GÓC SUY TƯ SUY TƯ Hạnh phúc là gì? Đau khổ là chi?

Hạnh phúc là gì? Đau khổ là chi?

Hạnh phúc là gì? Đau khổ là chi?

Người ta hay nói “Tiểu thuyết trường thiên” chứ không ai nói “Câu chuyện trường thiên” bao giờ. Quả vậy, hạnh phúc là đề tài sốt dẻo, làm tốn không biết bao nhiêu giấy mực cho các nhà tư tưởng, đạo đức, các nhà triết học, các nhà văn, nhà thơ, kể cả những tầng lớp bình dân… Định nghĩa về Hạnh phúc có thể kéo dài ra mãi và chưa thống nhất bao giờ… 

Đối với người này, hạnh phúc là “Một mẫu bánh mỳ con nhúng sữa”; Với người khác hạnh phúc là “Trăm nghìn vạn mớ để vào đâu” (Tú Xương[1]); Với Nam Cao[2] thì Hạnh phúc là “ngụm nước mát đối với kẻ đang chết khát”, đó không đơn thuần là sự thỏa mãn, đó chính là hạnh phúc; Hạnh phúc của các cô con gái cụ Cố Hồng là khi được trưng diện các mốt áo quần lòe loẹt trong lúc đưa đám (‘Hạnh phúc của một tang gia’)[3] 

Khái niệm hạnh phúc của Phật giáo mang nặng ý tưởng liên quan đến tinh thần và đạo đức. Hạnh phúc theo kiểu Thành Cát Tư Hãn[4] hoàn toàn chỉ là cảm giác tự mãn. Tuỳ từng lĩnh vực và phạm vi, hạnh phúc mang nhiều ý nghĩa riêng và thậm chí trái ngược. Hạnh phúc của nạn nhân chiến tranh là chấm dứt khói lửa. Hạnh phúc của bố mẹ là thấy con ngoan, nhưng hạnh phúc của một số con cái là thoát khỏi cặp mắt quan sát của phụ huynh… Hạnh phúc của kẻ mới yêu nhau là nhìn về con đường hôn nhân phía trước nhưng có khi vài năm sau họ lại cảm thấy “thật sự hạnh phúc” khi cầm đơn ly dị. Hạnh phúc của thương nhân là buôn may, bán đắt trong khi đó niềm sung sướng của người mua là mua ít được nhiều… 

Quan niệm về hạnh phúc thì mỗi người một kiểu và trả lời cho câu hỏi: “Hạnh phúc là gì?” cũng mỗi người một đáp án. Câu trả lời có thể gặp nhau nhưng cảm xúc thì không thể gặp nhau vì chỉ có người đó mới cảm nhận được hạnh phúc đích thực mà người ta đang là kẻ trong cuộc. 

Hạnh phúc định nghĩa theo sắc màu của triết lý nó có hai phạm trù: “ngẫu nhiên” và “phản ngẫu nhiên”. 

Hạnh phúc ngẫu nhiên là những hạnh phúc đến bất chợt, không biết trước mà khi ta kịp nhận ra thì ta đã là “người hạnh phúc” rồi. Hạnh phúc loại này thường mang đến cho người có nó cái cảm giác lâng lâng khó tả, nghẹn ngào không thốt nên lời, không một ngôn từ hay bút mực nào có thể tả được, nó để lại trong lòng “chủ nhân” một ấn tượng khó phai. Nó có thể xoa dịu cả những nỗi đau tột cùng nhất nhưng thường chỉ mang tính ngắn ngủi và hạn hẹp trong một không gian và thời gian nhất định; Còn phía bên kia, hạnh phúc phản ngẫu nhiên là hạnh phúc do chính chủ nhân của nó tìm ra, cố gắng để được nó và khi có được nó thường là cảm giác của sự mãn nguyện. Nó mang dư âm sâu lắng và tồn tại lâu dài vì nó là kết tinh của những nỗ lực và cố gắng.

