VĂN HÓA VÀ ĐỨC TIN Hành trình đức tin của Dân Chúa

Hành trình đức tin của Dân Chúa

HÀNH TRÌNH ĐỨC TIN CỦA DÂN CHÚA

 

Với một thế giới ngày càng không muốn nhìn nhận sự hiện hữu của Thiên Chúa, Đức Bênêđictô XVI gọi đó là hiện tượng Thiên Thực (Éclipse de Dieu): “Trong xã hội hiện nay chúng ta phải nhìn nhận có một thứ Thiên Thực nào đấy, một chứng bệnh mất trí nhớ nào đấy, hay hơn thế nữa đó là sự phủ nhận Kitô giáo, sự từ chối kho tàng Đức Tin đã lãnh nhận làm cho chúng ta đánh mất những đặc tính sâu xa nhất của chúng ta” (Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính, Tự sắc Cánh cửa Đức Tin và việc canh tân Đức Tin).

Ý nghĩa Thiên Thực đây cũng giống như nhật thực hay nguyệt thực tức là tình trạng bị ăn mất. Vào thời xa xưa khi con người còn trong vòng u mê tăm tối, mỗi khi có nguyệt thực, dân làng hò hét nhau đem nồi niêu xoong chảo ra đánh om xòm để đuổi con gấu đi sợ rằng nó ăn mất mặt trăng. Đối với chúng ta ngày nay trong thời đại gọi là văn minh khoa học, dĩ nhiên không thể chấp nhận cái hành vi… đuổi gấu bởi thuần tuý đó chỉ là dị đoan mê tín. Mặt trăng không thể bị gấu ăn mà nó chỉ nhất thời bị che khuất. Thiên Chúa cũng vậy, Ngài là Đấng Tự Hữu, chưa khi nào ngừng hiện hữu dù chỉ trong giây phút.

Trước khi nhận lãnh sứ mạng, Ngôn sứ Môsê muốn Thiên Chúa tỏ cho biết Ngài là Đấng nào? “Này tôi sẽ đi đến với dân Israel nói với họ rằng: Đức Chúa Trời, Tổ Phụ các ngươi, sai ta đến cùng các ngươi. Nhưng nếu họ hỏi Tên Ngài là chi thì tôi phải nói với họ làm sao? Đức Chúa Trời phán: Ta là Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, rồi Ngài lại phán: Hãy nói cho dân Israel như vầy, Đấng Tự Hữu đã sai ta đến cùng các ngươi” (Xh 3,13-14).

Thiên Chúa tự tỏ mình và trao cho Môsê sứ mạng giải cứu Dân Người ra khỏi đất nô lệ Ai Cập để tiến vào nơi Đất Hứa Canaan và đây cũng chính là khởi đầu cuộc hành trình Đức Tin của Dân Chúa. Đã có khởi đầu thì cũng phải có hồi kết thúc, và sự kết thúc ấy phải chăng đã đến cùng với lời tiên báo của Đức Kitô: “Dẫu vậy, khi Con Người đến, có tìm được Đức Tin trên mặt đất này không?” (Lc 18,8).

Đức Tin là cửa mở vào Đạo, hay nói cách khác, nó chính là nội dung làm nên tôn giáo. Không có Đức Tin, tôn giáo chỉ còn là cái vỏ hình thức vô hồn. Những biểu lộ cho thấy Đức Tin trong Giáo Hội hiện đang nguy ngập: “Vào những năm 1960 rất giống như xã hội lúc đó và sau Công đồng Vatican II, Giáo Hội đơn thuần đã buông lơi cuộc sống kỷ luật của mình. Sự bất đồng ý kiến về tín lý đã không được sửa dạy mà lại thường được ngợi khen. Các lạm dụng trong Phụng tự khi nhỏ nhặt cũng như lúc phạm Thánh trầm trọng lại vẫn được khoan dung…” (Vietcatholic News 29 Mar 2010, Thay đổi nền văn hoá trong Giáo Hội).

Ở đây ta thấy có hai điểm bất thường, một là bất đồng về tín lý không sửa dạy lại… ngợi khen. Hai là phạm Thánh trầm trọng không kết án lại… khoan dung. Hai điểm này có mối quan hệ chặt chẽ với nhau và có cùng một xuất phát điểm là sự tục hoá. Chính do nơi tục hoá mà những bất đồng tín lý đã không bị sửa dạy mà lại được ngợi khen. Cũng bởi tục hoá mà những việc phạm Thánh nghiêm trọng, thay vì bị kết án lại được khoan dung. “Một linh mục có thể giảng dạy điều lạc giáo, tầm thường hoá Thánh Lễ mà không phải đương đầu với bất cứ hậu quả nào” (Nguồn Vietcatholic News đã dẫn).

Chuyện tục hoá tác hại Đức Tin như vậy nhưng đó là điều đương nhiên của việc Giải Thiêng (désacralisation). Đối với Giải Thiêng, Đức Tin trở thành vô nghĩa, đang khi đó Đạo Chúa lại là Đạo Đức Tin: “Đạo ở gần ngươi, ở trong miệng ngươi và ở trong lòng ngươi tức là Đạo Đức Tin mà chúng tôi rao giảng đây” (Rm 10,8). Đạo các Tông đồ và Giáo Hội tiếp nối rao giảng chỉ có thể là Đạo Đức Tin khi người ta tin nhận Đấng Thiên Chúa hiện hữu ở nơi tâm hồn mỗi người.

Đạo Chúa là Đạo Đức Tin, điều ấy đã được toàn bộ Thánh Kinh xác nhận, thế nhưng bởi đâu giờ đây đến nỗi đã bị giải thiêng để trở thành một thứ Kitô giáo… vô tôn giáo (Christianisme areligieux) như thế? Chúng ta nhất thiết cần phải có câu trả lời thoả đáng bởi chỉ như thế thì việc canh tân mới có cơ thành tựu, ngược lại thì không.

I. Nguyên nhân tục hoá

Nói Kitô giáo vô tôn giáo, có nghĩa đó là một thứ tôn giáo không Thiên Chúa. Nieburg, thần học gia Tin Lành trong cuốn sách “Kitô giáo phi tôn giáo” đã viết: “Người Kitô hữu phải sống thực sự trong thế giới không có Thiên Chúa và không được che đậy bằng bất cứ cách nào cuộc sống không có Thiên Chúa ấy trong trần thế” (Giáo Hội trong thế giới ngày nay – Chân Lý 1995). Chủ trương tục hoá là của Tin Lành và rồi đã được một số thần học gia Công giáo chấp nhận: “Theo quan điểm Kitô giáo, giải thiêng có thể có một ý nghĩa tích cực. Đó là một bước tiến nhằm xét xem một cách khách quan vạn vật trong tương quan đích thực với Thiên Chúa’ (Lm. Nguyễn hồng Giáo, Sống đạo trong một thế giới giải thiêng).

Thật là mâu thuẫn, bởi một khi đã giải thiêng thì không có Thiên Chúa mà không có Thiên Chúa thì làm gì còn bất kỳ mối tương quan nào với Ngài? Vấn đề cốt lõi trung tâm của tôn giáo là làm sao để có thể thiết lập mối tương quan với Thiên Chúa hiểu như một Thực Tại Vĩnh Hằng. Nhìn nhận tục hoá cùng với việc giải thiêng tức đã mặc nhiên chặt đứt mối tương quan và điều ấy không thể không đưa tới khủng hoảng.

Để thực hiện bất cứ công việc nào dù đời hay đạo, người ta ai cũng phải nhắm mục đích. Làm nhà là để ở, đi là để đến, ăn là để no… Không ai làm gì mà không biết đến mục đích việc mình làm. Trong thực hành tôn giáo cũng vậy, cần phải nhắm mục đích. Với người bình dân, mục đích ấy là để lo cho đời sau, cho phần rỗi linh hồn mình. Còn với trí thức là để nhận biết Thiên Chúa. Dù bình dân hay trí thức thì vấn đề quan trọng nhất của việc sống Đạo vẫn là Đức Tin. Đạo ví như biển lớn mênh mông, Đức Tin ví như bánh lái của con tàu, tàu mà không lái thì làm sao bình an về được tới bến?

Đức Tin quan trọng ví như bánh lái, nhưng vấn đề ở chỗ là cần xác định đối tượng mà Đức Tin ấy hướng về. Có xác định được thì Đức Tin ấy mới có cơ sở, ngược lại chỉ là vu vơ. Cuộc khủng hoảng Đức Tin hiện nay như đang thấy, nguyên nhân là do thần học đã chấp nhận tục hoá như một tất yếu, và sở dĩ như thế, là vì đã không xác định đúng đối tượng của Lòng Tin: thay cho Đấng Thiên Chúa Ẩn Giấu (Deus abconditus) chẳng ai từng thấy biết (x. Ga 1,18) lại là Đấng Tạo Hoá Thần Linh.

Bởi không thấy biết nên mới cần phải tin, ngược lại đã thấy biết rồi thì cần gì tin nữa? Thực sự Đấng gọi là Thần Linh ấy hoàn toàn không phải đối tượng của việc tìm kiếm tâm linh, thuần tuý đó chỉ là một quan niệm và quan niệm này đã bị chính thần học khai tử bằng cái gọi là cái chết của Thiên Chúa (Théologie de la mort de Dieu).

Thiên Chúa là Đấng Tự hữu, sao mà giết được? Cái chết như Thần học nói, chẳng qua đó chỉ là cái chết của một quan niệm. Quan niệm về Thiên Chúa nhất định không phải là Thiên Chúa. Điều này cũng giống như tiền và quan niệm tiền. Quan niệm một triệu đồng hoàn toàn khác với một triệu đồng đang có trong túi. Người ta chỉ có thể mua sắm bằng tiền chứ không phải bằng quan niệm tiền. Cũng vậy, Đức Tin chỉ cần thiết cho việc kiếm tìm Thiên Chúa Thực Tại và cuộc tìm kiếm ấy quả thực đã trải dài trong suốt cuộc hành trình của Dân Chúa, từ Cựu Ước sang Tân Ước.

II. Hành trình Cựu Ước

Có nhiều quan điểm khác nhau về nội dung Kinh Thánh nhưng phổ biến nhất đó vẫn là Lời của Thiên Chúa: “Kinh Thánh là Lời nói về cái thực mà Thiên Chúa đã loan ra trong lịch sử mà Người đang ngỏ với chúng ta hôm nay qua trung gian những tác giả con người” (Việc giải thích Kinh Thánh trong Hội Thánh – UBKTGH).

Nói Kinh Thánh là Lời của Thiên Chúa, điều ấy chẳng khác nào đã xác định được Thiên Chúa và khi đã xác định thì đương nhiên cũng chấm dứt việc tìm kiếm. Đang khi đó Thiên Chúa là Đấng Ẩn Giấu, Ngài đòi buộc con người cần phải hết lòng tìm: “Các ngươi sẽ tìm Ta và gặp được khi các ngươi tìm kiếm Ta hết lòng. Đức Chúa phán, Ta sẽ cho các ngươi tìm được Ta” (Gr 29,13).

Phải hết lòng tìm kiếm, thế nhưng con người không thể tìm gặp được Đấng Ẩn Giấu nếu không có sự giúp đỡ, bởi đó Thiên Chúa đã đi bước trước bằng cách chủ động ký kết Giao Ước với tổ phụ Abraham: “Và Đức Chúa có phán cùng Abram rằng: Ngươi hãy ra khỏi quê hương vòng bà con và nhà cha ngươi mà đi đến xứ Ta sẽ chỉ cho. Ta sẽ làm cho ngươi nên một dân tộc lớn. Ta sẽ ban phước cho ngươi cùng làm nổi danh ngươi và ngươi sẽ thành một nguồn phước đức” (St 12,1-3).

