Hiện hữu cho nhau

63

Hiện hữu cho nhau

Trái đất đang dần bị đè nặng bởi sự hiện hữu ngày càng nhiều của con người. Nó đang bị nóng lên bởi ánh nhiệt của mặt trời, nhưng tình người của nhân loại thì ngày càng giá buốt và lãnh lẽo hơn. Nhìn vào xã hội ngày nay, với những cảnh: người qua đường bàng quang trước sự hấp hối của những người bị tai nạn, cảnh nhiều người tìm sự trốn thoát bằng cái chết, cảnh nhà không biết nhà, người không biết người, cái cảnh mà nhiều người cảm thấy cô đơn giữa những phố phường tấp nập.v.v.. Tôi chợt nhớ một câu nói: “Con người không ai là một ốc đảo”. Thật vậy, con người sẽ đánh mất mình, sẽ không cảm nhận được sự hiện hữu của mình cũng như của người khác nếu như họ chỉ sống một mình. Chính sự hiện hữu của người khác xung quanh mình sẽ giúp cho mỗi người cảm nhận được chính bản thân, cảm nhận được giá trị của sự hiện hữu mà Tạo Hóa đã ban cho mình. Đó là món quà vô giá nhưng hết sức giản dị, một món quà đem lại giá trị cho con người không trừ một ai. Ấy thế mà, con người ngày nay với những gì đã và đang diễn ra, con người thật sự đang dần đánh mất món quà vô giá đó. Họ có xu thế sống chỉ là “hiện hữu cho riêng mình”, chứ không còn là “hiện hữu cho nhau”. Họ đang dần biến mình thánh những ốc đảo lẻ loi, và họ cũng đang nhìn người khác như là một ốc đảo khác mà thôi.

Có lẽ khi đặt vấn đề như vậy nhiều bạn đọc sẽ cho rằng là tôi đã nói “hơi quá”, nhưng bạn sẽ không nghĩ như vậy nếu bạn và tôi cùng nhau hiểu cho đúng về thế nào là một sự “hiện hữu cho nhau”. Nhưng phải làm thế nào để thuyết phục được bạn về vấn đề này bằng những lời lẽ rời rạc của tôi, có lẽ là không thể. Vì vậy mà tôi muốn dẫn bạn đến và để cùng nhau ta “chạm” vào một sự “hiện hữu cho nhau” đã, đang và sẽ còn tồn tại mãi trên trái đất này. Đó là sự hiện hữu của Ngôi Hai Thiên Chúa giữa lòng nhân loại nơi Đức Giêsu Kitô, Ngài hiện hữu cho nhân loại và vì nhân loại: “Này đây, Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Emmanuen, nghĩa là “Thiên Chúa ở cùng chúng ta” (Mt 1, 23). Điều đó muốn nói rằng việc Ngôi Hai Thiên Chúa xuống thế làm người, đồng thời cũng là việc Thiên Chúa tự mạc khải cho chúng ta biết rằng Ngài là một vị Thiên Chúa ở với ta, một vị Thiên Chúa đã đến chia sẻ sự sống của Ngài với ta trong tình liên đới, một Thiên Chúa hiện hữu cho chúng ta. “Cho chúng ta” không có nghĩa là Thiên Chúa ở giữa chúng ta để  giải quyết hết mọi vấn đề của ta, chỉ cho ta cách thoát khỏi hỗn loạn, hoặc hiến cho ta những giải pháp cho những vấn đề của ta. Ngài có thể làm được tất cả những điều ấy, nhưng sự hiện hữu của Ngài cho ta còn có chiều kích cao hơn, sâu hơn và rộng lớn hơn. Đó là Ngài sẵn sàng đi cùng với ta vào trong những vấn đề, những xao xuyến và những vấn nạn của đời ta. Trong thân phận của một “Tôi tớ đau khổ”, Thiên Chúa đã chấp nhận đến với con người trong tình yêu, chấp nhận mọi giới hạn của kiếp thụ tạo. Ngài đã mang lấy hình hài của chúng ta, để rồi lại hạ mình xuống đến vực sâu nhất, đến chỗ tối tăm nhất của kiếp lầm than: của nghèo đói, bệnh tật, nô lệ, của đau khổ, của nhục nhã, cô đơn và của cái chết tức tưỡi trên thập giá: “Đức Giê-su Ki-tô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự” (Pl 2, 6-8). Đó là một khuôn mẫu và là một minh chứng cho sự “hiện hữu cho nhau”, cho một tình yêu trổi vượt trên mọi tình yêu. Như thế, ngay khi gọi Thiên Chúa là “Thiên Chúa ở cùng chúng ta”, thì ta đã bước vào trong một mối tương quan mật thiết mới với Ngài. Khi goi Ngài là Emmanuen, là ta đã nhìn nhận  rằng Ngài đã và đang dấn thân sống trong sự liên đới với ta, để chia sẻ niềm vui và nỗi buồn của ta, để bảo vệ và gìn giữ ta, để cùng ta chịu đựng mọi sự của cuộc đời. Thiên Chúa ở với ta là một vị Thiên Chúa gần gũi, một Thiên Chúa mà ta gọi là chỗ nương náu của ta, là sức mạnh, là sự khôn ngoan của ta và thậm chí là tình yêu của ta. Ngài gần gũi ta đến nỗi có những lúc trong đau khổ ta phải bước đi bằng chính đôi chân của Ngài. Chuyện kể rằng: Có một người xin Chúa cho mình được xem lại cuộc đời đã qua, và anh ta đã được Chúa chấp nhận: Người đó nhìn lại cuộc đời trần thế đã qua của mình. Trên những chặng đường thành công và hạnh phúc, anh ta thấy bốn dấu chân, và anh biết được đó là hai dấu chân của mình và hai dấu chân của Chúa cùng đi với anh. Nhưng xem đến đoạn đường đau khổ, thất bại, anh chỉ thấy còn hai dấu chân, anh kêu lên: “Chúa ơi! Chúa ở đâu rồi, sao con không thấy dấu chân của Ngài?”. Chúa liền nói với anh: “Đó là hai dấu chân của Ta đó, vì con đã mệt và Ta đang cõng con trên vai Ta.”

