Học cách làm thơ – âm thanh và nhịp điệu

13

 ÂM THANH VÀ NHỊP ĐIỆU

(Hình thức của bài thơ)

Lm TRĂNG THẬP TỰ

Bất cứ bài văn hay bài thơ nào cũng có nội dung và hình thức. Với một bài thơ, nội dung chính là ý thơ và tứ thơ (hình ảnh diễn tả), còn hình thức là âm thanh, nhịp điệu và bố cục. Bài này xin giới thiệu vài nét về âm thanh và nhịp điệu, cụ thể là vần và thể thơ. Về nội dung và bố cục sẽ nói trong những bài sau.

1. VẦN

– Âm: Ghép từ các nguyên âm (kèm cả phụ âm)

– Thanh: Bằng và trắc

          . Bằng: Không dấu và dấu huyền.

          . Trắc: Sắc, Nặng, Hỏi, Ngã.

– Bằng ăn vần với bằng, trắc ăn vần với trắc

– Ví dụ: + a, à (vần bằng)

           á, ả, ã, ạ (vần trắc)

           + an, àn (vần bằng)

           án, ản, ãn, ạn (vần trắc)

           + ấp, ập (chỉ có vần trắc)

           + uyết, uyệt (chỉ có vần trắc)

2. CÁC THỂ THƠ TRUYỀN THỐNG

– Nói lối hoặc vè mỗi câu 3 chữ, 4 chữ

– Trường thiên 5 chữ

– Lục Bát (câu 6 chữ, câu 8 chữ)

– Song Thất Lục Bát (2 câu 7 chữ, 1 câu 6, 1 câu 8)

– 8 câu 7 chữ, 8 câu 5 chữ luật đời Đường

– 4 câu 7 chữ, 4 câu 5 chữ luật đời Đường

– Hát nói: Số chữ trong câu không nhất định

3. CÁC THỂ THƠ MỚI

Vận dụng từ các thể thơ trên đây theo cảm hứng riêng của tác giả. Cụ thể là:

+ Thơ trường thiên 5 chữ

+ Thơ trường thiên 6, 7, 8 chữ hoặc 9 chữ – thông thường nhất là 8 chữ

+ Thơ 5 chữ từng đoạn 4 câu

+ Thơ 6, 7, 8 hoặc 9 chữ từng đoạn 4 câu – thông thường nhất là 7 chữ

+ Thơ tự do

4. CÁCH GIEO VẦN

– Nói lối mỗi câu 3 chữ (vần cuối câu):

Tê-rê-xa

Người bạn quí

Em mến Chị

Sống đơn sơ

Thuở còn thơ

Đã nên thánh

– Nói lối hoặc vè mỗi câu 4 chữ (vần cuối câu và giữa câu)

Dung dăng dung dẻ

Lũ trẻ đi đâu

Lũ trẻ dắt nhau

Đứa sau đứa trước

Đi tìm cho được

Là nước thiên đàng.

(so sánh: hô lô tô, sớ táo quân)

– Thơ trường thiên 5 chữ (vần cuối câu, từ câu thứ 2, một cặp bằng, một cặp trắc, khi có thể được còn gieo cả vần giữa câu):

Cây lành sinh trái ngọt

Đất thánh trổ người hiền

Trên quê hương Phú Yên

Có anh hùng tuổi trẻ

Dâng đời làm của lễ

Cho rạng rỡ danh Cha

Từ thuở dân tộc ta

Đang trên đà Nam tiến.

Vào những ngày chinh chiến

Thời vua Lê Thần Tông

Chúa Nguyễn ở Đàng Trong

Mở rộng dần đất nước.

Khi đoàn quân tiến bước

Đến non nước Phú Yên,

Nhiều tín hữu trung kiên,

Cũng theo chân lập nghiệp.

(Trường Ca Anrê Phú Yên)

– Thơ trường thiên 6, 7, 8 chữ: vần liền (như thơ trường thiên 5 chữ)

Ngài ở đây trong phận người bé nhỏ

Trong tim người luôn sáng tỏ lời yêu

Ngài ở kia bên trong những túp lều

Đời khốn khổ nhưng tình yêu chan chứa.

