I. ẢNH HƯỞNG XÃ HỘI TRONG ĐỜI SỐNG GIÁO HỘI
1. Cách sống đoàn lũ, hình thức và gian dối
Trong một thời gian khá lâu, đất nước Việt Nam sống trong thời kỳ bao cấp, một thời kỳ tạo nên những cách sống đoàn lũ, hình thức và gian dối. Điều này mới nghe thì thấy khó hiểu. Tại sao đời sống tu lại chịu ảnh hưởng của đời sống xã hội tràn vào? Nhưng chúng ta cũng phải biết trong những hoàn cảnh khó khăn, nguyên sự hiện diện và tồn tại được cũng là quý lắm rồi. Từ bối cảnh đó chúng ta hiểu là anh chị em tu sĩ nam nữ phải xoay sở, đôi khi phải khai gian nếu không thì bị loại trừ.
Đời sống cơ cực, các sinh hoạt thì bị o ép, ai cũng nói theo ý cấp trên. Nó tạo nên sự huỷ hoại các giá trị chân chính của bản chất con người: đơn sơ, chân thật. Đó là một sự tan rã các giá trị tinh thần.
– Tính cách đoàn lũ khiến cho người ta không có thói quen có suy nghĩ riêng và không ai có can đảm nói lên cảm nghĩ riêng của mình, chỉ cần một vị lãnh đạo nói một điều gì tất cả xã hội đều rợp ràng ca tụng.
– Tính cách hình thức chẳng hạn sinh hoạt quốc hội, người ta chỉ việc giơ tay nhất trí những gì đã được trên đưa xuống, những công tác xã hội chủ nghĩa nặng hình thức, những lối báo cáo thành tích ghê gớm mà thực chất không có bao nhiêu.
– Tính cách gian dối chẳng hạn tình trạng báo cáo láo, kiểu làm ăn lời giả lỗ thật của các xí nghiệp quốc doanh.
Những điều đó không khỏi không ảnh hưởng đến nhân cách của tu sĩ, xét như những con người sống trong xã hội.
2. Những vấp váp trong thời kinh tế thị trường
Sự hụt hẫng trong khi bước vào đổi mới về cung cách quản lý vì chưa thấm được những luật chơi của nền kinh tế thị trường, chẳng hạn sự liêm chính, ý thức chung, tinh thần tự chủ, khả năng sáng tạo. Có người nói hai đứa con của thời bao cấp tạo nên: đạo đức giả, và thói vô trách nhiệm. Ngược lại thời kinh tế thị trường lại mang tính cách một thứ “tư bản hoang dã” và sản sinh ra hai đứa con là: nóng vội kiếm tiền và cắm đầu hưởng thụ.
Thái độ thực dụng là con đẻ của nền kinh tế thị trường, bởi vì trong xã hội ấy, dần dần người ta rơi vào cám dỗ dễ dãi: đặt hết tầm quan trọng của cuộc đời vào những phương tiện, những dịch vụ. Chẳng hạn: khi đi học, họ thấy cần xe, cần quần áo… mà không hề quan tâm đến tinh thần học hỏi của mình.
Rồi qua lăng kính của kinh tế, người ta cũng dễ dàng đánh giá con người dựa vào của cải tài năng. Khi thời bao cấp đã hết, nhà trường cho phép các dòng tu được mở các trường mầm non. Đa số các cộng đoàn đều có các nhóm trẻ, các trường mầm non. Càng ngày, vì nhu cầu đáp ứng cho việc dào tạo mẫu giáo, những nhà cao tầng đã mọc lên. Những biến chuyển này cũng làm cho các sinh hoạt cũng như trong các môi trường đào tạo để giải quyết vấn đề nhân sự và đầu tư cho giáo dục mầm non. Điều đó rất tốt vừa hợp với sứ vụ giáo dục vừa có điều kiện để nuôi sống cộng đoàn. Như thế, trong thực chất không có gì làm cho chúng ta băn khoăn, tuy nhiên do những biến thái của nó làm cho chúng ta suy nghĩ. Người ta đánh giá các hoạt động các dòng tu qua các cơ sở. Đời tu không còn có giá trị ngôn sứ. Hay đúng hơn là ngôn sứ giả. Ngày nay, người ta cũng nói đến đời sống nghèo, đời sống khiêm tốn. Tuy nhiên, đó chỉ là trên lời nói còn thực tế lại khác xa.
