Hỉ Tín (Lễ Truyền Tin)

71

TTLễ Truyền Tin là Hỉ Tín không chỉ riêng cho Đức Maria mà còn cho cả nhân loại. Nhờ sự kiện truyền tin và nhờ lời “xin vâng” của Đức Maria mà chúng ta có Đấng Em-ma-nu-en, là vị Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta.

Chỉ trong vòng nửa năm mà tin vui nhân đôi: Mới trước đó là tin vui cho vợ chồng ông Da-ca-ri-a và bà Ê-li-da-bét (còn gọi là I-sa-ve) với tin thụ thai ngôn sứ Gioan Tẩy Giả, và nay là tin vui cho Đức Maria với tin thụ thai Đấng Cứu Thế. Tin vui lớn dần, tin vui sau lớn hơn tin vui trước. Quả thật, niềm vui ấy lan tỏa mau chóng, bao phủ khắp nơi, đầy ắp lòng người. Niềm vui như vỡ òa!

Với hỉ tín thứ nhất, chúng ta có “Bài Ca Chúc Tụng” (Benedictus) của ông Da-ca-ri-a (Lc 1:68-79). Với hỉ tín thứ nhì (nhưng lớn hơn), chúng ta có “Bài Ca Ngợi Khen” (Magnificat) của Đức Maria.

Chẳng có bút sách hoặc văn lực nào đủ sức nói về Đức Maria – một Nữ Tỳ Vĩ Đại, một Kiệt Tác của Thiên Chúa, một loại kỳ hoa dị thảo đặc biệt nhất. Trí óc phàm nhân không thể nào hiểu nổi chuyện thụ thai mà còn đồng trinh, có so sánh như “ánh nắng chiếu qua tấm kiếng” thì cũng chỉ để hiểu được phần nào thôi. Và càng khó hiểu hơn về một thụ tạo mà lại trở thành Mẹ của Thiên Chúa, điều mà người chị họ Ê-li-da-bét đã xác nhận và reo vui: “Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này?” (Lc 1:43).

Ngày xưa, Đức Chúa lại phán lần nữa với vua A-khát: “Ngươi cứ xin Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi ban cho ngươi một dấu dưới đáy âm phủ hoặc trên chốn cao xanh” (Is 7:11). Thiên Chúa cho phép xin, nhưng vua A-khát trả lời: “Tôi sẽ không xin, tôi không dám thử thách Đức Chúa” (Is 7:12). Đó là sống đức tin và khiêm nhường. Đó là tấm gương để chúng ta “soi” mình xem thế nào.

Ngôn sứ I-sai-a cảnh báo: “Nghe đây, hỡi nhà Đa-vít! Các ngươi làm phiền thiên hạ chưa đủ sao, mà còn muốn làm phiền cả Thiên Chúa của tôi nữa? Vì vậy, chính Chúa Thượng sẽ ban cho các ngươi một dấu: Này đây người thiếu nữ mang thai, sinh hạ con trai, và đặt tên là Em-ma-nu-en” (Is 7:13-14).

Chắc hẳn đây cũng là lời cảnh báo với chúng ta, vì chúng ta vẫn có “máu” làm phiền Thiên Chúa, khoái sự lạ, tính tò mò lớn hơn niềm tin. Đơn giản như khi đi đường, có gì “khác thường” là người ta xúm lại xem rồi bàn tán rôm rả. Cũng vậy, người ta mong được thấy “sự lạ” ở nơi này hoặc nơi kia, rỉ tai nhau rồi ùn ùn kéo nhau đi. Xong rồi thôi, chính những người đó chẳng có gì thay đổi tích cực về tâm linh. Vậy thì cũng chỉ là vô ích!

Thế nhưng “dấu lạ” nhãn tiền hằng ngày lại không mấy ai thực sự để ý, hoặc chúng ta cố ý làm ngơ. Thật ư? Đúng vậy. Đó là “sự lạ” về KHÔNG KHÍ để chúng ta hít thở từng giây để có thể sống, và đặc biệt là phép lạ THÁNH THỂ hằng ngày tái diễn trên bàn thờ, chính Chúa Giêsu vẫn hiện diện sống động thực sự ở giữa chúng ta, cụ thể là nơi Nhà Tạm.

Chúng ta đã quen với câu nói “vâng lời trọng hơn của lễ” (1 Sm 15:22; Tv 50:8-9). Vâng lời là nhân đức thể hiện sự khiêm nhường. Vâng lời là lời khấn thứ nhất của các tu sĩ, sau đó mới là sống nghèo khó và khiết tịnh (có dòng còn thêm một hoặc hai lời khấn khác). Tác giả Thánh Vịnh nói: “Chúa chẳng thích gì tế phẩm và lễ vật, nhưng đã mở tai con; lễ toàn thiêu và lễ xá tội, Chúa không đòi, con liền thưa: ‘Này con xin đến!’. Trong sách có lời chép về con rằng: con thích làm theo thánh ý, và ấp ủ luật Chúa trong lòng, lạy Thiên Chúa của con” (Tv 40:7-9). Điều này rõ nét nơi Đức Mẹ, vì Đức Mẹ cũng là người ít nói, biết được gì thì cũng “hằng ghi nhớ và suy đi nghĩ lại trong lòng” (Lc 2:19).

