Hạnh phúc cuối đời

47

HẠNH PHÚC CUỐI ĐỜI

Trong một lần được nghỉ học, tôi đến thăm các bà ở “Mái Ấm Thiên Ân”. Ở đây, tôi được nghe rất nhiều câu chuyện của các bà, mỗi bà đều có một hoàn cảnh khác nhau. Tôi nhớ mãi câu chuyện của bà Na, năm nay bà đã 78 tuổi, mồ côi cha mẹ từ nhỏ. Dù đã già, nhưng nụ cười của bà vẫn hồn nhiên, chính nụ cười ấy đã cuốn hút tôi dõi theo câu chuyện về cuộc đời bà.

Ngày xưa, bà cũng có một gia đình rất hạnh phúc, có cha mẹ và anh trai. Năm 1965, chiến tranh xảy ra ở miền Nam, gia đình Na cùng với một số gia đình khác được chỉ định đi sơ tán, lúc đó Na mới 4 tuổi. Đang nắm tay theo mẹ, Na vấp phải cục đá và té nhào xuống đất. Khi đứng lên, Na không còn nhìn thấy mẹ đâu cả, xung quanh mọi người đang chen lấn, xô đẩy nhau ; Na sợ quá khóc thét lên :

– Mẹ ơi, mẹ đâu rồi ! Me.. me… mẹ…

Thấy thế, một chú bộ đội chạy đến bế Na lên và hỏi :

– Ba mẹ con đâu ?

Na lắc đầu, gào khóc thật to :

– Mẹ bỏ con rồi. Mẹ ơi, cho con đi với !

Thấy Na quá nhỏ, mọi người thương tình bế Na đi tìm người thân, nhưng tìm suốt năm ngày mà vẫn không có tin tức gì. Không có ai nhận nuôi Na nên một bà phước đã đưa Na về tu viện. Sống cùng với dì phước đến 14 tuổi, Na thấy buồn và cô đơn nên đã trốn ra ngoài.

Sống giữa đời, chẳng có bằng cấp gì nên không ai nhận Na làm việc cả. Hoàn cảnh bắt buộc Na phải bươn chải để kiếm sống. Việc gì Na cũng làm : bán vé số, rửa chén thuê, lượm ve chai, giúp việc cho gia đình người ta…những công việc đó không phải ngày nào cũng kiếm được. Có ngày, chậm chân một chút là người ta đã thuê người khác đến rửa chén rồi ; vào những ngày mưa, Na đi không biết bao nhiêu con hẻm mà vẫn không bán được một tờ vé số nào. Cuộc sống quá bấp bênh đối với Na.

Thời gian tưởng chừng mới đây thôi thế mà đã hơn bảy mươi năm. Na đã già, không còn ai muốn thuê Na giúp việc nữa, đôi chân của một bà già 72 tuổi không còn đủ sức để bước đi trên các đường phố, con hẻm để bán vé số. Bà muốm tìm một chỗ dựa để sống quãng đời còn lại, nhưng Bà không biết đi về đâu vì nhà không có, người thân cũng không.

Trong một lần đi bán vé số, bà nghe người ta nói ở Thủ Đức có nhà tình thương do các sơ dòng Trinh Vương phụ trách. Bà đã đi bộ từ quận 2 xuống Thủ Đức để xin vào sống trong mái ấm. Sau khi biết được hoàn cảnh, sơ phụ trách đã đồng ý cho Bà ở lại.

Những ngày sống trong mái ấm, bà coi đó như là một gia đình thật sự, bà luôn cố gắng sống tốt và luôn yêu thương những người sống chung quanh. Điều bà luôn cậy trông và biết ơn đó là Chúa không đánh dấu chấm hết trên cuộc đời của bà, cuộc đời của một bà già cô đơn.

                Hồ Thị Trình

 (Thanh Tuyển Viện MTG Thủ Đức)