Từ ngày bắt đầu Word Cup 2014 ở bên Nam Mỹ châu nước Brazil, 12.06.2014, đến hôm nay 20.06.2014, theo ước tính đã có tới vài trăm triệu người theo dõi những trận thi đấu bóng đá trên sân cỏ của biến cố này qua màn ảnh truyền hình khắp nơi trên thế giới. Con số này sẽ còn tăng lên cao hơn nữa, nhất là vào những vòng thi đấu sâu hơn: vòng thứ tám, tứ kết, bán kết và chung kết.
Bóng đá như thế đã và đang trở thành một điều gì bất thường, hay một đột phá trong đời sống thường ngày. Với những người hâm mộ say mê, mùa bóng đá tựa như „mùa thứ năm“ chen lẫn trong bốn mùa tuần hoàn Xuân Hạ Thu Đông của thiên nhiên.
Bóng đá được bình giải nói đến nhiều liên tục lúc này ở khắp mọi nơi không chỉ trong vòng lý luận tranh cãi, mà còn mang dấu vết sâu đậm rất nhiều tình cảm buồn vui, thất vọng cùng hy vọng, hãnh diện cùng chút gì quê quê xấu hổ nữa…
Thể thao bóng đá và tinh thần tôn giáo
Bóng đá tuy là môn thể thao giải trí xưa nay, nhưng dần dần bóng đá cũng mang một ý nghĩa tinh thần đạo giáo, nhất là về khía cạnh huấn luyện giáo dục đào tạo cho nếp sống nhân bản.
Có ý kiến, nhìn thấy nơi những cổ động viên hâm mộ say mê bóng đá, cho rằng những người này đã đang liên kết tạo thành một „cộng đoàn tin kính“ về ba nhân đức niềm tin, lòng yêu mến và niềm hy vọng đối với đội bóng, Câu lạc bộ của họ, hay nôm na là „ gà nhà“ của mình. Họ yêu mến hồi hộp tựa như „lên cơn sốt rét“ cầu mong đạt được chiến thắng mỗi khi đội „ gà nhà“ thi đấu trên sân cỏ. Có nhà bình luận không ngần ngại nghĩ rằng bóng đá đang trên đường trở thành một thứ loại „tôn giáo thế giới“ có tầm cỡ lớn.
Những người hâm mộ bóng đá đội banh thành phố Dortmund bên nước Đức, khi đến cầu trường xem thi đấu họ hát vang bài ca của họ trong đó có câu:
„Leuchte auf, zeige mir den Weg. Ich hege mit Dir, Borussia. – Hãy soi chỉ đường cho tôi. Tôi cùng đi với bạn, hỡi đội banh Borussia? „ Họ ca những lời này muốn củng cố cổ võ tinh thần đội banh gà nhà của họ mạnh mẽ lên.
Hay những người hâm mộ đội banh FC Liverpool bên Anh quốc có lời trong bài hát của họ:
„ You will never walk alone – Bạn sẽ chẳng đi một mình đâu.“.
Những lời hát này vang vọng như phảng phất lại những lời trong Kinh Thánh viết nơi sách Tiên Tri Isaia, chương 43, 2: „ Dù ngươi có băng qua nước, Ta, Đức Chúa của người, ở cùng ngươi, ngươi có vượt qua sông, cũng không bị nước cuốn, ngươi có đi trong lửa, cũng chẳng hề hấn gì, ngọn lửa không thiêu rụi ngươi đâu.“.
Như vậy phải chăng bóng đá cũng là một thứ loại niềm tin tôn giáo?
Trận đấu banh và lễ nghi phượng thờ
Những trận thi đấu bóng đá thu hút hàng chục ngàn người mua vé vào cầu trường xem, đang khi nơi các Thánh đường lại thưa vắng ít người đi đến tham dự lễ nghi phụng vụ thánh lễ. Tại sao vậy?
Có suy nghĩ rằng: sân cỏ bóng đá mang đến bầu khí hào hứng gây cấn hơn nhà thờ. Vì ở nhà thờ luôn luôn một luận điệu: Bạn sẽ thắng, Thiên Chúa sẽ phù hộ ban ơn cho Bạn, và có thể không có sự gì xảy đến đâu. Luận điệu đó một chiều tẻ nhạt qúa. Trên sân cỏ thi đấu Bóng đá thì khác. Nó mang đến bầu khí nhiều thay đổi, lên xuống hồi hộp căng thẳng gây cấn hào hứng hơn là một lễ nghi phượng thờ trong thánh đường.
Trên phương diện thi đấu, các cầu thủ chơi banh không chỉ bằng thể lực cùng kỹ thuật, nhưng còn với nghệ thuật cùng đam mê nồng nhiệt nữa hơn hẳn một cộng đoàn tôn giáo.
Nhưng không phải từ đầu đến cuối trận thi đấu cả 90 phút đều diễn xảy ra căng thẳng gây cấn đâu. Có những giai đoạn thi đấu, những trận thi đấu cũng nhàm chán tẻ nhạt vậy, khi cầu thủ chơi phạm lỗi, chơi không đẹp không điệu nghệ, thua trận…Xem những trận như thế, Cổ động viên, khán giả đi xem cũng cảm thấy nhàm chán rồi thất vọng bỏ ra đi về nhà sớm. Ấy là chưa nói đến những lạm dụng, những xì căng đan qua thương vụ mua bán trong môn ngành này đã từng xảy ra.
Và như vậy, bóng đá đâu phải là cái gì có thể làm cho bầu khí trong đời sống luôn luôn có hào hứng gây cấn.
Nó cũng có giới hạn của nó, cùng không thể thay thế là món ăn lành mạnh nuôi dưỡng tinh thần được.
