Với bản thân mỗi người, vâng phục sẽ giúp trưởng thành hơn. Nó giúp người ta biết rằng không phải lúc nào mình cũng đúng và cũng nắm rõ mọi sự. Nó dạy bảo người ta không quá tin vào kiến thức và phán đoán của mình. Từ đó họ nhận ra mình không hề hoàn hảo và thông thạo mọi thứ. Mình cần được người khác dạy bảo và chỉ cho biết phải làm gì để mưu cầu lợi ích tốt nhất. Vâng phục đòi người tu sĩ phải biết hạ mình, cúi đầu. Đây không phải là một kiểu sỉ nhục, nhưng là một thái độ của những người luôn mở ra với những khả thể mới, đón nhận những điều nằm ngoài khả năng dự đoán và những kế hoạch của mình.
Vâng phục cũng giúp người ta thoát khỏi chủ nghĩa cái tôi, óc vị kỷ, những yếu đuối, những ảo tưởng và thói ham hố quyền lực. Con người nào cũng thích ra lệnh hơn là phục quyền, thích chỉ đạo hơn là nghe theo sự sắp xếp của người ta, thích làm theo ý riêng hơn là làm điều gì chống lại đó, ưa làm những gì mình thích chứ ít khi thích những gì mình làm. Con người thường luôn cho rằng những phán đoán của mình là đúng và cứ khăng khăng nhất quyết ở lại trong đó, bắt người ta phải đồng thuận với mình chứ ít khi làm điều ngược lại. Cái ảo tưởng đó làm cho cái tôi trở nên lớn hơn, dần dần, nó làm cho người ta trở nên ngạo mạn, tự hào về bản thân, tự phong cho mình một vị trí quan trọng. Cứ mỗi lần vâng phục, người ta được tháo cởi khỏi những điều này.
Trái với suy nghĩ cho rằng vâng phục giết chết tự do, thực chất nó giúp cho người tu sĩ biết cách sử dụng tự do của mình hiệu quả hơn và đúng cách hơn. Người ta vẫn hay sai lầm khi cho rằng tự do là muốn làm gì thì làm. Đây là môt kiểu tự do phá hoại, chứ tự nó chẳng đắp xây hay giúp ích điều gì. Vâng phục là đặt mình trong tâm thế sẵn sàng trước một sứ mạng. Người tu sĩ được trao trọn tự do để thực thi mọi điều mình cho là đúng đắn trong phạm vi sứ mạng ấy. Sự tự do lúc này đã được xác chuẩn, được công nhận và đảm bảo. Nó sẽ sinh nhiều hoa trái. Ngoài ra, nhờ vâng phục, người tu sĩ cũng được giải phóng khỏi mọi lo sợ.
Trước nhiều chọn lựa sứ mạng, có khi họ phân vân không biết phải đi theo con đường nào. Biết đâu họ sẽ chọn một lối đi sai! Những chỉ dẫn của bề trên, sự đồng thuận trong quá trình đối thoại sẽ giúp tìm ra ý Chúa. Họ sẽ cảm thấy an tâm hơn, vững dạ hơn và tự tin hơn cho sứ mạng được giao. Khi thoát ra khỏi ý riêng, họ sẽ hướng về Chúa, họ cảm thấy mình đang được dẫn đi, chứ không phải tự mình vẽ ra lối đi cho mình. Sự xác tín về sự hiện diện của Chúa ngay bên giúp họ cảm thấy an toàn hơn, bởi những gì họ đang làm là làm theo ý Chúa và chắc chắn sẽ nhận được sự nâng đỡ của Chúa trong từng giây phút. Quả vậy, cứ mỗi khi vâng phục với thái độ xác tín, người tu sĩ sẽ thấy rất bình an, và ngược lại, khi bất tuân, họ sẽ thấy một nỗi bất an lớn lao trồi lên trong mình.
Sự vâng phục cũng giúp người tu sĩ được gia tăng thêm lòng tin cậy mến. Đó là vì họ đã dám mạnh dạn bước ra khỏi vùng an toàn của mình, dám từ bỏ ý riêng để đón nhận một điều mới. Họ tin vào sự hiện diện của Chúa nơi bề trên, kể cả khi bề trên trao cho họ một mệnh lệnh rất lạ lẫm mà họ chẳng thể nào hiểu nỗi. Họ tin là có khi qua những sai lầm của bề trên, Chúa vẫn có cách đưa mọi sự về trật tự và đó là cách mà Chúa dùng để huấn luyện họ. Quả vậy, sự vâng phục sẽ trở nên quý giá hơn khi ta phải đối diện với một bề trên “khó ưa”, luôn có những quyết định ngược với mình. Nếu vị tu sĩ và bề trên lúc nào cũng tâm đầu ý hợp thì giá trị của vâng phục trở nên quá dễ dàng đến nỗi chẳng có gì để bàn cãi nữa. Chính qua những lúc có sự khác biệt trong suy nghĩ giữa bề trên với bề dưới mà sau khi trao đổi, bề dưới dẫn mở lòng ra để đón nhận các quyết định của bề trên, ta thấy được đặc nét và sự đòi hỏi của một kiểu từ bỏ có khi làm ta phải đứt cả ruột gan. Tính chất hy lễ của sự vâng phục được biểu lộ thật rõ nét. Đó là lúc mà lòng tin cậy mến của người tu sĩ được bồi đắp mạnh mẽ nhất. Dĩ nhiên, điều này không có nghĩa là bề trên cứ tự ý quyết định mà chẳng cân nhắc gì rồi biện minh bằng kiểu nói “để giúp bề dưới trưởng thành hơn”. Bề trên có thể có những sai lầm, nhưng đừng bao giờ đem sự vâng phục ra làm trò đùa hay xem thường nó.
