Lời Chúa: Lc 5, 1-11
Một hôm, đám đông chen lấn nhau đến sát bên Đức Giêsu để nghe lời Thiên Chúa, mà Người thì đang đứng bên bờ hồ Ghennêxarét. Người thấy hai chiếc thuyền đậu dọc bờ hồ, còn những người đánh cá thì đã ra khỏi thuyền và đang giặt lưới. Ðức Giêsu xuống một chiếc thuyền, thuyền đó của ông Simon, và Người xin ông chèo thuyền ra xa bờ một chút. Rồi Người ngồi xuống, và từ trên thuyền Người giảng dạy đám đông. Giảng xong, Người bảo ông Simon: “Chèo ra chỗ nước sâu mà thả lưới bắt cá.” Ông Simon đáp: “Thưa Thầy, chúng tôi đã vất vả suốt đêm mà không bắt được gì cả. Nhưng dựa vào lời Thầy, tôi sẽ thả lưới.” Họ đã làm như vậy, và bắt được rất nhiều cá, đến nỗi hầu như rách cả lưới. Họ Làm hiệu cho các bạn chài trên chiếc thuyền kia đến giúp. Những người này tới, và họ đã đổ lên được hai thuyền đầy cá, đến gần chìm. Thấy vậy, ông Simon Phêrô sấp mặt dưới chân Ðức Giêsu và nói: “Lạy Chúa, xin tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi!” Quả vậy, thấy mẻ cá vừa bắt được, ông Simon và tất cả những người có mặt ở đó với ông đều kinh ngạc. Cả hai người con ông Dêbêđê, là Giacôbê và Gioan, bạn chài với ông Simon, cũng kinh ngạc như vậy. Bấy giờ Ðức Giêsu bảo ông Simon: “Ðừng sợ, từ nay anh sẽ bắt người như bắt cá.” Thế là họ đưa thuyền vào bờ, rồi bỏ hết mọi sự mà theo Người.
Suy niệm
Chúng ta tự hỏi: tại sao Simon lại dễ dàng nghe theo trước yêu cầu “chèo ra chỗ nước sâu mà thả lưới” của Đức Giêsu đến thế?: Simon là một dân chài lành nghề, ông biết chắc điều Chúa bảo mình mâu thuẫn với kinh nghiệm nghề nghiệp, nhưng ông vẫn “vâng lời thầy tôi sẽ thả lưới.” Lời giải đáp cho hành động của Simon cũng mầu nhiệm như ơn gọi của các môn đệ vậy. Chìa khóa để hiểu được tiếng thưa “vâng” đó chính là NIỀM TIN của Simon vào Lời Chúa. Khi tin tưởng ai, người ta sẵn sàng phục tùng mệnh lệnh dù chưa hiểu hết được căn nguyên mọi sự. Vì đức tin không thể cầm nắm hay cân đo đong đếm được nên đức tin cũng không có giới hạn, có khi cũng không cần lý luận nhiều lời. Trong tương quan giữa người với người mà bớt đi chút lý luận thì cũng sẽ dễ dàng yêu thương và đến với nhau hơn.
Chúa yêu con người không giới hạn nên mới cất lời gọi chúng ta là bạn hữu. Những người bạn đầu tiên của Chúa là: Anrê, Simon, Giacôbê và Gioan đã can đảm “bỏ hết mọi sự mà theo Người”, một người mà các ông mới lần đầu gặp, lần đầu được nghe và chứng kiến việc Ngài làm. Không phải vì một mẻ cá lạ? hay vì một lời hứa hẹn đầy hấp dẫn “từ nay anh sẽ là người thu phục người ta.” Nhưng chỉ vì tin và yêu mến Con Người đầy “uy quyền” ấy. Nơi Người có một sức hút lạ lùng mà các môn đệ đầu tiên cho đến những người theo Chúa sau này vẫn không lý giải được. Còn từ phía Chúa, Chúa gọi vì Chúa yêu chứ không phải vì con người xứng đáng. Simon đã ý thức được điều đó ngay tư đầu: “lạy Chúa, xin tránh xa con vì con là kẻ tội lỗi” (Lc 5, 8). Và trong khiêm tốn, ông cùng đồng nghiệp đã bỏ lại những dính bén để cât bước theo Chúa. Liệu đó có phải là một chọn lựa hết sức liều lĩnh, dại dột không? Nếu là đúng thì tại sao hôm nay lại có biết bao người đã và đang bước theo hành trình của tiếng thưa: “vâng” như các tiền nhân xưa?
Hành trình của tiếng thưa: “vâng” không phải là thứ thanh âm trên môi miệng thánh Phêrô trong ngày đầu Chúa gọi, nhưng đó là hành trình cả cuộc đời ngài. Theo Chúa, là Kitô hữu cũng đòi chúng ta cũng phải liên lỉ đáp trả tiếng Chúa như thế, mỗi ngày trong những lựa chọn bình thường nhất.
Lạy Chúa Giêsu!
Xin cảm tạ Chúa vì đã giúp chúng con hiểu ra rằng:
Hành trình của tiếng thưa: “vâng”,
là hành trình của đức tin,
dài và xa nhưng không vô định,
gian nan và đầy thử thách nhưng chúng con không bước một mình.
Xin Chúa giúp chúng con dám “từ bỏ” để hành trang nhẹ nhàng hơn mà “ra khơi” cùng Chúa. Amen.
Sr. Anna Bích Hạt, Học viện MTG Thủ Đức