Hiểu và áp dụng thế nào việc Hội nhập Văn hoá vào Đạo giáo

141

Hiểu và áp dụng thế nào việc Hội nhập Văn hoá vào Đạo giáo

Văn hoá là một đề tài rộng lớn, bao trùm những lề lối sinh hoạt của một dân tộc như phong tục, tập quán, lễ nghĩa, lễ hội dân gian với những câu hát hò đối đáp, tang chế, việc thờ phượng, nghệ thuật, cách ăn uống, cách chào hỏi, cách nói năng, cư xử, cách tổ chức gia đình, làng xóm, xã hội, cách nhìn đời, v.v., được tinh luyện từ đời này qua đời khác.

Những sắc thái văn hoá của một dân tộc còn thấy khác nhau từ miền nọ đến miền kia. Tại Viêt Nam, ba con sông đã được nhắc đến, định vị cho ba miền Văn hoá chính là: Văn hoá sông Hồng ở miền Bắc, Văn hoá sông Hương ở miền Trung, Văn hoá sông Cửu Long ở miền Nam [1]. Vì thế không có định nghĩa vắn tắt nào về văn hoá có thể nói lên được tất cả quan niệm của loài người về văn hoá. Do đó quan niệm về văn hoá đôi khi bao hàm ý nghĩa mông lung.

————————

Lưu ý: Trong bài tác giả dùng vài kiểu nói riêng như ‘tưới gốc cây rừng, tưới rễ cỏ hoang’, nghe có vẻ văn vẻ, nhưng suy ra có vẻ tục. Tuy nhiên đây là vấn đề thực tế liên quan đến nhu cầu đào thải, vệ sinh của mỗi người: đàn ông cũng như đàn bà trong đời sống hằng ngày.

———————–

Những yếu tố giúp phát triển văn hoá:

 

Kinh tế có ảnh hưởng đến văn hoá như thế nào? Người ta nói: ‘Phú quí sinh lễ nghĩa’. Tuy nhiên đây chỉ là nếp sống của người giầu có, chứ không hẳn là người giầu, có văn hoá cao. Có những cá nhân hay dân tộc nghèo nhưng họ vẫn có văn hoá. Chính trị cũng ảnh hưởng đến văn hoá. Có những thể chế chính trị cầm quyền trong một quốc gia có thể giúp cổ võ và thăng tiến hoá nền văn hoá dân tộc. Có những thể chế cầm quyền lại áp đặt tư tưởng và cách sống trong xã hội, khiến cho nếp sống văn hoá của ngườì dân bị đóng khung hoặc bị biến chế, hoặc bị tha hoá và sa đoạ, nghĩa là làm cớ cho những cách biểu lộ văn hoá đảo điên xuất hiện.  Giáo dục là một yếu tố quan trọng giúp cổ võ văn hoá. Khi người ta được giáo dục thì cách nói năng của họ cũng khác. Chẳng hạn đàn ông có giáo dục thì ít văng tục và biết kiềm chế những kiểu ăn tục, nói phép, chửi thề. Đàn bà được giáo dục thì biết tự chế những kiểu ăn nói ‘hàng tôm hàng cá’. Tuy nhiên giáo dục đây không hẳn là giáo dục khoa bảng, mà là nền giáo dục nhân bản và khai hoá, nhấn mạnh về luân thường đạo lí, về đạo làm người và làm người công dân. Tôn giáo cũng ảnh hưởng đến văn hoá. Do đó những xã hội Âu Mĩ đã chịu ảnh hưởng nhiều của nền văn hoá Kitô giáo. Dân Ả Rập và Bắc Phi Châu thì mang nặng những nét văn hoá Hồi giáo. Còn Khổng giáo – nói đúng ra là triết lí Khổng Mạnh – đã một thời ảnh hưởng đến văn hoá của giới nho gia thời phong kiến tại Trung Hoa và phần nào ảnh hưởng đến giới nho sĩ thời phong kiến tại Việt Nam; rồi dân gian Việt Nam lại chịu ảnh hưởng phần nào bởi văn hoá của giới nho sĩ Việt. Như vậy người ta thấy có sự pha trộn giữa văn hoá và tôn giáo. Ngôn ngữ cũng góp phần vào tiến trình duy trì và phát triển văn hoá. Từ khi có chữ Quốc ngữ, quần chúng Việt Nam được biết đến và dễ dàng tiếp cận với những sắc thái văn hoá của mỗi miền Đất Nước và những nét văn hoá đặc thù của những miền địa phương và những sắc tộc khác nhau.