Ngài ở kia trong vạn ngàn đóm lửa

Thắp tin yêu ai mở cửa ân tình

Ngài ở đây trong những cánh hoa xinh

Toả ngàn hương cho bình minh đẹp mãi (Hạt Bụi)

– Thơ 5, 6, 7, 8 chữ từng đoạn 4 câu:

. Vần thơ Đường: cuối các câu 1, 2 và 4

Đêm nay Noel về

Hồn hỡi lắng tai nghe

Đàn muôn cung réo rắt

Dồn dập khắp sơn khê. (Xuân Ly Băng)

. Vần thơ Đường: cuối các câu 2 và 4

Nay mơ ngày tuyệt hảo

Xuân chín chỉ vì hương

Thơ dâng làm của lễ

Bát ngát màu yêu thương. (Nguyên Mai)

. Vần tréo: 1 với 3, 2 với 4

Nhưng kìa một bóng trắng

Thoăn thoắt theo nhịp thơ

Khuôn mặt tròn tươi tắn

Em nhoẻn cười “Ma Soeur”! (Hàn Lệ Thu)

. Vần ôm: 1 với 4, 2 với 3 (thường trắc xen bằng)

Lặng lẽ trên đường lá rụng mưa bay

Như khêu gợi nỗi nhớ nhung thương tiếc

Những cảnh với những người đã chết

Tự bao giờ còn phảng phất đâu đây! (Vũ Đình Liên)

. Vần liền: 1 với 2, 3 với 4 (ít người dùng)

– Thơ Lục Bát:

Tháng ngày nước chảy mây trôi,

Nửa năm thấm thoát như hồi trống canh.

Ga-li nước biếc non xanh,

Thành Na-da-rét thơm danh một nhà.

Có Trinh Nữ đẹp như hoa,

Trắng ngà, trong ngọc nết na dịu dàng.

Maria mỹ danh Nàng

  Vốn dòng vương giả, thuộc hàng trâm anh.

Trăng tròn mười sáu xuân xanh,

Xinh tươi như sắc mây lành rạng đông.

(Nguyễn Xuân Văn, Sứ điệp tình thương)

          . Chỉ dùng vần bằng mà thôi.

          . Chữ cuối câu 6 ăn vần với chữ thư 6 câu 8.

          (Đôi khi chữ cuối câu 6 ăn vần với chữ thứ 4 câu 8 – Trong trường hợp này, chữ thứ 6 sẽ mang thanh trắc).

          . Chữ cuối câu 8 ăn vần với chữ cuối câu 6 kế tiếp.

          . Trong câu 8, chữ thứ 6 và chữ thứ 8 đều thanh bằng cả, nhưng phải thay đổi một chữ dấu huyền và chữ kia không dấu.

– Thơ Song Thất Lục Bát:

Lạy Chúa con thờ, muôn lạy Chúa,

Ngài nỡ lòng ruồng bỏ con sao?

Dù con thảm thiết kêu gào,

Nhưng ơn cứu độ nơi nao xa vời!

Ngày kêu Chúa, không lời đáp ứng,

Đêm van Ngài mà cũng chẳng yên.

Thế nhưng Chúa ngự nơi đền,

Vinh quang của Israel là Ngài. (Tv 21/22,2-4)

          . Từng đoạn 4 câu: 7, 7, 6 rồi 8 chữ

          . Chữ cuối câu bảy thứ nhất thanh trắc, ăn vần với chữ thứ 5 (hiếm khi với chữ thứ 3 hoặc thứ 4) câu bảy thứ hai.

