đến khi nào ta “thôi nói” rồi Ngài mới thủ thỉ trong thâm tâm ta. Nếu ta tin giữa hai chiều khoảng cách, ta có thể nói chuyện với một người bạn thân thương nào đó, nhờ một loại sóng vô hình không thể cầm nắm được thì tại sao ta lại khó tin khi ngồi trước Chúa với khoảng thinh lặng tưởng như trống rỗng kia?
Trong thinh lặng với Chúa, ta được yêu thương và biết phải yêu thương như thế nào? Tình yêu đời Dâng Hiến thật lặng lẽ nhưng cũng thật bền bỉ nhờ những phút giây liên lỉ như thế.
Lạy Chúa !
Con cảm tạ Chúa đã lôi cuốn chúng con đến chỗ gần gũi với Ngài trong thinh lặng của những phút giây cầu nguyện. Chúng con thường mang trong mình cái khuynh hướng an toàn và tự tại trên lãnh thổ của riêng mình với “trăm công ngàn việc. Xin lôi chúng con ra khỏi những ồn ào náo nhiệt của cuộc sống thường hằng để chui vào khoảng không tràn đầy thinh lặng, con biết ở đó không trống rỗng vì Chúa nói con nghe và Ngài nghe con nói. Cám ơn Ngài vì những phút giây hồng phúc như thế…Amen.
Anna Bích Hạt, Học viện MTG Thủ Đức