Tác giả Thánh Vịnh bộc bạch: “Đức công chính của Ngài, con loan truyền giữa lòng đại hội; lạy Chúa, Ngài từng biết: con đâu có ngậm miệng làm thinh. Đức công chính của Ngài, con chẳng giữ riêng lòng mình biết; nhưng con đã nói lên đức trung tín và ơn cứu độ của Ngài, chẳng giấu giếm chi cùng đại hội rằng Ngài thành tín và yêu thương” (Tv 40:11). Đây cũng phải là quyết định của chúng ta. Hành động như vậy là hợp tác với Thiên Chúa, là loan báo Tin Mừng, là truyền bá lòng sùng kính Thánh Tâm, là truyền bá Lòng Chúa Thương Xót, là cố gắng hoàn thiện, là đem Chúa đến với người khác để họ nhận biết Ngài và cũng được cứu độ.

Thánh Phaolô cũng nói: “Máu các con bò, con dê không thể nào xoá được tội lỗi. Vì vậy, khi vào trần gian, Đức Kitô nói: Chúa đã không ưa hy lễ và hiến tế, nhưng đã tạo cho con một thân thể. Chúa cũng chẳng thích lễ toàn thiêu và lễ xá tội. Bấy giờ con mới thưa: Lạy Thiên Chúa, này con đây, con đến để thực thi ý Ngài, như Sách Thánh đã chép về con” (Dt 10:4-7). Vì vâng lời, cậu bé Sa-mu-en đã biết chân thành thân thưa: Người là Đức Chúa. Xin Người cứ làm điều Người cho là tốt” (1 Sm 3:18). Ước gì mỗi chúng ta cũng biết tuân phục mà cầu nguyện như vậy!

Đức tuân phục được lặp đi lặp lại. Thánh Phaolô dẫn chứng: “Trước hết, Đức Kitô nói: Hy lễ và hiến tế, lễ toàn thiêu và lễ xá tội, Chúa đã chẳng ưa, chẳng thích, mà đó chính là những thứ của lễ được dâng tiến theo Lề Luật truyền. Rồi Người nói: Này con đây, con đến để thực thi ý Ngài. Thế là Người bãi bỏ các lễ tế cũ mà thiết lập lễ tế mới. Theo ý đó, chúng ta được thánh hoá nhờ Đức Giêsu Kitô đã hiến dâng thân mình làm lễ tế, chỉ một lần là đủ” (Dt 10:8-10). Với tinh thần tuân phục tuyệt đối, Đức Mẹ đã mau mắn nói lời “xin vâng”, vì ý Chúa chứ không vì ý riêng. Và chính Đức Kitô cũng hoàn toàn tuân phục, dù Ngài cũng có sự giằng co của nhân tính trước khi nhận “chén đắng”.

Trình thuật Lc 1:26-38 cho biết rằng…

Bà Ê-li-sa-bét có thai được sáu tháng, thì Thiên Chúa sai sứ thần Gáp-ri-en đến một thành miền Ga-li-lê, gọi là Na-da-rét, gặp một trinh nữ đã thành hôn với một người tên là Giuse, thuộc dòng dõi vua Đa-vít. Trinh nữ ấy tên là Maria. Sứ thần vào nhà trinh nữ và nói: “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà”. Nghe lời ấy, bà rất bối rối, và tự hỏi lời chào như vậy có nghĩa gì. Sứ thần liền nói: “Thưa Chị Maria, xin đừng sợ, vì bà đẹp lòng Thiên Chúa. Và này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giêsu. Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao. Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đa-vít, tổ tiên Người. Người sẽ trị vì nhà Gia-cóp đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận”.

Đức Maria thưa với sứ thần: “Việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng!”. Sứ thần đáp: “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà, vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa. Kìa bà Ê-li-sa-bét, người họ hàng với bà, tuy già rồi, mà cũng đang cưu mang một người con trai: bà ấy vẫn bị mang tiếng là hiếm hoi, mà nay đã có thai được sáu tháng. Vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được”.

Thế là không còn nghi ngờ và không còn ngần ngại chi nữa, Đức Maria nói ngay: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói” (Lc 1:38). Một câu nói đầy ắp sự can đảm với tầm nhìn tương lại rộng lớn. Quả thật, không dễ gì mà có thể quyết định mau mắn với đại sự như vậy. Đây là động thái quan trọng, vì nhờ Đức Mẹ vui lòng “xin vâng” mà Ngôi Hai nhập thể để bắt đầu Chương trình Cứu độ.

Sứ thần từ biệt ra đi. Và Đức Maria bắt đầu trang đời mới với trọng trách mới và đầy gian khó. Xin hết lòng tạ ơn Thiên Chúa và tạ ơn Đức Trinh Nữ Maria.

Lạy Thiên Chúa toàn năng, xin Ngài cứ thực hiện những gì Ngài thấy tốt cho cuộc sống của chúng con trên trần gian này, và xin giúp chúng con luôn mau mắn xin vâng tuyệt đối. Xin Đức Mẹ hướng dẫn và nâng đỡ để chúng con vững bước theo con đường Mẹ đã đi qua. Chúng con cầu xin nhân Danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Thiên Chúa Cứu Độ của chúng con. Amen.

TRẦM THIÊN THU