TRƯỚC THỀM NĂM MỚI
MỘT VÀI SUY NGHĨ VỀ HẠT GẠO
Tết Nguyên Đán, tết cổ truyền của dân tộc vẫn mãi mãi thiêng liêng trong tâm hồn mỗi người chúng ta!
Để đón chào tết Nguyên Đán Quí Tỵ 2013, tôi mạo muội đi tìm hiểu về “Hạt gạo”, nguyên liệu chính làm ra bao loại lương thực, bao thứ bánh trái, nhất là vào dịp tết dưới một vài góc nhìn khác nhau:
Hạt gạo dưới góc nhìn dân gian.
Hạt gạo dưới góc nhìn do các nguyên tố cấu tạo.
Một vài suy nghĩ.
Hạt gạo dưới góc nhìn dân gian:
Ông bà ta rất quí trọng hạt gạo, coi hạt gạo, hạt cơm là “hạt ngọc” Trời cho để nuôi sống con người. Chính vì thế, mà những hạt cơm, con cháu sơ ý làm vương vãi xuống đất, ông bà ta bắt phải nhặt lên, nếu không thì “phí của Trời”. Mà quả thật, trong dân gian biết bao câu truyện về người coi thường “Hạt ngọc” của Trời đã nhận lãnh hậu quả thê thảm, đau thương, từ đang giầu có biến thành tán gia bại sản . Hạt gạo tuy được Trời ban cho, nhưng cũng phải qua công sức của con người với một nắng hai sương mới có. Trong bài thơ: “Hạt Gạo Làng Ta” của Trần Đăng Khoa viết năm 1968 khi nhà thơ vừa tròn 10 tuổi đã nói lên được một phần ý nghĩa đó: “Hạt gạo làng ta / Có vị phù sa / Của sông Kinh Thầy / Có hương sen thơm / Trong hồ nước đầy / Có lời mẹ hát / Ngọt bùi hôm nay / Hạt gạo làng ta / Có bão tháng bảy / Có mưa tháng ba / Giọt mồ hôi sa / Những trưa tháng sáu / Chết cả cá cờ / Cua ngoi lên bờ / Mẹ em xuống cấy.” Ôi! Cái nắng đổ lửa, gay gắt của tháng sáu đã khiến: “Chết cả cá cờ / Cua ngoi lên bờ”, ấy thế mà: “Mẹ em xuống cấy”. Mẹ đâu quản nắng mưa, đầu tắt, mặt tối để kiếm bát cơm đầy cho con, cho gia đình ấm bụng.
Vì thế, ca dao Việt Nam như đã đồng cảm với bao vất vả cực nhọc thấm đẫm mồ hôi của người nông dân, chân lấm tay bùn và lên tiếng nhắc nhở mọi người:
“Ai ơi bưng bát cơm đầy
Dẻo thơm một hạt, đắng cay muôn phần”.
Hạt gạo đã được con người chế biến ra nhiều loại lương thực, bao thứ bánh trái, với hương vị đậm đà, ngọt ngào khác nhau, và thật phong phú theo từng vùng miền của quê hương đất nước. Ta chỉ có thể cảm nhận một cách đầy đủ khi đã được đôi lần đi qua và thưởng thức. Thật thú vị khi được ngồi quanh bếp lửa hồng, với cái lạnh cắt da cắt thịt vào cuối đông để canh chừng một nồi bánh chưng chờ cho bánh chín rền trong những ngày đón xuân ở miền Bắc.
Trong các câu truyện dân gian nói về hạt gạo, có lẽ câu truyện : “Sự tích bánh dầy bánh chưng” là được nhiều người chú ý hơn cả. Theo truyền thuyết, vua Hùng Vương thứ sáu, sau khi đã dẹp xong giặc Ân, muốn truyền ngôi vua lại cho một trong hai mươi hoàng tử. Nhân dịp đầu xuân, vua mời các hoàng tử lại và bảo rằng: “Con nào tìm được thức ăn ngon lành, bày cỗ cho có ý nghĩa nhất, thì ta sẽ truyền ngôi vua cho”. Các hoàng tử đã đua nhau đi tìm sơn hào hải vị nơi rừng sâu đáy biển mang về dâng vua cha. Trong khi đó Tiết Liêu (Lang Liêu), người con thứ mười tám của Hùng Vương có tính tình hiền hòa, đạo đức, hiếu thảo, nhưng mẹ mất sớm. Tiết Liêu băn khoăn lo lắng không biết phải tìm thứ gì để dâng vua cha. Trong một giấc ngủ, Tiết Liêu đã được một vị Thần báo mộng: “Này con, vật trọng nhất trong Trời Đất không có gì quí bằng gạo, vì gạo là thức ăn nuôi sống con người. Con hãy lấy gạo nếp làm bánh hình tròn và hình vuông, tượng hình Trời và Đất. Hãy lấy lá bọc ngoài, đặt nhân trong ruột bánh, tượng hình cha mẹ sinh thành”. Lang Liêu đã làm như lời thần báo mộng để dâng vua cha. Vua cha gật đầu tấm tắc khen là: “của dâng của con ngon và có ý nghĩa”. Vua truyền ngôi vua cho Lang Liêu.