II. ẢNH HƯỞNG XÃ HỘI VÀO ĐỜI SỐNG TU TRÌ
Trong một thời gian dài Giáo Hội bị cắt đứt những liên hệ với thế giới Kitô giáo. Những tương tác về tinh thần, về não trạng, về tâm thức sống đạo, về tâm thức đời tu chưa bắt nhịp với thế giới bên ngoài và chúng ta cảm thấy hụt hẫng khi phải giao tiếp với nền tu đức mới. Giáo Hội Việt Nam cũng như hầu hết các tôn giáo khác, có lẽ đã chia sẽ những khó khăn chung của đất nước. Giáo Hội đã vượt qua nhiều thử thách một cách khá anh hùng. Tuy nhiên những vết sẹo do cuộc chiến ấy cũng để lại những vết thương và mầm bệnh sâu xa trong cơ thể. Ảnh hưởng của xã hội cũng phần nào ảnh hưởng trên nếp nghĩ và cách sống.
1. Đời sống trưởng giả
Các tu sĩ và linh mục đua nhau sắp sửa những đồ dùng từ xe cộ nhà cửa… người tu sĩ trẻ chỉ còn biết đánh giá nhau bằng việc học, bằng những cố gắng để thăng tiến về phương diện xã hội.
2. Sự tách biệt giữa đời sống đạo và sinh hoạt hằng ngày
Giáo Hội không khám phá ra nhu cầu Thiên Chúa của con người hôm nay. Giáo Hội không có khâu tiếp thị, nên chỉ có những thức ăn đồng loạt nấu sẵn… Hơn nữa lời giảng của những linh mục có khuynh hướng lôi kéo ra khỏi cuộc sống của họ, dựa trên nếp sống linh mục, tạo nên một cuộc cạnh tranh giữa sinh hoạt tôn giáo và sinh hoạt trần thế. Bài giảng của linh mục chỉ là những sáo ngữ, những điều mà người nói đã học được, đã cố suy nghĩ để có cái mà nói, những tự thâm tâm cũng không biết rằng người ta có thể sống được với điều ấy không, hoặc chính người nói cũng chẳng bao giờ cố gắng một chút để sống điều mình nói…
III. NGUY CƠ TỤT HẬU TRONG NHÂN CÁCH CỦA NGƯỜI TU
1. Chúng ta có thể nhận thấy một số biểu hiện có sự tụt hậu về nhân cách:
– Càng tu càng trở nên “khờ người” ra: người tu sĩ được đào tạo trong bầu khí “được quyết định thay” về nhiều chuyện, nên ít có khả năng tự quyết đoán và tự chọn thái độ của chính mình.
– Thiếu sáng kiến: trong đời sống tu người trẻ dù đã lớn tuổi họ đã có bằng cấp cao vẫn trở thành người còn quá non nớt trong lãnh vực tu trì, khiến cho các bạn trong thời gian thụ huấn thường không phát huy được năng lực của mình.
– Thiếu trưởng thành: một người trẻ ngoài đời đang học đại học, có khả năng chọn lựa nếp sinh hoạt của mình (nên xem tivi những chương trình nào, nên đi chơi những dịp nào…). Trong khi ở nhà Dòng các bạn đó lại thường được cái vị hữu trách, được nếp sống kỷ luật quyết định thay. Dần dần bạn không còn khả năng chọn lựa một cách trưởng thành nữa: khi được phép thì xem tivi cho hết chương trình, khi có thể thì trốn lễ.
