Bài Giáo lý của Đức Thánh Cha Phanxicô trong buổi tiếp kiến chung tại quảng trường Thánh Phêrô sáng ngày 17/04/2019.
Hãy cầu nguyện với Chúa Cha trong thử thách
Anh chị em thân mến,
Trong những tuần này chúng ta đang suy gẫm về “Kinh Lạy Cha”. Giờ đây, trước Tam nhật Vượt qua, chúng ta dừng lại ở một vài lời mà Chúa Giêsu đã cầu nguyện với Chúa Cha trong suốt cuộc Khổ nạn.
Lời khẩn cầu đầu tiên diễn ra sau Bữa Tiệc Ly, khi Chúa Giêsu “ngước mắt lên trời và nói: “Lạy Cha, giờ đây, xin Cha hãy tôn vinh con bên Cha: xin ban cho con vinh quang mà con vẫn được hưởng bên Cha trước khi có thế gian” (Ga 17,5). Chúa Giêsu cầu xin vinh quang, một đòi hỏi có vẻ nghịch lý trong khi cuộc khổ nạn sắp xảy ra. Vinh quang đó là gì? Vinh quang trong Kinh thánh cho thấy đó là việc Thiên Chúa tự mạc khải, là dấu chỉ đặc biệt về sự hiện diện cứu rỗi của Ngài giữa loài người. Giờ đây, Chúa Giêsu là Đấng biểu lộ cách dứt khoát sự hiện diện và cứu rỗi của Thiên Chúa. Và Ngài thực hiện điều đó vào lễ Phục sinh: khi được giương cao trên thập giá, là lúc Ngài được tôn vinh (x. Ga 12,23-33). Nơi đó, Thiên Chúa mạc khải trọn vẹn vinh quang của mình: Ngài cất đi tấm khăn che cuối cùng và làm chúng ta kinh ngạc như chưa từng có trước đây. Thực vậy, chúng ta khám phá ra rằng vinh quang của Thiên Chúa là trọn vẹn tình yêu : tình yêu tinh tuyền, điên rồ và lạ lùng, vượt quá mọi giới hạn và đong đếm.
Anh chị em thân mến, chúng ta hãy biến lời cầu nguyện của Chúa Giêsu thành của chúng ta: hãy xin Chúa Cha gỡ bỏ mọi bức màn che mắt chúng ta, để trong những ngày này, khi nhìn lên Thánh Giá, chúng ta có thể chấp nhận được rằng Thiên Chúa là tình yêu. Đã bao lần chúng ta cho rằng Ngài là một ông chủ chứ không phải là một người Cha, bao lần chúng ta nghĩ rằng Ngài là vị thẩm phán nghiêm khắc hơn là Đấng Cứu Thế giàu lòng xót thương! Thế nhưng Chúa Phục sinh sẽ xóa bỏ mọi khoảng cách, tự xuất hiện trong sự khiêm nhường của tình yêu kêu xin tình yêu của chúng ta. Do đó, chúng ta làm vinh danh Ngài khi chúng ta sống với tất cả những gì chúng ta làm với tình yêu, khi chúng ta thực hiện mọi điều trong con tim như thể làm cho Ngài (x Col 3,17). Vinh quang đích thực là vinh quang của tình yêu, bởi vì đó là điều duy nhất có thể mang lại sự sống cho thế giới. Tất nhiên, vinh quang này luôn đối nghịch với thế gian, xuất hiện khi một người nào đó được ngưỡng mộ, ca ngợi, tung hô: khi tôi là trung tâm của sự chú ý. Mặt khác, vinh quang của Thiên Chúa là một nghịch lý: không vỗ tay, không thính giả. Ở trung tâm không có bản ngã, mà có cái khác: thật vậy, vào lễ Phục sinh, chúng ta sẽ thấy Chúa Cha tôn vinh Chúa Con, đồng thời Chúa Con tôn vinh Chúa Cha. Không ai tôn vinh chính mình cả. Hôm nay chúng ta có thể tự hỏi: “Thứ vinh quang tôi đang sống là gì? Của tôi hay của Chúa? Tôi chỉ muốn nhận từ người khác hay là cho người khác?”
