GÓC SUY TƯ GIA ĐÌNH Hãy gieo trồng

Hãy gieo trồng

50

imagesTrong suốt dòng lịch sử dài đằng đẵng của nhân loại, con người thời nào cũng băn khoăn về ‘phẩm chất của con người thời đại’, và từ đó còn dự đoán cả tương lai đen tối không lối thoát của nhân loại, ngay cả sự huỷ diệt tiêu vong, trong khi đó thì Thượng Đế vẫn tiếp tục cho thấy niềm hy vọng không lay chuyển đặt vào con người, vào thế giới. Cụ thể, những đứa trẻ vẫn tiếp tục sinh ra mỗi ngày.

Thượng Đế không cho một đứa trẻ được sinh ra một cách vô tội vạ. Ngài tiếp tục đồng hành với nó, làm nó tăng trưởng vì hạnh phúc của nhân loại, vì sự lưu truyền nòi giống con người. Thế nhưng, Ngài không trực tiếp làm công việc này mà dùng những tác nhân khác thay thế : đó chính là các bậc phụ huynh và những nhà giáo dục.

Nếu Thượng Đế vẫn tiếp tục hy vọng và sinh ra những con người mới, vẫn yêu thương con người hiện tại và không ngừng đưa tay cứu vớt thế giới, thì làm sao các nhà giáo dục vốn là những người đại diện và cộng sự viên đắc lực của Ngài, lại có thể chọn một con đường khác được ? Chắc chắn không có một con đường nào khác. Nếu hoạt động của Thượng Đế là ‘làm nảy sinh’, thì các cộng sự viên của Ngài cũng cần phải hành động tương tự, cụ thể là hành động GIEO TRỒNG.

Gieo trồng-chiến lược của nghệ thuật giáo dục

Sản phẩm của giáo dục là con người, kết quả của một hành trình giáo dục lâu dài. Người ta gieo xuống một hạt mầm để rồi chờ đợi gặt hái vào một ngày nào đó trong tương lai. Có thể nói, đó là một cuộc đầu tư với nhiều bấp bênh. Nhưng đây không phải là một cuộc đầu tư liều lĩnh, vô vọng, và là một chiến lược đưa đến kết quả tốt đẹp nếu tất cả được thực hiện quan tâm và kỹ lưỡng.

Lý do nào đó để các nhà giáo dục chọn lựa ‘gieo trồng’ làm chương trình hành động trong việc giáo dục ? Chuyện kể rằng, mới đây người ta tìm được những hạt giống vào thời Vua Pha-ra-ô bên Ai Cập. Họ thử gieo xuống và đã có mấy hạt mọc lên. Sau vài tháng có những bông lúc mập mạp phất phơ trong gió. Tiềm năng sự sống trong hạt giống thì rất lớn, chính vìthế mà nhà giáo dục phải đặt niềm tin vào hạt giống.

Cha mẹ là những nhà giáo dục được giao nhiệm vụ canh tác trên cánh đồng giáo dục. Tâm hồn của những trẻ được uỷ thác cho họ như những thửa đất đang chờ những hạt mầm được gieo xuống. Văn sĩ Feodor Dostoevskij (1821-81) người Nga viết : “Chỉ cần một hạt giống nhỏ, một hạt giống nhỏ tí xíu mà chúng ta gieo vào trong tâm hồn một con người đơn sơ. Hạt giống ấy sẽ không chết, nhưng sẽ sống trong linh hồn ấy suốt cả cuộc đời, nó sẽ ẩn trong con người ấy giữa những bóng tối, giữa sự hôi thối của tội lỗi như một điểm sáng, như một lời cảnh báo cao thượng. Vì thế, trách nhiệm và công việc đầu tiên của các nhà giáo dục và bậc phụ huynh là gieo trồng, với niềm tin tưởng rằng : “Công trạng không nằm trong việc thu hoạch nhiều, nhưng ở việc gieo giống tốt”. (T. Bonaventura)

Quan trọng là hãy gieo trồng

Chúng ta hãy lắng nghe lời chia sẻ của Pino Pellegrino, một linh mục Sa-lê-diêng, bàn về những hạt giống mà một nhà giáo dục cần gieo xuống.

Hãy cứ gieo, nhiều hay ít không quan trọng.

Quan trọng là cứ hãy gieo xuống, gieo vào lòng trẻ những ngày đầu đời. Hãy gieo tình yêu,vì không có tình yêu người ta không thể sống.

Hãy gieo sự can đảm vì cuộc sống là một hành trình dốc ngược.

Hãy gieo niềm hy vọng vì hy vọng thúc đầy người ta tiếp tục.

Hãy gieo niềm lạc quan vì lạc quan là động cơ khởi động tất cả.

Hãy gieo những kỷ niệm đẹp vì một kỷ niệm đẹp có thể trở thành chỗ dựa trong những lúc người ta mất phương hướng.

Hãy gieo Thiên Chúa vì Thiên Chúa chính là căn nguyên mọi sự.

Nhà giáo dục hãy gieo trồng

Khi gieo xuống một hạt giống, đó không chỉ khơi lên một niềm hy vọng, và là làm bừng sáng lên một đời người. Tuy nhiên khi gieo người giáo dục cần nhớ rằng mình phải gieo xuống những hạt giống tốt lành. Bởi một hạt giống dù tốt hay xấu đều mang trong mình những  khả năng vô tận. Nếu ta gieo xuống hạt giống tốt, cả một tương lai bừng sáng và sự an bình cho một đời người. Còn nếu sơ suất gieo vào lòng trẻ những hạt giống bạo tàn hay sai lầm, người ta sẽ ươm vào thế giới không phải chỉ là một bụi gai, nhưng là một con thú dữ.

Hãy gieo và đừng nản chí

Khi nhà giáo dục còn gieo trồng, đó là dấu hiệu họ còn hy vọng và còn trung thành với bổn phận mà Thượng Đế uỷ thác cũng như mời gọi họ cộng tác. Hãy tiếp tục tin và tiếp tục hy vọng, biết lạc quan khi nhìn vào khả năng phục thiện và khát khao tìm kiếm sự thiện nơi con người. Nếu Thượng Đế không bao giờ thất vọng về con người, thì chẳng có lý do gì mà các nhà giáo dục và các phụ huynh lại thất đảm.

Muốn gieo như thế, trước tiên nhà giáo dục phải là người lạc quan. William Artur Ward nói:  Người lạc quan sống trên bán đảo của những khả năng vô tận, người bi quan kẹt trên hòn đảo của những do dự vô cùng. Chúng ta không thể do dự, vì “Bão tố có khả năng làm rụng đi những bông hoa nhưng không có khả năng lấy đi những hạt giống”. (Nhà thơ người Ly Băng Kahil Gibran)

Sa Mạc Xanh