Hình ảnh Đức Kitô Chịu-Đóng-Đinh trên Thập Giá

192

Một tháng tôi được tham gia thiện nguyện tại bệnh viện dã chiến Tân Bình là một dấu chấm trong hàng ngàn dấu chấm tạo nên bức tranh sinh động về cuộc sống. Một tháng có biết bao cuộc gặp gỡ và chia tay; cũng đầy hy vọng, hẹn ước nhưng cũng có cảm xúc của ngậm ngùi thương tiếc; phủ đầy những nỗ lực cố gắng, vất vả, thẫm đẫm những giọt mồ hôi và cả những bước chân đau nhức, mệt mỏi đã làm nên trong tôi một hồi ức khó quên. Nó làm cho tôi thêm mạnh mẽ, tự tin, can đảm cùng sự lớn lên trong kinh nghiệm đức tin, niềm hy vọng, tình yêu mến. Đặc biệt, tôi được nhìn rõ hơn về chân dung của Đức Kitô Chịu Đóng Đinh không chỉ hiện diện trên đồi Canvê năm xưa nhưng còn hiện hữu trong hình ảnh của những người anh em mà tôi có diễm phúc được phục vụ tại bệnh viện.

Tôi bắt gặp một tư tưởng rất hay trong một cuốn sách: “Thập giá đứng yên, địa cầu không ngừng quay”. Phải chăng Thánh Giá là trục, là trung tâm còn trái đất đang quay quanh trục ấy. Tôi nhận thấy tư tưởng này rất thú vị, nó dẫn tôi tới những tư tưởng đối lập đau khổ và tình yêu, cái chết và sự sống, trao ban và nhận lãnh. Trong khóa giảng tĩnh tâm cho các Tập sinh, Mến Thánh Giá Thủ Đức năm 2020, Đức Cha Antôn Vũ Huy Chương đã chia sẻ: Khi đau khổ xảy đến, Thiên Chúa lại tuôn đổ tình yêu cùng muôn vàn hồng ân, chính khi có sự chết nơi đó có mầm sống xuất hiện, khi ta trao ban là ta được lãnh nhận. Tuy là những phạm trù đối lập nhưng nó lại xuất hiện “ĐỒNG THỜI, CÙNG LÚC” và có sự liên kết chặt chẽ với nhau. Với những trải nghiệm trong thời gian phục vụ tại bệnh viện dã chiến, tôi xin chia sẻ về những tư tưởng đối lập ấy.

ĐAU KHỔ VÀ TÌNH YÊU

Khi chứng chiến những người bệnh nằm bất động, quanh người không phải là tiếng nói, tiếng cười, sự hiện diện của người thân nhưng là rất nhiều dây nối, máy móc bạn cảm thấy thế nào? Một sự xúc động, niềm thương cảm trào dângv.v… Khi được chứng kiến, được nghe rất nhiều những hoàn cảnh, những câu chuyện phát xuất từ nỗi ưu tư, cô đơn bệnh nhân. Tôi cảm thấy đau và thương những người ấy! Có những bệnh nhân mở khí quản hay thở bằng nội khí quản, không tự mình có thể lấy được không khí, hay có những người bị bong hết lớp da ngoài bảo vệ, toàn thân là những vết thương, đặc biệt những người lớn tuổi, họ không nhận được sự quan tâm, động viên, an ủi, một lời hỏi thăm cũng không có, một cuộc điện thoại cũng không đặc biệt là con cái, họ được trao phó cho những người nuôi hộ, họ đã coi bệnh viện là nhà.

Bên cạnh những câu chuyện ấy là hình ảnh đẹp của những cặp đôi đã xế chiều, hay những người thân chăm sóc lẫn nhau. Nhìn sự chăm sóc của người vợ, người chồng, người thân dành cho nhau, niềm xúc động trong tôi trào dâng. Đôi bàn tay yêu thương lau khắp cả người như những liều thuốc giảm đau cho từng bộ phận, những muỗng cháo được cho ăn vội, và gắn măt nạ lại cho bệnh nhân thở oxy, sự loay hoay chăm sóc, những câu nói thể hiện tình yêu thương (có lúc người bệnh không thể nghe được), sự mong chờ bình phục. Tôi nhận thấy lúc này là sự hòa quyện trong tình yêu, nỗi đau của người này đã trở thành niềm đau của người kia, tình yêu của người này ấp ủ, lan tỏa qua người kia. Tôi thấy thật cảm động. Đó là sự thăng hoa trong tình yêu

Nhìn ngắm những con người ấy, tôi thấy hình ảnh Đức Giêsu Kitô Chịu Đóng Đinh trên thập giá. Người có đau đớn khi nhận lấy những cực hình, muôn vàn nỗi đau trên cơ thể, những vết thương đang rỉ máu,… và cả muôn vàn lời nhục mạ khinh chê, sự bỏ rơi của những môn đồ thân tín,…? Người đau chứ vì Người là con người thật, vì tình yêu của Người dành cho nhân loại quá lớn! Người mang lấy tất cả để cho con người được sống và sống dồi dào, sự sống trở nên có ý nghĩa khi trở nên người con yêu quý của Chúa Cha. Có ai cảm thấu nỗi đau và nhận ra tình yêu bao la của Thiên Chúa dành cho từng người một cách cá vị?