Kể từ ngày đó, mỗi khi tết Nguyên Đán đến, dân chúng làm bánh chưng và bánh dầy để đâng cúng Tổ Tiên và Trời Đất.
Hạt gạo dưới góc nhìn do các nguyên tố cấu tạo:
Phần viết này dành riêng cho giới trẻ, các học sinh. Đây không phải là một bài học về hóa học. Người viết chỉ mong ước góp phần nhỏ vào việc giới thiệu cách tìm hiểu và khám phá một chút về hạt gạo (tinh bột). Lịch sử của các ngành khoa học cho ta thấy rằng: ai càng tìm hiểu và khám phá, người đó càng cảm thấy thú vị và say mê. Sự tìm hiểu và khám phá luôn dành cho tất cả mọi người. Tìm hiểu và khám phá lại không có bến bờ, không có trang cuối cùng, dù ta có học lên đến trình độ nào đi nữa, Nhưng sự học, sự tìm hiểu và khám phá lại dẫn ta tiến gần đến bến bờ Chân, Thiện, Mỹ. Ông cha ta dạy: “Nhân bất học bất tri lý” là như thế!
Nếu thế giới cần 27 chữ cái, còn ở Việt Nam với 24 chữ cái đã viết thành thiên kinh vạn quyển cho nhân loại thì Tạo Hóa đã tạo ra 94 nguyên tố tự nhiên (Bảng tuần hoàn Mendeleev có 94 Nguyên tố tự nhiên và 24 nguyên tố nhân tạo) để tạo ra muôn loài, muôn vật trên trời đất này: Đất đá, cỏ cây, động vật và cả con người nữa .
Có khi chỉ một nguyên tố đã thành vật chất (đơn chất) như: sắt (Fe), vàng (Au), đồng (Cu), bạc (Ag), kẽm (Zn) chì (Pb), nhôm (Al), than (C), dưỡng khí (02)…
Có khi 2 nguyên tố kết hợp để thành vật chất (hợp chất) như: nước (H20) cần hai nguyên tố là oxy và hydro; khí metan (CH4) cần hai nguyên tố là: Carbon và hydro; muối (NaCl) gồm hai nguyên tố là Natri và Clor.
Có khi 3 nguyên tố kết hợp để thành vật chất (hợp chất) như: Gạo hay còn gọi là tinh bột (C6H1005)n, đường glucose (C6H12O6), đường saccarozo (C12H22011), rượu etylic (C2H5OH) đều do 3 nguyên tố kết hợp tạo thành là Carbon, Hydro và Oxy.
Trở lại việc cấu tạo hạt gạo.
Như đã đề cập ở trên, hạt gạo do ba nguyên tố tạo thành là: Carbon, Hydro và Oxy. Đây là kết quả tìm được bằng phương pháp phân tích của các nhà khoa học. Tôi còn nhớ maĩ một kỷ niệm khó quên trong đời, sau khi đã được học bài “tinh bột” và “đường saccarozo” năm học lớp đệ tứ (lớp 9 hiện nay) niên học 1960-1961. Một lần lấy gạo để rang làm thính trộn món nem trong dịp tết Nguyên Đán, vì sơ ý tôi đã để gạo cháy đen thành than, một đám khói trắng hơi nước (H20) bay lên. Lại một lần kia mẹ tôi thắng đường làm kẹo đắng (miền Nam gọi là nước mầu), cũng sơ ý, mẻ kẹo đắng cũng trở thành than đen hết, cũng một đám khối trắng hơi nước (H20) bay lên. Từ đó, tôi đã biết rõ than (carbon) là một thành phần (nguyên tố) của hạt gạo và đường.