Kitô giáo hội nhập vào văn hoá bản địa

Hoi_Nhap_van_hoaKhi Đức Kitô nhập thể và sống giữa loài người, theo ngôn ngữ và những tập tục của người Do Thái, Người đã hấp thụ và sống nền văn hoá của dân Do Thái thời bấy giờ. Trên đường truyền giáo, các tông đồ lại đem Kitô giáo hội nhập vào văn hoá ‘dân ngoại’, nghĩa là đi xa dần khỏi văn hoá Do Thái giáo. Dân ngoại đây được hiểu là những người không có máu Do Thái thời bấy giờ. Việc ông Phêrô làm phép rửa cho dân ngoại (Cv 10:48), vào nhà những người không cắt bì và ăn uống với họ (Cv 11:3) đã bị những người Do Thái theo Kitô giáo thuộc giới cắt bì ở Giêrusalem chỉ trích. Còn thánh Phaolô thì bảo: Ai chưa cắt bì khi được kêu gọi, thì đừng cắt bì (1Cr 7:18). Còn những người thuộc miền Giu-đê và những người Pharisêu đã trở thành Kitô giáo, đòi hỏi các tông đồ làm phép cắt bì cho người dân ngoại và giữ luật Mosê trước khi nhận họ vào cộng đoàn tín hữu (Cv 15: 1, 5). Để trả lời, ông Phao-lô, ông Ba-na-ba, ông Phêrô và ông Gia-cô-bê bảo họ rằng: dân ngoại không cần phải cắt bì theo tập tục người Do Thái để trở thành người Kitô giáo.

Giả sử các tông đồ cứ đòi dân ngoại phải giữ luật cắt bì khi gia nhập đạo Kitô giáo thì chắc có những người lớn tuổi muốn theo đạo Công giáo cũng có thể nảy sinh ra cảm giác sợ đau nếu phải bị cắt bì khi chưa có thuốc mê. Cũng nên biết bên Mĩ dù cha mẹ không phải là Do Thái, thì khi sinh con trai, nhà thương cũng hỏi ý kiến xem cha mẹ có muốn bác sĩ cắt bì cho con không, để giúp việc giữ vệ sinh của con mình sau này được dễ dàng. Nói đến cắt bì, thì hồi mới di cư sang Mĩ, có y tá nhà thương kia nhờ một linh mục Việt giúp thông dịch cho một chị Việt Nam mới sinh con trai, nhờ hỏi xem chị có muốn cho con được cắt bì không? Khi linh mục Việt giải thích cho chị, cắt bì nghĩa là thế nào, chị ta bèn trả lời, được trích nguyên văn như thế này: Thôi-ôi, thôi đi chu-ú, nếu vậy thì thôi đi, chú ơi. Nghe chị ta gọi mình là ‘chú’, linh mục đó nói cảm thấy mình trẻ lại cả hai chục tuổi.

Đạo Công giáo hội nhập vào văn hoá Việt thế nào?

Để cổ võ việc hội nhập văn hoá Việt Nam, Bộ Truyền Giáo đã trao cho nhị vị Giám mục Francois Pallu và Lambert de La Motte đến truyền giáo tại Việt Nam năm 1659 lời nhắc nhở (Monita ad Missionarios): ‘Chư huynh đừng bao giờ muốn sửa đổi, đừng tìm lý lẽ nào để buộc dân chúng sửa đổi những phép xã giao, tập tục, phong hoá của họ trừ khi nó hiển nhiên mâu thuẫn với đạo thánh và luân lý’ [2]. Trong việc hội nhập văn hoá miền sông nước, một linh mục VN với cách truyền giáo bình dân trong đó có lễ nghi phụng tự vào những năm cuối thiên kỉ thứ hai và đầu thiên niên kỉ thứ  ba, mà người ngoài công giáo gọi một cách thân tình là ‘Anh Tám H’. Trong một bài giảng Chúa Nhật tại một nhà thờ chính toà của một thành phố lớn, Anh Tám H. gọi việc phô trương đạo là ‘khoe’ đạo. Theo nhận xét của Anh Tám linh mục thì việc khoe đạo chỉ làm cho người ngoài đạo ‘ghét’ đạo mà thôi [3].

Tuy nhiên thuật ngữ ‘hội nhập văn hóa’ (Inculturation) chỉ được dùng trong những văn kiện chính thức của Giáo Hội như ‘Nostra Aetate’từ khi có Tuyên Ngôn về liên lạc của Giáo Hội với các tôn giáo ngoài Kitô giáo của Công Đồng Vaticanô II được kết thúc vào năm 1965. Từ đó có nhiều tác giả đã viết về việc hội nhập văn hoá, gồm cả hội nhập văn hoá Việt Nam. Trong tiến trình hội nhập văn hoá, thì Hội Đồng Giám mục Viêt nam cũng đã chấp thuận một số việc hội nhập văn hoá: như việc cho phép các linh mục khi cử hành thánh lễ an táng hay cầu nguyện cho người đã qua đời được trưng hình người quá cố trong nhà thờ và niệm hương trước di ảnh ông bà cha mẹ. Việc làm này cũng phù hợp với Giới răn Thứ Tư trong Mười Giới Răn Đức Chúa Trời là: Thảo kính cha mẹ khi còn sống và cầu nguyện cho tổ tiên ông bà cha mẹ khi đã qua đời.

