Hãy về! Hãy về cùng Cha!

130

          Tôi nhớ lại, khi còn nhỏ, tôi rất thích mùa Chay, bởi tôi được lẽo đẽo theo bà ngoại đến nhà thờ để nghe ngắm, được hôn chân Chúa Giêsu, được “ăn bỏng” nơi quan tài của Chúa. Lớn hơn một chút, tôi tham dự các nghi thức và hiểu hơn về hành động, lời nói, tâm tình của Chúa Giêsu, đặc biệt trong Tam Nhật Thánh. Đã biết bao mùa Chay qua đi và để lại trong tôi điều gì? Tôi nghĩ, nếu chỉ dựa vào những hình thức bên ngoài rồi cũng sẽ qua đi, nhưng điều đọng lại trong tôi là tâm tình. Lời thì thầm của Chúa đang vang lên trong tâm hồn tôi và tất cả mọi người: “Hãy về! Hãy trở về cùng Cha đi!” ( x.Gr 3,12-14).

          Lời mời gọi ấy thúc giục tôi khao khát trở về. Nếu hình dung “trở về” như một nơi chốn nhất định thì thật vô nghĩa. Bởi, trên chốn dương gian này làm sao có chỗ cho con người ở muôn đời muôn kiếp. Tôi cảm nhận, trở về chính là trở về với lòng mình, nơi ấy con người sẽ được gặp gỡ Thiên Chúa. Chắc bạn sẽ thắc mắc, nói như thế thì rất khó hiểu và mông lung, “lòng mình là một nơi tôi chẳng thể nhìn thấy, chẳng sờ được và cũng không thể đụng chạm tới. Phải! Bạn hãy từ từ khoan thai, nhắm mắt lại, hít một hơi thật sâu và để cho tâm hồn mình thực sự đi vào nơi thinh lặng. Bạn hãy cảm nhận. Nơi thinh lặng ấy, Chúa Thánh Thần sẽ hoạt động và cầu nguyện cùng bạn, dần dần bạn sẽ nghe thấy tiếng nói đang âm vang trong bạn.

          Cuộc sống của tôi và bạn đang có rất nhiều những bận rộn với các mối tương quan, công việc. Có thể bạn cho rằng thời gian thinh lặng ấy thật phí, thà để làm một điều hữu ích còn hơn! Tôi nghĩ, thời gian thinh lặng ấy tuy ngắn nhưng bạn sẽ nhận được nguồn sức sống thật dồi dào từ nơi Chúa.

          Trên con đường trở về ấy, tôi có thể gặp những khó khăn và thử thách, những cám dỗ sẽ kéo tôi ra xa Chúa. Nào là thế giới chung quanh ồn ào, vội vã; nào là chỉ quan tâm đến nhu cầu của bản thân; vô cảm trước những đau thương, nỗi sợ hãi của người khác; khi tôi thích khoe mình hay ghen tương; lắm lúc lại thổi phồng cái tôi,… những điều ấy khiến tôi khó lòng mà trở về trong thinh lặng. Nhưng điều ấy không làm cho tôi chùn chân bước. Trong thinh lặng, nhờ ơn Chúa, tôi nhận ra tình trạng của bản thân và không ngừng chiến đấu để “sống thánh”. “Các ngươi phải thánh thiện, vì Ta, Đức Chúa, Thiên Chúa của các ngươi, Ta là Đấng Thánh” (x.Is19,2).

          Tôi nghĩ có một phương thế giúp tôi nhạy bén hơn với tác động của  Thiên Chúa, đó là “khổ chế”. Theo quan điểm của Đức Cha Lambert: “Khổ chể làm cho thân xác phục tùng tinh thần cũng như tinh thần phục tùng Thiên Chúa nhờ cầu nguyện” (x.Ts 31). Ai cũng muốn sống thoải mái, sung sướng, đâu ai muốn khổ, “phải đánh giặc đói, giặc khổ” chứ! Ai lại đi rước khổ vào thân. Mới thoáng nghĩ qua chắc ai cũng khó đón nhận, nhưng hãy cứ thử. Sướng và khổ có giá trị của nó: “Lửa thử vàng gian nan thử sức”. Vậy chúng ta có thể đón nhận những cái khổ đó như thế nào? Có muôn vàn cách để chúng ta khổ chế. Khổ chế khi tôi đình hoãn khoái cảm không ăn một cái bánh và để dành cho người nghèo, nhớ đến họ và cầu nguyện cho họ; khổ chế khi tôi mỉm cười trước một lời nói khó nghe và cầu nguyện cho họ, hoặc khi can đảm sống ngay thẳng, công chính trong nghề nghiệp… Như thế, càng ngày, tôi càng tiến gần hơn trên con đường về cùng Cha.

          Lạy Chúa Giêsu, con cám ơn Chúa đã cho chúng con được cùng Người tiến bước về nhà Cha trên con đường Thập Giá. Con không xin cho con khỏi vấp ngã, nhưng mỗi lần vấp ngã xin cho con cảm nhận được ánh mắt yêu thương và tha thứ của Chúa như trong kinh nghiệm của Thánh Phêrô. Xin cho chúng con đừng dừng lại trên những cảm xúc hăng hái chiến đấu qua những việc làm hình thức nhưng xin Người ban cho chúng con sức mạnh, sự can đảm, dám đối diện với chính mình để cởi mở với anh chị em và luôn hướng về phía Chúa để chúng con đạt tới đích là chính Chúa. Amen.

Maria Phạm Anh, Tập sinh MTG.Thủ Đức