Sáng nay trời mưa nên buổi tiếp kiến chung được tổ chức hai nơi. Tại hội trường Phaolô VI, dành cho những người già và bệnh nhân, một nhóm khác tại quảng trường thánh Phêrô. Trước khi ra quảng trường như thường lệ, ĐTC đến gặp gỡ nhóm các bệnh nhân và ngài nói:
Bây giờ tôi ra với nhóm khác đang ở quảng trường; ẩm ướt một chút, anh chị em cứ ở đây. Chúng ta hiệp nhau qua màn hình. Giờ đây tôi ban phúc lành cho tất cả anh chị em. Trước hết chúng ta cùng đọc với nhau kinh Kính mừng… Anh chị em hãy cầu nguyện cho tôi và tôi cám ơn anh chị em vì đã đến đây.
16. “Bà Priscilla và ông Aquila đã đưa Phaolô về nhà họ” ( Cv 18,26 ). Đôi vợ chồng phục vụ Tin Mừng
Anh chị em thân mến
Buổi tiếp kiến này chia làm hai nhóm: những người đau yếu ở trong hội trường Phaolô VI – Tôi đã đến đó với họ, đã chào thăm và chúc lành cho họ; có khoảng 250 người. Họ ở đó tiện hơn vì trời mưa – và chúng ta ở đây. Chúng ta có thể thấy họ qua màn hình. Chúng ta cùng vỗ tay để chào nhau.
Sách Công vụ Tông đồ kể rằng, thánh Phaolô, như nhà truyền giáo không mệt mỏi, sau khi lưu lại Athens, ngài tiếp tục mang Tin mừng vào thế giới. Giai đoạn mới trong hành trình truyền giáo của ngài nằm ở Côrintô, thủ phủ của Achaea, một thành phố thương mại và quốc tế, nhờ sự hiện diện của hai cảng quan trọng.
Như chúng ta đọc trong chương 18, thánh Phaolô được tiếp đón tại nhà đôi vợ chồng Aquila và Priscilla (hay Prisca), là những người bị buộc phải dời đi từ Rôma đến Côrintô, sau khi hoàng đế Claudio ra lệnh trục xuất người Do thái (x. Cv 18,2). Tôi muốn mở ngoặc: Trong lịch sử, dân tộc Do thái đã chịu rất nhiều đau khổ. Họ bị đuổi đi và bị bức bách… Và trong thế kỷ trước, chúng ta đã chứng kiến rất nhiều về sự tàn bạo mà người ta đã làm cho người Do thái, và tất cả chúng ta đều tin rằng những điều này đã kết thúc. Thế nhưng hôm nay, thói quen bách hại người Do thái bắt đầu phát sinh ở nơi này nơi kia. Anh chị em thân mến, làm điều đó chẳng có chút nhân văn, cũng không phải là Kitô giáo. Người Do thái là anh em của chúng ta! Và họ không đáng chịu bách hại. Anh chị em hiểu không?
Đôi vợ chồng này cho thấy họ có một con tim đầy tràn niềm tin vào Thiên Chúa và quảng đại với người khác, có khả năng nhường chỗ cho những người, giống như họ, đang nếm trải thân phận của kẻ ngoại kiều. Cảm giác đó khiến họ không còn tập trung về mình, để thực hành nghệ thuật hiếu khách Kitô giáo (x. Rm 12,13; Dt 13,2) và mở rộng cửa nhà mình để đón tiếp Tông đồ Phaolô. Như thế họ không chỉ đón tiếp nhà truyền giáo mà còn tuyên bố rằng họ mang trên mình: Tin mừng của Chúa Kitô là “sức mạnh Thiên Chúa dùng để cứu độ bất cứ ai có lòng tin” (Rm 1,16). Và từ lúc ấy nhà họ thấm đẫm hương vị của Lời “hằng sống” (Dt 4,12), làm sống động mọi tâm hồn.
Aquila và Priscilla cũng chia sẻ hoạt động nghề nghiệp của mình với Phaolô, đó là nghề dệt lều. Thực vậy, thánh Phaolô rất coi trọng lao động tay chân và tin rằng điều đó tạo ưu thế cho việc làm chứng Kitô giáo (x. 1Cor 4,12), hơn nữa, đó là cách thức đúng đắn để tự kiếm sống mà không trở thành gánh nặng cho người khác (x. 1Tx 2,9; 2Tx 3,8) hay cho cộng đoàn.