Áp dụng sai lệch việc hội nhập văn hoá

Gần đây để áp dụng việc hội nhập văn hoá, có mấy linh mục vào trạc tuổi ngũ-lục-tuần, bận áo thụng, đội khăn đống, nhưng lại bận quần tây và mang giầy ‘Chicago’ khi cử hành thánh lễ. Ở ngoại quốc có mấy linh mục Việt Nam còn đề nghị cho vị giám mục sở tại được mời đến dâng thánh lễ giao thừa, đội khăn đống, bận áo thụng. Cũng thấy một vài giám mục phó bản xứ bận theo vì phép xã giao chăng? Vấn đề được đặt ra là đội khăn đống, bận áo thụng có thực sự là hội nhập văn hoá không? Ở đây cần phải nhận định rằng lễ nghi công giáo là lễ nghi công giáo. Ðó là căn tính của lễ nghi công giáo. Phẩm phục lễ nghi Công giáo là căn tính của phẩm phục lễ nghi Công giáo; cũng như phẩm phục của lễ nghi Phật giáo là phẩm phục của lễ nghi Phật giáo. Ðem phẩm phục không phải là công giáo vào lễ nghi công giáo mà không qua một nghi thức ‘rửa tội’ nào đó cho phẩm phục đó thì giống như là đem ‘râu ông cắm cằm bà’ vậy. Vấn đề được đặt ra ở đây là cần nghiên cứu và áp dụng thế nào đễ loại bỏ những quan niệm sai lầm về việc hội nhập văn hoá.

‘Trong bài giảng thánh lễ tại Manila, Phi Luật Tân kết thúc phiên họp khoáng đại Liên Hiệp Hội Đồng Giám Mục Á Châu ngày 16 tháng 8, 2009, Hồng y Francis Arinze, cựu Bộ trưởng Thánh bộ Phụng Tự và Kỉ Luật các Bí tích nhiệm kì 2002-2008 và là Đặc sứ của Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI đã cảnh giác các giám mục châu Á về những ‘phong cách cá nhân’ (idiosyncracies) trong phụng vụ và những quan niệm sai lầm về việc hội nhập văn hóa. Ngài cũng đưa ra một nhận xét cảnh báo về phụng vũ (tức là các vũ điệu trong phụng vụ). Sau khi khen ngợi ý thức về những điều linh thánh nơi các nền văn hóa Á châu, Hồng y Arinze cảnh giác về những quan niệm sai lạc đối với vấn đề hội nhập văn hóa và thúc giục sự tuân thủ các quy luật phụng tự. Một số điều khác không thể chấp nhận là vị chủ tế mặc quốc phục thay cho bộ áo lễ đã được chuẩn nhận khắp hoàn cầu. Ngài nói tiếp: “Các điệu nhảy múa cần phải đặc biệt xem xét kỹ lưỡng bởi vì đa số những điệu vũ này làm cho ta quá chú tâm đến người trình diễn và tạo ra thích thú khi thưởng lãm. Người ta đến dự Thánh lễ, không phải là để giải trí, mà là để thờ phượng Chúa, ngợi khen và cảm tạ, xin Người thứ tha tội lỗi, và cầu cho được các nhu cầu tâm linh cũng như trần thế. Các tu viện có thể giúp xác định cho biết những chuyển động nhịp nhàng của thân thể có thể trở thành như lời kinh nguyện ra sao” [4]’.

