Hàn Mạc Tử: Đời và Thơ

85

HÀN MẠC TỬ: ĐỜI VÀ THƠ
Kỷ niệm 100 năm ngày sinh của nhà thơ (22-9-1912 – 2012)

 

Hỡi sứ thần Thiên Chúa Gabriel,
Khi Người xuống truyền tin cho Thánh Nữ,
Người có nghe xôn xao muôn tinh tú?
Người có nghe náo động cả muôn trời?
Người có nghe thơ mầu nhiệm ra đời…
(Hàn Mạc Tử, Thánh nữ Đồng Trinh)

Dòng thơ của Hàn Mạc Tử thì say sưa vô tận, bay từ trần thế đến thiên cung, bay từ một tạo vật bé nhỏ bệnh tật đến Chúa Trời sáng láng và Chí Thánh, bay từ hữu hạn đến vô hạn, bay từ khi thiên địa mới Ra đời đến ngày chung thẩm cùng tận… Qua nhiều năm tôi đã đọc, hát, nghe nhạc, thưởng thức hợp xướng, xem phim, diễn ca vũ… để cảm nhận thơ Hàn Mạc Tử, nhưng tôi cũng nhận mình bất lực trước một dòng thi văn đi ra Ngoài vũ trụ như thế! Tôi đã đọc ít nhiều tác giả viết về tiên sinh thi nhân, và tôi thiết nghĩ hầu như mỗi tác giả cũng chỉ nói lên mỗi cung bậc trong nguồn thơ và hồn thơ bao la vô tận này… tôi cũng đọc những trang Kinh thánh, những lời kinh, có ảnh hưởng tới dòng thơ Đạo cách chung và niềm tin Kitô giáo của tiên sinh.

Nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của thi nhân (ngày 22-9-1912 – 2012), tôi tri ân Thiên Chúa đã ban cho đời một tạo vật, một con người có một nhân cách cao đẹp, một Kitô hữu sốt sắng với một hồn thơ lai láng, tôi xin thắp nén hương tưởng nhớ và vinh danh một người thơ tài hoa, đã từ giã cõi đời này khi còn quá trẻ (28 tuổi), nhưng đã để lại cho trần thế những dòng thơ ướp đầy hương thơm; người viết đây xin mạo muội diễn tả chút đỉnh về Đời, nghệ thuật thơ và chất Đạo trong dòng thơ cầu nguyện của thi nhân, để tỏ lòng mộ mến thán phục. Thế nhưng, tôi cũng cảm thấy đã lạc vào cõi siêu linh, huyền bí, hư hư thực thực, một vũ trụ mênh mông, một hồn thơ siêu thoát đã bay thật, và bay thật xa, thi nhân bay đến với Nguồn Trăng,Nguồn thơm, Nguồn Thơ, sống và hớp lấy nguồn Thượng thanh khí ngập tràn trong ánh sáng nguyện cầu mà chính tác giả đã thảng thốt:

“Thơ tôi bay suốt một đời chưa thấu
Hồn tôi bay đến bao giờ mới đậu
Trên triều thiên ngời chói vạn hào quang”
(Hàn Mạc Tử, Thánh Nữ Đồng Trinh)

Ước gì những trang viết này cùng thắp lên, đồng rung cảm với bao nhiêu người ái mộ thi nhân trong dịp Kỷ niệm 100 năm ngày sinh (22-9-1912 – 2012), hầu vinh danh nhà thơ Nguyễn Trọng Trí – Hàn Mạc Tử trên thi đàn văn học Việt Nam, dòng thơ văn Kitô giáo và dòng thơ ấy đã trở nên bất diệt, toả sáng, mà thi nhân đã sáng tạo từ hơi thở, huyết mạch, trong hành trình cuộc sống, trong sự nghiệp đời và thơ.