Qua đây ta thấy có hai lời hứa, một là sẽ chỉ cho xứ để đến và hai là cho trở thành tổ phụ của dân tộc lớn. Xứ tức miền đất Canaan, còn dân tộc lớn tức Dân Riêng Thiên Chúa. Lời hứa của Thiên Chúa luôn có kèm theo điều kiện. Abraham phải từ bỏ mọi sự mới được chỉ cho Đất Hứa. Đồng thời cũng chính do việc từ bỏ đó mà Dân Chúa được thành lập. Với cả hai điều kiện này Abraham đã thực hiện một cách rất tốt, đó là nhờ vào Lòng Tin mạnh mẽ.

Sau khi Abram rời bỏ quê hương bản quán đến được miền đất Canaan đã nghe hứa, Đức Chúa hiện ra cùng ông mà phán rằng: “Ta sẽ ban cho dòng dõi ngươi đất này”. Rồi tại đó Abram lập một bàn thờ cho Đức Chúa là Đấng đã hiện đến cùng ông (x. St 12,7). Thế nhưng dù đã đến được xứ ấy nhưng lại bị nạn đói hoành hành dữ quá, ông lại phải dắt díu bầu đoàn thê tử di tản đến tận đất nước Ai Cập (x. St 12,10).

Qua cơn đói kém, Abram lại trở về để được nghe một lần nữa lời hứa: “Hãy nhướng mắt lên nhìn từ chỗ ngươi ở cho đến phương Bắc, phương Nam, phương Đông và phương Tây. Vì cả xứ này ngươi thấy Ta sẽ ban cho ngươi và cho dòng dõi ngươi đời đời. Ta sẽ làm cho dòng dõi ngươi đông như cát bụi trên đất. Thế thì nếu kẻ nào đếm đặng bụi trên đất thì cũng sẽ đếm được dòng dõi ngươi vậy” (St 13,14-15).

Hứa ban cho cả dòng giống sẽ được sống trong xứ ấy đời đời, thế nhưng xứ ấy lại cứ phải chịu hết cơn đói này đến cơn đói khác, đến nỗi đã phải nhiều lần tha phương cầu thực. Phần khác hứa cho làm tổ phụ của một dân đông đảo, ấy vậy mà đến lúc đã ngoài chín mươi vẫn chẳng có được mụn con nối dõi. Khi nghe phán ngươi chớ sợ chi thì Abraham liền thưa: “Này Chúa làm cho tôi tuyệt tự, một kẻ tôi tớ sinh đẻ tại nhà tôi sẽ làm người kế nghiệp tôi. Đức Chúa bèn phán cùng Abram rằng kẻ đó chẳng phải là kẻ kế nghiệp ngươi đâu. Đoạn Ngài dẫn ông ra ngoài và phán: “Ngươi hãy ngó lên trời và nếu ngươi đếm được các ngôi sao thì hãy đếm đi”. Ngài lại phán rằng: “Dòng dõi ngươi sẽ như vậy”. Abram tin Đức Chúa thì Ngài kể đó là sự công chính cho người” (St 15,2-6).

Thiên Chúa hứa thì Abraham tin, nhưng lòng tin chân thật luôn phải thử thách, và sự thử thách đã đến tột cùng khi Abraham phải nghe lệnh mà giết đi đứa con thừa tự mong mỏi bấy lâu. “Đức Chúa phán rằng: “Vì ngươi đã làm điều đó, không tiếc con ngươi, tức con một ngươi thì Ta lấy chính mình Ta mà thề rằng sẽ ban phước cho ngươi, thêm dòng dõi ngươi đông như cát bờ biển và dòng dõi đó sẽ chiếm được cửa thành quân nghịch. Bởi vì ngươi đã vâng theo lời chỉ dạy của Ta nên các dân tộc trên thế gian sẽ nhờ dòng dõi ngươi mà được phước” (St 22,16-18).