Ngôi nhà của Aquila và Priscilla ở Côrintô mở cửa không chỉ cho vị Tông đồ và còn cho các anh chị em trong Chúa Kitô. Thật vậy, thánh Phaolô có thể nói về “cộng đồng tụ họp tại nhà họ” (1Cor 16,19), trở thành “ngôi nhà của Giáo hội tại gia”, một “domus ecclesiae”, một nơi để lắng nghe Lời Chúa và cử hành Bí tích Thánh Thể. Cũng như ngày nay, tại một vài quốc gia, nơi không có tự do tôn giáo và không có tự do cho người tín hữu, các kitô hữu tụ họp tại một căn nhà, kín đáo một chút, để cầu nguyện và cử hành Thánh thể. Ngày nay cũng có nhiều trường hợp như vậy, các gia đình này trở thành ngôi đền thờ cho Thánh thể.
Sau một năm rưỡi ở Côrintô, thánh Phaolô rời thành phố đó cùng với Aquila và Priscilla, rồi họ dừng lại tại Êphêsô. Ở đó, căn nhà của họ trở thành nơi dạy giáo lý (x. Cv 18,26). Cuối cùng, hai vợ chồng trở lại Rôma và họ là những người nhận được lời khen ngợi tuyệt vời mà thánh Phaolô đã viết trong thư gửi cho các tín hữu Rôma. Một tấm lòng biết ơn, thánh Phaolô đã viết về hai vợ chồng này trong thư gửi cho các tín hữu Rôma. Anh chị em hãy nghe: “Tôi xin gửi lời thăm chị Prisca và anh Aquila, những người cộng tác với tôi trong Đức Kitô Giêsu; hai anh chị đã liều mất đầu để cứu mạng tôi. Không chỉ mình tôi, mà còn các Hội Thánh trong dân ngoại cũng phải mang ơn anh chị” (Rm 16,4). Biết bao gia đình trong thời kỳ bách hại liều mình để bảo đảm an toàn trước những cuộc bách hại! Đây là ví dụ đầu tiên: đón tiếp cách thân thiết, ngay cả những lúc tồi tệ.
Trong số những người cộng tác với Phaolô, thì Aquila và Priscilla nổi lên như “mẫu gương của đời sống vợ chồng dấn thân cách trách nhiệm để phục vụ cho toàn thể cộng đoàn kitô hữu”; và điều đó nhắc cho chúng ta biết rằng, nhờ đức tin và nhờ vào sự dấn thân truyền giáo của rất nhiều giáo dân, đạo Kitô giáo đã đến với chúng ta. Thực vậy “để được bén rễ vào xứ sở của các dân tộc, để được phát triển cách sống động, sự dấn thân của các gia đình này thực sự cần thiết. Anh chị em hãy nhớ rằng ngay từ đầu Kitô giáo được rao giảng bởi các giáo dân. Anh chị em giáo dân là những người trách nhiệm, đối với bí tích rửa tội của họ, tiếp tục rao truyền đức tin. Đó còn là sự dấn thân của biết bao gia đình, của các đôi vợ chồng, các cộng đoàn kitô hữu, giáo dân, những người đã hiến tặng “đất tốt” [humus] cho việc phát triển đức tin” (Bênêđictô XVI, bài giáo lý, 7 tháng 2 năm 2007 ). Một câu rất hay của Đức Bênêđictô XVI là : các giáo dân đã hiến tặng “humus” cho việc phát triển đức tin.
Chúng ta hãy cầu xin Chúa Cha, Đấng đã chọn làm cho các đôi vợ chồng trở thành “tác phẩm điêu khắc sống động thực sự” của mình, (TH Amoris laetitia, 11) xin Ngài tuôn đổ Thánh linh trên tất cả các đôi vợ chồng Kitô giáo, theo gương Aquila và Priscilla, để họ biết mở tâm hồn mình cho Chúa Kitô và cho anh chị em, và biến căn nhà của họ thành Giáo hội tại gia. Từ hay ý đẹp là : ngôi nhà là Giáo hội tại gia, nơi họ sống hiệp thông và trao tặng nền phụng tự sự sống, vốn được sống bằng đức tin, đức cậy và đức mến.
Chúng ta phải cầu nguyện với hai vị thánh Aquila và Prisca này, xin họ dạy cho các gia đình trở nên giống như họ: như một Giáo hội tại gia, nơi có đất tốt, để đức tin được phát triển.
Tác giả bài viết: G. Võ Tá Hoàng chuyển ngữ
Nguồn tin: Vatican.va: