Hình ảnh Thánh Cả Giuse qua các thời đại

538

Hình ảnh Thánh Cả Giuse qua các thời đại

Nhân ngày mồng một tháng năm, ngày Lao Động Quốc Tế và cũng là ngày kính Thánh Giuse Thợ, chúng ta thử nhìn lại các các hình ảnh về Thánh Cả Giuse trải qua các thời đại trong suốt lịch sử nhân loại nói chung và lịch sử Giáo Hội nói riêng, và đặc biệt trong thế giới hội họa.

Hình ảnh về nhân thân Thánh Cả Giuse đã được hình thành qua các thời đại trong suốt hai ngàn năm lịch sử của Giáo Hội rất phong phú và đa dạng. Trong thời cổ đại đã có nhiều tác giả trình bày về Thánh Nhân, đặc biệt nhất là các tác giả: Justin, Hieronymus, Augustinus và Gioan Chrysostomus. Còn trong thời tân đại thì cách riêng có các tác giả:  Pierre d´Ailly, Isidor de Isolanis, Vincente Ferrer, Bernardin von Siena, Teresa von Avila, Franz von Sales, Jose Maria Vilaseca, Josefmaria Escriva und Tarcisio Stramare (1). Sự trình bày về nhân thân Thánh Cả Giuse của các tác giả này trước hết được dựa trên các đoạn Phúc Âm đã viết về Thánh Nhân và tiếp đến là dựa theo truyền khẩu của Giáo Hội.

giuse_thoThánh Giuse đã được trình bày như một người lao công đầy trung tín và nhiệt thành, một người cha tốt lành thánh thiện, một vị hôn phu hoàn toàn đặc biệt, một đấng bảo trợ của Giáo Hội và của những người trong cơn hấp hối. Ngoài ra Thánh Nhân còn được tuyên xưng là đấng bảo trợ trong nhiều lãnh vực khác nữa.

Cuộc tranh cãi về thiên chức làm cha và làm chồng của Thánh Giuse trong cuộc sống Thánh Gia Thất Na-da-rét vào thời cổ đại và thời trung cổ đã gây nên nhiều lo ngại cho nhiều thành phần trong Giáo Hội, vì người ta sợ rằng thiên chức làm cha Đức Giêsu của Thánh Giuse có thể làm cho thiên chức làm cha đích thực của Thiên Chúa sẽ bị lu mờ lãng quên, và thiên chức làm chồng Đức Maria của Thánh Nhân cũng có thể làm tổn hại và hiểu lầm cho sự đồng trinh vẹn sạch của Đức Maria. Cũng vì thế, để tránh sự hiểu lầm đó, trong các hình ảnh về Thánh Gia Thất Na-da-rét, Thánh Giuse thường đã được trình bày như một ông già tóc râu bạc phơ, còn Mẹ Maria thì trẻ đẹp bên Chúa Hài Đồng Giêsu. Một hình ảnh hoàn toàn bất cân xứng trong một gia đình, nếu không muốn nói là một xúc phạm không những đối với Thánh Giuse mà còn đối với cả Đức Trinh Nữ Maria nữa.

Còn thánh Augustinus đã trình bày rõ ràng điều mà chân phước Giáo Hoàng Gioan Phaolô II trong thời đại chúng ta ngày nay đã khẳng định lại rằng chính gia đình là yếu tố phải được liên kết trong mầu nhiệm “Xuống Thế làm Người”(2). Cơ sở làm điểm tựa cho những suy luận của thánh Augustinus: “Sau cùng, chính Đức Trinh Nữ Maria, Đấng đã biết rất rõ ràng rằng Mẹ đã cưu mang Đức Kitô không do sự kết hợp hôn nhân, gọi Thánh Giuse là cha Đức Kitô” (Lc 2,48) (3). Dựa trên nền tảng chắc chắn này của Kinh Thánh, ĐGH Gioan Phaolô II đã dạy rằng thiên chức làm cha của Thánh Giuse trong kế hoạch xuống thế làm người của Con Một Thiên Chúa không được quan niệm chỉ là “hình thức bên ngoài” hay chỉ là “một cách gọi” mà thôi, nhưng xét về mặt dân sự, thiên chức ấy mang “đầy đủ quyền làm cha một cách hoàn toàn công khai.” (4)

Đối với các nhà thần học và các họa sĩ Kitô giáo thời đại tân tiến ngày nay thì ý kiến đó là một điều tất yếu. Sự ngần ngại và do dự của một số tác giả trong thời cổ đại và thời trung cổ kể như không còn chỗ đứng nữa. Trong các bức hình trình bày cuộc sống đầy thơ mộng lý tưởng của Thánh Gia Thất Na-da-rét, các danh họa Kitô giáo ngày nay đã bắt đầu trình bày Thánh Giuse như một người đàn ông trẻ, tay cầm cành hoa huệ trắng, biểu tượng cho sự đồng trinh trong trắng, và như một người cha gương mẫu.(5) Qua đó, Thánh Giuse được coi như một người chồng hoàn toàn tinh tuyền vẹn sạch của Đức Trinh Nữ Maria.

Nhưng để nghệ thuật có thể trình bày được một hình ảnh chân chính như thế về Thánh Giuse, người ta đã phải trải qua những giai đoạn chuyển tiếp lâu dài. Trước hết, để nhấn mạnh và đề cao sự đồng trinh vẹn sạch của Mẹ Maria trong đời sống gia đình Na-da-rét, người ta đã từng trình bày Thánh Nhân như một ông già râu tóc bạc phơ, một người mất hết ham muốn và khả năng trong đời sống chăn gối vợ chồng, không thể truyền sinh được nữa. Và trong các bức họa trình bày ngày Giáng Sinh của Chúa Cứu Thế, Thánh Giuse thường được trình bày như một người hoàn toàn đóng vai phụ ở “hậu trường” của biến cố trọng đại này. Chẳng hạn Thánh Giuse đứng dựa vào cánh tay trái, vẻ mặt đầy suy tư, có khi đang trao đổi với ngôn sứ Isaia (6). Trong khi đó, có họa sĩ Kitô giáo khác lại trình bày Thánh Giuse cùng đứng chung với một hay hai mục đồng, những người đôi khi được coi như là những người “đổ thêm dầu vào lửa”, những người càng làm cho Thánh Giuse thêm đăm chiêu hơn.(7) Tất cả những điều đó có thể làm cho người xem có cảm tưởng rằng hình như Thánh Cả Giuse đang trong tâm trạng nghi ngờ và do dự về nguồn gốc của Hài Nhi Giêsu!(8)

Phải chăng qua cách trình bày của mình về sự do dự của Thánh Giuse – vốn được dựa theo ý nghĩa thần học – các danh họa Kitô giáo này chỉ muốn nói lên rằng Đức Trinh Nữ Maria đã cưu mang Con Một Thiên Chúa bởi quyền năng Chúa Thánh Thần (x. Lc 1,26-38) và Mẹ đã hoàn toàn phó thác tất cả cho sự an bài của Chúa, chứ chính Mẹ không tự thông báo cho Thánh Giuse biết về quá trình “truyền tin” và sự mang thai kỳ diệu bởi quyền năng của Chúa Thánh Thần?

