Hoàn thiện – Đừng bỏ cuộc!

60

Hôm trước, tôi có cuộc thảo luận với con gái về con đường dài để nên thánh. Con gái tôi đã có một ngày khó khăn. Chúng tôi vừa dành ba tuần để về thăm gia đình ở Montana. Chúng tôi trên đường về Virginia và đã ở trên xe ba ngày. Tất cả chúng ta đều mệt mỏi và các bậc cha mẹ biết rằng con cái là những sinh vật có thói quen.

Việc đưa một đứa trẻ bỏ một thói quen thường khiến chúng khóc lóc và cảm thấy khó chịu. Sau khi cơn giận lắng xuống, con gái tôi đến gặp tôi vừa khóc vừa hỏi tại sao nó không bao giờ có vẻ đủ tốt. Tất nhiên, đó là sự phóng đại thôi. Nó hầu như tốt, nhưng nó có những khoảnh khắc riêng trong ngày. Có vẻ như nó đã gặp những lời của Thánh Phaolô nói với người Rôma: “Sự thiện tôi muốn thì tôi không làm, nhưng sự ác tôi không muốn, tôi lại cứ làm.” (Rm 7:19) Nó đã phát hiện cuộc chiến mà hằng ngày chúng ta gặp trong đời sống tinh thần.

Con gái tôi muốn hiểu nguyên nhân nó thường xuyên làm “những điều xấu” như vậy. Nó biết khi nào nó làm sai, nhưng nó không thể hoàn toàn hiểu tại sao nó lại lựa chọn như vậy. Nó chưa đủ tuổi khôn, nhưng nó bắt đầu nhận thấy bản chất sa ngã của mình và nó không thích điều đó. Tôi đã cùng con gái nhìn lại tội của ông bà Nguyên Tổ và tại sao bây giờ loài người phải chiến đấu chống lại bản chất tội lỗi của mình. Chúng tôi đã thảo luận rằng đó là lý do tại sao Chúa Giêsu phải chết thay cho chúng ta và Ngài đã sống lại. Khi chúng tôi xem xét lại sự khởi đầu của tội lỗi và nhu cầu được cứu chuộc, tôi cố gắng giải thích vài điều khác nhau về hành trình nên thánh.

  1. KHÔNG THỂ LÀM MỘT MÌNH

Con gái tôi ứa nước mắt bày tỏ sự thất vọng và tiếp tục nói với tôi rằng dường như nó không thể làm việc tốt một mình và nó luôn thất bại. Tôi nói rằng nó nói đúng hoàn toàn, nó không thể một mình làm điều đó. Chúng ta bất lực khi đối mặt với tội lỗi, nhưng chính nhờ Mầu Nhiệm Vượt Qua mà chúng ta được ban sự sống mới trong Bí tích Rửa Tội.

Tội lỗi là cuộc chiến đấu tranh kéo dài cả cuộc đời. Chúng ta phải trở lại tòa giải tội, liên tục thú nhận những tội lỗi tương tự hết lần này đến lần khác. Chúng ta phải thuộc về Đức Kitô. Ngài là con đường duy nhất để chúng ta có thể đạt được sự thánh thiện. Cách đi một mình sẽ không tiến bộ trong đời sống tín nhân. Chúng ta cần Đức Kitô giống như chúng ta cần không khí để hít thở. Con gái tôi, bạn và tôi không thể đạt được sự thánh thiện nếu không hoàn toàn dựa vào Chúa của chúng ta.

  1. VẤP NGÃ HẰNG NGÀY

Chúng ta phạm tội hằng ngày. Chúng ta chưa là thánh nhân, vì vậy chúng ta sẽ sa ngã mỗi ngày cho đến khi đạt đến giai đoạn cánh chung của mình. Mắt tôi đã được mở ra để biết mức độ thường xuyên của tôi và những tội mà tôi phải chiến đấu khi tôi bắt đầu đi xưng tội thường xuyên. Đi xưng tội hai tuần hoặc hằng tháng một lần sẽ giúp chúng ta mở mang tầm mắt của chúng ta về những lời hứa trong Bí tích Rửa Tội và ơn gọi của chúng ta. Nhận thức này không làm chúng ta thất vọng. Điều đó có nghĩa là làm cho chúng ta nhận thấy mình cần Chúa đến mức nào. Tôi xin nhắc lại: “Chúng ta không thể đi một mình.”

Việc kiểm tra những điều vấp ngã hằng ngày giúp chúng ta thấy mình cần phải cải thiện chỗ nào, nhưng cũng cho chúng ta thấy mình đang cải thiện như thế nào. Con đường nên thánh là một trong những bước nhỏ và những thành công nhỏ. Rất ít người trong chúng ta sẽ tiến bộ nhảy vọt. Tôi giải thích với con gái rằng nó sẽ bị ngã mỗi ngày – và tôi cũng vậy.