Theo cái nhìn của Lê Hoàng[5] hạnh phúc chỉ là một nốt nhạc hay, bay bổng hay một gam màu sáng trong bức tranh tổng thể của cuộc đời ta, là chất xúc tác cho ta thêm nghị lực, niềm vui để tiếp tục bước đi trên con đường đời, chứ hạnh phúc không phải là tất cả. Theo ông thì “Ý nghĩa hạnh phúc là mãi mãi, còn cảm giác hạnh phúc phải là tức thời…”.

Vâng, có lẽ cảm giác mới nếm được như Pascal[6] nhận định: “Con tim có những lý lẽ của nó mà lý trí không thể hiện nỗi”.

Ngạn ngữ Ý cũng có câu khá mạnh mẽ: “Hạnh phúc, vì ngươi, bao nhiêu người đã bị nguy hiểm ở trong rừng đao ánh kiếm?[7]“. Nhưng Lep Tonxtoi[8] thì nhẹ nhàng hơn: “Cuộc sống chỉ có một loại hạnh phúc chắc chắn – chính là vì người khác mà sống”. Tục ngữ Ái Nhĩ Lan có câu: “Let a smile be your umbrella” (Hãy dùng nụ cười làm cái dù cho đời bạn).

Trong cuốn Đường Hy Vọng[9]Hồng y Nguyễn Văn Thuận[10] cảm nghiệm rằng hạnh phúc là được Chúa: “Thánh thiện đâu phải là nhăn nhó, khổ sởđau thươngThánh thiện là tươi vui liên lỉ, vì được Chúa ở cùng”[11] (ĐHV số 532) nghĩa là ‘Being chứ không là Doing[12]; hay theo cảm nhận của thánh Cattherine de Sienne[13]“Que rien ne t’efraie, Que rien ne te trouble, Tout passe, Dieu seul fufit” (Không gì làm bạn sợ, không gì làm bạn hoang mang, mọi sự sẽ qua đi, chỉ một mình Chúa là đủ)… Vân vân và vân vân…

Chính Chúa Giêsu đã từng phán: “I am the Way, and the Truth, and the Life” (Thầy là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống. Ga 14,6a). Một câu trong Sách Gương Phúc[14] nhấn mạnh:“Idiot, je t’aime”… – nghĩa là “Đồ khùng, ta thương con”… Chúa muốn nhắc nhở: ‘Tại sao con cứ lo lắng đủ thứ chuyện vậy? Tại sao con mãi trăn trở với những thành công, thất bại? Điều quan trọng là con nhận ra Chúa yêu thương con, và cố gắng đáp trả lại tình yêu đó. Chính tình yêu sẽ đưa con lên trên mọi tính toán của người đời và của chính con, để giữ mãi con trong nguồn hạnh phúc bất diệt tràn đầy”. Vì thế, George Eliot[15] nói: “Thất bại duy nhất mà người ta nên sợ, đó là không bám lấy mục đích mà họ biết là tốt nhất”.

Thiết nghĩ, khi cuộc sống đi đến tận cùng của bỏ rơi và cô đơn, người có đức tin chỉ còn một điểm tựa, một bóng mát duy nhất cho đời mình để tiếp tục sống trong hy vọng, đó là Thiên Chúa tình yêu.

