(Bài 1/6 bài viết về đề tài hạnh phúc)
Bạn thân mến,
Phải chăng hạnh phúc đơn giản chỉ là những cảm giác chúng ta có được khi một nhu cầu vật chất nào đó được thỏa mãn: đang khát, bỗng thấy trước mặt là một ly đá chanh mát lạnh; buồn ngủ, lại gặp ngay manh chiếu?… Nếu chỉ là thế, thú vật, chẳng phải là chúng cũng có những cảm giác thuộc về lãnh vực của giác quan và tỏ ra vui thích khi được thỏa mãn các nhu cầu ấy trong đời sống của chúng, mà tất cả gồm tóm trong “tứ khoái” (theo quan niệm dân gian) như con người đó sao?
Hay hạnh phúc là một trạng thái cảm xúc khi con người được thỏa mãn một nhu cầu nào đó mang tính trừu tượng, một cảm xúc ở bậc cao, thuộc bình diện tinh thần, hoặc tâm thần, như khi người ta thành tựu những ước mơ của mình (về công việc, quyền lực, danh tiếng, ngay cả điều gọi là tình yêu…) chứ không thuộc bình diện cảm giác như ta thấy có nơi con vật? Nhưng bạn này, con vật cũng có “nhu cầu” về một điều “tốt đẹp”; chẳng hạn một con chó lao vào bảo vệ chủ của nó trước mối nguy hiểm đang đe dọa người chủ, hay như những con vật trong xiếc thú “cháy hết mình” theo sự hướng dẫn của người điều khiển… Dường như chúng biết được điều gì tốt hay không tốt trong các hành vi của chúng… Thực ra, không phải thế, chúng làm những điều ấy không vì biết những hành vi ấy là tốt đẹp nhưng vì, theo bản năng, chúng bị hấp dẫn bởi những cảm giác dễ chịu có được sau hành vi chúng thực hiện, theo kiểu phản xạ có điều kiện như: sự vuốt ve, nựng nịu, hay một miếng ăn mà chúng ưa thích… cũng giống như những con người bị hấp dẫn bởi những niềm vui khoái có được khi đạt tới điều họ mong muốn, bởi sự thúc đẩy vô thức của một bản năng, theo kiểu “vật chất có trước ý thức và quyết định ý thức”.
Nếu không tầm thường như thế, liệu có phải, nơi con người, hạnh phúc là những thỏa mãn mang tính nhân bản và thường chịu sự tác động của lý trí, nghĩa là con người đạt được hạnh phúc khi nó biết quan tâm và hoàn tất những toan tính mang lại lợi ích cho bản thân, gia đình, hay cho nhóm nó thuộc về, như là những phần tử của một tập hợp được gắn bó bởi sợi dây máu thịt hay bởi một thứ quyền lợi nào đó… Nhưng nếu vậy, vẫn có những giống vật đi vào tổ chức mang tính xã hội được phân công lao động, như con ong, cái kiến hay những bầy chim thiên di: chúng hoạt động vì lợi ích sống còn của chúng và của bầy đàn, chúng “biết” một cách bản năng về hành vi của chúng rằng chúng luôn “đúng”, và nếu thế, con người đâu khác chúng là bao, phải không bạn?
Nếu hạnh phúc không phải là những cảm giác hay cảm xúc được thỏa mãn ở bình diện vật chất cũng như tinh thần; và hạnh phúc cũng không phải là sự thỏa mãn có được trong ý thức vun quén cho bản thân, cho những lợi ích vật chất của gia đình hay nhóm mình thuộc về… vậy hạnh phúc là gì? Liệu hạnh phúc có phải là một điều gì đó tùy thuộc vào quan niệm của từng người hay tùy thuộc vào suy nghĩ chủ quan của mỗi cá nhân? Phải chăng hạnh phúc là một điều gì đó mà một ý chí quyền lực có thể áp đặt lên người khác hay nó phải là điều đến tự bản tính của con người? Và liệu rằng ai cũng có thể đạt được hạnh phúc?
Chúng ta hãy tạm lắng đọng ở đây trong sự khiêm tốn của lý trí, để suy tư về hạnh phúc được chín mùi hơn nữa, trước ước mong tìm thấy lời giải đáp, bạn nhé!
Cần Giờ SDB