  1. PHẢI ĐỨNG DẬY NGAY

Nhận biết mình thất bại hằng ngày có nghĩa là chúng ta cũng phải lấy lại sức nhờ ơn Chúa. Mỗi khi mất bình tĩnh, nhìn người khác ở trong dục vọng, nói dối, quên cầu nguyện, lừa dối, buôn chuyện, hoặc phạm tội trọng và nhẹ, chúng ta phải tự phủi bụi và để cho Chúa Giêsu nâng chúng ta đứng dậy. Ngài vẫn kiên trì kêu gọi chúng ta. Ngài biết sự hoàn hảo là một hành trình mà chúng ta phải bước đi theo thời gian. Ngài muốn chúng ta tiếp tục tiến về phía trước, ngay cả khi chúng ta hoàn toàn lạc đường trong một thời gian. Vấn đề là quay trở lại và đi theo Ngài.

  1. XIN THA THỨ NGAY

Con gái tôi đang được dạy ngay lập tức phải tìm kiếm sự tha thứ từ người mà nó đã làm tổn thương. Đó là một thói quen mà vợ chồng tôi vẫn phải làm vì chúng tôi không giỏi tìm kiếm sự tha thứ hoặc mau mắn tha thứ. Chúng ta được mời gọi tha thứ, vì đó là một thói quen chúng ta phải nuôi dưỡng trong đời sống tâm linh.

Một trong những mối nguy lớn mà chúng ta có thể gặp phải trong nền văn hóa của mình là thiếu sự tha thứ. Điều này bao gồm cả mối quan hệ của chúng ta với Thiên Chúa. Ngài tha thứ cho chúng ta mỗi khi chúng ta tìm kiếm sự tha thứ của Ngài. Một thói quen tốt là cầu xin sự tha thứ của Ngài ngay sau khi phạm tội và sau đó ưu tiên đi xưng tội càng sớm càng tốt. Tội trọng phải được thú nhận qua Bí tích Hòa Giải. Chúng ta cũng phải học cách gạt bỏ sự kiêu hãnh của mình sang một bên và tìm kiếm sự tha thứ từ những người mà chúng ta đã làm tổn thương vì tội lỗi của mình.

Mục đích của hành động theo thói quen này là tạo sự cởi mở đối với ơn tha thứ của Thiên Chúa, sự tha thứ của người khác và nhu cầu của chúng ta thông qua sự khiêm tốn để tìm kiếm sự tha thứ. Sự kiêu ngạo có thể khiến chúng ta mù quáng trước nhu cầu tha thứ hoặc được tha thứ, đó là lý do tại sao cần tạo thói quen tốt là mau mắn tha thứ và tìm kiếm sự tha thứ.

  1. MỤC ĐÍCH NÊN THÁNH

Mục đích sống của chúng ta là đạt tới Thiên Đàng, nghĩa là đạt được sự thánh thiện và nên thánh. Việc nên thánh không chỉ dành cho những tâm hồn cao cả. Đó là sứ mệnh của chúng ta. Mỗi người đều được kêu gọi nên thánh dù họ có biết hay không. Ước muốn này trong mỗi trái tim con người được hiển thị khi mọi người đáp lại lời của Mẹ Thánh Têrêsa Calcutta hoặc Thánh GH Gioan Phaolô II. Sự thánh thiện của hai vị thánh này tỏa ra từ con người của họ và có tính lan tỏa. Luôn đặt mục tiêu này lên hàng đầu trong mọi việc chúng ta làm sẽ giúp ích cho chúng ta trong những lúc thất bại.

Sự thánh thiện là một hành trình dài suốt đời. Đó là con đường gian nan, là lý do chúng ta phải dựa vào Chúa của chúng ta để Ngài hướng dẫn và nâng đỡ chúng ta khi chúng ta sa ngã hết lần này đến lần khác. Nếu chúng ta luôn tự hỏi “điều đó có làm cho mình trở nên thánh thiện hay không” thì chúng ta sẽ có những quyết định khôn ngoan hơn và thận trọng hơn.

Việc làm mẹ đã dạy tôi nhiều hơn những gì tôi có thể tưởng tượng trước đó. Cuộc đấu tranh của con gái tôi đã giúp tôi hiểu rõ hơn về tội lỗi, thất bại và thiếu sót của chính mình. Nó đang mở con đường cho tôi khi chúng tôi đi cùng nhau. Khi ước muốn trở nên tốt lành, thánh thiện, nó cho tôi thấy ước muốn trở nên thánh thiện của chính tôi. Đó là lý do Chúa dạy chúng ta “nên giống như những đứa trẻ.” Mỗi người trong chúng ta đều làm “điều mình ghét” vào những thời điểm khác nhau. Tuy nhiên, những gì chúng ta làm sau đó mới là quan trọng. Đó là chúng ta phải đứng dậy, xin Chúa Giêsu Kitô dẫn dắt chúng ta, tìm kiếm sự tha thứ ngay lập tức qua Bí tích Hòa Giải, và chúng ta cũng phải cầu xin ơn bền đỗ.

CONSTANCE T. HULL

TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ từ CatholicExchange.com)