Tin Giáo hội Giáo huấn Hãy dấn thân trở nên dấu chỉ cụ thể của Lòng Thương...

Hãy dấn thân trở nên dấu chỉ cụ thể của Lòng Thương Xót

ANSA958253_Articolo-300x212VATICAN. Đức Thánh Cha kêu gọi các tín hữu cam kết dấn thân một cách cụ thể trong đời sống hằng ngày ngõ hầu trở nên những dấu chỉ cụ thể của lòng thương xót Chúa trong Năm Thánh. ĐTC đã nói như trên trong bài huấn dụ tại buổi tiếp kiến chung Năm Thánh diễn ra vào lúc 9h50 ngày 20.02.2016, tại quảng trường Phêrô, trước sự hiện diện của khoảng 50 ngàn khách hành hương.

Sau đây là nguyên văn bài huấn dụ của ĐTC, Ngài nói:

“Anh chị em rất thân mến,

Năm Thánh Lòng Thương Xót là một cơ hội đích thực để bước vào chiều sâu bên trong của mầu nhiệm của sự thiện hảo và tình yêu của Thiên Chúa. Trong thời gian của Mùa Chay này, Giáo Hội mời gọi chúng ta trở nên gần gũi hơn với Đức Giêsu, và sống một cách nhất quán đức tin cùng với một phong thái của đời sống vốn diễn đạt lòng thương xót của Thiên Chúa Cha. Đó là một bổn phận mà chúng ta được kêu gọi để đảm đương nhằm dâng tặng cho tất cả những ai chúng ta gặp gỡ dấu chỉ cụ thể của sự gần gũi của Thiên Chúa. Đời sống của tôi, hành xử của tôi, cách sống của tôi phải là một dấu chỉ cụ thể của biểu hiện rằng Thiên Chúa ở gần gũi chúng ta. Những dấu chỉ nhỏ bé của tình yêu, của sự âu yếm của sự quan tâm, sẽ giúp suy nghĩ rằng Thiên Chúa ở với chúng ta, và ở gần chúng ta. Và như thế là cách mở ra cánh cửa của lòng thương xót.

Hôm nay tôi muốn dừng lại để suy tư cùng với anh chị em về chủ để của một từ tôi đã từng nói: sự dấn thân. Sự dấn thân là gì? Và điều gì có nghĩa là dấn thân? Khi tôi dấn thân, có nghĩa là tôi đảm nhận một trách nhiệm, một bổn phận đối với người khác; và điều đó cũng có nghĩa là phong thái, hành vi của sự trung tín và sự hiến thân, của sự chú ý đặc biệt đến người tôi phải thực hiện bổn phận này. Mỗi ngày đòi hỏi chúng ta phải dấn thân vào những việc chúng ta phải làm: trong cầu nguyện, trong công việc, trong học hành, nhưng còn cả trong thể thao, trong những hoạt động tự do… Dấn thân, tóm lại có nghĩa là đặt để thiện ý của chúng ta và sức lực của chúng ta để làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn.

 Và ngay cả Thiên Chúa cũng dấn thân vì chúng ta. Bổn phận đầu tiên của Ngài là tạo dựng nên trái đất, và bất chấp những tấn công của chúng ta để huỷ hoại nó, Ngài dấn thân để duy trì nó được sống động. Nhưng sự dấn thân của Ngài vĩ đại hơn khi trao ban cho chúng ta Đức Giêsu. Đây là sự dấn thân của Thiên Chúa! Vâng, Đức Giêsu chính là sự dấn thân cao cả nhất mà Thiên Chúa đã đảm trách khi đối diện với chúng ta. Thánh Phaolô đã nhắc nhở điều này khi viết rằng “Đến như chính Con Một, Thiên Chúa cũng chẳng tha, nhưng đã trao nộp vì hết thảy chúng ta.” (Rm 8, 32). Và trong ý hướng của điều này, cùng với Đức Giêsu, Thiên Chúa sẽ trao ban cho chúng ta tất cả những gì chúng ta cần.

 Nhưng bằng cách nào bổn phận của Thiên Chúa được tỏ bày cho chúng ta? Rất giản đơn để kiểm chứng điều này trong Tin Mừng. Trong Đức Giêsu, Thiên Chúa đã dấn thân trọn vẹn để mang lại hy vọng cho những ai nghèo khó, cho những ai không có phẩm giá, khách ngoại kiều, những người đau yếu, tù nhân, những tội nhân mà Ngài đã đón nhận với lòng nhân từ. Trong tất cả điều này, Đức Giêsu là diễn đạt sống động của lòng Thương Xót của Chúa Cha. Và tôi muốn nói là: Đức Giêsu đã đón nhận các tội nhân với sự thiện hảo. Nếu chúng ta suy nghĩ theo cái nhìn nhân loại, tội nhân sẽ là một kẻ thù của Thiên Chúa, nhưng Ngài gần gũi họ cùng với lòng tốt, Ngài yêu thương họ và biến đổi con tim của họ. Tất cả chúng ta là tội nhân: tất cả! Tất cả chúng ta đều có ít nhiều lỗi lầm trước mặt Chúa. Nhưng chúng ta không được ngờ vực: Ngài gần gũi để trao ban cho chúng ta sự an ủi, lòng thương xót và sự tha thứ. Và đây là sự dấn thân của Thiên Chúa và vì đó Ngài đã sai gửi Đức Giêsu: để đến gần chúng ta, tất cả chúng ta và mở ra cánh cửa tình yêu của Ngài, của con tim Ngài, của lòng thương xót của Ngài. Và điều này thật là đẹp! Rất đẹp!

 Khởi đi từ lòng nhân từ mà Đức Giêsu đã diễn tả sự dấn thân của Thiên Chúa, thì chúng ta cũng có thể và phải đáp trả tình yêu của Ngài bằng sự dấn thân của chúng ta. Và trên hết điều này trong những trạng huống cần kíp hơn, là nơi thiếu vắng hy vọng. Tôi nghĩ, chẳng hạn như, trong bổn phận của chúng ta đối với những người bị bỏ rơi, những ai bị khuyết tật nặng nề, những ai đau ốm hiểm nghèo, những ai đang hấp hối, với những ai không biết diễn tả lòng biết ơn… Trong tất cả những thực tại này chúng ta hãy mang lòng thương xót của Thiên Chúa ngang qua một bổn phận trong đời sống, vốn là chứng từ của đức tin của chúng ta vào Đức Kitô. Chúng ta phải luôn luôn mang lấy sự vuốt ve của Thiên Chúa – bởi vì Thiên Chúa đã ôm ấp chúng ta cùng với lòng thương xót của Ngài – để mang lại sự ôm ấp ấy cho người khác, cho những ai đang cần đến, cho những ai đang đau khổ trong tâm hồn hay đang buồn khổ: gần gũi với sự âu yếm của Thiên Chúa vốn là điều Thiên Chúa đã trao ban cho chúng ta,

Ước chi Năm Thánh này có thể giúp cho thời đại của chúng ta và con tim của chúng ta có thể đụng chạm đến bàn tay dấn thân của Thiên Chúa dành cho mỗi người, và chính nhờ điều này sẽ biến đổi đời sống của chúng ta thành một sự dấn thân của lòng thương xót cho tất cả.”

 

Chuyển dịch từ Ý ngữ: Jos. Nguyễn Huy Mai

Exit mobile version