Hạnh Phúc Của Người Công Giáo

158

nen“Thưa thầy nhân lành tôi phải làm gì để được sự sống đời đời?” (x.Mt 19,16 -22; Mc 10, 17 -22; Lc 18, 18-23). Đó là câu hỏi của người thanh niên giàu có trong Tin Mừng Matthêu – theo thánh Luca, câu hỏi này là của một vị thủ lãnh – hỏi Chúa Giêsu về con đường dẫn tới sự sống đời đời, hạnh phúc viên mãn. Khi đặt câu hỏi này với Chúa Giêsu, hẳn là người thanh niên hay vị thủ lãnh kia chưa tìm thấy được hạnh phúc mặc dầu họ rất giàu sang, đầy quyền lực, và hơn nữa, là người mẫu mực trong việc tuân giữ các điều răn Cựu Ước như Tin Mừng miêu tả.

Như vậy, tiền bạc, quyền lực và đời sống chuẩn mực không phải là những thứ làm cho con người hạnh phúc, cụ thể với hai nhân vật trên. Vậy điều gì làm cho con người có được hạnh phúc thực sự? Phải chăng là ý nghĩa và mục đích sống? Dường như có được ý nghĩa và mục đích sống là có được hạnh phúc. Hạnh phúc nói chung, cách riêng hạnh phúc của người công giáo là gì? Họ khắc khoải kiếm tìm hạnh phúc ở đâu? Họ phải làm gì để có được hạnh phúc? Đó là những ý tưởng của người viết muốn chia sẻ cùng quý đọc giả trong đề tài “hạnh phúc của người công giáo”.
.
1. Hạnh phúc của người công giáo
a.       Hạnh phúc là gì?
Câu trả lời là tùy vào cảm nhận của mỗi người bởi vì hạnh phúc mang nhiều sắc thái khác nhau. Có những người thấy được hạnh phúc từ những điều rất nhỏ bé và bình dị. Nhưng người khác lại cho rằng hạnh phúc là phải đạt được mục tiêu lớn lao…Chỉ một cái nhắp chuột trên Google, tức khắc 0,16 giây, bạn có trên chục ngàn kết quả khác nhau liên quan đến hạnh phúc. Vậy đâu là tiêu chí chung để quy cho trạng thái nào đó là hạnh phúc? Theo quan điểm của người viết, hạnh phúc là trạng thái tâm hồn bình an. Sở dĩ đưa ra khẳng định như vậy là vì từ ngày nguyên tổ phạm tội, loài người phải mang án phạt: phải đau khổ và phải chết. Chính vì thế, con người luôn cảm thấy buồn phiền lo âu và sợ hãi nên luôn khao khát và tìm kiếm sự bình an trong tâm hồn.
b.       Đâu là hạnh phúc của người công giáo?
Hạnh phúc của người công giáo chính là được làm con Thiên Chúa, là Cha đầy lòng yêu thương, và được làm con trong cung lòng Mẹ Hội Thánh. Đó là một ân ban nhưng không bởi con người chỉ là tro bụi, là hơi thở với tuổi đời tựa bóng câu (x.Tv 144,4), nhưng được Thiên Chúa đoái đến và nhận làm nghĩa tử. Ân ban Tình thương ấy cụ thể hóa qua việc Thiên Chúa ban người con Duy nhất là Đức Giêsu Kitô đến hiến mạng vì tội lỗi của chúng ta (x.Ga 3,16). Như Thánh Phaolô cảm nghiệm, hạnh phúc của người công giáo là được Thiên Chúa tha thứ tội lỗi (x. Rm 4,7). Hạnh phúc người công giáo còn là kẻ được mời đến dự Yến Tiệc Con Chiên như thánh Gioan  cảm nhận (x. Kh 19,9). Tác giả Thánh vịnh cho rằng Hạnh Phúc ấy là Chính Chúa, là được ở kề bên Chúa (x. Tv 73,28). Hạnh phúc người công giáo … là sự suy gẫm và cảm nghiệm của chính bạn về Tình Thương Thiên Chúa. Hãy dừng lại cảm nghiệm về nó vài phút, bạn sẽ cảm thấy hạnh phúc vì bạn được làm người công giáo.