I. CUỘC ĐỜI NHÀ THƠ

1. Thời niên thiếu

Hàn Mạc Tử sinh ra trong một gia đình Công giáo xứ Lệ Mỹ, Quảng Bình vào ngày 22-9-1912. Thân sinh là ông Vinh Sơn Nguyễn Văn Toản và bà Maria Nguyễn Thị Duy vui mừng nghe tiếng khóc chào đời của người con thứ tư (Nhân – Nghĩa – Lễ – Trí, sau này có thêm Tín và Hiếu). Ba hôm sau, ngày 25-9-1912 tiếng chuông nhà thờ họ đạo Tam Toà ngân vang hoà với tiếng sóng biển Đồng Hới chào mừng em bé Phanxicô chịu phép Thanh Tẩy[1]. Người đỡ đầu là thầy Phanxicô Thông Hài, thuộc Giáo xứ Tam Toà, giáo xứ này được thành lập do Linh mục Thừa sai Bonin (MEP), từ năm 1886.[2]

Thân phụ của Nguyễn Trọng Trí thuộc dòng họ Phạm, ông cố là Phạm Nhường, ông nội là Phạm Bồi, có liên quan quốc sự, chạy trốn vào Thừa Thiên, trú tại làng Thanh Tân, đổi thành họ Nguyễn. Thân mẫu thuộc dòng dõi nổi tiếng, bà là con thứ chín của cụ Ngự y Nguyễn Long dưới triều Vua Tự Đức[3]. Dòng họ hai bên là những người tốt, ngoan đạo đã thể hiện khả năng phục vụ đất nước trong vai trò của những người công dân hữu ích cho gia đình, xã hội và giáo hội. Trong di sản chung của dòng họ, cậu bé Trí được giáo dục bởi cha mẹ theo niềm tin Kitô giáo, môi trường xứ đạo nề nếp, có tổ chức; Nguyễn Trọng Trí ngoan, sốt sắng, thông minh. Tuổi nhỏ em theo gia đình trên bước đường công vụ của thân phụ, hầu như đó là những vùng đất thiên nhiên chan hoà sóng biển, Sa Kỳ (1920), Quy Nhơn (1922), Bồng Sơn (1922-1923)… Anh chị em trong gia đình có thói quen đi lễ từ sáng sớm. Chiều tối, màn đêm bao phủ không gian, gia đình quây quần đọc kinh, lần chuỗi Mân Côi, trò chuyện. Đây là một điểm son trong các gia đình Công giáo quan tâm đến đời sống đạo, nhờ đó các thành viên trong gia đình gắn bó, yêu thương gần gũi nhau và lớn lên trong đức tin. Tại Quy Nhơn, Cha Thiềng thấy cậu bé dĩnh ngộ, tinh khôi, chăm học giáo lý, Ngài muốn đỡ đầu để Nguyễn Trọng Trí đi tu… Nhưng thơ văn mới chính là nghiệp của Trí. Tuy nhiên, đức thanh khiết Công giáo là đoá hoa quý được chú bé Trọng Trí nâng niu, trân trọng, giữ gìn từ niên thiếu cho đến cuối đời, tư tưởng, lời nói luôn ánh lên sự chân thành, đơn sơ. Có thể ví Nguyễn Trọng Trí như đoá hoa kín đáo, từ tốn, sâu lắng và khiêm nhường. Sau này, trong sự nghiệp thi ca, Hàn Mạc Tử đã để lại rất nhiều bài thơ thơm nức mùi đạo hạnh toát ra từ nội tâm sâu xa và cũng rất đơn thành trong dòng thơ của mình[4]

Tháng 7-1926, bệnh viện Huế lặng lẽ mang đi vĩnh viễn người thân phụ quý mến. Biến cố đau buồn đó đã phong kín đời hoa niên của Nguyễn Trọng Trí. Trên đôi vai gầy yếu của mẹ, với trái tim yêu thương, thân mẫu anh can đảm gánh lấy trách nhiệm gia đình, bà giáo dục con cái lưu tâm đến việc học và tương lai của các con.

