Học Sinh Khiếm Thị Nhật Hồng Tham Gia Ngày Cây Gậy Trắng Lần Thứ Ba Tại Việt Nam

65

DSC04544[1]

Với chủ đề “VUI BƯỚC CÙNG GẬY TRẮNG”, Ngày Cây Gậy Trắng đã diễn ra trong bầu khí sôi động. Sáng thứ bảy ngày 19 tháng 10 năm 2013, từ 8-10g45, tại sân trường khu C của Đại Học Khoa Học Xã Hội Nhân Văn, cơ sở Linh Trung, Thủ Đức, ngày hội Cây Gậy Trắng lần thứ ba được tổ chức. Tham gia ngày hội, có 50 bạn trẻ khiếm thị và đại diện ban giám đốc của Trung Tâm Khiếm Thị Nhật Hồng và Mái Ấm Khiếm Thị Thiên Ân, cô Nguyễn Thị Thanh Hương, phóng viên báo Sài Gòn Times trưởng ban tổ chức, cô Bùi Thị Thanh Tuyền, giảng viên khoa Công Tác Xã hội – Đại hội Khoa Học Xã Hội và Nhân Văn (ĐHKHXHNV), và khoảng 200 bạn sinh viên khoa Công tác xã hội của ĐHKHXHNV.

Ngày Cây Gậy Trắng (15-10) được bắt nguồn từ Mỹ vào thập niên 30s, và hằng năm ngày này được tổ chức nhiều nơi trên thế giới nhằm nêu cao nhận thức cho cộng đồng về vai trò của cây gậy trắng trong cuộc sống người khiếm thị. Đối với người khiếm thị, bạn Nguyễn Thị Bích Tiền, 15 tuổi, học sinh khiếm thị của Nhật Hồng cho biết “cây gậy trắng là người bạn của người khiếm thị. Nó không chỉ giúp cho người khiếm thị định hướng và di chuyển an toàn hiệu quả trong không gian, mà còn là dấu hiệu cho người sáng mắt biết người đang sử dụng cây gậy ấy là người mất thị giác”. Ngày cây gậy trắng tại Việt Nam là thao thức và thành quả tinh thần mà người thầy quá cố Lê Dân Bạch Việt (qua đời tháng 1 năm 2011 vì bệnh ung thư) và các bạn trong nhóm chuyên gia ĐHDC. Thầy Bạch Việt, cũng là một người khiếm thị, thầy kể lại một kinh nghiệm thất bại về việc dùng gậy trong định hướng di chuyển trong một bài báo như sau: hai học trò cũ của thầy đi từ miền Tây lên thăm thầy ở Sài gòn ngày 20-11, trên đường về đã bị xe tải cán chết vì không dùng gậy và không có kĩ năng định hướng di chuyển.

Việc sử dụng hiệu quả cây gậy trắng là một nghệ thuật, đòi hỏi người khiếm thị phải được học cách sử dụng với một chuyên gia định hướng di chuyển (ĐHDC). Hiện nay, tại Nhật Hồng các học sinh được học ĐHDC từ 1-2 giờ/tuần. Thầy Hoàng Văn Tuấn, 67 tuổi, giáo viên Định hướng di chuyển của Trung Tâm Nhật Hồng đã chia sẻ “Môn ĐHDC được bắt nguồn sau thế chiến thứ hai tại Mỹ, nhưng chỉ được du nhập vào Việt Nam từ năm 1967. Ông Rodney Kossick, một thạc sĩ ĐHDC tốt nghiệp trường Western Michigan University đã đào tạo cho một số người trong một năm”. Thầy Tuấn là một trong những học viên đầu tiên này. Thầy cho biết “để có thể học được các kĩ năng về ĐHDC, các học viên phải bịt mắt để cảm nghiệm những khó khăn của người khiếm thị trong việc ĐHDC”.

Một bạn đến từ mái ấm Thiên Ân cho biết “trước đây bạn rất ngại sử dụng cây gậy trắng vì không muốn bị cho là mình “khác” với mọi người, và những khi đi đường bạn thường hay bị người sáng mắt đâm sầm vào, có khi còn bị mắng “bộ không thấy sao?” nhưng khi học về cách sử dụng gậy, bạn cảm thấy rất tự tin và không còn bị mọi người xung quanh cằn nhằn nữa”.

Việc nêu cao nhận thức cho cộng đồng xã hội được đẩy lên cao trào qua phần trò chơi Đi Tìm Ẩn Chữ và tiết mục nhảy Flashmob. Trong phần trò chơi, các bạn khiếm thị đọc câu hỏi bằng chữ braille, và các bạn sinh viên sáng mắt sẽ đưa ra đáp án. Những câu hỏi như khi giao tiếp với người khiếm thị bạn cần phải làm gì? Khi hướng dẫn một người khiếm thị trong bàn ăn bạn cần làm sao? Các nguyên nhân dẫn đến tình trạng khiếm thị tại Việt Nam? Các môn thể thao người khiếm thị có thể tham gia… Tiết mục nhảy Flashmob của 30 bạn khiếm thị và 30 bạn sinh viên đã được tập luyện rất công phu với phần nhạc nền bài Việt Nam Ơi. Các bạn khiếm thị nhảy với gậy trên tay. Để có thể nhảy được với gậy, các bạn sinh viên đã phải đến hai cơ sở mái ấm và trung tâm để tập cho các bạn khiếm thị trong bốn ngày chúa nhật liên tục. Qua bài nhảy này, các bạn đã muốn gửi đến cộng đồng xã hội thông điệp rằng cây gậy trắng là người bạn đồng hành của người khiếm thị, giúp cho người khiếm thị tự tin trong việc đi lại và sinh hoạt một cách tự lập hơn.

Ngày hội khép lại để lại trong các bạn nhiều niềm vui. Hi vọng qua ngày hội này, cộng đồng xã hội sẽ nâng cao nhận thức về hình ảnh người khiếm thị với cây gậy trắng. Riêng với người khiếm thị, họ sẽ không còn ngần ngại khi sử dụng gậy đi đường nữa.

Gót chân

DSC04645[1]    DSC04592[1]

DSC04649[1]    DSC04655[1]

   DSC04662[1]DSC04671[1]