Nhưng nếu vậy, thì quả là một điều phi lý, không lô-gích! Vì, tuy Kinh Thánh không nói rõ, người ta sẽ tự hỏi là sau biến cố “Truyền Tin”, một biến cố không những liên quan trực tiếp đến cuộc đời của Mẹ mà còn liên quan đến cuộc sống gia đình với Thánh Cả Giuse nữa, Đức Trinh Nữ Maria trước tiên đã đi gặp gỡ một ai khác, chứ không phải là Thánh Giuse? Theo tâm lý và lịch trình hợp lý của cuộc sống thì chắc chắn rằng người đầu tiên mà Đức Trinh Nữ Maria đã đi gặp sau biến cố “Thiên Thần truyền tin” phải là Thánh Giuse, “một người công chính” (Mt 1,19) và hơn nữa, là hôn phu, là người bạn trăm năm của mình biết rõ điều Thiên Chúa muốn thực hiện nơi Mẹ. Và tiếp đến, một điều khác cũng chắc chắn là Thánh Giuse đã hoàn toàn tin vào lời thông báo của Mẹ Maria là sự thật, chứ không còn nghi ngờ do dự về hiện tượng Mẹ đang mang thai Đấng Cứu Thế nữa. Sự bảo đảm chắc chắn cho lời thông báo của Mẹ Maria là sự thật, trước hết đó là chính Thiên Chúa Cha đã sai Thiên Thần hiện đến giải thích và động viên Thánh Nhân trong việc đón nhận Đức Trinh Nữ, vì Mẹ đang cưu mang Đấng Cứu Thế, Con Một của Người, do quyền năng Chúa Thánh Thần (x. Mt 1,20-24). Hơn nữa, chính con người và cuộc sống thánh thiện vẹn toàn – luôn “đầy ơn phúc thiên đàng”, luôn “có Thiên Chúa ở cùng” và “luôn đẹp lòng Thiên Chúa” của Mẹ (Lc 1,28-30) – cả là một bảo chứng chắc chắn và khả tín nhất.

Thật vậy, mặc dù tất cả con cái loài người vốn được cưu mang và sinh ra trong tội lỗi, nhưng một số trong họ, chẳng hạn các vị Thánh Nhân – vì nhờ được ơn thiêng thánh hoá, nhờ có một cuộc sống kết hiệp thần bí mật thiết với Thiên Chúa trong kinh nguyện và nhờ sự nỗ lực trở nên hoàn thiện vượt mực của bản thân – toàn diện con người họ đã tỏa ra một sự thánh thiện cao vời, một nhân cách đáng trân trọng kính nể, đầy thuyết phục và khả tín. Chúng ta có thể trích dẫn trong Kinh Thánh trường hợp thánh tổ phụ Môsê, người tôi tớ trung tín của Thiên Chúa: Sau bốn mươi đêm ngày được diễm phúc tiếp cận và đàm đạo với Thiên Chúa trên núi Sinai, không những tâm hồn ông đã được thánh hóa nên tinh tuyền thánh thiện trước mặt Thiên Chúa, mà cả con người thể xác của ông cũng đã trở nên sáng láng siêu phàm, đến nỗi con cái Ít-ra-en phải run sợ không dám đến gần ông. Mỗi lần chính Môsê muốn gặp gỡ con cái Ít-ra-en để thông báo cho họ điều này điều kia ông phải lấy khăn che mặt lại (x. Sh 34,29-35).

Nếu một người phàm vốn được sinh ra trong tội lỗi và sự bất toàn như tổ phụ Môsê mà qua sự tiếp cận và đàm đạo với Thiên Chúa trong bốn mươi đêm ngày đã được ơn thiêng biến đổi một cách lạ lùng như vậy, thì Đức Trinh Nữ Maria, một Nữ Tỳ hoàn toàn tinh tuyền và khả ái của Thiên Chúa, đã được kén chọn từ muôn thủa để làm Mẹ Đấng Thiên Sai, nên cũng đã được Trời Cao gìn giữ khỏi nguyên tội và mọi tội lỗi riêng ngay từ giây phút đầu tiên khi được dựng thai trong lòng mẹ, luôn được Thiên Chúa ở cùng, luôn tràn đầy ơn thánh, v.v… thì con người Mẹ còn tỏa ra sự thánh thiện và sự tinh tuyền cao vời biết chừng nào! Mỗi lời nói, mỗi cử chỉ và mỗi việc làm của Mẹ còn khả tín và có sức thuyết phục biết bao!