CÁI CHẾT VÀ SỰ SỐNG

Chính cái chết của Đức Kitô trên thập giá trở nên mạch nước tuôn trào sự sống cho nhân loại.  Anh em hãy biết rằng không phải nhờ những của chóng hư nát như vàng hay bạc mà anh em đã được cứu thoát khỏi lối sống phù phiếm do cha ông anh em truyền lại. Nhưng anh em đã được cứu chuộc nhờ bửu huyết của Con Chiên vẹn toàn, vô tỳ tích, là Đức Kitô. Người là Đấng Thiên Chúa đã biết từ trước, khi vũ trụ chưa được dựng nên, và Người đã xuất hiện vì anh em trong thời cuối cùng này. Nhờ Người, anh em tin vào Thiên Chúa, Đấng đã cho Người chỗi dậy từ cõi chết, và ban cho Người được vinh hiển, để anh em đặt niềm tin và hy vọng vào Thiên Chúa (1Pr 1,18-21). Khi chiêm ngắm cái chết của Đức Kitô trên thập giá củng cố thêm cho tôi niềm hy vọng về sự sống vĩnh cửu trong nước của Người.

Hiện diện trong những cuộc ra đi không người thân bên cạnh hoặc trong sự tiếc nuối, ngậm ngùi xót xa của những người còn ở lại, tôi cảm thấy sự bất lực hiện lên trong tôi. Tôi và những người khác, dù có chuyên môn giỏi cũng không thể làm gì hơn để có thể kéo dài sự sống cho một người nào đó trên trần gian này. Tôi muốn người bệnh được khỏe hơn, tiến triển để có thể tiếp tục sự sống, tiếp tục yêu thương, cùng đoàn tụ với gia đình,… nhưng phải chăng điều ấy là quá ích kỷ. Khi tôi chọn điều tôi nghĩ là tốt nhưng có thể là chưa tốt nhất đối với người khác. Có thể sự ra đi ấy là điều tốt nhất cho chính người bệnh nhân ấy? Điều tôi học được là sự đón nhận tất cả trong bàn tay quan phòng của Thiên Chúa và cám ơn tất cả những người đã nỗ lực, cố gắng hết sức để dành lấy sự sống cho một người anh em.

Chính trong những cuộc ra đi ấy, tôi nhìn thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa dành cho con người. Cái chết không phải là kết thúc nhưng là bắt đầu một cuộc sống mới, một sự sống vĩnh hằng. Điều gì cũng vậy, muốn có sự bắt đầu thì phải có kết thúc để tạo một bước chuyển khác. Cũng vậy, khi tập nhân đức và sống đáp lại tiếng nói của Thiên Chúa, chúng ta tập chết đi cho con người cũ với những thói hư, ích kỷ, ta sẽ dần trở nên con người mới.

TRAO BAN VÀ NHẬN LÃNH

Không thể phủ nhận về những hy sinh của biết bao con người đang âm thầm phục vụ bệnh nhân Covid. Dù thời đại “mở cửa” và mức độ ảnh hưởng của bệnh giảm hơn, nhưng vẫn còn nhiều người đang cần được chăm sóc. Khi chính bản thân được trải nghiệm trong công việc ấy tôi mới cảm nhận được những nỗi khó khăn vất vả và sự hy sinh đến nhường nào. Có ai dám mặc đồ bảo hộ nóng nực suốt 7 tiếng đồng hồ mà không được ngồi xuống nghỉ mấy phút? Có ai đủ cam đảm để đương đầu với căng thẳng khi cấp cứu cho người bệnh, có khi cấp cứu nhiều ca liên tiếp? Có ai dám hy sinh để làm vệ sinh cho người bệnh? Có ai đủ nhẫn nại ngồi chờ “4 phút vàng” để cứu sống người bệnh? Có ai đủ lòng thương cảm để thấu hiểu nỗi đau đớn, sự cô đơn và nhiều những câu chuyện được ẩn giấu dưới những khuôn mặt mệt mỏi của người bệnh.

Thật vậy, chính khi trao ban là khi được nhận lãnh. Chính trong thời gian ấy tôi đã được lớn lên trong kinh nghiệm đức tin, cùng với bệnh nhân chiến đấu và quý trọng sự sống Chúa ban. Lòng thương cảm của tôi được triển nở hơn và tôi cảm nhận được những nỗi đau của tha nhân là chính Chúa đang đau. Đó là hình ảnh Đức Kitô trong đời sống thường ngày, không chỉ là những xúc cảm khi chiêm ngắm cái chết của Người trong nhà nguyện hay tưởng nhớ biến cố. Tôi thêm cam đảm, mạnh mẽ, dám dấn thân, hy sinh và tập từ bỏ đi cái tôi ích kỷ là con người cũ để trở nên người mới,… với sự sống tươi mới của Đức Kitô.

Chính Đức Kitô Chịu Đóng Đinh là trung tâm là trục trong cuộc sống của tôi, tôi cảm nhận, dấu chấm mà tôi đã trải qua là dấu chấm được vẽ gần Thánh Giá hơn cả để tôi được đến gần Đức Kitô Chịu Đóng Đinh hơn trong mùa chay thánh này và trong suốt hành trình của đời sống.

Maria Phạm Anh, Học viện MTG.Thủ Đức