Theo nhận xét của Hồng Y Arinze về phụng vũ thì không biết vị Hồng Y muốn ám chỉ phụng vũ của quốc gia nào tại Á châu?  Trong dịp phong thánh 117 vị anh hùng tử đạo Việt Nam vào năm 1988, người ta cũng thấy có đoàn dâng hoa với những vũ điệu dâng lên Mẹ, Nữ Vương Các Thánh Tử Đạo, tại quảng Trường Thánh Phêrô vào tối hôm trước lễ Phong Thánh. Chắc Hồng Y Arinze không nói về việc dâng hoa cho Đức Mẹ ngoài thánh lễ vì đây không phải là phụng vũ trong thánh lễ. Trước Công Đồng Vaticanô II, có mấy Giáo phận miền Bắc do ảnh hưởng của một số giáo sĩ truyền giáo, có tổ chức những đoàn dâng hoa. Vào Tháng Năm là tháng Hoa Đức Mẹ, người ta thấy có những đoàn dâng hoa cũng đi rước kiệu Đức Mẹ chung quanh nhà thờ, rồi vào nhà thờ dâng hoa trước bàn thờ Đức Mẹ với những bài hát và vũ khúc khác nhau của đoàn dâng hoa, thường là trẻ nữ, tiếp đến là việc chầu Thánh thể. Sau Công Đồng Vaticanô thấy có nhiều giáo xứ tại nhiều giáo phận tại VN cũng tổ chức dâng hoa kính Đức Mẹ vào Tháng Năm. Nhận thấy những vũ điệu dâng hoa cho Đức Mẹ ở Việt Nam với nhạc và lời dâng hoa góp phần giúp giáo dân thêm lòng kính mến Đức Mẹ và các em nhỏ trong đoàn dâng hoa cũng có vẻ hào hứng, nên cũng đáng duy trì. Tuy nhiên cần lưu ý đến thời điểm lúc nào thì dâng hoa. Nếu có rước kiệu Đức Mẹ thì nên tổ chức dâng hoa cho Đức Mẹ sau khi rước kiệu. Còn nếu không rước kiệu thì nên xếp đặt chương trình dâng hoa cho Đức Mẹ vào cuối lễ theo lời hát kính Đức Mẹ.

Còn nếu lồng việc dâng hoa với việc dâng bánh rượu trong thánh lễ khi dâng lễ vật thì lời hát cần được thay đổi để hướng việc dâng hoa và dâng lễ vật lên Thiên Chúa thay vì dâng cho Đức Mẹ và người tập vũ cho đoàn dâng hoa cần tập thế nào để giúp đoàn dâng hoa và cộng đoàn dân Chúa hướng lòng vào việc dâng kính và thờ phượng Thiên Chúa, thay vì hướng lòng về Đức Mẹ. Những lời dâng hoa và nhạc đệm cần lựa chọn thế nào và những điệu vũ khúc dâng hoa cần tập thế nào để giúp giáo dân khi nghe lời nhạc và vũ điệu dâng hoa thì có thể hướng lòng lên với Chúa để cùng ca tụng ngợi khen Thiên Chúa thay vì chỉ coi như một màn trình diễn.

 

Một ví dụ về việc hội nhập văn hoá khi dâng lễ vật trong thánh lễ

Quan sát phần dâng của lễ của Phong Trào Thiếu Nhi Thánh Thể VN tại Hoa Kì, người ta thấy cũng giúp giáo dân hiểu được trong khi dâng lễ vật, không phải chỉ dâng bánh rượu nhưng còn là dâng lên Thiên Chúa những mầu khăn khác nhau tượng trưng cho ban tuyên uý, lãnh đạo, cố vấn, huynh trưởng và các thành viên với tất cả đời sống và những tâm tình vui buồn, tâm tư, ước vọng. Trong phần dâng lễ vật, người ta thấy một huynh trưởng đọc từng lời nguyện dâng của lễ, rồi từng hai đoàn sinh mang lễ vật khác nhau lên đặt trước bàn thờ với những vũ điệu đơn giản. Rồi từng hai đoàn sinh đi xuống khỏi bậc cung thánh, đứng đợi cho tất cả đoàn sinh dâng của lễ xuống khỏi bàn thờ. Lúc này linh mục chủ tế mới xuống nhận lễ vật bánh rượu do hai đoàn sinh dâng. Sau đó hai đoàn sinh đi xuống cùng với các đoàn sinh khác về chỗ ngồi. Sau đây là văn bản mười một ‘Lời Nguyện Dâng Lễ Vật’ của Phong Trào Thiếu Nhi Thánh Thể tại Hoa Kì.

1. Ngành Ấu:

Xin dâng lên Chúa màu xanh lá mạ của lứa tuổi còn trong trắng ngây thơ. Xin cho các em được giữ mãi tấm lòng đơn sơ thanh khiết và tinh thần ngoan ngoãn đạo đức trong suốt cả cuộc đời. Chúng con xin dâng lên Chúa. CĐ đáp: Xin Chúa nhậm lời chúng con.

2. Ngành Thiếu:

Xin dâng lên Chúa màu xanh biển đậm đà của lứa tuổi vừa lớn. Xin cho các em biết ấp ủ trong tim ý nghĩa cao đẹp của hai chữ “Hy Sinh”, biết từ bỏ những ham chơi lãng phí, những kiểu cách thời trang, để chuyên cần học tập hầu chuẩn bị cho cuộc sống tương lai. Chúng con xin dâng lên Chúa. CĐ đáp: Xin Chúa nhậm lời chúng con.

3. Ngành nghĩa:

Xin dâng lên Chúa màu vàng rực sáng của lứa tuổi sắp bước vào đời. Xin cho các em được giữ vững tinh thần đạo đức, dể lướt thắng mọi khủng hoảng trong cuộc sống hiện tại. Và biết Phúc Âm hóa môi trường để Thánh Thể và Lời Chúa trở nên động lực cho mọi hoạt động của các em. Chúng con xin dâng lên Chúa. CĐ đáp: Xin Chúa nhậm lời chúng con.