Một yếu tố quan trọng khác chúng ta cũng không được phép bỏ qua, đó chính là ơn Chúa Thánh Thần chắc chắn đã soi sáng và tác động mạnh mẽ trong tâm hồn Thánh Giuse, để Thánh Nhân hiểu và chấp nhận chương trình an bài của thánh ý Người đang được thể hiện nơi Đức Trinh Nữ.

Tất cả những điều đó muốn khẳng định rằng tại máng cỏ Bê-lem trong ngày Đấng Cứu Thế ra đời, Thánh Giuse đã hoàn toàn xác tín và không còn chút hồ nghi rằng người bạn đời của ngài là Đức Trinh Nữ Maria đã được Thiên Chúa kén chọn để làm Mẹ Đấng Thiên Sai và Trẻ Hài Nhi đang nằm trong máng cỏ kia chính là Con Thiên Chúa, là Đấng Cứu Thế.

Theo thiển ý, tôi nghĩ rằng các họa sĩ Kitô giáo đã trình bày nét mặt hoài nghi và do dự của Thánh Giuse khi chính ngài mắt thấy tai nghe những sự kỳ diệu vượt sức hiểu biết của phàm nhân đang xảy ra tại hang đá Bê-lem – Hài Nhi Giêsu tuy được sinh ra trong cảnh cơ hàn cùng khổ, nhưng chiếu tỏa một ánh sáng siêu phàm khôn tả, Đức Trinh Nữ quỳ chấp hai tay chìm sâu trong sự tôn thờ và yêu mến Con Thiên Chúa mà Mẹ vừa sinh ra giữa muôn khúc nhạc réo rắt huyền diệu của ca đoàn các Thiên Thần Chúa từ Trời xuống, v.v… – không phải Thánh Nhân hoài nghi nguồn gốc của Hài Nhi Giêsu, nhưng chỉ muốn nói lên rằng khi cảm nhận được một cách thực tiễn Hài Nhi Giêsu thực sự là Con Một của Đấng Tối Cao như Thiên Sứ từng báo cho ngài biết và Đức Trinh Nữ Maria thực sự là một vị Thánh Nhân vượt lên trên mọi Thánh Nhân khác, được chọn làm Mẹ Đấng Thiên Sai, Đấng mà không chỉ con cái Ít-ra-en mong đợi từ hàng ngàn năm qua, nhưng còn là Đấng Cứu Thế mà toàn thể nhân loại luôn trông ngóng đợi chờ, Thánh Giuse cảm thấy phận mình quá hèn mọn bất xứng trước sứ mệnh quá cao cả mà Thiên Chúa muốn ngài đảm nhận, đó là làm bạn trăm năm của Đức Thánh Trinh Nữ Maria và qua đó làm dưỡng phụ, là cha nuôi Đức Giêsu, Con Một của Người: “Này ông Giuse, con cháu Đa-vít, chớ ngại nhận bà Maria làm vợ” (Mt 1,20). Vì thế, người ta có thể cắt nghĩa nét ngần ngại và do dự biểu lộ trên khuôn mặt Thánh Giuse có lẽ chỉ muốn nói rằng Thánh Nhân đang tự hỏi: Với thân phận phàm nhân yếu đuối và bất xứng của mình thế này, làm sao mình xứng đáng phục vụ Con Thiên Chúa và Mẹ Thánh của Người, và rồi đây làm thế nào mình có thể chu toàn được sứ mệnh cao trọng dường ấy được?