Có Thiên Chúa bóng đá không?
Có những người hoặc có ý kiến suy nghĩ cực đoan, hoặc muốn vui đùa cùng ý muốn nhạo báng, nên đã đặt ra thắc mắc: phải chăng có một Thiên Chúa bóng đá ?
Thắc mắc hay qủa quyết này gây ra sự bực bội đến độ nóng giận dữ nơi tôn giáo. Vì đó là suy nghĩ mang mầu sắc cuồng tín khiêu khích. Đức Hồng Y Woelki, Tổng giám mục Berlin cho điều đó là sự sáng chế của báo chí đặt ra thôi: „ Không, không, không, Làm gì có một Thiên Chúa bóng đá. Nhưng chỉ có một Thiên Chúa, Ngài ở trên tất cả.“
Cựu Thủ môn Oliver Kahn của đội banh nước Đức đã nói về thắc mắc Phải chăng những cầu thủ đá banh là những vị thần thánh của chúng ta? : „ Tôi đã có lần nói đến một Thiên Chúa bóng đá, và sau đó suy nghĩ lại tôi rất ân hận rất bực mình:Tại sao mình lại có thể suy nghĩ ra điều vô lý nhảm nhí như thế được. Chỉ có một Thiên Chúa duy nhất thôi. Thiên Chúa này ban tặng cho ta sức lực giúp ta trong mọi hoàn cảnh tích cực cũng như tiêu cực sống vượt qua. Đó là Thiên Chúa của Kitô giáo, mà tôi hằng tin tưởng.“
Nhà huấn luyện bóng đá nổi tiếng, còn gọi là nhà dìu dắt hay Ông bầu, J. Klopp của đội banh Dortmund, một tín hữu Tin Lành, cũng phát biểu tương tự: „ Không làm gì có Thiên Chúa bóng đá đâu. Nhưng tôi tin có một Thiên Chúa, Ngài yêu thương con người chúng ta như chúng ta là với tất cả những tích cực cũng như tiêu cực của đời sống. Chính vì thế, tôi nghĩ rằng Thiên Chúa cũng yêu thích bóng đá.“
Thể hiện nét thâm sâu đời sống
Thắc mắc đặt ra vì cớ gì mà thể thao bóng đá lại hấp dẫn con người càng ngày càng mãnh liệt?
Tại sao con người lại say mê hâm mộ bóng đá, dù không phải hết tất cả mọi người, như một hiện tượng liên quan mật thiết với đời sống vậy?
Đàng sau hiện tượng gây hào hứng sôi nổi của bóng đá có còn thể hiện điều gì nữa không?
Đức Hồng Y Joseph Ratzinger, bây giờ là Đức Giáo Hoàng nghỉ hưu Benedicto XVI., đã có suy tư về khía cạnh này:
„Người bi quan sẽ cho rằng, điều đó giống như ở thời Roma cổ xưa, họ đã viết trên biểu ngữ: Panem et circenses – Cơm bánh ăn và trò chơi Xiếc. Ăn và chơi chỉ là nội dung đời sống của một xã hội đang trên đà xuống dốc, đang lúc họ không còn nhận ra những đích điểm cao hơn nữa.
……………………………….
Ðưa mắt nhìn ngược trở về thời Roma xa xưa, chúng ta có thể tìm ra câu trả lời, tiếng la hét đòi cơm bánh và môn chơi biểu hiện của khát vọng về một đời sống thiên đàng hạnh phúc, về một đời sống no đủ không có cực nhọc vất vả, và tự do được thỏa mãn tràn đầy. Ðiều này ẩn chứa trong môn chơi: trong hành động hoàn toàn tự do, không có đích điểm, không có sự bó buộc, nhưng có cố gắng về sức lực và được thi hành trọn vẹn.
Trong ý nghĩa này môn chơi (bóng đá) cũng là một thể loại thử tìm về trở về nhà, nơi là thiên đàng hạnh phúc: bước thoát ra khỏi đời sống hằng ngày bị trói buộc do những ràng buộc căng thẳng vất vả, và lo liệu cho đời sống căng thẳng có tự do những gì không bắt buộc và dẫn dưa đưa đến sự tốt đẹp.“ (Hồng Y Joseph Ratzinger, bài nói chuyện trên hệ thống truyền thanh về bóng đá, năm 1978 )
Bóng đá ngày nay là môn thể thao phổ thông trên khắp thế giới. Quốc gia đất nước, thành phố, tỉnh thành nào cũng hầu như đều có sân bóng đá, đội banh chuyên nghiệp, hay những người chơi tập luyện thể thao bóng đá cho khỏe mạnh, và cũng có những hội của những người hâm mộ say mê môn bóng đá ủng hộ đội gà nhà. Nhưng bóng đá, dù có thời điểm lúc nào vượt qua ngưỡng cửa môn thể thao thuần túy, cũng không thể nào là đời sống hay thay cho niềm tin tôn giáo được.
Vì những cảm xúc, cảm tính thường hay nhất thời lên xuống bất thường theo biểu đồ nhiệt độ tình cảm con người. Hơn nữa những trận thi đấu bóng đá chỉ diễn ra theo mùa ấn định, và các cầu thủ, dù họ được tôn vinh là thần tượng anh hùng đi nữa, cũng chỉ có một thời gian lúc tuổi trẻ sức lực đầy tràn lên cao, rồi lại tụt xuống dốc thôi.
Một cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp được hỏi : Điều gì quan trọng cho đời sống: Bóng đá hay đức tin tôn giáo?. Anh đã nói ngay: Đây là câu hỏi khó trả lời. Nhưng tôi vẫn thích sống không có bóng đá hơn là không có niềm tin tôn giáo của riêng tôi.
Mùa World Cup 2014
Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long