HẠT BẮP NẾP
Đã mấy ngày cụ không ăn uống, nằm bất động. Sáng nay cụ tỉnh táo hơn mọi khi và thấy đói. Con cháu bên giường mừng lắm thấy cụ nhoẻn miệng cười, đôi mắt nhìn hết con đến cháu từng người một. Thấy cụ tỉnh táo gia đình vội cho cụ ăn chút gì. Thìa cháo nào đút cho, cụ cũng húp vài giọt rồi thôi. Người nhà biết cụ thích nhất món bắp nếp luộc. Lúc còn khoẻ cụ thường ăn vài ba cái trừ cơm. Vào mùa thu hoạch bắp, mỗi ngày chỉ cần cho cụ vài ba cái bắp nếp luộc là đủ. Phải luộc thật nhừ, nghĩa là luộc lâu một chút rồi không vớt ra ngay cứ để ngâm trong nước nóng cả giờ sau cho bắp nhừ. Chất dẻo của bắp tan hơi nhựa nhựa, ăn dính tay một chút nhưng ngon tuyệt. Cụ thích nhất món đó, nhưng phải là bắp nếp luộc, chứ bắp thường cụ không đoái hoài.
Người nhà đề nghị cho cụ dùng món bắp nếp luộc là món cụ thích, lại có ý khác cho rằng cụ yếu lắm không biết ăn vào có lợi hay lại thêm hoạ. Sợ ăn không tiêu. Nói tới nói lui, ý kiến xuôi ngược. Ai cũng tin là cụ chẳng sống được bao lâu nữa nên có cho cụ dùng món cụ thích cũng là hợp lí thôi. Có người lí luận, chính bác sĩ đôi khi cũng khuyên người nhà, nếu người bệnh thèm món nào, cứ cho họ ăn vì không còn hy vọng gì chữa trị được nữa. Mọi người đều đồng ý cho cụ thưởng thức bắp nếp luộc trong những ngày cuối đời.
NỞ NỤ CƯỜI
Trên khuôn mặt rạng rỡ khi thấy cái bắp nếp luộc. Cụ không cho ai kẻ bắp cho, nhưng chính tay mình kẻ từng hạt bắp bỏ miệng. Hai tay run run kẻ bắp thấy nó ngượng ngạo làm sao! Sức khoẻ cụ yếu lắm, nhiều khi kẻ mãi mới được hạt bắp bỏ miệng, đến khi đưa lên miệng, run run hạt bắp lại rơi tọt ra ngoài. Đôi tay quờ quạng tìm kiếm một chút rồi tự biết mình không thể tìm được nên cụ lại từ từ cạy hạt khác. Cả giờ sau cụ cũng chưa ăn hết nửa cái bắp. Có lẽ ăn lâu quá chán, hai là mỏi tay nên không muốn kẻ bắp nữa, hoặc ăn không thấy ngon nên cụ thôi. Đưa cái bắp cho người nhà cụ dặn: ‘Đừng vất đi, cứ để bên cạnh bàn’.
Mấy giờ sau khi ăn bắp, cụ lại lim dim chìm trong cơn bệnh.
HẠT BẮP NGUYÊN
Những hạt bắp cụ ăn hai ngày trước đó không tiêu. Bao tử không tiêu hóa nổi hạt bắp mặc dầu đã bung thật kĩ, nát nhừ. Hạt bắp còn y nguyên như khi ăn vào. Người cụ mệt lả, ngất đi hồi lâu, mới tỉnh lại. Con cháu khóc bù lu, bù loa coi như cụ đi rồi. Cụ nằm yên bất động lâu lắm, tiếng khò khè im bặt. Niềm hy vọng duy nhất là tay chân rờ còn ấm. Trời về chiều, ngọn đèn hiu hắt toả ánh sáng lờ mờ trên khuôn mặt mất hết thần sắc. Tiếng khóc rậm rực vẫn còn, như âm ỉ của đóm tro âm ỉ tỏa khói.
Trái với màn đêm buông xuống, con cháu rộ lên tiếng cười. Cụ tỉnh lại rồi. Cụ còn sống. Cụ mở mắt nhìn mọi người. Sau phút định thần cụ đưa mắt nhìn mọi người, giọng yếu ớt hỏi: ‘Bây giờ là mấy giờ?
Niềm vui tràn ngập tâm hồn. Không ai trả lời cụ, mặc dầu khuôn mặt người nào cũng rạng rỡ, tươi vui.
‘Nhờ ói được mà nó êm cái bụng, mấy ngày qua nó ứ anh ách khó chịu vô cùng’
Nếu tinh ý có thế cảm thấy tinh thần thoải mái, cảm giác dễ chịu trên khuôn mặt cụ.
