Xuân này nối tiếp xuân kia, thu qua rồi đông tới, tuổi bước qua tuổi, lắm khi con người tự hỏi: Tôi sống để làm gì? Tôi tìm kiếm điều gì trong cõi nhân sinh? Đâu là hạnh phúc đích thực?” Đặt những câu hỏi ấy không chỉ là chuyện của các nhà thần học hay triết gia, cũng không phải phận vụ của riêng tôi và bạn nhưng đó luôn là thao thức ẩn tàng trong hành trình kiếm tìm lẽ sống của chúng ta. Là người có đức tin, được diễm phúc đón nhận Tin Mừng của Chúa Giêsu cùng những mạc khải của Người về biết bao chân lý trong cuộc sống nhưng vẫn có bao người Kitô hữu cảm thấy chới với trên hành trình đi tìm những Mối Phúc Thật.
Collin D’harleville từng khẳng định: “Ở đời, mỗi người hạnh phúc một cách riêng”. Quả vậy, Hạnh phúc có thể tồn tại muôn hình vạn trạng và có rất nhiều cách tiếp cận khác nhau, xong không ai trong chúng ta là không mong chờ Hạnh phúc. Nhưng Hạnh phúc là gì?
Theo từ điển Hán Việt: “Hạnh” là sự vui sướng, “Phúc” nghĩa là may mắn tốt lành. Hạnh Phúc là trạng thái vui sướng vì được sự tốt lành. Trong tiếng Latinh cũng có hai danh từ ám chỉ Hạnh phúc: “Felicitas và Beatitudo” nghĩa là sự dồi dào, phong phú. Kinh Thánh Tân Ước Công Giáo còn nói đến tám mối phúc thật tức là các chân phúc. Linh đạo ấy giúp cho con người gặp được chính Thiên Chúa là nguồn hạnh phúc đích thực cũng như gặp được tha nhân và chính mình. (x. Từ điển Công Giáo). Như vậy, từ khía cạnh ngôn ngữ đã gợi mở cái nhìn cơ bản về Hạnh phúc.
Mỗi người theo góc độ, theo nhu cầu về thể chất, tâm lý hay tâm linh… mà hình thành những quan niệm khác nhau về Hạnh phúc. Theo lối nghĩ của người Do Thái thì của cải dồi dào tượng trưng cho phúc lành Thiên Chúa ban xuống trên các tôi tớ trung thành như ông Ápraham (St 13,2), như Isaác (St 26,12), Gia cóp (St 30,43)… Sách giảng viên thì nói: “Có tiền mua tiên cũng được” (Gv 10, 19) nhưng đó chỉ là lời mỉa mai về sự ngộ nhận đầy tai hại giữa phương tiện và mục đích. Thực tế nhiều người giàu có tiền của vẫn gặp bất hạnh, vẫn đành bất lực trước vô số vấn đề hay biến cố trong cuộc đời. Chuyện kể rằng: Có một anh thanh niên kia mang trong mình khao khát cháy bỏng đi tìm Hạnh phúc đích thực, là người đạo đức và hội tụ đầy đủ những điều kiện thiết yếu, anh đến hỏi vị Tôn Sư: Con phải làm gì nữa để được hạnh phúc đời đời làm gia nghiệp? Ngài nhìn anh trìu mến và nói: Con hãy đi bán những gì con có để cho người nghèo rồi đến theo ta. Người thanh niên rầu rĩ bỏ đi vì anh ta có nhiều của cải. (x. Mc 10, 17-22).
Minh họa ấy cho thấy từ xưa đến nay, không ít người đã ngộ nhận hoặc hoán đổi vị trí của tiền bạc vào chỗ của Hạnh phúc. Tiền luôn đi với chữ “bạc” và thực sự nó như con dao hai lưỡi, Khi tiền trở thành ngẫu tượng, nó kéo theo một khối những bận tâm, những hậu quả vô lường. Nếu không sử dụng đúng tiền bạc nghiễm nhiên trở thành bức tường cản trở và khép chặt trái tim con người trước đồng loại hay những khát khao tâm linh tốt lành.
Song song với tiền bạc, không ít kẻ lại đi tìm hạnh phúc nơi danh vọng, địa vị, quyền bính. Họ sẵn sàng tìm cách “mua quan bán chức”, dùng mọi thủ đoạn đen tối, bất chấp tiếng lương tâm, miễn là đạt được mục đích. Nhưng khi quyền cao chức trọng rồi liệu họ có Hạnh phúc thật? Vì không bước đi trong ánh sáng nên căng thẳng và bất an sẽ đeo bám họ ngay trên chính “chiếc ghế” êm ái giả tạo của họ. Hạnh phúc thật xa vời!
Nhìn thẳng vào thực trạng xã hội ngày hôm nay, chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy một quan niệm lệch lạc về lối sống. Lối sống cho rằng Hạnh phúc là hưởng thụ. Với lối nghĩ: “thời gian vắn vỏi ai ơi, không ăn cũng thiệt, không chơi cũng già” và hệ quả là buông mình trong khoái lạc, chiều theo bản năng, ăn chơi buông thả. Chính khi ấy con người tự để Hạnh phúc tuột nhanh khỏi tầm tay, đánh mất lòng tự trọng và chất thêm gánh nặng cho gia đình, Giáo hội và xã hội.