“Hiện hữu cho nhau” là vậy đó, nó không đơn thuần chỉ là một sự hiện diện, không đơn thuần chỉ là mặt đối mặt của hai cái xác “không hồn”, nhưng sự hiện hữu phải là hiện hữu cho nhau bằng tất cả là của nhau. Nhìn vào thực tại của xã hội ngày nay, con người đã dần mất cảm thức về thực tại “hiện hữu cho nhau”, đã không còn nhận ra được giá trị cao quý của sự hiện hữu nơi những người chung quanh, hay chính bản thân họ cũng không muốn hiện hữu cho người khác một cách đúng nghĩa. Với con người ngày nay thì “ta là một, là riêng, là thứ nhất” (Xuân Diệu), còn mọi người chung quanh đều chỉ là trống rỗng, có chăng đi nữa thì cũng là để cho họ lợi dụng nhằm tìm kiếm hạnh phúc hay lợi ích cho riêng mình. Con người ngày nay dường như không thèm để ý, cảm thông hay chia sẻ với những người chung quanh mỗi khi họ gặp thất bại, đau buồn hay hoạn nạn. Chính cái tâm trạng vị kỷ đó đã khiến cho nhiều mảnh đời cảm thấy mình bị bỏ rơi, sống với nhiều người chung quanh mà lại như sống giữa một sa mạc khô cằn hoang vắng, để rồi phải thốt lên: “Hãy cho tôi một tinh cầu giá lạnh, một vì sao trơ trọi cuối trời xa. Để nơi đó tháng ngày tôi lẫn tranh, mọi ưu phiền, đau khổ của trần ai” (Chế Lan Viên). Trong cuộc đời mình, có khi nào bạn thật sự cảm nhận được một sự an ủi? Có phải là lúc một ai đó dạy bạn cách suy nghĩ và hành động? Có phải là lúc bạn nhận được những lời khuyên phải đi đâu và phải làm gì? Có phải đó là lúc bạn nghe được những lời an lòng và hy vọng? Hay là lúc bạn nhận được một vài món quà? Đôi khi là có thể thế. Nhưng có lẽ tôi và bạn phải thú nhận rằng, điều thật sự đáng giá đó là trong những lúc đau khổ, có một ai đó ở với ta. Sự hiện hữu của một người nào đó quan tâm tới ta quan trọng hơn mọi lời khuyên, mọi hành động và hơn cả  những món quà vật chất. Khi chúng ta gặp phải cơn khủng hoảng trong cuộc sống, có một người nào đó nói với ta: “Tôi không biết phải nói gì và phải làm gì, nhưng tôi muốn bạn biết rằng tôi đang ở với bạn, tôi sẽ không bỏ bạn một mình”, khi ấy ta có một người bạn để nhờ họ ta có thể tìm được nguồn an ủi, nâng đỡ. Bởi cho dầu họ không làm được gì cho ta, nhưng lúc này chính là lúc ta cần họ nhất để cùng với ta, họ sẵn sàng đi vào với ta trong những nỗi đau, họ sẽ đồng hành với ta trong đêm tối mà ta đang thấy sợ hãi vì cô đơn. Trong thời đại này, người ta đã thiết kế đầy dẫy những trò chơi, những phương pháp và kỷ thuật để làm thay đổi tâm lý, cảm nghĩ của con người, để tác động lên thái độ của con người, và để làm cho họ có những hành động mới và suy nghĩ những tư tưởng mới. Nhưng cũng vì thế mà ta đã đánh mất đi quà tặng đơn giản nhưng lại khó tìm thấy được, đó là “hiện hữu cho nhau”. Ta đã đánh mất đi quà tặng này vì ta đã bị dẫn đưa tới chỗ phải tin rằng sự hiện hữu của bản thân ta hay của một ai đó với ta đều phải là hữu ích đối với thực tại đời sống của ta. Ta nói: “Tại sao tôi lại phải thăm viếng người này? Tại sao tôi phải làm vậy trong lúc tôi có thể làm khác? Tại sao và tại sao? Thậm chí rằng “tôi thì có thể làm được gì? Tôi có thể có ích gì chăng?…”. Trong khi đó, ta đã quyên đi rằng trong chính sự hiên hữu cho nhau cách khiêm tốn, không phô trương và “vô ích” mà ta thấy được sự an ủi và nâng đỡ. Hiện hữu cách đơn giản nhưng chân thật với một người nào đó thật khó vì việc ấy đòi hỏi ta phải tham dự vào sự yếu hèn của họ, phải cùng họ đi vào kinh nghiệm về sự yếu hèn, bất lực và đôi khi là cả thất bại của họ nữa. Lúc này, chúng ta phải từ bỏ sự kiểm soát và sự tự khẳng định mình để có thể mang lấy tâm tư, tình cảm hay hoàn cảnh của họ. Nhưng, bất cứ khi nào điều này xảy ra với tình yêu và lòng chân thành, thì nó sẽ nảy sinh sức mạnh và niềm hy vọng mới cho mỗi người, cho người khác và cho chính bản thân ta. Nếu bạn để ý tới, bạn sẽ nhận ra rằng, những ai an ủi và nâng đỡ ta nhờ việc ở với ta trong những lúc bệnh hoạn, bội bực về mặt tinh thần, hay tăm tối về mặt thiêng liêng thường trở nên gần gũi với ta thật giống như những người thân trong gia đình của ta vậy. Họ cho thấy sự liên đới của họ với ta nhờ việc họ sẵn sàng đi vào trong những chỗ tối tăm, mịt mù của đời ta. Vì lý do đó, họ là những người đem lại cho ta niềm hy vọng mới và giúp ta khám phá ra những chiều hướng mới tươi đẹp hơn của cuộc sống.

