Hành trang vào đời

84

indexCha mẹ nào mà chẳng lo lắng khi con bước vào đời, nhất là trong thời điểm hôm nay, khi mà cạm bẫy và cám dỗ được giăng khắp nơi. Một gói hành trang với những nguyên tắc rõ ràng là cần thiết. Thực vậy, bước vào đời, người trẻ cần được trang bị những giá trị sống và những định hướng để quy chiếu. Nó giống như chiếc la bàn bảo đảm cho hành trình đời người được an toàn.

Quà tặng bất tử nào cha mẹ nên đặt trong gói hành trang của con, để nó mãi tồn tại và truyền sức sống, giúp cho con đứng vững trước mọi thử thách. Để rồi, cho dù khi cha mẹ có khuất đi thì họ vẫn tồn tại mãi nơi con cái.

Những nguyên tắc cần trang bị cho tuổi trẻ, là:

Niềm tin vào chính mình, ý thức về căn tính mình. Con cái chúng ta cần phải cầm lái cho vận mạng mình và phải chọn lấy bánh lái cho cuộc đời mình. Cuộc sống này là cơ hội của duy bản thân chúng, vì thế không cần phải sao chép từ người khác, cũng chẳng cần tiếc nuối về những gì mình không có. Con cái chúng ta cần có một mục đích, cần biết rằng chúng có thể đạt đến đích hay không, và biết rằng chúng sẽ chỉ tìm thấy sức mạnh để đạt đích ấy nơi chính mình mà thôi. Vì vậy, chúng cần có niềm tin vào chính bản thân, biết mình vối tất cả sở trường sở đoản.

Tin tưởng người khác. Điểm xuất phát là phải biết đánh giá cái hay, cái tốt, cái thú vị có ở nơi những người sống gần ta. Cần học biết đào bới, tìm ra kho tàng ẩn giấu nơi tha nhân, học đưa bàn tay ra để nối kết với thái độ thân thiện của những người bạn. Tha nhân có thể cho chúng ta những lời khuyên và sự nâng đỡ. Sống luôn luôn là sống cùng.

Sức mạnh của tâm hồn, sự can đảm, khả năng luôn đứng dậy. Cho dù bất cứ vấn đề gì, con cái chúng ta phải biết rằng chúng có thể vượt qua. Sống thì luôn đối diện với một vài nỗi nguy hiểm. Đừng sợ mình sai lầm, cũng đừng sợ mình không biết, vì chỉ có như thế ta mới khám phá ra những cái mới. Đừng sợ những lỗi lầm vì tất cả đều cho ta những bài học trong tương lai. Người ta thường lớn lên ngang qua những sai sót, vì chính những sai sót làm ta cẩn trọng hơn, hoàn thiện hơn. Đừng ẩn nấp trong sự an toàn và những thói quen. Đừng chạy theo mốt, hãy giới hạn những lo lắng cho việc mặc gì, ăn gì, sống tiện nghi làm sao.

Thói quen tự lập. Con cái biết kiểm soát bản thân là một điều thực sự quan trọng. Bởi chúng cần có trách nhiệm về những quyết định, tình cảm, về thực trạng bên trong tâm hồn mình. Không bao giờ được làm giảm nhẹ lỗi phạm bằng cách đổ lỗi cho người khác hay cho cơ may. Chúng nên luôn mặc chiếc áo khoác với hai túi. Mỗi túi có một mảnh giấy. Trên mảnh giấy thứ nhất viết: “Tôi chỉ là cát bụi”, và trên tờ kia ghi: “Thế giới tùy thuộc vào tôi”.

Chấp nhận những quy tắc, quy luật của thực tế cuộc sống. Con cái chúng ta phải làm việc, phải có những nỗ lực trong học tập và trong chuyên môn, biết thời hạn để không chậm trễ. Để có thể đạt được những vị trí ước mơ, chúng cần phải biết rằng có những luật lệ cần tôn trọng. Mỗi người trong chức vụ, trong vai trò của mình đều có những bổn phận phải đảm nhận và hoàn thành. Cách hành xử của ta không bị ảnh hưởng từ người khác, cũng không là sự phản ứng nông cạn, nhưng là việc làm chủ trên chính mình để biết hành động theo lẽ phải. Một điều khác hết sức quan trọng đó là ý thức được sự xấu và tốt luôn cùng tồn tại, và cần có một “lương tâm” trong sáng để phân biệt đâu là tốt, đâu là xấu.