          . Chữ cuối câu 7 thứ hai thanh bằng, ăn vần với chữ cuối câu 6

          . Chữ cuối câu 6 ăn vần với chữ thứ 6 câu 8

          . Chữ cuối câu 8 ăn vần với chữ thứ 5 của câu bảy kế tiếp

– Thơ Tự Do:

Tôi bước vào khuôn viên nhà thờ

Máng chiếc áo đời người trên nóc chuông

treo chiếc túi vào một cành tùng

đặt cuốn sách tôi viết

cuốn sách tôi đọc

dưới một phiến đá

gọi tên tôi ra

cài vào chiếc lá phong

phủi hạt bụi trên vai

Tất cả sau cánh cửa

Tôi bước vào nhà Chúa

rất lạ lùng và rất tinh khôi (Trần Mộng Tú, Chúa và tôi)

5. RÚT KINH NGHIỆM NHẠC TÍNH CỦA BÀI THƠ ĐƯỜNG

Trước kia các nho sĩ của ta thường làm thơ Đường. Về nội dung, nó đòi chọn lọc kỹ (xem ở bài viết về bố cục). Về hình thức, mỗi bài thơ có 8 câu 7 chữ 5 vần theo luật bằng trắc sít sao theo luật thơ đời Đường bên Tàu.

Ai cũng biết bài Qua Đèo Ngang của Bà Huyện Thanh Quan. Ta có thể lấy làm chuẩn để tìm ra chìa khóa luật thơ Đường:

Bước tới Đèo Ngang, / bóng xế tà,

Cỏ cây chen đá, / lá chen hoa

Lom khom dưới núi, / tiều vài chú

Lác đác bên sông, / rợ mấy nhà

Nhớ nước / đau lòng con quốc quốc.

Thương nhà/ mỏi miệng cái gia gia.

Dừng chân đứng lại / trời, non, nước,

Một mảnh tình riêng / ta với ta.

Khung luật

Chữ 1 Chữ 2 Chữ 3 Chữ 4 Chữ 5 Chữ 6 Chữ 7
Câu 1 T T B B t T Bvần
Câu 2 b B T T t B Bvần
Câu 3 b B t T b B T
Câu 4 T T b B t T Bvần
Câu 5 T T b B b T T
Câu 6 b B t T t B Bvần
Câu 7 b B t T b B T
Câu 8 T T b B t T Bvần

Chữ thứ hai câu đầu của bài trên đây thanh trắc (bước tới), khung luật này được gọi là luật trắc. Nếu chữ thứ hai câu đầu thanh bằng, trong bài Thu Điếu của Nguyễn Khuyến (ao thu), khung luật sẽ như sau và được gọi là luật bằng. Để ý, sẽ thấy nhịp nhạc trầm bổng (bằng trắc) trong hai khung luật được sắp xếp theo kiểu một công thức toán học.

Ao thu lạnh lẽo nước trong veo

Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo.

Sóng biếc theo làn hơi gợn tí

Lá vàng trước gió khẽ đưa vèo.

Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt,

Ngõ trúc quanh co khách vắng teo.

Tựa gối ôm cần lâu chẳng được

Cá đâu đớp động dưới chân bèo.

Chữ 1 Chữ 2 Chữ 3 Chữ 4 Chữ 5 Chữ 6 Chữ 7
Câu 1 b B t T b B Bvần
Câu 2 T T b B t T Bvần
Câu 3 T T b B b T T
Câu 4 b B t T t B Bvần
Câu 5 b B t T b B T
Câu 6 T T b B t T Bvần
Câu 7 T T b B t T T
Câu 8 b B t T t B Bvần

Trong mỗi câu trên đây, về bằng trắc của các chữ trong câu, một ba năm không kể, hai bốn sáu rõ ràng. Về nhạc, các chữ hai, bốn, sáu giữ vai trò những nhịp mạnh.Chữ thứ bảy là nhịp mạnh cuối câu, buộc theo đúng bằng trắc, riêng chữ cuối các câu 1, 2, 4, 6 và 8 phải cùng một vần (âm thanh).

Quan sát kỹ, bạn sẽ thấy:

1. Thanh bằng trắc của các chữ thứ hai, tư và sáu (nhịp mạnh) lần lượt xen nhau: trắc – bằng – trắc, hoặc bằng – – trắc – bằng.

2. Đối chiếu các cặp 1-2, 3-4, 5-6, 7-8, thanh bằng trắc của các nhịp mạnh ngược nhau.

3. Đối chiếu các cặp 2-3, 4-5, 6-7, 8-1, thanh bằng trắc của các nhịp mạnh như nhau.