Bây giờ chúng ta cùng quan sát một trình bày hoàn toàn đặc biệt khác về Thánh Giuse trong thế giới nghệ thuật hội họa. Trong bức họa thời danh “Martyrologium” tại Tu Viện Weltenburg/Đức quốc, xuất phát từ thế kỷ XI, Thánh Giuse được trình bày như một người hấp hối giữa muôn thần thánh đang nghiêng mình tôn kính Thánh Nhân. Chủ đề này đặc biệt được giới nghệ thuật thánh vào thế kỷ XIX quan tâm nhiều, nhưng dĩ nhiên dưới một hình thức trình bày mới mẻ: Người ta trình bày Thánh Giuse đang trên giường hấp hối, có Chúa Giêsu và Mẹ Maria luôn túc trực bên cạnh để an ủi và tiễn đưa người tôi trung của Thiên Chúa về Thiên Đàng. Bởi vậy, Thánh Giuse không chỉ được chọn làm Đấng Bảo Trợ các gia trưởng và các gia đình của họ, mà còn là Đấng Bảo Trợ quyền thế của các người hấp hối.

Từ thế kỷ XVI trở đi, được khởi đầu bởi các danh họa và điêu khắc gia người Tây Ban Nha Alonso Cano và Josê Murillo, những trình bày về Thánh Giuse luôn được lồng vào khuôn khổ sự trình bày về Thánh Gia Thất Na-da-rét: Trong sự trình bày Thánh Gia Thất Na-da-rét thì Chúa Giêsu, Mẹ Maria và Thánh Giuse được coi như “Ba Ngôi ở trần gian”. Đây là sự gợi ý của nhà thần học người Pháp Johannes Gerson (1363-1429) và được rao truyền bởi nhà thần bí học người Ý thuộc Dòng Phanxicô, thánh Bernardin von Siena OFMConv.

Đặc biệt trong nghệ thuật điêu khắc, Thánh Giuse thường được trình bày đang bồng Chúa Hài Nhi Giêsu trên tay hay đang cầm dụng cụ của một người thợ mộc, nhất là khi Thánh Nhân được chọn làm Đấng Bảo Trợ của lao động và của các thợ thuyền. Trong Sách Giáo Lý GH Công Giáo đã khẳng định rõ ràng: “Lao động là công trình trực tiếp của những con người đã được sáng tạo nên theo hình ảnh của Thiên Chúa, và được mời gọi cùng nhau tiếp nối công trình sáng tạo khi làm chủ trái đất.”(9) Khi sinh thời chính Chúa Giêsu cũng đã phải làm việc cật lực để sinh sống và qua đó Người đã thánh hóa lao động, công việc sinh nhai kiếm sống của nhân loại. Dưới sự hướng dẫn của Thánh Giuse, Chúa Giêsu đã nhiều năm lao động ở xưởng thợ Na-da-rét bên cạnh người dưỡng phụ mẫn cán và thánh thiện tuyệt vời. Năm 1989, trong Thông điệp Redemptoris custos (Đấng Bảo Trợ Chúa Cứu Thế) về con người và sứ mệnh Thánh Giuse trong đời sống Chúa Giêsu và đời sống Giáo Hội, ĐTC Gioan Phaolô II đã viết: “Nhờ quyền năng của thần tính Người, các việc làm theo nhân tính của Đức Kitô đã mang lại cho chúng ta ơn thánh hóa, bởi vì khi chính những việc làm ấy do có công trạng trước mặt Thiên Chúa hay do đã tạo nên được thành quả rõ ràng nhất định, thì chúng đã mang lại ơn thánh trong ta.” (10)

Vào năm 1870 khi Đức Giáo Hoàng Piô IX tôn phong Thánh Giuse làm Đấng Bảo Trợ Giáo Hội, Thánh Nhân đã đặc biệt được các tín hữu tin tưởng khẩn cầu và phó thác công cuộc truyền giáo của Giáo Hội dưới sự cầu thay nguyện giúp của Thánh Nhân. Nếu thế, trong Năm Đức Tin này (2012-2013) chúng ta càng cần phải phó thác công trình tân Phúc Âm hóa và cả chính Giáo Hội cho sự bầu cử đắc lực của Thánh Cả Giuse trước tòa Đức Kitô, hầu Giáo Hội có thể chu toàn được sứ mệnh của mình và để các tín hữu có thể tuyên xưng đức tin Kitô giáo của mình “một cách đầy đủ trọn vẹn và với sự xác tín mới, với sự tin tưởng phó thác và với niềm hy vọng” (11). Đó chính là sự xác tín sâu xa và cách thức sống đức tin chân chính của Thánh Cả Giuse, một  người công chính, trước bao thử thách vô cùng khó khăn, nguy hiểm khi ngài phải tìm mọi cách để che chở bảo vệ tuyệt đối cho sự sống còn của Hài Nhi Giêsu và của Mẹ Người khỏi mọi đe dọa từ mọi phía và cả chính trong cuộc sống cực kỳ nghèo khổ và vất vả của Thánh Gia Thất tại Na-da-rét.

Theo thiển ý, tôi xác tín rằng, với một đức tin mạnh mẽ và một lòng tin tưởng phó thác tuyệt đối như thế vào sự quan phòng của Thiên Chúa, Thánh Cả Giuse còn xứng đáng được tôn xưng với tước hiệu “Cha của những người tin” hơn cả tổ phụ Áp-ra-ham nữa (x. Rm 4,11b). Bởi vì, Thánh Nhân đã luôn mau mắn tuân phục và thực thi mọi lời Thiên Thần Chúa phán bảo cùng ngài, chứ không một chút trù trừ do dự (x. Mt 1,24; 2,13-14; 19-21). Trong Thông điệp “Redemptoris hominis” của ngài, chính ĐTC Gioan Phaolô II cũng đã viết: “Rập đúng theo khuôn đức vâng phục nguyên thủy và cơ bản của đức tin, Thánh Cả Giuse đã luôn mau mắn và vui vẻ chu toàn thánh ý Thiên Chúa, mà nhiều lần Thiên Thần đã loan báo cho ngài.”(12)

Vào năm 1963, khi triệu tập Công Đồng chung Vatican II, ĐTC Gioan XXIII đã tôn phong Thánh Cả Giuse làm Đấng Bảo Trợ Công Đồng và phó thác mọi công việc của Công Đồng cho sự bầu cử chở che của Thánh Nhân, ĐTC viết: “Chúng ta luôn luôn cần đến sự dìu dắt của Thánh Cả Giuse (…); Thánh Nhân là Đấng đã được Thiên Chúa đặt làm người dìu dắt và che chở Thánh Gia Thất Na-da-rét”(13). Thánh Giuse, một đàng, là vị Quan Thầy và là người dẫn đường của Giao Ước mới và, một đàng khác, là Đấng hằng cứu giúp tất cả những ai kêu cầu đến ngài. Đó chính là lý do mà Đức Giáo Hoàng Piô IX, vị Giáo Hoàng của các tín điều “Vô Nhiễm Thai”, của “Quyền Tối Thượng và Bất Khả Ngộ của Đức Giáo Hoàng”, vào ngày 8.12.1870, ngày đại lễ Vô Nhiễm Thai của Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ Thiên Chúa, đã khẳng định rằng các Giám Mục và tất cả các tín hữu trong toàn Giáo Hội cần phải được phó thác cho sự che chở bảo trợ thần thế của Thánh Cả Giuse(14).

Tiếp đến, Đức Giáo Hoàng Leô XIII, Đấng kế vị Đức Piô IX, cũng là một vị Giáo Chủ của Giáo Hội rất có lòng sùng kính Thánh Cả Giuse, đã kêu gọi tất cả mọi tín hữu trong toàn Giáo Hội hãy luôn tin tưởng khẩn cầu cùng Thánh Cả Giuse, vì Thánh Nhân là Đấng đã được Trời Cao kén chọn để chăm sóc gìn giữ Con Một Thiên Chúa và Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ thánh của Người với một tình yêu bao la và một sự kiên trì không biết mệt mỏi. Cũng vậy, chớ gì Thánh Cả Giuse cũng che chở và dìu dắt toàn thể Kitô giáo nói chung và Giáo Hội Công Giáo nói riêng.(15)

Trong Tự Sắc “Porta fidei” (Cánh Cửa Đức Tin), được công bố ngày 11.10.2011, ĐTC Bênêđíctô XVI đã viết: “Trông cậy vào Thánh Cả Giuse, Bạn Đức Trinh Nữ Maria, Đấng đã mang Chúa Hài Đồng Giêsu lánh nạn sang Ai-cập, hầu để cứu Hài Đồng thoát khỏi sự ruồng bố của bạo vương Hê-rô-đê”(16) chúng ta hãy bước đi trên con đường Thiên Chúa đã tiền định cho mình một cách tin tưởng vững vàng. Vâng, chúng ta hãy bước đi vững vàng trong sự trông cậy tuyệt đối vào Thiên Chúa và trong niềm hy vọng vào sự che chở của “Ba Ngôi ở trần gian.”

Giêsu, Maria và Giuse, xin cứu giúp chúng con là kẻ có tội khi nay và trong giờ lâm tử. Amen

_______________

1. Einen Überblick über die Verehrer des hl. Josef finden wir u.a. bei: H.Rondet, “Joseph von Nazareth”, Freiburg 1956, trong: “St Josef – Zeugnisse der Kirche über ihren Schutzpatron”, Verlag St. Josef, Kleinhain 2004 và nơi tác giả C.Carrillo Ojeda, “El patronato de San José sobre México”, Centro de investigación y estudio sobre de San José, Mexico 2004.
2. Gioan Phaolô II, Thông điệp “Redemptoris custos”, công bố ngày 15.8.1989, số 21.
3. Augustinus, Sermon 51, 10,16; PL 38, 342; xem tiếp “De nuptiis et concupiscentiae I”, 11,12; PL 44, 42; “De consensu evangelistarum II”, 1,2; PL 34,107 và “contra Faustum III”,2; PL 42,214.
4. Thông điệp “Redemptoris custos”, số 21.
5. Xem G. Kaster trong: “Lexikon der christlichen Ikonographie”, Band 7: Josef von Nazareth, Col. 210-215, Freiburg 1994.
6. P. Miklia de Dotega, “Ikonen und Mysterium – Die geistliche Botschaft der Bilder”, St. Pantaleon – Köln 1996, trang 70.
7. Xem Miklia de Dotega, o.z.: ”Handbuch der Ikonenkunst”, Slavisches Institut München, trang 200 và 203, München 1966; H. Skrobucher, “Ikonen aus der Tschechoslowakei”, Bild 19, Prague 1971; D. Wild, “Ikonen”, Tafel V, Stuttgart 1974; J.E.Tavlakin, theological commtary von N.C.Lavrietis, “The nativity of Christ in Athonite Art”, Thessaloniki 2000, trang 134..
8. Xem B.G.Kaster, trong: “Lexikon der christlichen Ikonographie”, Band 2, o.z., Col. 86/12 và 129.
9. Sách Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo, số 2427.
10. Thông diệp “Redemptoris custos”, số 27.
11. Đức Bênêđíctô XVI, Tự Sắc “Porta fidei”, ngày 11.10.2012, số 9.
12. Xem Gioan Phaolô II, Thông điệp “Redemptoris hominis”, số 3/17-19. Trích từ G. Rovira, “Der hl. Josef – Vater und Ehemann”, Fe-Medienverlag, Kisslegg 2005, trang 66.
13. Johannes XXIII, Ansprache am 8.12.1962: AAS 55 (1963) 41.
14. Pius IX., AAS 6 (1870-71) 194.
15. Leo XIII, Thông điệp “Quamquam pluries von 8.12.1884”, AAS 22(1889/90).
16. Tự Sắc “Porta fidei”, số 13.

(Ngày Lao Động Quốc Tế – Thánh Giuse Thợ, 01.05.2013)
Lm. Nguyễn Hữu Thy