Thời gian từ lúc được thụ thai trong lòng mẹ cho đến khi trút hơi thở cuối cùng của mỗi người, chúng ta gọi đó là hành trình cuộc đời. Hành trình này có thể là rất dài, đến hơn một trăm năm; nhưng cũng có thể là rất ngắn, có thể chỉ một vài ngày. Dù dài hay ngắn, hành trình cuộc đời là một chuỗi đan xen buồn với vui, nước mắt với nụ cười, khổ đau với hạnh phúc. Biết trân trọng từng giây phút trong hành trình ấy, ta sẽ cảm nhận được niềm vui đích thực.
Hành trình cuộc đời luôn đầy những chông gai trắc trở. Một hành trình hoàn toàn êm ả ngọt ngào chỉ có trong giấc mơ. Từ khởi đầu của lịch sử nhân loại, cuộc đời của mỗi người đều phức tạp. Nếu ai than vãn rằng cuộc đời này khó khăn thử thách, thì họ nên biết rằng điều này xưa như trái đất. Ađam và Evà được Chúa dựng nên, sống trong vườn Địa đàng với biết bao ưu đãi, mà cũng chẳng hài lòng. Hai ông bà muốn phủ nhận thân phận thụ tạo của mình, vươn cao hơn nữa để “biết mọi sự”. Trớ trêu thay, khi ông bà mở mắt ra với hy vọng “biết mọi sự”, thì điều đầu tiên ông bà nhìn thấy là sự lõa thể của chính mình.
Hành trình cuộc đời cứ lặng lẽ trôi, bất kể ta có thái độ thế nào đối với nó. Có những người sống trong hằn học, hận thù; người khác lại đón nhận cuộc đời với bao dung kiên nhẫn. Dù bao dung kiên nhẫn hay hận thù hằn học, cuộc đời này vẫn phức tạp và chông gai như thế. Tuy vậy, nếu người hận thù hằn học chỉ tìm thấy nơi cuộc đời những điều đáng ghét bi quan, thì người bao dung kiên nhẫn lại khám phá nơi cuộc đời những điều đáng yêu tuyệt vời. Bởi lẽ cuộc đời giống như một bức tranh, phải trầm tư sâu lắng mới thưởng thức được những vẻ đẹp tiềm ẩn. Cuộc đời cũng giống như một cánh rừng, phải gạt bỏ ưu tư mới cảm nhận được sức sống kỳ diệu của các loài thảo mộc, cũng như bản hòa tấu phong phú của các loài côn trùng đang sinh sống tại đó. Có người so sánh cuộc đời như một tấm gương ta thường soi mình vào đó. Nếu ta nhăn nhó, hằn học, thì hình ảnh trong tấm gương cũng cau có, bực bội. Trái lại, nếu ta vui cười nhân hậu, thì hình ảnh trong tấm gương sẽ nhân ái vui tươi. Đón nhận cuộc đời với trái tim mở rộng, và khôn ngoan can đảm vươn lên trước những khó khăn thử thách, đó là bí quyết của thành công. Với lòng can đảm, ta không thất vọng khi vấp ngã, nhưng học hỏi kinh nghiệm và vững vàng trỗi dạy, tiếp tục bước đi. Nhờ sự khôn ngoan, ta không kiêu căng khi thành đạt, nhưng luôn khiêm tốn học hỏi và trau dồi những đức tính để thực sự “thành người”.
Song song với hành trình cuộc đời, người Kitô hữu còn đang bước đi trong hành trình đức tin. Hành trình đức tin khởi đầu khi ta được lãnh nhận bí tích Thanh tẩy, và kêt thúc khi chúng ta được gặp Chúa trên cõi hằng sống. Bởi lẽ, như Thánh Phaolô nói: ngày nay đức tin, đức cậy và đức mến, cả ba cùng tồn tại, nhưng ở cuối hành trình đức tin, tức là khi chúng ta được hưởng hạnh phúc vĩnh cửu, thì lúc đó chỉ còn tồn tại đức mến. Bởi lẽ, đã trực tiếp nhìn thấy và đạt được điều hy vọng, thì còn cần gì đức tin và đức cậy nữa, vì thế mà đức mến trọng hơn cả (x. 1 Cr 13,1).
