Học nhỏ để sống lớn
Chút suy tư nhân ngày lễ Cầu nguyện cho ơn Thiên Triệu nam nữ tu sĩ
Một ngày nọ, vào năm 1975, ngay giữa chợ trời tấp nập người qua lại nơi cuối đường Trương Minh Ký, Sài Gòn, thi sĩ “điên” Bùi Giáng thong thả bước đến một cửa hàng bán phụ tùng xe đạp cũ, lặng lẽ vơ lấy cái “ghi đông” xe rồi tỉnh bơ bỏ đi như không có chuyện gì xảy ra. Thế là, bà chủ cửa hàng hoảng hốt, tức tốc chạy nhào ra đường, la toáng um sùm nhờ thiên hạ bắt “cái thằng ăn cắp.” Chẳng cần ai đến bắt, ông bình thản đi trở lại để trả cái ghi-đông vào chỗ cũ và từ tốn nói: “Bà con thấy chưa, mất tất cả… mà phải câm, thế mà mất có cái ghi-đông thì la rầm trời! Kỳ khôi quá!”
Ồ! Nghĩ kỹ lại cũng nực cười cho phận kiếp người, nhưng sâu sa cũng thấy đáng thương làm sao ấy! Con người vẫn thường hoảng hốt hay giận dữ khi bị người khác lấy đi những cái “ghi-đông” của mình, hoặc có người suốt cả cuộc đời chỉ lo thu lượm mấy cái “ghi-đông”, và sẽ trở thành giống như con trẻ thét rống lên khi bị chúng bạn giật lấy cây cà rem trên tay nó. Thế giới của người lớn, hiểu theo cách nào đó, cũng chẳng khác gì trẻ con. Người lớn cũng có những trò chơi cho riêng mình, cũng muốn chơi, cũng muốn thay đổi những món lạ, món mới… như xe mới, nhà mới, công việc mới, quần áo mới, đầu tóc mới, tương quan mới, và thậm chí, cả vợ mới, chồng mới… Nếu không được toại nguyện thì bực dọc, điên tiết… Tại Bắc Ninh (Miền Bắc) Việt Nam vừa qua, một ông chồng đã lấy búa đập liên tiếp vào đầu vợ khiến vợ chết ngay lập tức chỉ vì vợ không cho ông đi hát quan họ. Một người anh ở Vĩnh Long đã giết đứa em gái chỉ vì một miếng cá bị mất trên mâm cơm… Rồi nhiều cái chết, nhiều xung đột vẫn đang xuất phát từ những nguyên nhân rất bé nhỏ, thậm chí rất nực cười. Xét cho cùng, nếu có dịp dừng chân lại một chút để ngắm nhìn thế giới người lớn, chúng ta không khỏi buột miệng cười thầm, hay bật tiếng ha… ha… vì hình như mọi cử chỉ, lời nói đều rất trẻ con! Các nhà nghiên cứu tâm lý học ngày nay cũng cho thấy điều đó.
Nhưng, nếu quan sát thật sự thế giới của trẻ con, thì hình như chúng ta không khỏi giật mình, vì xem ra trẻ con lại dạy người lớn chúng ta rất nhiều bài học vô giá thì phải.
Dành trọn một buổi chiêm ngắm bầy trẻ đang nô đùa tung tăng cùng nhau, chúng ta không khỏi cảm thấy xấu hổ khi nhìn lại bản thân người “lớn” của mình. Người lớn chúng ta không sống được như chúng. Người lớn chúng ta đang rất nghiêm nghị, đang rất đạo mạo, đang rất ư là trầm trọng hóa vấn đề. Chỉ khi chúng ta trở thành cụ ông cụ bà thì mới thấm thía cái lẽ tương đối trên cõi đời này! Vậy mà chúng ta vô minh hoang phí cả đời để trở thành người càng lớn càng tốt, càng muốn là người lớn thì chúng ta lại càng phải hết mình hết trí khôn để diễn trọn vai nghiêm túc và trầm trọng.
