Trước tiên là của anh chồng. Khi mới quen anh thường gọi nàng với những từ: Em yêu dấu; Người yêu bé; Con mèo nhỏ . . .
Khi mới cưới nhau độ vài tháng hay một năm anh vẫn gọi vợ một cách thân thương: Mình ơi; cưng ơi; đằng ấy ơi . . . Khi giới thiệu với bạn bè: Bà xã tôi; nhà tôi . . .
Nhưng rồi khi đã nhàm chán nhau, xem ra chẳng kiêng nể gì nhau từ lời nói đến hành động, họ sẵn sàng tuôn ra những lời làm đau lòng nhau như: Cái con mẹ mày; cái con mụ kia; con hổ cái; gà mái già . . .
Có cô vợ than phiền với hàng xóm:
– Chồng em trước đây thường âu yếm gọi em bằng những tên con vật như “Con chim bé bỏng của anh”, “con mèo cưng yêu dấu”… Vậy mà những từ ấy bây giờ đã biến mất.
– Ồ, không phải vậy đâu! Anh ấy vẫn gọi chị bằng tên con vật đấy chứ.
– Thật không?
– Thật chứ. Mới hôm qua anh ấy còn nói với tôi: “Tôi phải về ngay chứ không thì con Hổ cái nhà tôi nó gầm lên bây giờ”!
Còn các bà vợ thì gọi chồng như thế nào? Khi mới quen nhau thì anh ơi, rồi làm cái gì cũng chúng mình, tụi mình cùng làm.
Rồi khi cưới nhau vợ thân mật gọi chồng:anh yêu; chồng yêu. Có khi thân mật gọi chồng về ăn cơm liền nói: Ai ơi về ăn cơm.
Nhưng rồi khi đã nhàm chàn nhau thì vợ gọi chồng là Gấu, là Voi, là Hà mã…
Cách chung nếu không tôn trọng nhau thì cũng chẳng khách sáo với nhau trong lời nói: Tôi đã từng nghe người chồng nói: Tao nói cho mẹ mày biết; Thằng này chẳng ngán mẹ mày đâu nhá; Đây sẽ cho mẹ mày biết tay. . .
Và vợ cũng chẳng thua kém: Tôi nói cho bố mày biết, đây cũng chẳng thua kém bố mày đâu! Bà mày cũng chẳng chịu thua. . . .
Thực ra đàn bà hay đàn ông đều có điểm tốt và điểm xấu. Không ai hoàn hảo và cũng không ai xấu hoàn toàn. Cả hai đều có cái hay cái đẹp. Thế nên, khi yêu nhau chúng ta thường khai thác cái đẹp của nhau để tán dương nhau, nhưng khi không còn yêu nhau thì chúng ta lại bới móc biết bao cái xấu của nhau.
Điều quan trọng trong đời sống vợ chồng là biết chấp nhận nhau. Chấp nhận con người khác biệt của nhau bằng sự tin tưởng và tôn trọng nhau. Đừng mong cải hóa người bạn của mình, vì bản tính khó dời. Mà hãy biết kiềm chế tính nóng giận của mình để biết đón nhận nhau.
Chúa Giê-su, ngài đã yêu con người. Ngài không chờ khi con người hoàn toàn tốt mới yêu. Mà ngài yêu ngay khi chúng ta còn là tội nhân. Ngài chấp nhận sống với chúng ta là Ngài đã đón nhận mọi tật nguyền của chúng ta. Ngài đón nhận không phải để dung túng mà để dùng tình yêu cải hóa chúng ta.
Điều quan trọng là chúng ta biết giúp nhau sửa đổi. Bằng đời sống gương sáng chúng ta cải hóa bạn đời. Nhất là bằng cầu nguyện để quyền năng Chúa sẽ thay đổi người bạn nên tốt hơn. Mẹ Monica đã sống và cầu nguyện suốt 30 năm trường. Bù lại bà đã nhìn thấy chồng trở về với Chúa, và nhất là nhìn thấy con của mình là Augustino bỏ đường tội lỗi, dấn thân theo Chúa, làm linh mục, rồi Giám mục.
Phúc âm kể lại nhiều người đã đến trao vào tay Chúa Giê-su người thân của mình để xin Chúa chữa lành. Dường như không ai về không. Viên đại đội trưởng xin cho đầy tớ mình khỏi bệnh. Ông trưởng hội đường xin cho con gái mình sắp chết. Bà mẹ thành Naim đã tình cờ gặp Chúa mà con bà đã được cứu con . . .
Thế nên, để có thể cải hóa người bạn đời không thể dùng cách chửi bới, nói móc, khích bác nhau, điều ấy chỉ làm cho tình cảm vợ chồng dần dần xa cách. Hãy đến với Chúa. Hãy trao vào tay Chúa. Hãy để quyền năng Chúa chữa trị người bạn đời. Hơn nữa, khi chúng ta cầu nguyện là chúng ta lôi kéo ơn Chúa xuống cho gia đình và chính chúng ta cũng được thêm sức mạnh để sống theo thánh ý Chúa.
Ước gì mỗi gia đình hãy biết siêng năng cầu nguyện với Chúa. Hãy trao vào tay Chúa những khó khăn trong gia đình để ơn Chúa và quyền năng Chúa sẽ thực hiện những điều tốt nhất cho gia đình chúng ta. Amen
Lm. Jos Tạ Duy Tuyền