Hành trình đức tin cũng giống như hành trình cuộc đời. Có những lúc êm ả thanh bình, nhưng cũng có khi dội sóng bão giông. Câu chuyện “dấu chân trên cát” đã diễn tả điều đó. Thiên Chúa luôn hiện diện với chúng ta, nhất là vào lúc phong ba dữ dội hoành hành. Vì những nguyên nhân chủ quan hay khách quan, người tín hữu trong hành trình này, cũng có nhiều thái độ khác nhau. Có những lúc sốt sắng đạo đức vững vàng cậy trông, có những hồi khô khan nguội lạnh, nhạt nhòa xao lãng. Hành trình đức tin cũng lâu dài bền bỉ, song song với hành trình cuộc đời. Người tin Chúa không bị “bứng ra” khỏi cuộc sống trần gian để trở thành một người ngoại lai ngay giữa quê hương mình, nhưng họ sống giữa thế gian như mọi người, chung chia vui buồn sướng khổ. Đừng nghĩ những ai tin Chúa là đương nhiên giàu có, sung sướng và hạnh phúc. Người tin Chúa vẫn sống giữa đời, nhưng mặc dù sống giữa thế gian, họ không thuộc về thế gian, như bông sen vươn lên từ bùn lầy mà vẫn thanh tao tỏa hương thơm ngát. Người tin Chúa cũng không khinh bỉ coi thường những giá trị trần thế, nhưng họ xác tín rằng, tất cả những điều tốt lành đều xuất phát từ Thiên Chúa, là Cha chung của gia đình nhân loại. Hơn nữa, những giá trị tốt lành nơi các nền văn hóa và các tôn giáo khác đều là men Phúc Âm và hạt giống Tin Mừng.
Đan xen với hành trình cuộc đời và hành trình đức tin, cuộc sống của người Kitô hữu còn là một hành trình thập giá. Sống giữa đời mà không để cho đời lôi kéo. Dấn thân vào mọi môi trường của cuộc sống mà vẫn giữ được nét cá biệt của đức tin. Để đạt được lý tưởng thánh thiện của Kitô giáo, người tin Chúa phải chấp nhận nhiều hy sinh.
Chúa Giêsu là Ngôi Hai Thiên Chúa. Ngài là Đấng Cứu độ trần gian. Để đem lại cho con người ơn Cứu độ, Chúa lại không dùng phương pháp của loài người. Chúa chọn một giải pháp mà theo cái nhìn của nhân loại, đó là điều dạt dột và điên rồ: đó là giải pháp thập giá. Thập giá là dấu chỉ của yêu thương, tha thứ. Thập giá dạy cho con người biết sống vì tha nhân. Trên thập giá, Chúa Giêsu đã thể hiện tình yêu thương vô bờ, điều mà Thánh Gioan gọi là “Yêu cho đến cùng” (Ga 13,1). Chúa Giêsu mời gọi: “Ai muốn theo Thầy, hãy từ bỏ mình, vác thập giá mình mà theo Thầy?” (Mt 16,24). “Từ bỏ mình”, đó là một tiến trình “thoát xác” và là một hy sinh có ý nghĩa nhất. Bởi lẽ người ta có thể bỏ mọi sự một cách dễ dàng, nhưng bỏ mình thì không dễ chút nào. Tin Mừng đã nêu rõ: bỏ mình là một điều kiện căn bản để trở thành môn đệ Đức Giêsu. Có những người đã bỏ mình một cách can đảm phi thường. Đó là trường hợp của các thánh. Tiến trình bỏ mình nơi các ngài không phải là dễ dàng, vì các ngài cũng phải trải qua những cám dỗ và xung đột gay go. Đôi khi, họ cảm thấy đang đi trong “đêm tối của đức tin”, dường như vắng bóng Thiên Chúa. Họ kêu cầu Ngài mà không được đáp lời. Có thể trích dẫn một vài trường hợp điển hình như Thánh Gioan Thánh giá, Thánh Augustinô, Thánh Têrêsa Hài đồng Giêsu. Đường nên thánh của các ngài không phải lúc nào cũng dễ dàng êm xuôi như nhiều người nghĩ. Trái lại, họ đã phải chiến đấu cam go. Thánh Têrêsa Hài đồng Giêsu đã viết: “Tôi đã phải chịu đau khổ rất nhiều, cần phải thuật lại cho nhiều người biết điều ấy”.
Hành trình cuộc đời, hành trình đức tin và hành trình thập giá hòa quyện với nhau và làm nên đời sống người Kitô hữu. Một người Kitô hữu chính danh không loại bỏ hành trình nào trong ba cuộc hành trình trên. Họ không thể viện cớ “thoát tục” để khước từ những bổn phận trần thế; họ không được nhân danh “tự do” để chối bỏ những bổn phận thiêng liêng; họ cũng không được dựa vào những yếu đuối mà chối từ thập giá. Ba hành trình này đã trở nên một nơi cuộc đời người tín hữu và bổ túc cho nhau. Quả vậy, hành trình đức tin sẽ giúp chúng ta đón nhận và nhìn cuộc đời với lăng kính mới. Hành trình thập giá sẽ làm cho đức tin nên tinh ròng và đức ái nên hoàn hảo. Nếu được chu toàn với ý thức và với lòng cậy trông, ba khía cạnh này làm nên đời sống thánh thiện. Đó cũng là lý tưởng của mỗi người Kitô hữu chúng ta.
Gm. Giuse Vũ Văn Thiên
Hải Phòng, tháng 9-2017