Sau bữa tiệc ly, Chúa Giêsu vào vườn Giếtsamani, ở đây Ngài cũng cầu xin Cha. Trong khi các môn đệ không thể tỉnh thức được, Giuđa và bọn lính thì đang xông đến, Chúa Giêsu bắt đầu cảm thấy “buồn phiền và sợ hãi”. Ngài cảm thấy rất lo buồn vì những gì đang chờ đợi Ngài : phản bội, khinh miệt, đau khổ, thất bại. Ngài “buồn rầu” và ở đó, trong vực thẳm, trong nỗi u sầu, Ngài hướng về Cha bằng lời rất dịu dàng và ngọt ngào nhất: “Abba”, nghĩa là cha ơi (x.Mc14,33-36). Trong thử thách Chúa Giêsu dạy chúng ta hãy ôm lấy Chúa Cha, để khi cầu nguyện với Ngài, chúng ta có sức mạnh tiếp tục tiến bước trong đau khổ. Trong khi mệt mỏi, cầu nguyện sẽ thấy nhẹ nhõm, tin tưởng, khích lệ. Trong việc từ bỏ tất cả mọi sự, trong sự trống vắng nội tâm, Chúa Giêsu không đơn độc, Ngài hằng ở cùng Cha. Trái lại, trong vườn Giếtsêmani của chúng ta, chúng ta thường chọn ở một mình thay vì gọi “Cha ơi” và để phó mình cho Cha, như Chúa Giêsu đã phó mình cho ý muốn của Cha, là hạnh phúc đích thực của chúng ta. Trong thử thách, chúng ta vẫn khép bản thân mình, chúng ta đào cho mình một đường hầm bên trong, một con đường hướng nội đau đớn, chỉ có một hướng: ngày càng sâu hơn trong chính mình. Vấn đề lớn nhất không phải là đau khổ, mà là làm cách nào để đối phó với nó. Cô đơn không có lối thoát; cầu nguyện thì có, bởi vì đó là mối liên hệ, là tin cậy. Chúa Giêsu giao phó tất cả mọi thứ và phó mình cho Chúa Cha, mang đến cho Cha những gì Ngài cảm thấy, dựa vào Cha trong cuộc đấu tranh. Khi bước vào vườn Giếtsêmani của mình, anh chị em hãy nhớ cầu nguyện như thế này, là gọi “Cha ơi”.
Cuối cùng, Chúa Giêsu hướng về Cha trong lời cầu cầu nguyện thứ ba, dành cho chúng ta : “Xin Cha tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23:34). Chúa Giêsu cầu nguyện cho những người đã sống ác độc với Ngài, cho những kẻ giết mình. Tin Mừng xác định rằng lời cầu nguyện này xảy ra vào lúc Ngài bị đóng đinh. Có lẽ đó là khoảnh khắc đau đớn nhất, khi Chúa Giêsu bị đóng đinh vào cổ tay và bàn chân. Ở đây, trên đỉnh đau thương, tình yêu đạt đến đỉnh điểm: là đạt đến sự tha thứ, tức là ơn sủng đạt đến mức tối đa, phá vỡ vòng vây tội ác.
Anh chị em thân mến, khi cầu nguyện bằng Kinh Lạy Cha trong những ngày này, chúng ta có thể xin một trong những ơn này: là biết sống mỗi ngày vì danh Thiên Chúa, là sống với tình yêu; xin cho chúng ta biết phó mình cho Chúa Cha trong những lúc thử thách, gọi “cha ơi” với Chúa Cha, biết chạy đến Cha để tìm ơn tha thứ và can đảm để thứ tha. Cả hai cùng đi với nhau. Xin Cha tha thứ cho chúng ta, nhưng cũng xin cho chúng ta biết can đảm để thứ tha.
Sau Kinh Truyền tin:
Tôi rất vui được chào đón những người hành hương đến từ Pháp và các quốc gia nói tiếng Pháp khác, đặc biệt những người đến từ Carcassonne, Tournon và Rennes. Trong những ngày thánh này, xin Chúa dạy chúng ta sống mỗi ngày vì danh của Ngài, nói cách khác, đó là biết yêu thương, tin cậy vào Ngài trong thử thách, nhận sự tha thứ của Ngài và can đảm thứ tha.
Nhân dịp này tôi muốn bày tỏ tình cảm và sự gần gũi của tôi đối với cộng đoàn giáo phận Paris, với tất cả người dân Paris và toàn thể người dân Pháp sau vụ cháy ở Nhà thờ Đức Bà. Anh chị em thân mến, tôi rất buồn và tôi cảm thấy gần gũi anh chị em hơn. Với lòng biết ơn của toàn thể Giáo hội dành cho những người đã làm hết sức mình, thậm chí mạo hiểm để cứu Vương cung Thánh đường. Xin Đức Trinh Nữ Maria chúc lành cho họ và trợ giúp họ trong công cuộc tái thiết : mong sao đó là một bản hợp xướng, để ca ngợi và tôn vinh của Thiên Chúa.
Ngày mai bắt đầu Tam nhật Phục sinh, đỉnh điểm của cả năm phụng vụ. Sự Phục sinh của Chúa Giêsu giúp anh chị em suy ngẫm về tình yêu mà Thiên Chúa đã thực hiện vì chúng ta. Xin Chúa cho anh chị em biết tham dự đầy đủ vào mầu nhiệm chết và sống lại của Ngài, và giúp anh chị em biến những cảm xúc của Ngài thành của mình và chia sẻ chúng cho tha nhân.
G. Võ Tá Hoàng chuyển ngữ