Đọc Kinh Thánh mà nếu chỉ bó hẹp trong phạm vi Cựu Ước thì sẽ không cách chi hiểu được hai lời hứa này. Đất Canaan không thể là Đất Hứa mang tính chất đời đời và hai là Dân Riêng Thiên Chúa không thể là dân đông đảo như sao trên trời, như cát bờ biển. Đất Canaan tại miền Trung Đông ấy từ thời xa xưa cũng như hiện nay vẫn được gán cái tên… đất dữ, là nơi các thế lực đủ loại giày qua xéo lại, chiến trận khủng bố liên miên, đâu thể là ĐẤT HỨA đời đời đượm sữa và mật (x. Xh 3,8).

Mặt khác, nếu Dân Chúa chỉ là tộc người Do Thái thì họ trong bất cứ thời nào cũng chỉ là một dúm người so với thế giới khổng lồ, có đáng là gì? Vả lại, trong quá khứ, họ đã từng bị phân sáp làm nô lệ cho các quốc gia lân bang hùng mạnh như Siria, Ai Cập… thật chẳng có chi đáng gọi là phước đức. Thiên Chúa là Đấng Thành Tín trong mọi Lời Hứa, thế nhưng chỉ trong Tân Ước mà Lời Hứa ấy mới có cơ thành tựu thật sự.

III. Hành trình Tân Ước

Về nội dung Kinh Thánh, hiện vẫn còn bất nhất, và cách riêng giữa Do Thái giáo và Công giáo sự bất nhất ấy lại càng sâu sắc. Sách chúng ta gọi là Cựu Ước thì Do Thái giáo lại cho là Sách Tanakh gồm ba phần: luật Giao Ước, Ngôn Sứ và Văn Chương. Kinh Thánh Do Thái giáo tất nhiên không có phần Tân Ước bởi lẽ cho đến nay họ vẫn không công nhận Chúa Giêsu là Đấng Cứu Thế. Do Thái giáo phủ nhận Tân Ước vì vậy họ đương nhiên tách biệt với phần còn lại gọi là Kitô giáo bao gồm các Giáo hội Tin Lành, Chính Thống, Anh giáo và Công giáo.

Do Thái giáo không công nhận Tân Ước khiến họ tách biệt khỏi Kitô giáo điều ấy đã đành. Thế nhưng giữa các tông phái Kitô với nhau tại sao cho đến nay sau bao nỗ lực vẫn chưa thể hiệp nhất? Theo tôi tất cả nguyên do là bởi đã không nhận ra được tính chất nối kết giữa Cựu Ước và Tân Ước theo như Thánh Augustinô nói: “Tân Ước giấu ẩn trong Cựu Ước. Cựu Ước tỏ lộ trong Tân Ước” (Novum Testamentum in Vetere latet et in Novo vetus patet).

Sự kết nối giữa Cựu Ước và Tân Ước ví như một dòng chảy liên tục mà Cựu Ước là thượng lưu còn Tân Ước là hạ lưu. Bất cứ dòng sông nào dù nhỏ lớn, ngắn dài thế nào thì cũng phải tuôn tràn ra biển khơi mới gọi là sông (Trăm sông đều đổ ra biển). Còn như dòng chảy ấy chỉ đổ vào một cái hồ nào đó thì không thể gọi là sông. Như những dòng sông tuôn chảy về biển cả thế nào thì các truyền thống tâm linh tôn giáo cũng quy hướng về Thiên Chúa Thực Tại như vậy. Do Thái giáo nếu kết thúc nơi Cựu Ước thì cũng chẳng khác nào dòng chảy đã bị chặn ngang để trở thành một hồ nước đọng. Ngược lại, Kitô giáo nếu phủ nhận Cựu Ước bằng cách… khai tử Thiên Chúa thì nguồn sống tâm linh ắt sẽ cạn kiệt.