 Đó là một huyền nhiệm của cuộc sống mà nhiều lúc chúng ta đã không quan tâm tới. Từ những điều giản dị và gần gũi lại cho ta cả một giá trị thực tại cao quý. Hơn bao giờ hết, chúng ta hãy sống không phải cho bạn cũng không phải cho tôi mà là cho chúng ta và cho tất cả. Dừng lại những lời chia sẻ này, tôi xin viết lại tâm tư của thánh Phaolô và cầu mong mọi người hãy mặc lấy tâm tình này, để tình người trên trái đất ngày một thêm ấp áp hơn: “xin anh em hãy làm cho niềm vui của tôi được trọn vẹn, là hãy có cùng một cảm nghĩ, cùng một lòng mến, cùng một tâm hồn, cùng một ý hướng như nhau. Đừng làm chi vì ganh tị hay vì hư danh, nhưng hãy lấy lòng khiêm nhường mà coi người khác hơn mình. Mỗi người đừng tìm lợi ích cho riêng mình, nhưng hãy tìm lợi ích cho người khác.Giữa anh em với nhau, anh em hãy có những tâm tình như chính Đức Ki-tô Giê-su” (Pl 2, 2-5).  Nếu bạn, tôi và tất cả mọi người không đoái hoài đến những tâm tư đó, nếu chúng ta không có một sự thay đổi trong cách hiện hữu cho nhau, trong tính liên đới với tha nhân, nếu mỗi người không nhận thức được tầm quan trọng này thì có lẽ một thế giới của những ốc đảo cô đơn và trơ trọi sẽ đang chờ đón chúng ta.

 Jos Dương