4. Ngành Hiệp Sĩ:

Xin dâng lên Chúa những người trẻ mang hoài bão cao thượng, những Hiệp Sĩ Thánh Thể dấn thân phục vụ Giáo Hội và Quê Hương. Xin cho họ luôn mở rộng vòng tay mang ý chí kiên cường, tài năng phong phú dể phụng sự Chúa, xây dựng thế giới và làm đẹp xã hội. Chúng con xin dâng lên Chúa. CĐ đáp: Xin Chúa nhậm lời chúng con.

5. Huynh Trưởng:

Xin dâng lên Chúa màu đỏ đầy nhiệt huyết của các huynh trưởng. Xin cho những anh chị đã không quản ngại vất vả, đã dám quên mình phụng sự Chúa và hy sinh cho các em một cách cao thượng, được luôn sống kết hợp mật thiết với Chúa Giêsu Huynh Trưởng Tối Cao của Phong Trào. Chúng con xin dâng lên Chúa. CĐ đáp: Xin Chúa nhậm lời chúng con.

6. Trợ Tá:

Xin dâng len Chúa màu xanh bao la quảng đại của các Trợ Tá, vì lòng thương thiếu nhi đã dấn thân phục vụ Phong Trào, không mong mỏi một điều gì khác hơn là làm sáng danh Nước Chúa. Chúng con xin dâng lên Chúa. CĐ đáp: Xin Chúa nhậm lời chúng con.

7. Tuyên Uý, Trợ Uý:

Xin dâng lên Chúa màu trắng trinh trong của các cha Tuyên Uý, các Sơ và các Thầy Trợ Uý. Xin cho các Ngài luôn tìm được hạnh phúc trong Tình Chúa, để dâng hiến cuộc đời làm Hy Tế và làm Chứng Tá cho Chúa và Giáo Hội, đặc biệt cho Phong Trào Thiếu Nhi Thánh Thể. Chúng con cũng cầu xin Chúa gia tăng ơn gọi tu trì trong Phong Trào chúng con, giúp chúng con biết lắng nghe và đáp lại lời mời gọi của Chúa. Chúng con xin dâng lên Chúa. CĐ đáp: Xin Chúa nhậm lời chúng con.

8. Cựu Huynh Trưởng, Nghĩa Binh Thánh Thể, Cố Vấn, Ban Chấp Hàng Cộng Đồng, Cộng Đoàn, Phụ Huynh và Ân Nhân:

Xin dâng lên Chúa các cựu Huynh Trưởng và Nghĩa Binh Thán Thể. Xin cho các anh chị dù ở bất cứ hoàn cảnh nào cũng vẫn là Ánh Sáng và Men Muối giữa trần gian. Chúng con cũng dâng lên và cầu sin Chúa trả công bội hậu cho quí vị Cố Vấn, Ban Chấp Hành Cộng Đồng, quí vị ân nhân và phụ huynh đã giúp công, góp của cho Phong Trào Thiếu Nhi Thánh Thể. Chúng con xin dâng lên Chúa. CĐ đáp: Xin Chúa nhậm lời chúng con.

9. Quê Hương, Giáo Hội Việt Nam, Thiếu Nhi trên khắp thế giới:

Xin dâng lên Chúa nước Việt Nam và Giáo Hội Việt Nam đau thương của chúng con. Xin Chúa tiếp tục duy trì hạt giống đức tin mà cha ông chúng con đã để lại và cho Quê Hương chúng con sớm nhìn thấy ngày tự do và cơm no áo ấm, người người thật sự yêu thương đùm bọc nhau. Chúng con cũng dâng lên Chúa các bạn thiếu nhi trong các trại tị nạn cũng như trên thế giới sớm có một tương lai tràn đầy hy vọng. Chúng con xin dâng lên Chúa. CĐ đáp: Xin Chúa nhậm lời chúng ccon.

10. Những người đã qua đời:

Xin dâng lên Chúa lời chào vĩnh biệt và những vành khăn tang trắng. Xin Chúa sớm đưa linh hồn các cha Tuyên Uý, Trợ Uý, Trộ Tá, các phụ huynh, bảo trợ, ân nhân, các huynh trưởng và toàn thể các thiếu nhi đã qua đời được mau hưởng thánh nhan Chúa. CĐ đáp: Xin Chúa nhậm lời chúng con.

