Hãy Trao Cho Đức Tin Một Cơ Hội

171

Hãy Trao Cho Đức Tin Một Cơ Hội

NenThanhGia01

Biến cố Giêsu Narareth quá tàn khốc, đau thương và mất mát đối với các môn đệ. Nỗi sợ hãi nhuốm màu thất vọng len lỏi đến từng ngõ ngách trong suy nghĩ và hành động của các ông. Bởi thế, Tin Mừng mô tả rằng cánh cửa căn phòng nơi họ tụ họp im ỉm cài then, chốt chặn. Từ khi đi theo Thầy đến giờ, chưa bao giờ bầu khí ngột ngạt, ảm đạm, thậm chí thê thảm đến vậy.

Từng môn đệ có lẽ đang suy nghĩ cho riêng mình một giải pháp cuộc sống hướng đến tương lai. Làm gì bây giờ? Tiếp tục nhóm họp hay đường ai nấy đi? Giữa cái thinh lặng chết người ấy, Đức Giêsu hiện đến, đứng giữa các ông và nói: “Bình an cho anh em”.

Ôi, sự hiện diện của Đức Giêsu Phục Sinh thổi bùng một ngọn lửa vào đêm đen đức tin của các môn đệ. Bình an đã xé vụn lo lắng sợ hãi, Phục Sinh đã bẻ gãy gông cùm thất vọng.

Đối với ba môn đệ Phêrô, Giacôbê và Gioan, hẳn là các ông như đang sống lại giây phút Đức Giêsu Biến Hình trước mắt họ trên núi Thabor. Sự huy hoàng, rực rỡ và chói lòa giây phút ấy đang lặp lại và còn gây ngạc nhiên, ấn tượng và vui mừng hơn thế nữa. Chính mắt họ trông thấy sự thảm thương và đau đớn nơi thập giá, chính tay họ đặt thân thể Đức Giêsu vào ngôi mộ trống, chính tay họ lấp cửa mồ và trở về nhà với sự mất mát cùng cực. Ấy vậy mà, cũng chính Đức Giêsu ba ngày trước đây trong hình hài một xác chết, đang đứng giữa họ, đang nói chuyện với họ, đang chỉ cho họ thấy các dấu đanh trên tay và cạnh sườn, và đồng thời sai phái họ với một nhiệm vụ mới.

“Bình an cho anh em”, một niềm tin tàn lụi vừa được vực dậy. Ngọn đèn cạn dầu đã được châm thêm dầu và khơi tim. Thân xác và tinh thần các tông đồ đang sống mà như chết được thổi một luồng sinh khí mới của Đấng Phục Sinh và Thánh Thần, Đấng khơi nguồn sự sống.

“Bình an cho anh em ! Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em…Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai thì người ấy được tha, anh em cầm giữ ai thì người ấy bị cầm giữ” (Ga 20, 21-23).

Kinh nghiệm Đức Tin của các môn đệ ngày ấy cũng hoàn toàn là kinh nghiệm Đức Tin chúng ta trong thời đại hôm nay. Những thử thách về Đức Tin xảy ra cho các môn đệ ngày ấy cũng đang xảy đến cho chúng ta trong thời đại hôm nay.

Vâng, Đức Tin của con người quá mong manh trước sóng gió, khó khăn và bách hại của cuộc sống. Khác nào thợ kim hoàn thử vàng trong lửa, gian nan như luôn muốn thử thách lòng tin và lòng mến của con người vào Thiên Chúa. Thế giới đang thử thách lòng tin nơi con người.

Tự do một lần nữa lại nhấn chìm con người trong tội nguyên thủy. Chủ nghĩa tự do khiến con người rời xa Thiên Chúa. Họ không còn đặt niềm tin vào Thiên Chúa nữa; thay vào đó, duy nhất cái tôi cá nhân có thực quyền lên tiếng.

Hưởng thụ đang là một trào lưu thịnh hành. Chủ nghĩa hưởng thụ đang trở thành một liều thuốc phiện cực độc, không mùi, không sắc. Con người bị lôi kéo vào cơn lốc xoáy hưởng thụ như một con thiêu thân mà lại hoàn toàn không nhận biết. Một khi các thực tại trần thế đang là ưu tiên tìm kiếm của con người thời hiện đại thì chắc chắn Thiên Chúa sẽ bị lãng quên.