4. Nắm được tính toán học của ba kết luận trên đây, chỉ cần nhớ câu đầu của hai bài thơ trên, sẽ tái lập được hai khung luật trên đây.

5. Muốn có khung luật của bài thơ ngũ ngôn bát cú (8 câu 5 chữ), chỉ cần cắt bỏ hai chữ đầu của mỗi câu:

Đèo Ngang, / bóng xế tà,

Chen đá, / lá chen hoa

Dưới núi, / tiều vài chú

Bên sông, / rợ mấy nhà

Đau lòng con quốc quốc.

Mỏi miệng cái gia gia.

Đứng lại / trời, non, nước,

Tình riêng / ta với ta.

Khung luật sẽ thành:

Chữ 1 Chữ 2 Chữ 3 Chữ 4 Chữ 5
Câu 1 b B t T Bvần
Câu 2 t T t B Bvần
Câu 3 t T b B T
Câu 4 b B t T Bvần
Câu 5 b B b T T
Câu 6 t T t B Bvần
Câu 7 t T b B T
Câu 8 b B t T Bvần

Những quy định chặt chẽ về hình thức và nội dung như trên của thơ Đường khiến tác giả bị gò bó, khó diễn tả được những tâm tình dạt dào cách hồn nhiên. Vì thế từ năm 1930 tại Việt Nam đã phát sinh phong trào thơ mới phỏng theo thơ Pháp, không giới hạn về câu, về chữ, không phải đối cũng không cần giữ niêm luật, còn về vần thì có thể đa dạng như đã nói trên.

Tuy nhiên, những người đi đầu phong trào thơ mới đều đã học qua thơ cũ. Do đó, họ vừa vượt ra ngoài khuôn khổ cũ, vừa tận dụng nhạc tính của luật thơ Đường cách sáng tạo.

 Bài Thánh Nữ Đồng Trinh Maria của Hàn Mạc Tử là bài thơ 8 chữ vần liền. Thử lấy 8 câu đầu, xóa bớt những chữ đầu câu, ta sẽ thấy nhịp trầm bổng của 8 câu (nhịp mạnh) gần giống hệt nhịp trầm bổng của bài Qua Đèo Ngang:

(Như) song lộc triều nguyên ơn phước cả

(Dâng) cao dâng thần nhạc sáng hơn trăng

Thơm (tho) bay cho đến cõi Thiên Đàng

(Huyền) diệu biến thành muôn kinh trọng thể

(Và) Tổng lãnh Thiên thần quỳ lạy Mẹ

(Tung) hô câu đường hạ ngớp châu sa

(Hương) xông lên lời ca ngợi sum hòa

(Trí) miêu due của muôn vì rất thánh.

Chỉ riêng ở câu thứ bảy nhịp mạnh thứ hai lùi lại một chữ (ngợi) và chữ áp chót thành nhịp yếu.

Ngược lại, chỉ cần thêm một chữ vào đầu các câu thơ của Bà Huyện Thanh Quan, ta có một bài thơ mới

(Ta) bước tới/ Đèo Ngang, / bóng xế tà,

(Thấy) cỏ cây/ chen đá, / lá chen hoa

(Kìa) lom khom/ dưới núi, / tiều vài chú

(Nọ) lác đác/ bên sông, / rợ mấy nhà

(Bởi) nhớ nước/ đau lòng/ con quốc quốc.

(Vì) thương nhà/ mỏi miệng/ cái gia gia.

(Ai) dừng chân/đứng lại/ trời, non, nước,

(Này) một mảnh/ tình riêng / ta với ta.

Sau cùng,  trở lại kinh nghiệm số 1 trên đây, ngoại trừ các câu thơ lục bát, trong mọi câu thơ ta nên liệu cho các nhịp mạnh trầm bổng lần lượt xen nhau: trắc – bằng – trắc, hoặc bằng – trắc – bằng. Có thể cho hai nhịp liền nhau (nếu một nhịp có dấu huyền và một nhịp không dấu, vẫn khác độ trầm bổng); nên tránh hai nhịp trắc liền nhau.