Một vài suy nghĩ:
Khi phân tích gạo, đường glucose, đường saccarozo, rượu etylic ta cùng thấy có ba nguyên tố là: Carbon , Hydro, Oxy. Nhưng khi chúng ta uống rượu, ăn cơm, ăn trái cây, ăn chè thì quả thật không thấy một chút nào là than, là Hydro, là Oxy cả. Những tính chất của ba nguyên tố kia đã hoàn toàn biến đi đâu mất. Từ đây ta rút ra một bài học thật ý nghĩa về đời sống tập thể. Khi sống tập thể, mỗi cá nhân nên quên mình mà theo cách sống của tập thể, tập thể đó mới lớn mạnh được.
Với sự tiến bộ vượt bực của khoa học hiện nay, các nhà khoa học đã trả lời được câu hỏi: mỗi loại vật chất đã được cấu tạo bởi các loại nguyên tố nào. Các nhà khoa học còn biết thân xác của chúng ta gồm bao nhiêu loại nguyên tố, trong đó có cả sắt, đồng, vàng, chì, than nữa…Sắt đủ làm vài chiếc đinh 12 phân; vàng đủ bịt một vai chiếc răng; than đủ làm ruột ít cây viết chì.Nhưng để tổng hợp các nguyên tố đó lại thành ra vật chất, ra con người thì còn là bài toán vô cùng hóc búa, đến nay vẫn chưa có lời giải. Con người vẫn chưa thể lấy ba nguyên tố: Carbon, Oxy và Hydro mà tổng hợp thành ra gạo được. Mà riêng gạo (tinh bột), quê hương ta đã có hơn 300 loại , với hương vị thơm ngon khác nhau. Một điều cực kỳ bí ẩn nữa là trong hạt thóc chứa hạt gạo lại còn cả một sự sống đang chờ nảy mầm. Điều đó đã được người viết bài này mô tả trong bai thơ Vòng Gieo Gặt: “Gieo rồi gặt, gặt rồi gieo/ Cái vòng gieo gặt ta theo bao đời/ Hạt mục rữa, lúa tốt tươi/ Bàn tay chăm sóc thuận Trời nắng mưa/ Lúa nở bụi, hạt ngọc sa/ Đầy bồ lúa miến bao nhà ấm no/ Em ơi! có hỏi bao giờ?/ Cây hay hạt thủa khai sơ trên đời?”. Rồi việc tổng hợp thành con người thì ra sao? Chính những yếu tố kỳ bí đó càng tạo hấp đẫn cho các nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu tìm hiểu. Từ đó nhân loại có sự tiến bộ không ngừng
Ta có thể kết luận là càng có trình độ, càng tìm hiểu, ta càng nhận ra cái trật tự lạ lùng của trời đất này. Hạt gạo đang chịu sự điều hành của một quyền năng vô biên vượt khỏi sự hiểu biết của con người. Điều này đã được Thánh Mác-cô nói trong dụ ngôn hạt giống tự nảy mầm: “Đêm hay ngày, người ấy có ngủ hay thức, thì hạt giống vẫn nảy mầm và mọc lên, bằng cách nào thì người ấy không biết” (Mc: 4, 27). Hạt gạo đang âm thầm lặng lẽ lớn lên làm công việc trọng đại nuôi sống hầu hết nhân loại hôm nay. Như thế giữa khoa học chân chính và niềm tin đích thực vào Thượng Đế không có gì là mâu thuẫn với nhau cả, mà nó còn bổ sung cho nhau. Khoa học chân chính và niềm tin đích thực đã cộng hưởng với nhau, làm cho người tin vào Thượng Đế càng tin tưởng vững mạnh hơn; người làm khoa học ngày một sáng suốt hơn. Albert Einstein (1879-1955), người Mỹ gốc Đức, nhà vật lý vĩ đại nhất của nhân loại, cha để của thuyết tương đối đã nói: “Khoa học không có tôn giáo là mù lòa, tôn giáo thiếu khoa học là què quặt”. Cũng chính vì thế, ta không lạ gì hầu hết các nhà khoa học chân chính, lừng danh trên thế giới đều tin vào Thượng đế.
Inhaxiô Đặng Phúc Minh