Thế giới của người lớn chúng ta đang quá nặng nề và căng thẳng! Nhất là những ai làm lớn một chút, thường hay trầm trọng hóa mọi vấn đề, vì vậy người làm lớn thường “phải bận” suốt, cho dù có đi nghỉ ngơi cũng nói là bận việc, là không có thời gian… Chẳng có giám đốc nào, bác sĩ nào, nhân viên cao cấp nào, hay một cha xứ nào dám treo bảng nơi làm việc của mình là “tạm đóng cửa một tuần để xả hơi.” Thì ra nghỉ ngơi là một tội, thì ra nghỉ phép đi du lịch là không ổn…! Cũng như là thông lệ khi những ai đã làm ra nhiều tiền thì càng “phải bận bộn”. Ngày nay, khi quan sát khắp nơi, hầu hết con người sống và đánh giá nhau theo hiệu năng và hiệu quả. Người càng làm ra nhiều tiền càng có tiếng nói, là tiếng nói mà có vẻ như “luật bất thành văn” vốn hầu hết mọi người hoan hô vỗ tay, cho dù tiếng nói ấy rất tầm thường hoặc thậm chí vô cùng sáo rỗng. Cũng thế, con người vẫn đang chọn bạn mà chơi, chọn đối tác mà làm ăn theo não trạng sàng lọc như thế. Thấy rõ nhất là trong một nơi làm việc mà có nhiều sắc tộc khác nhau, chúng ta sẽ thấy rõ trắng chơi với trắng, đen nói chuyện với đen, mũi tẹt quây quần cùng mũi tẹt… Ngay cả trong các nơi thờ phượng tôn giáo – nơi để yêu thương đại đồng, để hiệp nhất cầu nguyện – cũng không tránh được sự phân biệt nào đó nơi các tín đồ. Nếu vậy, trong Kinh Lạy Cha, thì phải đọc là “Lạy Cha của con ở trên Trời” và Kinh Lạy Cha sẽ không còn cầu nguyện với một Cha duy nhất nữa, mà sẽ nhiều “Cha ở trên Trời“!
Sân chơi ở trường tiểu học là trường dạy cho người “lớn” nhiều bài học vô giá. Nơi đó, các trẻ em dù với các màu da trắng đen vàng nâu đều đùa vui và tung tăng cùng nhau một cách hồn nhiên vô tư. Còn sân chơi của người “lớn” thì chẳng phải là sân chơi thật sự, nhưng mà là những chiếc mặt nạ che đậy cả khối hiềm tỵ, cạnh tranh, tiêu diệt, thống trị, danh lợi,… Trẻ con không phân biệt, không nghiêm túc và đạo mạo như người lớn. Thế giới của chúng là vui nhộn và hồn nhiên hiệp nhất. Chúng không ý niệm kẻ thù. Ai biết vui đùa đều có thể là bạn của chúng. Hình như người “lớn” không có can đảm như trẻ con, vì chúng có sao nói vậy, chúng nghĩ sao tỏ bày ra thế, chúng có thể chơi với rắn, bò cạp mà không bị giết chết!
Thế giới người lớn ngày nay đang gặp quá nhiều trục trặc, quá nhiều những con người lủng củng do “phản ứng phụ” của nền khoa học kỹ thuật hiện đại gây ra, nên con người cứ phải vừa thúc đẩy hiện đại hóa tất cả nhưng đồng thời cũng vẫn chữa lành theo kiểu đắp vá những lỗ hổng do chính sự hiện đại đó nảy sinh. Chẳng hạn, càng có nhiều bộ máy cao cấp, càng nảy sinh nhiều căn bệnh thể lý và tinh thần kéo theo, như cell-phone, Ipad, vi tính, máy điều hòa nhiệt độ…
Thiết tưởng, bài thơ Nơi Gặp Gỡ Tuyệt Diệu của Trẻ Em của đại thi hào Ấn Độ Rabindranath Tagore xem ra càng lúc càng là bài học thức tỉnh cho người lớn hôm nay:
Trẻ em gặp nhau trên bờ biển của các thế giới mênh mông vô tận.
Bên trên, bầu trời bao la, trong xanh và bất động. Bên dưới, nước không ngừng chuyển động lao xao. Trên bờ biển của các thế giới mênh mông vô tận, trẻ em gặp nhau, chạy nhảy và la giỡn.
Chúng xây những ngôi nhà cát và chơi với những vỏ sò trống rỗng. Chúng kết những chiếc lá úa thành những con thuyền và vui cười thả trên biển bao la. Trẻ em chơi trên bờ biển của các thế giới mênh mông vô tận.
Chúng không biết bơi, cũng chẳng biết quăng lưới. Những người thợ lặn xuống biển mò ngọc trai, còn những nhà buôn xuôi ngược tàu thuyền, trong khi trẻ em lượm những hòn sỏi rồi lại ném đi. Chúng không tìm kiếm kho báu, cũng chẳng biết quăng lưới.
Biển dâng lên thành tiếng cười rộ, còn bãi cát ánh lên nụ cười. Sóng dữ ì ầm những khúc hát vô nghĩa như tiếng hát ru của người mẹ lúc đưa nôi. Biển chơi đùa với trẻ em, còn bãi cát ánh lên nụ cười.
Trẻ em gặp nhau trên bờ biển của các thế giới mênh mông vô tận. Bão tố lang thang trên bầu trời không lối, thuyền bè bị đánh đắm trên biển cả không đường. Thần tử ở khắp nơi, còn trẻ em cứ mải chơi đùa. Trên bờ biển của các thế giới mênh mông vô tận là nơi gặp gỡ tuyệt vời của trẻ em (Rabindranath Tagore – Gitanjali).
Con trẻ vui đùa với những nhà cát chúng làm ra, chúng múa nhảy hát ca chung quanh những thành quả của chúng, thế rồi chợt một cơn sóng ập đến và chỉ tích tắc chỗ ấy trở thành là một bãi cát phẳng lỳ không một dấu hiệu của thành quả nào nữa. Rồi bọn trẻ òa lên cười vui và lại cúi xuống xây tiếp… Biết rằng chỉ là dã tràng xe cát biển đông, nhưng bọn trẻ vẫn vui đùa và thật hạnh phúc bên thành quả “dã tràng” ấy. Trong khi chúng hòa nhập vào thiên nhiên, vào những gì là sức sống trời cho thì người lớn lại hòa nhập vào thế giới của sự chết, là những máy móc đang không ngừng phát ra các loại sóng điện tử, từ trường và những bức xạ xấu. Từ đây, vì thế, người lớn chẳng còn nhạy cảm về những sinh linh bé nhỏ đang làm tổ trên cành cây, chẳng còn rung động trước ngọn cỏ đang cúi rạp xuống cơn gió thoảng, chẳng còn ngạc nhiên trước một con kiến đang vác đồng loại trên miệng để đưa về tổ… Thế rồi, dĩ nhiên sẽ không còn cảm động trước một giọt máu đang lớn dần thành người mỗi phút giây trong dạ mẹ…!
Trẻ thơ là đùa vui. Đùa vui có nghĩa là quên quá khứ và dừng nghĩ về tương lai. Vậy, đùa vui chính là sống hiện tại. Trong bữa cơm gia đình nọ, khi mọi người lớn đang tranh luận về đề tài: “Ai sẽ là người ứng cử tổng thống Mỹ nhiệm kỳ tới?” Cuộc tranh luận rất sôi nổi và thậm chí có những lúc gay cấn. Tất cả mọi ý kiến và dự đoán đều xoay quanh về chiến tranh I-rắc, về kinh tế Mỹ vừa qua, về những cuộc bạo động hay khủng bố Tòa Tháp Đôi… Phút chốc, bầu khí trong bữa ăn trở nên căng thẳng và xung đột. Bất ngờ, một cậu bé 4 tuổi từ ngoài vườn, hai bàn tay ôm cẩn thận một chó con đang ngủ, chạy vào đến bên cha cậu đang tranh luận tại bàn ăn: “Ba ơi, Baby bị bệnh rồi!” Thế là, giờ đây cậu trở thành sự chú ý của tất cả mọi người lớn. Và đề tài là cậu bé và con chó đang bệnh. Cậu bé 4 tuổi như trở thành bậc thầy đưa tất cả người lớn về với quà tặng sự sống, về với hiện tại.
Vâng! Nghiệm lại trong một ngày sống, chúng ta thường nói nhiều hơn, tranh cãi nhiều hơn, phê phán nhiều hơn… nhưng lại rất ít hoặc không có giờ để chiêm ngắm, để quan sát, để chiêm niệm, và để thinh lặng. Có lẽ người lớn chúng ta cũng cần dành cho cuộc đời mình những thời khắc lắng đọng như dòng nhạc với những dấu lặng làm cho nội dung bản nhạc thêm sâu lắng và chuyển tải những gì nhạc sĩ mong muốn. Một bản nhạc không có dấu lặng hay những bài hát liên khúc sẽ chỉ là những tiếng ồn tra tấn làm cho thính giả thêm mệt mỏi và dễ khùng điên. Đúng vậy, thời đại hôm nay chính là bài “hét” liên tục không có dấu chấm nghỉ!
Đã đến lúc, mỗi người lớn chúng ta tạm dừng chân đôi chút, dù đang quằn qụai giữa dòng thác cuồn cuộn của cơm áo gạo tiền, của tranh đua hơn thiệt, để trở về với cõi thật – là quê nhà ấm êm và chất chứa ngập tràn yêu thương mà ai ai khi đã làm người cũng đều khát khao. Tạm dừng nghỉ làm người lớn trong phút chốc, để thấy được cái lung linh dịu vợi của quà tặng Thiên Chúa đang diễn ra từng giây phút cho hết thảy mọi người trên hành tinh này, mà bao lâu nay chúng ta đã đánh mất hoặc không muốn nhìn thấy, đó là Thiên Chúa – Chúa Tể Đất Trời – đang rất lặng lẽ ở với nhân loại qua cử chỉ giản dị và sâu lắng, là Bữa Tiệc Bẻ Bánh, Ngài đang mong mỏi nuôi sống con người vốn đói khát từ thẳm sâu lòng mình. Chỉ có Ngài, Đấng mới có thể lấp đầy mọi nỗi trống vắng lòng người, mới có thể làm no thỏa cơn đói khát khôn nguôi của kiếp nhân sinh.
Lạy Chúa Giêsu, hơn lúc nào hết, xin cho thế giới ngày hôm nay cảm nhận được quà tặng dịu vợi nhất trên tất cả mọi quà tặng và vinh quang trần gian, đó là Chúa trở thành Thịt và Máu qua tấm bánh nhỏ bé đơn sơ sau khi đôi bàn tay linh mục đọc lời truyền phép.
Vâng, lạy Cha chúng con ở trên trời, hãy thương xót tất cả chúng con vì cuộc khổ đau của Chúa Giêsu, để chúng con nhận ra rằng thế giới đang càng ngày bất ổn và có nhiều lủng củng trên mọi bình diện cuộc sống, do con người thời đại đang xây cho mình những “xe cát biển đông”, đang nắm giữ và bảo vệ những chiếc “ghi-đông” của đời mình, do càng ngày con người hôm nay đang làm cho mình “lớn” dần, không còn muốn chân nhận giá trị vô giá và cao cả – trong hình ảnh thật là khiêm cung nhỏ bé là nam nữ tu sĩ – của ơn gọi thánh hiến và ơn gọi làm cho bánh và rượu trở thành Mình và Máu Thánh Chúa, để dưỡng nuôi hành tinh vốn đang quằn quại trong cơn đói khát sự sống trường sinh.
“Bà con thấy chưa, mất tất cả… mà phải câm, thế mà mất có cái ghi đông thì la rầm trời! Kỳ khôi quá!”
Thương lắm, những con người “lớn” ngày hôm nay!
Xin Cha thương xót chúng con và toàn thế giới, để quà tặng của Cha vẫn ở mãi với hành tinh chúng con qua ngày càng thêm nhiều bạn trẻ nam nữ can đảm sống đời thánh hiến. Amen.
Lm. Raphael Amore Nguyễn