Hạnh phúc và đau khổ không thể như hai danh từ diễn tả hai pháo đài độc lập lẻ loi. Nó đan quyện vào nhau như cảnh huống của một người mẹ sắp sinh con. Khi đứa bé chuẩn bị ra đời thì bà quằn quại trong đau đớn, nhưng khi đứa bé cất tiếng khóc chào đời thì nét mặt người mẹ vui mừng không gì tả được. Niềm vui ấy không là của riêng bà tự có được, mà còn như một lời cảm tạ Trời – Đất. Thật có lý khi Lamennais nhận định: “Trong hạnh phúc nào cũng có chứa đau khổ và trong đau khổ nào cũng có chứa hạnh phúc. Sở dĩ chúng ta rên rỉ, than van, vì chúng ta chỉ thấy có đau khổ và không cảm nhận được hạnh phúc”. Đọc lại truyện Hạnh tích các thánh ta thấy hầu hết các vị thánh cầu nguyện “Lạy Chúa, xin thử thách con…”[16]. Có thể nói theo cảm nhận của Sénèque: “Không có gì đáng thán phục bằng một người chịu đau khổ cách can đảm”. Đức cha J. Sheen kể lại câu chuyện: Một đứa bé bị mẹ cấm không được tới gần hàng rào gai nhọn. Nó không vâng lời và rơi vào hàng rào, bị què không đi được nữa. Bà mẹ la rầy và bảo thế là què cả đời. Nó trả lời: “Con biết lỗi của con, con sẽ chẳng bao giờ đi được nữa, nhưng nếu mẹ tiếp tục yêu con, con chịu đựng được tất cả”. Các đau đớn của chúng ta cũng vậy, nếu còn cảm nghiệm tình yêu Thiên Chúa chứa chan nơi cuộc đời mình thì đau khổ cũng tan biến. Hy sinh là đau khổ với tình yêu, đau đớn là đau khổ không có tình yêu. Trong khốn khổ cùng cực, thế giới kêu lên cùng Tạo Hóa: “Lạy Ngài, xin xóa hết khổ đau, xin xua đuổi bóng đen bao phủ địa cầu mà Ngài đã làm nên. Để thế giới yêu mến Ngài hơn. Thượng Đế trả lời cho thế giới Ngài đã dựng nên: “Ta sẽ xóa hết khổ đau ư? Khổ đau mà linh hồn chịu đựng? Để được mạnh mẽ nhờ thử thách? Ta sẽ lấy đi sự thương cảm ư? Thương cảm nối kết trái tim với trái tim? Và làm cho hy sinh thành cao thượng? Liệu ngươi đồng ý để mất hết anh hùng từ trong ngọn lửa bước ra? Và những gương mặt sáng láng nhìn trời cao? Ta sẽ lấy đi tình yêu cứu chuộc giá đắt? Và những nụ cười trong hy sinh? Liệu ngươi bằng lòng vứt bỏ cuộc sống đang leo lên cùng Ta, Đấng Kitô trên thập tự không? (Thơ của George Stewart)[17].

Nếu hạnh phúc đời đời vượt xa vui sướng thế gian thì chẳng còn chi có thể so sánh được với nó. Do vậy, tôi bắt đầu hiểu được mầu nhiệm của hình dáng trái tim con người. Trái tim con người không tròn trịa như trái tim của ngày Valentine. Nó có hình dáng hơi bất thường, như thể một mảnh vỡ nào còn thiếu. Mảnh vỡ đó có lẽ giống như lưỡi đòng thâu qua trái tim chung của nhân loại trên thập giá. Nhưng có lẽ nó còn đứng làm biểu tượng cho cao siêu hơn nữa. Nó mang ý nghĩa khi Thiên Chúa dựng nên mỗi trái tim con người. Ngài giữ một mẫu nhỏ của nó ở trên trời và gửi một phần còn lại xuống trái đất. Nơi đây mỗi ngày nó phải học biết rằng nó chẳng bao giờ được hạnh phúc đầy đủ, chẳng bao giờ yêu thương trọn ven, chẳng bao giờ hoàn toàn dấn thân, cho đến khi trở về cõi vĩnh hằng, để tìm ra mẫu nguyên thủy mà Thiên Chúa còn lưu giữ cho đến mãi muôn đời[18].