– Ít khả năng phấn đấu: trong các nhà Dòng lớn, các thụ huấn sinh được bao cấp đến hết mọi chuyện. Khi không có được nhiều quyền tự do, người ta cũng không thấy được trách nhiệm và giới hạn của mình và luôn đổ lỗi cho cơ cấu, cho hoàn cảnh. Đồng thời cũng thường đòi hỏi yêu sách… Những điều đó làm cho người thụ huấn càng ngày càng giảm khả năng phấn đấu.
– Khuôn phép trong nếp sống, xơ cứng trong quan điểm: đời sống tu trì từ bao đời nay được hiểu như là một nếp sống khuôn phép. Nếp sống đều đặn, giờ giấc kỷ luật, làm cho người ta rất lúng túng trong một môi trường tự do và phải quyết định chương trình sống cho mình. Họ không dám quyết định và ít can đảm nhận trách nhiệm của mình.
– Nếp sống “tiểu kỷ”chính là cái tôi bé nhỏ, cam chịu thân phận hèn mọn, bị động, nhờ ân huệ, vun quén, xà xẻo, khôn khéo lẩn tránh, não trạng khép kín, luồn cúi, khúm núm, an phận, phụ thuộc, manh mún, tiểu xảo, rình được một cơ hội nào đó thuận tiện thì tìm cách xoay xở, vun quén chút ít cho cái tôi nhỏ bé.
Nếp sống tu trì chỉ dựa vào một khuôn khổ, từ chuyện kinh nguyện cho đến việc học hỏi và công tác tông đồ. Giờ giấc kinh hạt được coi là tiêu chuẩn để đánh giá khiến cho người tu ít khi tự nguyện, tự do và sáng tạo để tìm cho mình một cách thức sống tâm linh.
Tất cả những thứ vỏ cứng như thế chỉ tạo nên một thói quen hơn là một giá trị tinh thần. Khi những thói quen ấy bị phá vỡ, một lỗ hổng của nhân cách sẽ lộ ra.
IV. CÁC TU SĨ TRẺ HÔM NAY
Những nhận định này không phải muốn “vơ đũa cả nắm” nhưng chỉ nêu ra mấy điểm nổi bật mà thôi.
1. Thực trạng thực dụng
Do ảnh hưởng nền kinh tế thị trường với hiệu quả được xem là thước đo mọi giá trị, nên người trẻ hôm nay lại sống rất thực tế, xét cho cùng, thì thực tế là tốt, vì sẽ mang lại hiệu quả cao, nhưng thực tế quá dễ rơi vào não trạng thực dụng. Thực dụng là lựa chọn cái gì có lợi trước mắt. Đối với con người hiện đại cái lợi trước mắt là tiền bạc, danh vọng, quyền lực, người ta tìm kiếm những giá trị đó thay vì tìm kiếm cuộc sống có đạo đức cao. Đối với tu sĩ có khuynh hướng thực dụng thì điều họ tìm kiếm bằng cấp, đời sống tiện nghi, cuộc sống an toàn, ổn định, uy tính, ảnh hưởng, tư lợi… thay vì tập luyện những nhân đức khó nghèo, khiêm tốn, công bằng, bác ái.
Để giảm bớt não trạng thực dụng, cần khơi gợi nơi người trẻ lòng nhân ái, và đi đến với người nghèo để chia sẻ với họ.
2. Khuynh hướng tự do
Ngày nay, theo nhịp tiến của thời đại, tinh thần dân chỉ thấm nhập mọi lãnh vực, người ta coi trọng khả năng, ý kiến cá nhân, cụm từ “tự khẳng định mình” được thường xuyên sử dụng. Tự do là một giá trị cao quý, nó làm nên phẩm giá con người nhờ đó các bạn trẻ cởi mở, tự tin, phát huy sáng kiến. Nhưng nếu không hiểu cho đúng, tự do sẽ thành phóng túng hỗn loạn.
Người trẻ khó chấp nhận một thứ đạo đức gò bó nặng về cấm kỵ, khó chấp nhận nề nếp tu trì truyền thống. Họ muốn sống đạo đức, sống đời thánh hiến theo cách mà họ thích và lựa chọn. Những gì phù hợp với mình thì mình chập nhận, không phù hợp thì từ chối. Nếu bị buộc phải theo thì chấp nhận cách miễn cưỡng “chịu vậy” chứ không phải là phục vụ.