HẠT LÚA MÌ
Một khi cơ thể bệnh hoạn không tiêu nổi hạt bắp bung nhừ thì cơ thể đó không thể hấp thụ được chất bổ từ hạt bắp. Hạt bắp sinh lợi khi nó bị tiêu hoá đi, chất dinh dưỡng của nó được tôi luyện thành chất bổ, sinh tố nuôi thân. Nó không thối đi vì cơ thể bệnh tật, không hấp thụ được, không điều chế được.
Thể lí là như thế, phần tâm linh thì sao? Trong Kinh thánh có dụ ngôn, nếu hạt lúa mì rơi xuống đất không rữa nát đi thì nó trơ trọi một mình nhưng nếu nó rữa đi nó sẽ sinh nhiều hoa trái. Hình ảnh hữu hình là như thế. Hình ảnh trừu tượng thì sao? Trong dân gian có câu ví khá ngộ. Câu chúng ta thường nghe là: ‘Nghe tai này lọt qua tai kia’.
Câu nói diễn tả tình trạng nghe không thông, nghe không hiểu, nghe rồi cũng như chưa vì nghe xong mà không biết nghe gì. Ngay cả tiếng động, kẻ tinh ý có thể phân biệt được, đoán biết sự việc xảy ra ngoài tầm mắt. Nghe không hiểu thật nguy. Học sinh không hiểu thầy giảng bài thì không thể nào học giỏi. Gia đình không hiểu nhau mang đến tình trạng mất an. Nghe không hiểu dẫn đến tình trạng đoán mò. Vì đoán mò nên mỗi người đoán một kiểu sinh ra những ‘lí đoán’ dẫn đến tranh chấp, cãi vã, khích bác nhau. Ai cũng cho mình đoán đúng hơn người kia, nên có tình trạng tranh cãi. Từ tranh cãi dẫn đến tranh biện. Từ tranh biện sang tình trạng tranh chấp. Từ tranh chấp đến tranh đấu. Tranh đấu thì một mất, một còn. Đau khổ cho cả kẻ thắng lẫn người bại. Kết quả của nghe không hiểu. Ngày nay có nhiều Giáo hội khác nhau cùng tin vào một Chúa Kitô nhưng giải thích Kinh Thánh khác nhau là do tình trạng nghe không hiểu, đọc không hiểu. Giáo hội nào cũng cho mình đúng nhất, lí luận vững nhất, có lí nhất. Vì cái nhất đó mà Giáo hội Chúa có trăm mối, có trăm Giáo hội cùng tin một Chúa nhưng tin khác nhau, giải thích về đạo khác nhau và đi dến chỗ nghi kị nhau.
ĂN TIÊU
Nói đến các Giáo hội cùng tin một Chúa Kitô e rằng rộng lớn quá, không đủ sức trình bày. Xin giới hạn việc nghe Lời Chúa của mỗi cá nhân. Riêng với các Kitô hữu, Lời Chúa được công bố trong các thánh lễ, trong các buổi kinh Phụng vụ. Các Bí tích chúng ta nhận mỗi lần tham dự. Vấn đề bàn thảo ở đây là đưa ra các vấn nạn để người đọc tự trả lời lấy điều đã đọc, tai đã nghe, mắt đã thấy để tự tìm câu trả lời chân thành với chính mình. Ăn tiêu đây không phải là ăn tiêu mà là ăn có tiêu hoá được không. Lời Chúa chúng ta lãnh nhận có tiêu hoá không? Các Bí tích chúng ta lãnh nhận có tiêu hoá không?
Nếu nghe Lời Chúa mà tâm hồn không thay đổi, không có tỏ dấu hiệu tốt hơn thì Lời đó rơi vào đất khô không thể phát triển được. Giống hệt tình trạng hạt bắp bung cụ già đã nuốt. Nuốt vào hạt bắp, cho ra hạt bắp.
Cho ra hạt bắp vì con người đó bệnh đến liệt giường, cơ thể không hấp thụ nổi thực phẩm. Hiểu như thế tâm hồn nhận Lời Chúa nên Lời vào rồi ít ngày sau Lời đó đi ra nguyên hình như lúc đi vào. Tâm hồn đó phải là một tâm hồn bệnh hoạn. Nếu không bệnh hoạn thì tâm hồn đó thiếu tính chất cơ bản cần thiết về đạo giáo, về đức tin. Thiếu đến độ không đủ sức lãnh nhận Lời Chúa là Lời hằng sống. Tâm hồn không lãnh nhận nổi Lời hằng sống thì sao sống mạnh được.
Tâm hồn lãnh nhận Bí tích mà Bí tích đó không sinh ích tâm linh là một tâm hồn yếu liệt. Nói cách khác tâm hồn đó cần chữa trị khẩn cấp. Nếu không thì bí tích lãnh nhận đó đã không sinh ích cho tâm hồn, còn gây tác hại. Như hạt bắp làm sình bụng cụ già. Bí tích lãnh nhận một cách bất chính chẳng sinh ích còn là nguyên cớ vấp phạm, tạo nguy hại cho tâm hồn đó.
Lm Vũđình Tường