Có lẽ phải có cái nhìn Cứu Độ tính như thế, thì mới giải quyết mọi vấn đề: Hạnh phúc không phải là thỏa mãn nhu cầu. No thỏa tâm trí khác với no thỏa thân xác. No thỏa thân xác là một ồn ào réo gọi. No thỏa tâm linh là một êm đềm chọn lựa. Sung mãn của tâm hồn là một định nghĩa riêng tư. Sung mãn của thân xác là một xô đẩy của đám đông.

Chung kết lại, như lời sách Giảng Viên nhắc nhở chúng ta: “Vanitas Vanitalis” (Mọi sự đều là phù vân (Gv 1,2). Lời ấy không phản ảnh sự bi quan yếm thế trước cuộc đời, nhưng để nói rằng ngoài Chúa ra, đâu là hạnh phúc?

Hạnh phúc Thiên đàng chính là sự kéo dài của hạnh phúc trần thế (ĐHV số 363).

…Đôi khi, hạnh phúc đang nằm sờ sờ ra đó mà không ai thấy, cứ lo đeo đuổi cái gì không tưởng, xa vời. Qua một đời hy vọng, con người ta mới rút ra được bài học xương máu: “Hạnh phúc là có Chúa Thiên đàng dưới đất” mà thôi.

JB. Nguyễn Ngọc Hùng

 


 

[1] Một câu trong bài thơ “Chúc Tết” của nhà thơ VN (Trần Tế Xương).

[2] Nam Cao tên thật là Trần Hữu Trí(29 tháng 10, 1915  28 tháng 11, 1951) là một nhà văn Việt Nam hiện thực lớn.

[3] Trong tác phẩm còn có tên gọi khác là ‘Số Đỏ’ của nhà văn hiện thực phê phán VN Vũ Trọng Phụng (20 tháng 10 năm 1912 – 13 tháng 10 năm 1939) là một nhà vănnhà báo nổi tiếng của Việt Nam vào đầu thế kỷ 20.

[4] Đại Hãn của Đế quốc Mông Cổ.

[5] Đạo diễn điện ảnh của Việt Namthập niên 1990.

[6] Triết gia nỗi tiếng người Pháp, ông Blaise Pascal (1623-1662)

[7] Theo cuốn ‘Danh Ngôn’ của NXB Văn Hóa – Thông Tin, Vũ Kiều dịch từ cuốn ‘Danh ngôn của các danh nhân thế giới, NXB Nhân dân Thượng Hải 1998, T.215.

[8] Nhà văn lớn của nước Nga,1828-1910

[9] Bản dịch Pháp Văn: “La Troisieme Vague” par Michael Deutsch. Ed. Denoel, 1980) .Lời giới thiệu của Linh Mục Philip Trần Văn Hoài.

[10] Là một Hồng y của Giáo hội Công giáo Rôma, từng giữ chức Chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Công lý và Hòa bình của Tòa Thánh Vatican

[11] ” Et verbum caro factum est” (Ga 1,14: Ngôi lời đã biến thành xác phàm và ở giữa chúng ta

[12] Theo cách dùng từ (Thiên Chúa ở cùng hơn là làm cùng) của Lm.Gs  Athanase Nguyễn Quốc Lâm trong cuốn ‘Siêu Hình Học’.

[13] Catarina Benincasa (née le 25 mars 1347 à Sienne, en Toscane et morte le 29 avril 1380 à Rome) est une mystique, tertiaire dominicaine et théologienne.

[14] Cuốn sách đã góp phần vào việc tác tạo nên những vị Thánh thời danh như Inhaxiô, Phanxicô, Têrêsa Hđ Giêsu…(Lời dịch giả )

[15] Nhà văn Anh (1819-1880).

[16] Theo cuốn truyện ‘Hạnh Các Thánh’ NXB Tôn giáo.

[17] Đề mục ‘Đau khổ và ủi an’ T.250-251. x.’Con đường về trời’ của Fullton J. Sheen.

[18] Đề mục: ‘Sự chọn lựa cuối cùng’ T.285. x.’Con Đường Về Trời’ của Fullton J. Sheen.

Exit mobile version