Biết ơn người khác, tôn trọng sự khác biệt. Ai sống cũng mong muốn được hạnh phúc, và hạnh phúc chính là đích điểm vươn tới của con người, chứ không là trở thành người nổi nang. Con người mang tính xã hội, sự hiện diện của người khác làm ta phong phú, là nhân tố giúp ta trở nên tròn đầy trong cuộc sống. Vì thế, ta cần phải học trở nên lương thiện, tế nhị, tôn trọng, khoan hòa. Đừng lo so sánh mình với người khác, vì mỗi người đều có nét độc sáng riêng, một giá trị riêng. Thay vì so sánh với ánh nhìn tự hào vì những gì mình làm được thì hãy học để đừng cạnh tranh, để không phê phán và không nhận định dựa trên dáng vẻ bên ngoài.

Tham gia vào công ích, biết liên đới. Con cái chúng ta phải được hướng dẫn để sống sự liên đới. Trong thực tế có những trẻ sẵn sàng bày tỏ tình cảm, thiết lập tương quan tình bạn, nhưng cũng có những trẻ sống cách biệt và khép kín. Lỗi này không do bản thân các em, nhưng do không được luyện tập.

Sự liên đới trong gia đình là nền tảng cho khả năng mở ra cho sự liên đới sau này của trẻ. Nó được cụ thể hóa trong những cộng tác nhỏ bé tại gia đình, như giúp mẹ trong công việc nhà, không để đồ bừa bãi, tránh làm cho ba quá mệt mỏi. Thái độ liên đới được hình thành ngày qua ngày. Con cái của chúng ta phải cảm nhận được rằng chúng là một dụng cụ âm nhạc trong dàn giao hưởng lớn, là một phần quan trọng làm nên bầu khí hài hòa của gia đình. Có các bè dành riêng cho từng dụng cụ tham gia, như thế, trong mỗi ngày sống của các em phải có yếu tố tham gia. Tham gia vào công việc chung.

Công việc, sáng tạo và ý chí can trường. Có những người sẵn sàng làm tất cả để được điều họ muốn, và họ muốn có mọi sự ngay lập tức cho dù phải gian lận, hút ma túy, đánh lộn, thóa mạ, đưa ra những thông tin sai lệch. Cha mẹ hãy dạy con chinh phục, thám hiểm, dấn thân vì để leo lên cao, chúng phải tập leo từng bậc thang. Cố gắng này tiếp nối cố gắng kia, dù nhỏ bé.

Tình bạn, tình yêu thật sự. Bổn phận của cha mẹ hay gia đình là giúp con cái khám phá ra sự thánh thiêng của tương quan. Bởi con người sinh ra là để sống cho nhau và vì nhau. Hãy nói cho con cái biết điều này, và không chỉ là cảm giác mà còn phải bằng lý lẽ, có cơ sở. Chúng cần được giáo dục để biết yêu, cho dù chúng hàng ngày chứng kiến bao cảnh ly dị, cảnh chia lìa. Con cái chúng ta cần dám tin rằng yêu đến trọn đời là điều có thể. Yêu nhau mãi mãi là một việc nghiêm túc chứ không là một trò chơi, vì vậy cần phải huấn luyện con tim biết sống tình bạn, tình yêu thực sự.

Tâm linh. Sự bình an nội tâm là một bí mật vĩ đại của cuộc sống. Sự bình an từ bên trong làm cho con người hạnh phúc ngay trong thiếu thốn, cơ cực. Cha mẹ hãy giúp trẻ hướng nhìn lên cao, vượt qua những thực tại hữu hạn của trần thế để vươn đạt đến một lý tưởng, một Đấng vượt quá tầm tri thức của con người. “Nhân linh ư vạn vật”, con người linh thiêng hơn hết mọi loài. Hãy hướng trẻ đến tầm cao và chiều sâu của tâm hồn, để gặp Đấng Tạo Dựng muôn loài. Chỉ có Ngài mới ban nguồn bình an thực sự cho con người, nguồn bình an mà không đau khổ nào chạm tới được.

Sa Mạc Xanh – Chuyên đề Don Bosco số 34