Sự vâng phục giúp người tu sĩ hướng đến sự trọn lành. Từ những vâng phục nhỏ bé cho đến những điều lớn lao, người tu sĩ dần dần khuôn mình trong tinh thần của dòng và đường lối sư phạm của Chúa. Nó giúp người tu sĩ làm trổ sinh nhiều nhân đức khác. Khiêm nhường, gần gũi, nhu mì, ứng trực, sáng tạo, hăng hái cho sứ mạng, không cố chấp, không khăng khăng với ý riêng, phán đoán riêng, không phàn nàn, cau có… Cứ để ý mà xem, người tu sĩ nào luôn cảm thấy khó chịu về những quyết định của bề trên thường là một tu sĩ không hạnh phúc trong đời tu. Họ rước bực bội vào người, lại còn tìm cách lây lan sự bực bội ấy cho người khác. Họ gây chia rẽ giữa anh chị em và làm cho cuộc sống thêm ngột ngạt, bức bối. Còn vị tu sĩ nào luôn sẵn sàng vâng phục thì luôn cảm thấy yêu đời, vì tin rằng ở bất cứ nơi đâu, trong hoàn cảnh nào, vẫn có Chúa hiện diện với mình, giúp mình khám phá ra những điều mới mẻ.
Về phương diện cộng đoàn, không cần phải nói nhiều, sự vâng phục giúp các thành viên được đồng tâm nhất trí với nhau. Bề trên chính là đầu, mọi thành viên là các chi thể. Khi mọi sự được quy về một mối, sẽ không có những chia rẽ, bè phái hay kiểu mỗi người mỗi ý, thích làm gì thì làm. Bề trên chính là cầu nối của tất cả mọi thành viên. Bề trên đóng vai trò như một người cha, người mẹ trong gia đình, là nơi mà khi gặp vấn đề gì, con cái thường chạy đến để tìm sự an ủi, sự nâng đỡ, chở che. Chính bề trên cũng trở thành kênh thông tin, truyền từ người này đến người kia, giúp cho các thành viên được biết rõ về nhau, hiệp thông với nhau, dù có khi sống xa nhau mỗi người một chân trời. Bởi vậy, các thành viên có thể ít có liên lạc với nhau vì lý do sứ mạng, nhưng phải luôn có sự thông tri thường xuyên với bề trên. Sự thông tri này cũng bao hàm luôn cả một sự vâng phục, yêu mến và tin tưởng. Đây rõ ràng là một thách đố đối với bề trên. Bề trên nào mà những người thuộc quyền không thích nói chuyện, không muốn liên lạc hay chẳng dám đến gần là một bề trên thất bại.
Trong sứ mạng, sự vâng phục cũng giúp cho mọi việc được phân bổ và tiến triển trong trật tự và hiệu quả. Bề trên, ngoài việc là một người có học thức, có óc phán đoán tốt, còn là người có cơ hội tiếp xúc với nhiều người, nhiều hoàn cảnh, đặc biệt là những vị có vai vế trong Giáo Hội và xã hội. Tầm nhìn của họ rõ ràng là rộng và phổ quát hơn người khác. Theo đó, cứ theo lý mà nói, những quyết định phân bổ và chuyển trao sứ mạng sẽ có phần chuẩn xác hơn. Nhờ biết rõ từng đương sự và biết rõ nơi có nhu cầu tông đồ, bề trên sẽ cân nhắc để chọn người sao cho phù hợp, vừa không làm tổn hại người đó, vừa giúp người đó được phát huy mọi sở trường của mình, đồng thời cũng giúp cho những người mà vị tu sĩ đó được sai đến để phục vụ. Rõ ràng, dưới viễn cảnh này, không có vâng phục, thì cũng sẽ chẳng có gì gọi là “sai đi”. Người nào tự sai mình đi hoặc vận động bề trên sai mình đến nơi mình muốn chứ không bình tâm chọn ý Chúa thì không sống tinh thần của vâng phục. Vị bề trên nào không cầu nguyện, không nhận định kỹ càng trước khi sai một ai đó vào sứ mạng thì cũng làm điều ngược ý Chúa, vì đã sử dụng quyền không đúng cách và không chu toàn bổn phận được trao.
Muốn một cây sinh hoa trái thơm ngon, người nông dân phải chăm sóc cho cây thật tốt. Phải cắt tỉa, bón phân, rào giậu, tưới nước… Muốn đời vâng phục sinh hoa trái, cả tu sĩ và bề trên cũng phải lưu tâm đến nó và tạo những điều kiện thuận lợi cho nó.
Pr. Lê Hoàng Nam, SJ