Trong những gì thiết yếu nhất như vấn đề sức khỏe thể lý, liệu có một đảm bảo nào giúp con người thấy Hạnh phúc vĩnh cửu? Dẫu biết chúng ta phải có bổn phận gìn giữ thân xác mạnh khỏe bằng nhiều phương thế nhưng không ai có thể tránh được quy luật thường hằng cua kiếp người là sinh, lão, bệnh, tử. Nhạc sĩ Trịnh công Sơn đã thổn thức về sự mỏng giòn này: “Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi, để một mai tôi trở về cát bụi, ôi cát bụi mệt nhoài, tiếng động nào gõ nhịp khôn nguôi.” (Cát bụi)
Như vậy những khát vọng tưởng chừng như lấp đầy được những khát vọng mênh mông nơi lòng người nhưng thực tế điều ấy lại thật chủ quan, phiến diện và tạm thời vì chúng chỉ đồng nghĩa với sự sở hữu. Không thể phủ nhận “giữa một thế giới thấm nhiễm chủ nghĩa tiêu thụ, đó là cảm giác cô đơn và lo lắng phát sinh từ một con tim tự mãn, tham lam, sôi nổi chạy theo những thú vui phù phiếm và một lương tâm chai lì. Khi mà đời sống nội tâm của chúng ta bị trói chặt trong những lợi ích thì không còn chỗ cho người khác, không còn chỗ cho người nghèo. Tiếng nói của Thiên Chúa không còn được nghe thấy, niềm vui và bình an không được cảm nhận và ước muốn làm điều thiện bị phai mờ (x. Evangelii Gaudium.2). Nguy hại trên bắt nguồn từ lý do thiếu quân bình nơi đáy sâu tâm hồn con người. Vậy chúng ta cần một cuộc lên đường trở về với lòng mình, nơi khơi nguồn hạnh phúc. “Hãy dãm vượt lên chính mình vì mình là ai thì quan trọng hơn mình có gì?” (Chiristus Vivit, 107)
Chắc chắn Hạnh phúc đích thực không phải là cái gì từ bên ngoài nhưng là tự bên trong lan tỏa ra bên ngoài, để gặp gỡ, chia sẻ với người khác trong mọi hoàn cảnh. Chính trong Hạnh phúc của người khác chúng ta sẽ tìm thấy Hạnh phúc của mình. Lòng vị tha và bác ái Kitô giáo dạy chúng ta mang hy vọng, niềm vui, sự an ủi, sẻ chia cho những người xung quanh. Trái lại, sự bất hạnh sinh ra bởi lòng vị kỷ và tham lam. Chúng ta chớ có để mình đi vào vết xe đổ của tên đầy tớ mắc nợ không biết thương xót đồng bạn. (x, Lc 18, 23-35)
Nếu bạn đọc bài giảng trên núi của Đức Giêsu (x.Mt 15, 3-12) hẳn sẽ rõ hơn về bản chất của Hạnh phúc mang đầy tính biện chứng cụ thể. Hạnh phúc thật luôn đòi hỏi ta phải vượt qua nhiều thứ Hạnh phúc giả tạo bởi chúng chỉ xoay quanh những bản ngã thấp hèn. Các mối phúc nâng đỡ niềm hy vọng của chúng ta. Con người phải trả giá để đạt được những điều Chúa hứa, cái giá đó là khi chúng ta biết chịu sầu khổ, lúc ta chọn sống tinh thần nghèo khó thanh thoát, sống hiền từ, can đảm chịu bách hại vì công lý… Tóm lại, các Mối phúc thật mời gọi chúng ta chia sẻ yêu thương qua việc từ bỏ mình để phục vụ theo gương Đức Giêsu.
Mẹ Têrêsa Calcuta đã sống và trải nghiệm tinh thần phúc âm bằng cả cuộc đời dâng hiến, phục vụ. Mẹ khảng định: “Chúng ta có khả năng hưởng hạnh phúc với Chúa ngay lúc này, có nghĩa là giúp đỡ như Người giúp đỡ, cho đi như Người cho đi, phục vụ như Người phục vụ, yêu thương như Người yêu thương.”
Để thực sự cảm nhận được Hạnh Phúc, cần xác tín rằng thời gian của Hạnh Phúc là ngay bây giờ, nơi chốn của Hạnh phúc là chính tại đây, không phải trong quá khứ hay tương lai nhưng giây phút hiện tại luôn là quan trọng nhất. Mỗi ngày chúng ta đều phải không ngừng nỗ lực rèn luyện vì con đường đi tìm Hạnh Phúc thật phải đánh đổi bằng công khó, thậm chí cả mồ hôi và nước mắt. Khi làm việc để đạt được điều mình mơ ước, hãy tận dụng mỗi ngày và sống hết mình để từng khoảnh khắc đều tràn đầy yêu thương. Làm sao có thể Hạnh phúc khi ai đó không có khả năng thưởng thức những ân phúc nho nhỏ mỗi ngày? Hãy cảm nhận trọn vẹn món quà nhỏ bé như thế với lòng biết ơn. (Chiristus Vivit, số 146)
Bạn thân mến! với nhãn quan của người Kitô hữu thì con đường duy nhất để có được Hạnh Phúc thật là tìm ra và thực hiện ý Chúa. Mỗi người đều có một thời được sinh ra và một thời phải chết đi, đó là một cuộc hành trình, nhưng con người không sinh ra để chết nhưng để được sống Hạnh phúc, được chia sẻ sự sống của Thiên Chúa. Xin Người ban tràn niềm vui trong tâm hồn chúng ta, cùng lòng vị tha và sự kiên trì để con đường chúng ta không loanh quanh mỏi mệt nhưng tràn đầy dấu ấn của Hạnh phúc. Cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì Thiên Chúa sẽ mở cánh cửa cho chúng ta. Hãy vững tin như thế!
Anna Bích Hạt, Học viện MTG Thủ Đức