11. Bánh và Rượu Nho:

Và sau cùng chúng con xin dâng lên Chúa bánh miến trắng tinh và rượu nho thơm ngát, do công lao khó nhọc của con người trồng tỉa, vun xới, tưới nước. Xin Chúa đoái thương và chấp nhận của lễ chúng con dâng, sẽ được biến thành Mình Máu Thánh Chúa cho chúng con lãnh nhận như của ăn thiêng thiêng lúc rước lễ. Chúng con xin dâng lên Chúa. CĐ đáp: Xin Chúa nhậm lời chúng con.

Hội nhập văn hoá hay cảm nghiệm về tôn giáo: yếu tố nào quan trọng?

Trong khoá họp Thượng Hội Ðồng Giám Mục Á Châu tại La mã 1998, Hồng Y Phạm Ðình Tụng, Tổng Giám Mục Hà nội, đề cập đến kinh nghiệm tôn giáo. Trong bài phát biểu, Hồng Y Tụng nêu lên lí do tại sao việc truyền giáo tại Á châu không mang lại kết quả khả quan? Lí do theo vị Hồng Y là vì người Kitô giáo nói chung và công giáo nói riêng, ít có cảm nghiệm về tôn giáo. Họ chỉ biết về đạo mà không có kinh nghiệm tôn giáo và không có cảm nghiệm sống đạo – một kinh nghiệm khiến cho con tim vui mừng và rung động [5] khi sống niềm tin tôn giáo. Theo Hồng Y Tụng, làm sao người công giáo trả lời câu hỏi của người ngoài công giáo: ‘Ðâu là kinh nghiệm tôn giáo của quí vị’? [6]. Rồi vị Hồng Y phát biểu tiếp là những lễ nghi phụng tự của người công giáo dù có được hội nhập văn hóa cũng chỉ xuất hiện như những: bắt chước méo mó, nếu người ta không chạm đến được sự hiện diện đầy sức tác động của Thiên Chúa tình thương, của Thánh Thần ban sự sống [7].

Ngoại hình của Hồng Y Tụng cho thấy không có vẻ đẹp trai mấy, nhưng lời phát biểu thật là sâu sắc. Thiết tưởng lời phát biểu của Hồng Y Tụng có thể được diễn tả bằng một giả dụ như sau. Dù hàng giáo sĩ Việt Nam có bận áo cẩm bào, đầu đội mũ cánh chuồn, chân đi hia để cử hành lễ nghi chẳng hạn, nhưng nếu lời cầu nguyện và việc phụng thờ chỉ nằm khơi khơi trên bề mặt thì cũng không gây được ấn tượng thiêng liêng nào nơi người ngoài công giáo. Nói cho cùng thì việc bận áo cẩm bào, đội mũ cánh chuồn, chân đi hia cũng chỉ là lai căng, chứ không thuần tuý Việt Nam. Quá quan tâm đến vấn đề hội nhập văn hoá vào đạo, chẳng qua có thể là phản ứng của kẻ tự ti măc cảm về phương diện nào đó.

Như vậy cách thế làm việc đạo (modus quo) của người làm việc đạo (ex opere operantis) và tâm tình biểu lộ trong khi làm việc đạo là quan trọng đối với người ngoài nhìn vào: công giáo cũng như ngoài công giáo. Còn việc đạo được thực hiện (id quod) hay nói cách khác (ex opere operato) mà làm một cách máy móc cho có hình thức thì người ngoài trông vào: công giáo cũng như ngoài công giáo thì cũng chỉ thấy và biết vậy thôi, không gây được ấn tượng thiêng liêng nào đối với họ.

Giới thiệu văn hoá  Kitô giáo vào lòng xã hội bản địa

Văn hoá chẳng qua là vấn đề tiếp nối, có thể được du nhập từ ngoài vào, đến trước hay đến sau mà thôi. Có những sắc thái văn hoá mà người ta bảo đó là của dân tộc, thì cũng đã hội nhập từ ngoài vào từ lâu đời, làm thành văn hoá bản xứ. Những nét văn hoá đến sau mà được thanh lọc, đào thải và thích ứng, thì lâu đời cũng sẽ trở thành văn hoá bản địa. Tôn giáo cũng là việc hội nhập vào một quốc gia theo thời gian: đến trước hay vào sau. ‘Đạo’ Phật đã được du nhập vào Việt Nam cả ngàn năm trước Kitô giáo nên đã ảnh hưởng sâu rộng hơn vào xã hội Việt Nam. Cổ võ việc hội nhập văn hoá bản địa vào đạo Kitô giáo, thì cũng cần tìm cách giới thiệu văn hoá Kitô giáo vào lòng dân bản xứ nữa, để lâu ngày văn hoá Kitô giáo cũng sẽ thấm nhập vào lòng dân bản địa. Văn hoá và tôn giáo phải là con đường hai chiều. Nếu chi tìm cácch hôi nhập văn hoá vào tôn giáo là người ta đi theo con đường một chiều. Thiên đường là quan niệm về đời sau trong Thiên Chúa giáo. Đại thi hào Nguyễn Du chắc đã phải nghe biết hay đọc giáo lí công giáo nên mới viết trong truyện Kiều rằng: Biết đâu địa ngục, thiên đường là đâu? Như vậy thì quan niệm về thiên đường của đạo Kitô cũng đã ảnh hưởng đến vần thơ cùa Nguyễn Du.