.
2.      Có mấy thứ hạnh phúc và kiếm tìm nó ở đâu?
 a. Mấy thứ hạnh phúc?
Tựa như con người có hai phần: xác và hồn, thì hạnh phúc cũng có hai thứ: hạnh phúc đời này và hạnh phúc mai sau trong Nước trời. Đọc Thánh kinh, chúng ta sẽ thấy hai thứ hạnh phúc này. Hai thứ hạnh phúc này liên hệ mật thiết với nhau; nghĩa là muốn được hưởng hạnh phúc trường sinh thì phải đạt được hạnh phúc ngay ở đời này.  Chính Chúa Giêsu cho thấy sự liên hệ này là “Triều Đại Thiên Chúa đang ở giữa các ông” (Lc 17,19), khi nhóm người Pharisiêu chất vấn Người về Nước Thiên Chúa.
b. Kiếm tìm hạnh phúc ở đâu?
Thánh Phaolô cho chúng ta biết: “Nước Thiên Chúa không phải là chuyện ăn chuyện uống, nhưng là sự công chính, bình an và hoan lạc trong Thánh Thần” (Rm 14, 17). Quả vậy, người Kitô hữu xác tín rằng  hạnh phúc thật chỉ có nơi Thiên Chúa. Nơi Người, họ mới gặp được chân lý trọn vẹn, đồng thời đạt đến hạnh phúc đích thực mà nhân loại không ngừng tìm kiếm. Tác giả sách thánh vịnh cảm nghiệm “Chỉ trong Thiên Chúa mà thôi, hồn tôi mới được nghỉ ngơi yên hàn. Ơn cứu độ tôi bởi Người mà đến” (Tv 62,2). Sở dĩ hạnh phúc từ nơi Thiên Chúa là vì con người đến từ Thiên Chúa và sẽ về với Người, nên con người khát khao Thiên Chúa tận đáy sâu trong tâm hồn và chỉ nơi Thiên Chúa mới có hạnh phúc và bình an đích thực. Thánh Âutinh đã cảm ra Tình Chúa và thân thưa: “Lạy Chúa, Chúa đã dựng nên con và lòng con khắc khoải cho tới khi tâm hồn con được an nghỉ trong Chúa”.
Hạnh phúc là được bình an. Bình an là trạng thái vô hình. Nhưng để có được sự bình an, con người cần tìm nó qua các dấu chỉ hữu hình. Đó là tìm đến với Thánh lễ hằng ngày,  tham dự các các Bí tích, đọc Kinh Thánh, cử hành Phụng vụ các giờ kinh…Qua các nghi  lễ phụng tự này, chúng ta kín múc được sự Bình an của Chúa.
.
3. Người công giáo làm gì để có hạnh phúc?
Giữa con người và Thiên Chúa có mối quan hệ thân thiết và sâu xa. Tuy nhiên, mối quan hệ này có thể bị lãng quên, hay bị từ chối do những nguyên nhân chủ quan hoặc khách quan. Muốn giữ được mối liên hệ thiết thân và được bình an của Chúa, người Kitô hữu phải chu toàn 4 bổn phận của mình trong chân thật, công bằng và yêu thương theo thánh ý Người.
a.   Với Thiên Chúa
Bổn phận của người Kitô hữu với Thiên Chúa là tuân giữa các thánh chỉ và mệnh lệnh của Người vì hạnh phúc được ban cho người tuân giữ luật Pháp Chúa và vâng theo thánh ý Ngài (x. Tv 119,1-2; Lc 11,27-28). Khi tuân giữ luật Pháp Chúa là lúc chúng ta Yêu mến người vì yêu mến Thiên Chúa là tuân giữ các điều răn của Người (1Ga 5,3). Yêu mến Chúa đồng nghĩa với việc ý thức mình phải biết cậy tin vào lòng Chúa Tín Trung bởi vì phúc cho người biết tin cậy vào Chúa (x. Gr 17,5-10; Is 30,18) và phải biết Kính Sợ Thiên Chúa (x. Tv 112,1; 128,1).
