(Bài 3/6 bài viết về đề tài hạnh phúc)
Bạn thân mến,
Nhưng cạnh đó, lại có người cho rằng hạnh phúc chính là cái cảm giác kẻ cả, ở kèo trên, khuynh loát được người khác; và cũng có thể là những hài lòng, hả hê… khi khó dễ được người khác(?!).
Với những người ấy, hạnh phúc đến khi nắm trong tay sức mạnh của quyền lực, cho dầu quyền lực ấy chỉ là thứ ảo giác ma mị, nhờ bám vào một oai hùm hay một kiểu điếu đóm nào đó. Một cách vô thức, họ luôn mẫn cán để thỏa mãn sự ma mị ấy bằng hống hách, nạt nộ, la lối… hay như thể ban ơn cho người cần sự hỗ trợ điều mà thông thường họ phải làm theo trách nhiệm. Trong trạng thái mãn nguyện, họ thường hếch mặt lên trời, vẻ kẻ cả, tuồng như không bận quan tâm đến nhu cầu của người, mà lẽ ra, họ phải giải quyết với nhiệm vụ của họ. Có vẻ như quá thỏa mãn trong sâu thẳm của cái tôi, nên họ tự cho mình quyền xảo ngôn, bóp méo những suy nghĩ thông thường của người khác. Họ phát biểu, họ tuyên bố hay nói bất cứ điều gì, họ luôn thấy mình đúng, và người đối diện chỉ còn một con đường duy nhất là câm lặng và đi theo nếu còn muốn được tiếp tục sinh tồn… Sự thỏa mãn ấy cũng ngút ngàn theo trời mây, nên họ tự tin đến độ không thèm nhìn lại những gì họ đã nói, đã làm; và mặc kệ luôn cái gọi là lương tri hay trách nhiệm… Ôi, sung sướng, hạnh phúc đến Lão Tử cũng không bằng!
Chắc bạn còn nhớ, mới hôm nào mùa dịch, có mấy ông dân này, dân nọ… được mời gọi để hỗ trợ trong điều tiết giao thông hay chuyển nhận hàng hóa… Chỉ thế thôi, có gì to tát! Ấy vậy mà, có “ông”, khi không vừa ý là hùng hổ lao vào đánh đấm người ta không cần biết đúng sai… để sau đó lại phải đi xin lỗi người ta khi dư luận, báo chí dậy sóng bất bình…
Rồi lại còn có cả một nhân vật đình đám khi “ngẫu hứng” cả một đoạn video clip về chuyện bánh mì có thiết yếu hay không… như một chiến tích của việc tuân thủ triệt để mọi chỉ thị theo kiểu ‘ấy lầm hơn bỏ sót’ (Tội nghiệp vì bị đưa lên mạng một cách oan uổng bởi không cố ý!). Và đương nhiên, những kẻ ấy, từ tận đáy lòng mình cũng trào lên một cảm xúc hạnh phúc theo kiểu của riêng họ. Kiểu nào thì không biết, nhưng nó cũng vật vã, đê mê… khó cưỡng đến độ xóa nhòa mọi ranh giới giữa đời thực và mộng mơ…
Bạn biết đấy! Trong sâu thẳm, cảm giác hư ảo về hạnh phúc của họ được thỏa mãn, đến độ không biết rằng mình bị coi thường; không nhận ra cái tủi nhục của những người liên quan đến họ, có thể là cha mẹ, vợ chồng, con cái hay người thân, bạn bè… Song đắng họng hơn là làm cho những kẻ sử dụng họ phải chuốc lấy phiền toái: mất uy tín, lộ rõ sự lỏng lẻo, bất cập trong quản lý… khiến người người coi thường và giảm sút niềm tin vào năng lực của những kẻ đứng sau… Thật đáng buồn vì họ không nhớ lời ông bà vẫn răn dạy: “Chó gầy hổ mặt người nuôi”, bạn nhỉ!
Rõ ràng là những cảm giác được thỏa mãn bởi một thứ “quyền rơm” theo kiểu “cáo mượn oai hùm” nhất thời như thế, làm sao có thể là hạnh phúc được, đúng không bạn?!
Chắc chắn, hạnh phúc không phải là cảm giác được thỏa mãn bởi bả vinh hoa quyền lực; cũng không phải là tâm trạng thoả mãn khi được cơ cấu trong tư thế của một tên sai nha; hay kẻ tự cho mình vị trí đặc quyền đặc lợi, theo kiểu ngồi trên thuyền nhìn người khác trôi dạt dưới dòng sông hay dòng đời, để chìa tay ban ơn hay bỏ mặc… Với Marx, những kẻ đánh mất đi mối quan hệ bình đẳng giữa người với người như thế sẽ không bao giờ là những con người. Đó chỉ có thể là những vong thân, những phóng thể hay tha hóa. Vì khi bám víu vào lối sống ấy cũng chính là lúc họ tự lột bỏ nhân cách, đánh mất chính mình. Bởi, vẫn theo Marx, bản chất con người là tổng hòa các mối quan hệ xã hội chứ không phải là một sự bất bình đẳng trong quan hệ giữa người với người như thế.
Hạnh phúc cũng không phải là trạng thái của cái tôi sâu xa bên trong được thỏa mãn, bởi sức mạnh của quyền lực, thứ mà làm cho người ta dễ bị coi khinh hơn là được kính trọng. Bởi “Quyền lực làm con người tha hóa. Quyền lực tuyệt đối sẽ dẫn đến tha hóa tuyệt đối” – Lord Acton. Chính vì thế, quyền lực, nếu được dùng chỉ nhằm tạo ưu thế hay sức mạnh cho người nắm giữ, sẽ không làm cho kẻ ấy nên người. Quyền lực chỉ là một phương tiện giúp ta hướng đến thiện ích chung trong sự phân nhiệm của xã hội. Quyền lực cũng không phải là hạnh phúc, nhưng chỉ là cái được dùng để hạnh phúc được cảm nhận trong giây phút người nắm giữ thi hành với ý thức họ đang chu toàn bổn phận vì công ích, bạn ạ!
Nhớ nhé bạn, hạnh phúc vẫn là một điều gì đó thiêng liêng, cao quý chứ không tầm thường, hạ đẳng như sức mạnh của quyền lực, một vị trí hay chút bổng lộc… do quyền lực tạo nên. Do đó, hãy tìm kiếm hạnh phúc ngay chính trong đời sống thường ngày, không phải qua vị trí của kẻ thừa hành ma mị nhưng ngang qua các mối tương giao của tình người, bạn nhé!
Cần Giờ SDB