Hoài Cảm

196

Hoai CamCa khúc “Hoài Cảm” (click nghe) của nhạc sĩ Cung Tiến có cách viết lạ, nét nhạc du dương, giản dị mà vẫn có chất nhạc bác học, giống như giao hưởng. Âm nhạc của ông nhẹ nhàng, không cầu kỳ, nhưng vẫn đủ chuyển tải tình cảm sâu lắng khiến người nghe rung nhịp theo từng nốt nhạc. Ca khúc “Hoài Cảm” là một trong các ca khúc nổi tiếng có sức thuyết phục.

“Chiều buồn len lén tâm tư, mơ hồ nghe lá thu mưa, dạt dào tựa những âm xưa, thiết tha ngân lên lời xưa. Quạnh hiu về thấm không gian, âm thầm như lắng vào hồn, buổi chiều chợt nhớ cố nhân, sương buồn lắng qua hoàng hôn”.

NS Cung Tiến không xa lạ với nhiều người, nhất là những người trung niên trở lên. Nhạc của ông sâu lắng, có nét riêng độc đáo, buồn mà không ủy mị, ca từ giản dị mà thâm sâu, điển hình là ca khúc Hoài Cảm.

Ngày nào cũng có một buổi chiều, giống nhau với thời gian và khác nhau về thời tiết. Nhưng đối với người mang tâm sự lại rất khác vì chiều buồn len lén tâm tư để rồi mơ hồ nghe lá Thu mưa. Rất bình thường với tâm trạng con người, vậy mà NS Cung Tiến có thể cảm thấy Quạnh hiu về thấm không gian, âm thầm như lắng vào hồn, vì với ông là buổi chiều chợt nhớ cố nhân, và ông cảm thấy sương buồn lắng qua hoàng hôn.

“Lòng cuồng điên vì nhớ. Ôi đâu người, đâu ân tình cũ? Chờ hoài nhau trong mơ, nhưng có bao giờ thấy nhau lần nữa. Một mùa Thu xa vắng như mơ hồ về trong đêm tối, cố nhân xa rồi, có ai về lối xưa?”

Hẳn là ông đã từng yêu rất mạnh và nhớ rất nhiều. Thật vậy, nhớ đến nỗi ông đã phải thú nhận: Lòng cuồng điên vì nhớ. Vì sao? Ông cứ tự hỏi: “Ôi đâu người, đâu ân tình cũ?”. Xa rồi, xa nhau thật rồi, nhưng vẫn chờ hoài nhau trong mơ dù biết không bao giờ thấy nhau lần nữa. Tình yêu chân thật luôn có “nỗi sợ bí ẩn”. Buồn lắm, cái nỗi-buồn-không-tên ấy rất kỳ lạ vì tình yêu mạnh hơn cả Tử Thần kia mà!

“Chờ nhau hoài cố nhân ơi, sương buồn che kín buồn đời, hẹn nhau một kiếp xa xôi, nhớ nhau muôn đời mà thôi. Thời gian tựa cánh chim bay, qua dần những tháng cùng ngày, còn đâu mùa cũ êm vui, nhớ thương biết bao giờ nguôi!”

Vâng, linh cảm trắc trở và biết tình không trọn mà vẫn “chờ nhau hoài cố nhân ơi, sương buồn che kín buồn đời, hẹn nhau một kiếp xa xôi”, để rồi “nhớ nhau muôn đời mà thôi”. Thời gian vừa dài vừa ngắn, chỉ tựa cánh chim bay mà thôi… Tình yêu không có tuổi, còn sống thì còn nhớ, còn hoài niệm về mùa cũ êm vui thuở tình nồng say. Cố nhân có thể đang vui với hạnh phúc riêng, có thể không hề nhớ đến “người xưa”, nhưng ai yêu thật thì không hề trách cố nhân, có thể một lúc nào đó, nỗi nhớ như thủy triều dâng cao, người ta lại chợt thốt lên: “Nhớ thương biết bao giờ nguôi!”…

Đó không là ủy mị hoặc lụy tình mà là chân tình, dù gì cũng đã một thời là-của-nhau. Tình yêu luôn lãng mạn và đẹp vì tình dang dở, vì không đến được với nhau. Đó là tất yếu, vì vậy mà lòng người luôn ray rứt và luôn hoài cảm. Kỷ niệm vui là kỷ niệm buồn, kỷ niệm buồn là kỷ niệm buồn hơn. Đó là chiều sâu của ký ức!

Bốn mùa vẫn luân phiên. Mỗi mùa có sắc thái riêng, có gì đó luôn kỳ lạ, mỗi lần mùa đi, mùa về… Khoảng giao mùa, đặc biệt là lúc “giao thoa” giữa buổi chiều và buổi tối. Nắng tắt. Gió se lạnh. Mưa sụt sùi. Ngoại cảnh ảnh hưởng nội tại. Nỗi bâng khuâng dâng lên bất chợt. Nghe tâm sự của NS Cung Tiến trong ca khúc Hoài Cảm khiến lòng người chùng xuống, thật sâu lắng… Ca từ và giai điệu cứ quyện vào nhau, nghe lòng buồn da diết. Một nỗi buồn rất thật!

Nhịp 3/4 dìu dặt, nhẹ nhàng đưa người ta về lại vùng ký ức, miền dĩ vãng, khoảng kỷ niệm ngày xưa… Nhớ thương tím cả hoàng hôn… Người mang trái tim đi xa có còn chút gì chợt nhớ “kẻ mình ên” nơi nào đó hay không?

TRẦM THIÊN THU