b.  Bổn phận đối với cha mẹ
Cha mẹ chính là người thiết thân nhất của mỗi người mà Thiên Chúa dạy chúng ta phải có bổn phận với các ngài để có được hạnh phúc. Sách đệ nhị Luật dạy: “Ngươi hãy thờ cha kính mẹ, như Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, đã truyền cho ngươi, để được sống lâu, và để được hạnh phúc trên đất mà Đức Chúa, Thiên Chúa ngươi, ban cho ngươi.” (Đnl 5,16). Thánh Phaolô tông đồ trong thư gửi giáo đoàn Êphêsô giáo huấn: “Kẻ làm con hãy vâng lời cha mẹ trong mọi sự, vì đó là điều đẹp lòng Chúa. Kẻ làm con, hãy vâng lời cha mẹ theo tinh thần của Chúa, vì đó là điều phải đạo. Hãy tôn kính cha mẹ. Đó là điều răn thứ nhất có kèm theo lời hứa: để ngươi được hạnh phúc và hưởng thọ trên mặt đất này (Êp,1-3).
c. Bổn phận đối với tha nhân
Bổn phận của người công giáo với tha nhân là phải yêu thương họ như chính bản thân mình. Đó là điều răn thứ hai mà chính Chúa Giêsu dạy chúng ta (x. Mt 23, 34 -40; Lc 10, 25 -28; Mc 12,28-34). Thiên Chúa hứa sẽ ban phúc trường sinh cho những người biết giúp đỡ người đau khổ, nghèo đói, bệnh tật trong ngày Chung Thẩm (x. Mt 25,31.46). Lời Kinh hòa bình của  Phanxicô cho thấy bổn phận và sự liên đới của chúng ta với tha nhân là “Mến yêu và phụng sự Chúa trong mọi người”. Chúng ta được dựng nên trong kế hoạch yêu thương của Thiên Chúa nên chúng ta sống là sống cùng, sống với và sống cho mọi người. Khi chúng ta biết cho đi là khi được nhận lãnh. Sách Công vụ Tông đồ dạy “Cho thì có phúc hơn là nhận.” (Cv 20,35). Thánh Gioan Tông đồ chỉ ra cho chúng ta thấy điều luật này “Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta, chúng ta cũng phải yêu thương nhau” (1Ga 4,11). Yêu thương là điều răn mới Chúa Giêsu dạy các môn đệ và chúng ta trong Bữa Tiệc Ly “Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau; anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 13,34).
d. Với bản thân
Sống lời mời gọi của thánh Phaolô là hãy sống theo Thần Khí, thay vì chiều theo thoả mãn đam mê của tính xác thịt (x. Gl 5,17-20). Cũng theo thánh Phaolô, những kẻ sống theo xác thịt sẽ không được thừa hưởng Nước Thiên Chúa (x. Gl 5, 21). Những người để cho Thần Khí hướng dẫn, thì không còn lệ thuộc Lề Luật nữa và thuộc về Đức Kitô Giêsu bởi đã đóng đinh tính xác thịt vào thập giá cùng với các dục vọng và đam mê (Gl 5,24). Và đương nhiên, sống theo Thần Khí là được hưởng hạnh phúc. Sống theo Thần Khí là sống những đức tính, hay sống theo hoa quả của Thần Khí: bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hoà, tiết độ (Gl 5,22).
Tóm lại, hạnh phúc của người công giáo là hạnh phúc đời đời. Thứ hạnh phúc này chỉ có ở nơi Thiên Chúa. Nơi Người, chúng ta được hứa ban hạnh phúc trọn vẹn (x. Ga 15,11; Ga 16,24). Phần chúng ta, những người công giáo cần phải chu toàn bổn phận với Thiên Chúa, với cha mẹ, tha nhân và chính bản thân. Nhưng làm sao chu toàn bổn phận nếu không có ơn Chúa? Vì vậy, họ cần phải giữ vững lòng tin và yêu mến Thiên Chúa trên hết mọi sự và mọi người; đồng thời yêu thương mọi người như chính mình. (x. Mt 22,37-40; Ga 13,34-35; 15,12.17). Thường xuyên đón nhận của ăn tinh thần là: Ơn Chúa, Lời Chúa và Mình Thánh Chúa.
 
 Nguyễn Giới,  OP