 

Vào thập niên cuối cùng của thế kỉ hai mươi, người ta thấy có những xóm đạo ở miền Nam Việt Nam cho đặt tượng hoặc bàn thờ Mẹ Maria hay ông thánh nọ, bà thánh kia ngay ngoài trời ở góc  phố, xóm chợ. Thời trước đó trên Quốc Lộ 20 bên góc đèo Bảo Lộc là nơi tài xế xe đò dừng lại cho khách nam giới có dịp ‘tưới gốc cây rừng’. Còn nữ giới không bắt chước nam giới được thì chọn ‘tưới rễ cỏ hoang’. Bây giờ đã thấy có khu nhà vệ sinh riêng biệt cho hai giới. Cũng thấy tượng đài Mẹ Maria cỡ lớn đã được thiết kế nơi nghỉ chân cho những ai muốn dâng một bông/bó hoa cho Mẹ hay cầu nguyện năm ba phút. Tại Bãi Dâu ở Vũng Tàu còn thấy tượng Ðức Mẹ ở ngoài trời. Ai đi đường qua lại cũng có thể trông thấy dễ dàng. Trên núi Tao Phùng ở Bãi Sau Vũng Tàu, xe cộ hay tầu bè qua lại phải thấy một pho tượng Chúa Kitô vua, khổng lồ, bao quát cả vùng trời núi non, giang tay hướng về biển Ðông Việt như là vua biển cả, như Phúc Âm ghi lại Chúa khiến sóng gió, bão táp phải yên lặng (Mt 8:26; Mc 4:39; Lc 8:24). Nói đến việc giới thiệu văn hoá Kitô giáo vào lòng dân tộc, thì không thể không nhắc đến chữ quốc ngữ, bầu khí dịp lễ Giáng sinh với những cảnh trang hoàng đẹp mắt và ca nhạc giáng sinh vang vọng lên làm rộn rã lòng người trong nhà cũng như ngoài phố chợ. Riêng chữ quốc ngữ là một món quà vô giá của đạo Công giáo để lại cho dân tộc Việt Nam.

Người ngoài công giáo vào nhà thờ, họ có thể ngại ngùng vì cảm thấy lạc lõng. Tuy nhiên cầu nguyện trước tượng Chúa, Mẹ Maria hay ông thánh nọ, bà thánh kia ở góc phố hay lộ thiên ngoài trời, hay nghe nhạc đạo một mình, người ta có thể thấy thoải mái hơn. Sau năm 1975, cũng đã có nhóm người Việt ở Mĩ phổ nhạc ca vọng cổ vào những câu chuyện Thánh kinh như ‘Phêrô chối Chúa’ hay ‘Giuđa bán Thày’. Ca lên, nghe cũng rất là mùi mẫm, khiến thính giả vỗ tay nhiệt liệt [8]. Ðó là những cách thế đem giáo lí Kitô giáo vào đời. Cứ xét xem văn hoá Kitô giáo đã ảnh hưởng vào lòng xã hội Âu Mĩ như thế nào. Nói cho cùng thì tôn giáo thuộc lãnh vực phi văn hoá. Khi người ta đã có niềm tin xác tín và cá biệt về niềm tin tôn giáo rồi, thì việc bầy tỏ niềm tin cá biệt và xác tín đó bằng bất cứ văn hoá nào cũng có thể đánh động tâm hồn của người thuộc văn hoá khác. Nói đúng hơn, cảm nghiệm tôn giáo là vấn đề siêu văn hoá, nghĩa là vượt lên trên văn hoá. Nói như vậy có nghĩa là khi một người có xác tín về đạo giáo mà biểu lộ niềm tin bằng văn hoá của họ, thì người thuộc nền văn hoá khác họ, trông vào cũng thấy có ấn tượng. Hoặc người thuộc nền văn hoá nọ có thể bày tỏ niềm tin trong cách thế bày tỏ niềm tin của người thuộc văn hoá kia. Tại Hoa Kì ở những giáo xứ Mĩ có người Việt dự lễ, người ta thấy có những người Mĩ cũng bái đầu như người Việt khi vào nhà thờ hay khi đi ngang qua nhà trạm có Mình Thánh Chúa ngự trị. Ngay cả những người mang chứng phong thấp làm đau khớp xương đầu gối, cũng thấy họ bái đầu thay vì bái quì.

Làm sao giáo dục con cháu cảm nghiệm được niềm tin tôn giáo?