Để có thể giúp tu sĩ trẻ chấp nhận một quy định, một đòi hỏi, trước hết cần kiên trì giải thích, thay vì ra lệnh, áp đặt từ trên xuống. Tuy có khuynh hướng tự do, nhưng không phải là các bạn trẻ không biết lắng nghe cách chân thành. Ở đây cần giúp các bạn phân biệt được một điều khuyên và một điều đòi hỏi; phân biệt giữa cái mình thích và cái mình cần yêu mến.
3. Thích phê phán
Với sự phát triển của khoa học kỹ thuật và trào lưu dân chủ, óc phê bình cũng sẽ mạnh hơn. Các bạn trẻ thích phê phán. Có những phê phán đúng và cũng có những phê phán không đúng. Có những phê phán để làm rõ chân lý và cũng có những phê phán chỉ nhằm bôi nhọ người khác. Có những phê phán công khai, nhưng đa phần là những phê phán sau lưng và khi đến tai người bị phê phán thì đã phải tam sao thất bổn! Điều đáng nói là khi trình độ văn hoá còn hạn chế hoặc do chưa đủ chín chắn, thói quen phê phán dễ ngã sang hướng tiêu cực, vừa bới móc, thích đưa mình lên và hạ kẻ khác xuống. Lắm khi lời phê phán gây tổn thương sâu xa cho người khác đặc biệt là nơi những ai có tâm hồn nhạy cảm.
Để giúp bạn trẻ có tinh thần khiêm tốn đòi mình sống khiêm tốn hơn và yêu thương các chị em, nhắc nhở các chị em biết tôn trọng chân lý và tôn trọng người khác nhất là khi vắng mặt.
Thay lời kết: Mong ước nơi các chị em trẻ
– Mong các chị em nhận ra ơn gọi của mình để tự ý đáp trả và cam kết dấn thân. Để từ đó các chị em có thêm nghị lực vượt qua những thử thách trong đời tu và đứng vững trong ơn gọi của mình.
– Mong các chị em biết nhận ra lỗi của mình để sửa và cố gắng sửa để hoàn thiện mình hơn. Và ngày một thêm tin tưởng, can đảm hơn: sai không sợ, bại không nản nhưng chỉ lo người không có chí vượt lên chính mình mà thôi.
– Mong các chị em trở thành những người hữu ích cho Giáo Hội và cộng đoàn. Trở thành người dễ răn, dễ dạy, sống hòa đồng vui vẻ…
– Mong các chị em trở thành những thành viên chín chắn đi đúng với đường lối của Dòng, để các chị em là những người kế tiếp xây dựng Hội Dòng ngày càng vững chắc hơn.
– Mong cho các chị em phát huy hết khả năng, năng khiếu của các chị em để phục vụ Chúa và phục vụ tha nhân.
– Mong các chị em luôn có khả năng làm chủ bản thân mình, biết phân định trước mọi vấn đề, và biết chịu trách nhiệm về những hành động của mình.
– Mong các chị em sống thành thật, tiết độ, công bằng, khôn ngoan, luôn biết cách tự chế để làm chủ được chính mình, và thắng được bản năng tự nhiên của mình. Biết tự chế trong việc nhỏ và tầm thường, thì mới chấp nhận được những đòi hỏi trong đời sống cộng đoàn và đời tu.
– Mong các chị em luôn coi Hội Dòng như là mái ấm Gia đình của mình, để khi đi thì nhớ, khi ở thì thương.
– Mong các chị em biết vâng lời trong đối thoại, tin tưởng với tinh thần khiêm tốn. Biết cảm thông, tha thứ, kính trọng và yêu thương.
– Mong các chị em khi muốn trách móc Bề Trên, thì hãy đặt mình vào cương vị Bề Trên
Lm. Đaminh Đinh Viết Tiên, O.P