VĂN HÓA VÀ ĐỨC TIN TÔN GIÁO Hãy thay đổi bản thân

Hãy thay đổi bản thân

Chuyện kể rằng: ngày xưa có một vị vua cai trị một vương quốc rộng lớn. Ngày nọ, ông muốn đi thăm dân chúng để trực tiếp chứng kiến đời sống của họ. Sau một ngày trời đi thăm làng quê, đôi chân của ông sưng tấy và đau đớn. Nhà vua ra lệnh: từ nay về sau, nếu ông ra khỏi cung điện thì phải lót vải nhung trên những con đường ông sẽ đi. Quần thần sợ hãi không dám phản ứng, dẫu biết đó là việc vô cùng khó khăn. Trong lúc đó, một vị quan can đảm thưa với vua: “Tâu bệ hạ, lấy vải lót đường là một việc làm tốn kém và khó khăn. Chi bằng bệ hạ hãy lấy mảnh vải nhung quấn quanh bàn chân của mình, và như vậy, chân bệ hạ sẽ không còn đau mỗi khi ra ngoài”. Nghe có lý, vua đã cho người làm theo gợi ý của vị quan này. Quả vậy, đôi chân của vua không còn đau đớn vì được bọc lớp vải nhung êm ái. Nhờ vậy nhà vua có thể đi bất cứ nơi đâu. Đó là lịch sử ra đời của đôi giày đầu tiên.
 
Bài học rút ra từ câu chuyện trên đây là: đừng chỉ đòi hỏi người khác thay đổi mà trước hết hãy thay đổi chính mình. Nếu ta thay đổi bản thân, thì thế giới xung quanh sẽ tốt đẹp hơn, cuộc sống sẽ nhân ái hiền hòa và an vui hơn.
 
Giữa một xã hội đầy nhiễu nhương, người ta có xu hướng phê phán than phiền và tiêu cực. Tuy vậy, nếu chỉ than phiền, thì chẳng giải quyết được việc gì, nhiều khi càng làm cho tình hình thêm tệ hơn. Như vị vua lấy vải nhung bọc đôi chân của mình để ông có thể đi đến mọi nơi, mỗi chúng ta cần phải thay đổi bản thân, từ bỏ lối sống ích kỷ, hòa hợp với mọi người và môi trường xung quanh. Làm như vậy, chúng ta sẽ đóng góp phần mình làm cho xã hội trở nên tốt hơn. Giáo lý Phật giáo dạy: Tâm bình, thế giới bình. Thay đổi bản thân là một điều kiện cần thiết. Một khi tâm hồn chúng ta bình an thanh thản, chúng ta sẽ làm cho cuộc sống này trở nên hài hòa tốt đẹp hơn.
 
Một cách cụ thế, làm gì để thay đổi bản thân?
  
“Hãy sám hối“, đó là lời giảng dạy đầu tiên của Chúa Giêsu, khi Người thi hành sứ vụ loan báo Tin Mừng. Sám hối là điều kiện căn bản để đón nhận giáo huấn Nước Trời. Tâm lý tự nhiên không ai muốn nhận phần lỗi về mình. Hãy lấy ví dụ một em bé lỡ tay đánh vỡ chiếc bát, lập tức em từ chối không nhận trách nhiệm và tìm cách đổ lỗi cho người khác. Sám hối là can đảm nhận ra những sai sót của bản thân, đồng thời tìm cách sửa chữa khuyết điểm để nên hoàn thiện. Sám hối theo nghĩa của Tin Mừng không dừng lại ở hiện tượng cắn rứt lương tâm hoặc xấu hổ vì những hành vi xấu, nhưng còn dẫn đến việc giao hòa với Chúa và với anh chị em mình. Người tín hữu Công giáo tin vào hiệu quả của bí tích Giao hòa (còn gọi là bí tích Giải tội). Bởi qua bí tích này, Thiên Chúa nhân hậu tha thứ mọi tội lỗi cho những ai thành tâm sám hối. Cùng với ơn tha tội, Chúa còn ban cho chúng ta sức mạnh để tránh những cơ hội có thể dẫn chúng ta tới phạm tội. Sám hối của người tín hữu không chỉ hướng tới việc xin Thiên Chúa tha thứ mọi lỗi lầm, nhưng còn hướng tới việc kết nối tình liên đới cảm thông với anh chị em, để sống một cuộc sống mới thân thiện và nhân ái hơn. Vì thế, thành tâm sám hối sẽ góp phần làm cho cuộc sống xung quanh tốt đẹp hơn, cùng với anh chị em tạo tác một môi trường lành mạnh an vui.
 