Một mặt, khoa học và lý trí góp phần không nhỏ vào tầm hiểu biết và phát triển của con người. Thế nhưng chủ nghĩa duy khoa học và duy lý đang trở thành mối đe dọa vô cùng nguy hiểm cho niềm tin. Chỉ những gì cảm được, thấy được, đo đạc được thì mới hiện thực. Và như thế, Thiên Chúa, Đấng chỉ có thể gặp gỡ bằng niềm tin và bằng con tim sẽ không tồn tại.

Tuy thế, cũng đừng vội vàng trách Tôma. Thái độ toàn diện trong niềm tin của ông mới đáng để chúng ta chiêm ngắm và học hỏi. Tôma đòi hỏi sự chứng nghiệm và ông đã hoàn toàn bị đầu phục khi thốt lên: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!”. Một sự đầu phục Đức Tin hoàn toàn quyết liệt và xác tín xuất phát tự con tim.

Đó chính là sự khác biệt căn bản của Đức Tin và kiểm chứng khoa học. Đức Tin vượt qua những vỏ bọc để đụng chạm đến thực tại và chính thực tại sẽ biến đổi “con người Tin”. Chủ nghĩa duy lý và duy khoa học muốn tìm hiểu để biết nhưng không để tin. Giả như thực sự chứng minh được sự hiện diện của Thiên Chúa thì mục tiêu của họ cũng chẳng nhằm để được biến đổi, để được tháp nhập như chính khát vọng và kinh nghiệm của Tôma. Cuộc Thương Khó của Chúa Giêsu khiến Tôma mất định hướng trong chốc lát để rồi kinh nghiệm “thấy và tin” biến đổi ông, khiến ông thuộc trọn về Đấng Phục Sinh.

Đức Tin đã giúp các môn đệ nuôi dưỡng niềm hy vọng được phục sinh như chính Đấng Phục Sinh đã hiện ra với họ. Niềm hy vọng ấy lại trào vọt lên trong lòng chúng ta khi Đức Giêsu Kitô khẳng định: “Phúc thay những người không thấy mà tin”.

Quả vậy, chúng ta đang sống trong năm Đức Tin. Và một lần nữa, cái phúc dành cho những người không thấy mà tin đặt để chúng ta vào những chọn lựa mang tính sống còn:

Chọn lựa Đức Tin (Lex Credendi): Đức Tin không phải là tin theo một học thuyết hoặc một chân lý khoa học nhưng là tin vào Đức Giêsu Kitô, Đấng đã chết và Phục sinh. Thánh Phaolô trong thư gởi tín hữu Côrintô khẳng định: “Nếu kẻ chết không sống lại, thì Đức Kitô đã không trỗi dậy. Mà nếu Đức Kitô đã không trỗi dậy, thì lời rao giảng của chúng tôi trống rỗng, và cả đức tin của anh em cũng trống rỗng (1Cr 15,13).

Nuôi dưỡng Đức Tin (Lex Orandi): Đức Tin cần được nuôi dưỡng một cách hết sức cẩn thận trong mối tương quan mật thiết với Thiên Chúa. Không thể viện cớ “đạo tại tâm” để rồi sao nhãng những hình thức được giáo hội cổ võ giúp thực hành và nuôi dưỡng Đức Tin. Đức Tin cần được vun bồi liên tục qua những giờ cầu nguyện, tĩnh tâm, đọc và suy gẫm Lời Chúa…và cách riêng là tham dự Thánh Lễ và lãnh nhận các bí tích.“Không có Thầy, anh  em sẽ chẳng làm gì được”(Ga 15:5).

Sống Đức Tin (Lex Vivendi): Sống Đức tin là sống Lời Chúa, sống Tin Mừng của Ngài. Thánh Phaolô mời gọi chúng ta dõi theo gương mẫu của Ngài: “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi. Hiện nay tôi sống kiếp phàm nhân trong niềm tin vào Con Thiên Chúa, Đấng đã yêu mến tôi và hiến mạng vì tôi. Tôi không làm cho ân huệ của Thiên Chúa ra vô hiệu” (Gl 2,20). Bởi thế, sống Đức Tin ngày hôm nay cũng đồng nghĩa với việc chúng ta phải làm chứng cho sự thật và cổ võ cho sự sống vì chính Đức Kitô là đường, là sự thật và là sự sống. Chúng ta cần loại trừ những gì là gian dối, bất công để đứng về phía người nghèo, người cô thân cô thế, người tất bạt…là những người đang bị coi thường và chà đạp nhân phẩm. Đồng thời mỗi chúng ta cũng được mời gọi sống giới luật yêu thương và tha thứ, bác ái và cảm thông, chia sẻ và đùm bọc nơi chính bản thân, gia đình và cộng đoàn.

Thanh An