Ði vào thực tế thì người công giáo đã dạy con cháu sống niềm tin tôn giáo thế nào trong việc làm dấu thánh giá, kêu cầu đến danh Chúa Ba Ngôi? Người công giáo có ý thức được ý nghĩa khi làm dấu thánh giá, hay chỉ làm theo hình thức hời hợt cho qua lần chiếu lệ? Có khi còn tạo thêm một ngôi vị nữa một cách vô ý thức như khi đọc nhân danh Cha và Con và Thánh, và Thần thay vì và Thánh Thần. Làm dấu thánh giá là cách thế bầy tỏ niềm tin vào Chúa Ba Ngôi. Làm dấu thánh giá là cách thế kêu cầu Ba ngôi Thiên Chúa giúp ta làm việc nọ việc kia theo đường lối của Chúa. Làm dấu thánh giá còn nhắc nhở cho người tín hữu về mầu nhiệm cứu rỗi: Chúa Giêsu chịu chết trên thập giá vì tội lỗi loài người. Còn làm dấu thánh giá một cách máy móc thì không thể giúp ghi nhận được những cảm nghiệm tôn giáo và những ấn tượng thiêng liêng nơi người công giáo và khiến người ngoài công giáo không thấy được kinh nghiệm tôn giáo nơi người công giáo.

Ngoài ra phụ huynh có tạo hoàn cảnh và điều kiện để giúp con cháu biết tự cầu nguyện một mình bao giờ không? Khi con cháu Rước Lễ lần đầu hay chịu phép Thêm Sức hoặc cưới hỏi, phụ huynh có khuyến khích con cháu cầu nguyện, sửa soạn tâm hồn bên trong hay chỉ để ý sắm quần áo, mua bông hoa để tạo ra hiện tượng pháo bông cho việc ăn mừng và chụp thật nhiều hình kỉ niệm? Đốt pháo bông trông thì đẹp nhưng lại rất mau tàn. Do đó mà con cháu không ghi được ấn tượng thiêng liêng nào vì không cảm nghiệm được niềm tin tôn giáo khi lãnh nhận một bí tích. Không có kinh nghiệm tôn giáo khi lãnh nhận phép bí tích, thì xem hình chụp cũng chỉ biết vậy thôi, nghĩa là có thấy hình chụp mà không ghi nhớ được ấn tượng thiêng liêng nào. Hình chụp chỉ giúp hồi tưởng lại kỉ niệm ngày lãnh nhận một bí tích. Còn kinh nghiệm tôn giáo và ấn tượng thiêng liêng mới kéo dài và giúp cho con tim được vui mừng và hứng khởi trong việc sống đức tin.

Như vậy cần giáo dục hướng dẫn sao cho người công giáo có được một đức tin xác tín (faith with conviction) và một đức tin thực hành (faith in action) để toà nhà đức tin được xây trên đá (Mt 7:24)? Làm sao cho đức tin người công giáo trở thành đức tin mang tính cách cá biệt (personal faith) để có thể tự nguyện thực hành đức tin, cảm nghiệm được bằng con tim thay vì chỉ tin trong đầu óc, hầu có thể cảm thấy vui khi làm việc đạo thay vì chỉ làm cho qua lần chiếu lệ cho có hình thức hoặc làm vì bó buộc?

Lm. Trần Bình Trọng

_________________

Trích dẫn từ bài vở:

[1] Nguyễn Đức Cung: ‘Một thoáng suy tư về Văn hoá Dân tộc’, Vietcatholic (6/9/2012).

[2] Lời dịch bản Monita ad Missionarios là của Phạm Huy Thông trong bài: ‘Công giáo Việt Nam- kết quả của sự hội nhập Quốc tế và giữ bản sắc văn hoá Việt’, VietCatholic News (03 Nov 2009 10:05).

[3]. Bài giảng Chúa Nhật TGP / SG Tháng 10, 2011

[4]. Lời tường thuật và lời dịch bài giảng của Hồng Y Arinze dịp kết thúc phiên họp khoáng đại Liên Hiệp Hội Đồng Giám Mục Á Châu tại Manila, hôm 16 tháng 8, 2009 là của Phụng Nghi đăng trong bài: ‘Cảnh giác đối với hội nhập văn hóa sai lạc và vũ phụng vụ’, VietCatholic News (17 Aug 2009).

[5]. Hồng Y Phạm Ðình Tụng: ‘Những ưu tư của công việc rao giảng Phúc Âm tại Á Chấu. Thượng Hội Ðồng Giám Mục Á Châu’, Phiên họp khoáng đại # 13. Vatican 28/04/1998.

[6]. Như trên

[7]. Như trên.

[8]. Băng Casettte: Ca vọng cổ Thánh kinh, có bán tại Hoa kì vào thập niên ’90 của thiên niên kỉ 2000.