Chú tâm làm việc thiện. Thánh Phaolô đã mời gọi các tín hữu: “Đừng có ai lấy ác báo ác, nhưng hãy luôn luôn cố gắng làm điều thiện cho nhau cũng như cho mọi người” (1Tx 5,14). Làm việc thiện, tức làm những việc tốt cho công ích và cho những người xung quanh. Trên đài truyền hình, có chương trình phản ánh những việc làm tử tế. Đó là những người dân biết ý thức bảo vệ công ích. Đó cũng là những việc đơn giản giúp đỡ cho những người cơ nhỡ bần hàn. Nhiều người nghĩ rằng phải dư dả của cải hoặc phải ở chức nọ bậc kia thì mới làm việc thiện. Thực ra, trong mọi hoàn cảnh, mỗi người đều có thể làm việc thiện. Một tác giả đã viết: “Không ai nghèo đến nỗi không có gì để chia sẻ với người khác và cũng không ai giàu đến độ không thể nhận thêm được cái gì của người khác!“. Làm việc thiện cũng không phải để biểu diễn hay để quay phim chụp ảnh. Việc thiện đích thực xuất phát từ tấm lòng và ước muốn sẻ chia. Trên trang “Twitter” hôm thứ Ba, ngày 1-8-2017, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã viết: “Những việc thiện chỉ có hiệu quả khi chúng ta thực hiện một cách vô vị lợi, không nhằm mục đích tìm phần thưởng”.
 
Sống vì người khác. Con người sống trên đời không phải là những ốc đảo, nhưng liên đới với nhau và bổ túc cho nhau. Sự khác biệt về sở thích, nghề nghiệp, cá tính, làm cho xã hội này phong phú và bớt đơn điệu. Những người chỉ sống vì mình mà lãng quên người khác, giống như những ao tù, thiếu sức sống và năng động. Sống vì người khác là quan tâm đến những người xung quanh, tìm hiểu sở thích của họ, sẵn sàng nhường nhịn để họ vui lòng. Sống vì người khác cũng là sự thận trọng, tế nhị để những việc làm và lời nói của mình không ảnh hưởng đến những người xung quanh. Có người ví cuộc đời như cánh rừng, các loài cây nhờ sống gần nhau và vươn thẳng và vững chãi. “Mình vì mọi người và mọi người vì mình”, sống theo phương châm này sẽ làm cho cuộc sống thi vị và nhân ái hơn. Sống vì người khác còn là quan tâm đến môi trường thiên nhiên, ý thức giữ vệ sinh và góp phần xây dựng cuộc sống xanh sạch đẹp. Nhiều người còn thiếu ý thức về lãnh vực này, xả rác bừa bãi, vô tư gây ồn ào nơi công cộng, lãng phí của công.
 
Có cái nhìn nhân ái rộng lượng hơn. Con người sống trên đời chẳng có ai hoàn thiện. Ai cũng có điểm mạnh và điểm yếu. Ai cũng có tài năng và khuyết điểm. Trong mối tương quan gia đình, huynh đệ, đồng nghiệp và lối xóm, cần có sự cảm thông và nâng đỡ lẫn nhau. Hãy nhận định về một sự việc hoặc một con người với cái nhìn bao dung, bởi lẽ chính chúng ta cũng đã có những lầm lỗi. Trên mạng xã hội (Face book), trước một sự kiện xảy ra, nhiều người chỉ hiểu biết một khía cạnh của vấn đề, nhưng đã viết những dòng bình luận với nội dung mạt sát, thiếu bao dung và hàm chứa ác ý. Trong kinh Lạy Cha, chúng ta đọc: “Xin tha nợ chúng con, như chúng con cũng tha cho kẻ có nợ chúng con”. Bao dung với người khác là điều kiện để được đón nhận ơn tha thứ của Thiên Chúa. Trước mặt Ngài, chúng ta đều là tội nhân. Phụng vụ thánh lễ luôn khởi đầu bằng nghi thức sám hối, để giúp ta thú nhận những lỗi lầm của mình trước mặt Chúa và trước mặt anh chị em, đồng thời xin Chúa ban ơn tha thứ.
 
Như dòng sông lặng lẽ trôi về đại dương, cuộc đời của chúng ta cũng đang tuôn chảy về nguồn là Thiên Chúa. Dòng sông đang tự làm mới mình bởi dòng chảy cuộn sóng. Hành trình về nguồn của con người cũng là hành trình thanh tẩy và thánh hóa từng ngày. Mỗi ngày sống trên đời chỉ có ý nghĩa nếu chúng ta cố gắng thay đổi bản thân để nên tốt hơn, từ đó, chúng ta sẽ làm đẹp cho đời.
 
Gm Giuse Vũ Văn Thiên
Exit mobile version