Giữa Cựu và Tân Ước có một mối liên kết không thể tách rời nhưng mối liên kết ấy chỉ có thể thực hiện bởi Đức Giêsu Kitô. “Vì chỉ có một Đức Chúa Trời và chỉ có một Đấng Trung Gian ở giữa Đức Chúa Trời và loài người là Đức Giêsu Kitô cũng là người” (1 Tm 2,5). Người Do Thái bởi vì đã chấp chặt vào Đấng Thần Linh vô đối nên họ không thể nhìn nhận Chúa Giêsu Cứu Thế. Đang khi đó chính Kinh Thánh đã tiên báo về sự xuất hiện của Ngài trong vai trò Đấng Cứu Chuộc. Môsê nói với dân chúng: “Từ giữa anh em ngươi, Đức Chúa là Thiên Chúa của các ngươi, sẽ lập nên một vị Ngôn Sứ như ta, các ngươi khá nghe theo Đấng ấy” (Đnl 18,15).

Sự xuất hiện nơi đời của Đức Kitô giống như Môsê nghĩa là cùng mang sứ mạng giải thoát, nhưng sự giải thoát ấy khác nhau về bản chất, một đàng ra khỏi đất nô lệ Ai Cập, một đàng thoát khỏi vòng nô lệ tội lỗi và sự chết. Môsê xét bề ngoài kể như thành công khi đã giải cứu dân tộc mình ra khỏi ách nô lệ Ai Cập để trở về nơi miền Canaan. Thế nhưng sự trở về ấy chẳng nghĩa lý gì một khi Giao ước đã bị phản bội.

Đức Kitô theo hạn kỳ đã định, Ngài đến để thiết lập một Giao Ước mới thay thế cho Giao Ước cũ: “Ngài đã làm Đấng Trung Gian của một giao ước tốt hơn, thiết lập trên một Lời Hứa cũng tốt hơn. Vì nếu giao ước thứ nhất không có chỗ nào trách được thì chẳng cần phải tìm chỗ nào cho cái thứ hai. Quả vậy, Thiên Chúa đã khiển trách Dân Người: “Kìa ngày đến, Ta sẽ cùng Nhà Israel và Nhà Giuđa lập một Giao Ước Mới. Không phải theo như Giao Ước mà ta đã lập với tổ phụ họ trong ngày Ta cầm tay dắt ra khỏi xứ Ai Cập. Vì họ không giữ Giao Ước Ta nên Ta không kể đến họ. Đức Chúa lại phán: “Này là Giao ước Ta sẽ lập với Nhà Israel: Sau những ngày đó Ta sẽ để luật pháp Ta trong tâm trí họ, ghi tạc nó vào lòng, Ta sẽ làm Đức Chúa Trời của chúng và chúng sẽ làm Dân của Ta” (Dt 8,6-10).

ĐẤT mà Thiên Chúa HỨA với các tổ phụ rút cục không phải là Canaan nhưng là chính Bản Tâm mỗi người, chỉ cần quay về là gặp. Nhận ra như vậy để thấy rằng cái đích của cuộc hành trình Dân Chúa không phải là để đến một nơi chốn, xứ sở nào khác ngoài ra là chính tâm hồn mình. Lời hứa: “Ta sẽ làm Đức Chúa Trời của chúng và chúng sẽ làm Dân của Ta” có nghĩa Thiên Chúa là Cha, còn chúng ta hết thảy là con của Ngài. Từ thuở đời đời, hết thảy đều là Con Thiên Chúa bởi lẽ chúng ta đã được dựng nên giống Hình Ảnh Ngài (St 2,27).

Là con thì phải nhận ra cha mình, thế nhưng để có thể nhận biết Thiên Chúa là Cha thì không thể không tín thác vào Đức Kitô, bởi Ngài là con đường duy nhất: “Ta là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống, không ai đến được với Cha mà không qua Thầy” (Ga 14,6).

1-2012

Phùng Văn Hoá

Exit mobile version