Niên khoá 1928-1930, bà gởi Nguyễn Trọng Trí ra Huế học trường Pellerin, một trường thuộc dòng Lasan có uy tín ở kinh đô Huế. Các sư huynh Thiện giáo là những bậc thầy có kỹ năng và kinh nghiệm trong việc giáo dục, đào tạo. Môn học giáo lý Công giáo là giờ bắt buộc hàng tuần theo nội quy trường. Cậu không thích học toán, mà chỉ thích môn văn. Nhưng chỉ được hơn một năm sau, cậu thiếu niên Nguyễn Trọng Trí phải trở lại Quy Nhơn với mẹ. Thời gian này, một biến cố in đậm nét suốt đời anh, trong một lần đi tắm biển Quy Nhơn anh suýt chết đuối, sau sự việc ấy, anh Trí thay đổi nhiều. Theo Nguyễn Bá Tín, người em thuật lại: Đức Mẹ Maria đã ra tay nhân từ cứu vớt anh chăng! Biến cố ghi đậm nét suốt đời anh, và biến đổi anh: “Anh Trí đuối sức bị ngất đi phải nằm ngửa cho sóng đẩy vào bờ. Trông anh sợ hãi khác thường, thần sắc ngơ ngác như không trông thấy gì nữa. Anh lẩm bẩm nghe như Đức Mẹ, Đức Mẹ… Tôi tưởng anh cầu nguyện. Trông anh khác lạ đi, nhìn anh tôi càng hoảng sợ… Từ ngày đó, anh không tắm biển nữa, sợ nước, ít hoạt động, nói năng nhỏ nhẹ như có ai nghe. Anh thu mình lại, sống nội tâm, trầm mặc xa vắng”… Anh đã ghi lại những kỷ niệm này bằng những dòng thơ bất hủ, sửng sốt, và cũng rất nồng nàn tha thiết[5].

 “Maria! linh hồn tôi ớn lạnh
Run như run thần tử thấy long nhan
Run như run hơi thở chạm tơ vàng…
Nhưng lòng vẫn thấm nhuần ơn trìu mến”
(Hàn Mạc Tử, Thánh nữ Đồng Trinh)

Phải chăng Nguyễn Trọng Trí đã thoát hồn ngoài xác? Linh mục Trần Cao Tường qua trang Dũng Lạc, xem: “Những huyền bí bên kia cõi chết qua hiện tượng Hàn Mạc Tử” tác giả tìm hiểu và đưa ra trường hợp của Jim:

“Hàn Mạc Tử đã thấy gì hôm đó? Trong “Ánh Sáng Biến Đổi” bác sĩ Morse thuật lại một truyện xảy ra của Jim cũng suýt chết đuối ở bờ biển California y như trường hợp Hàn Mạc Tử, mà ông gọi là “fear death” (chết vì quá sợ ):

“Khi thấy càng bị đẩy xa bờ hơn, tôi quá sợ hãi, và càng đạp mạnh hơn. Bỗng tôi thấy mình bay lên trên không khí nhìn xuống tôi đang bơi, giống như có hai cặp mắt cùng nối vào một óc… Rồi tôi được tràn ngập bởi một nguồn sáng, như mây bao phủ quanh tôi. Tôi thấy thích thú… Bỗng tôi trở lại thân xác tôi. Tôi nghĩ rằng tất cả cảm nghiệm này kéo dài khoảng một phút”.[6]

Ánh sáng trong trường hợp Hàn Mạc Tử ở bờ biển Quy Nhơn được biểu hiện là chính Đức Maria, mà sau này được người em là Nguyễn Bá Tín đã ghi lại như trình bày ở trên, trong bài:Ave MariaThánh Nữ Đồng Trinh Maria.[7]

2. Thành nhân

2.1. Nguyễn Trọng Trí thời niên thiếu theo Nguyễn Bá Tín ghi nhận về người anh của mình: có nhiều đam mê như bắn ná, quyền Anh, bơi lội, đọc sách… Nhưng rồi anh đã giã từ chúng rất sớm và vĩnh viễn dừng lại nơi thi văn cho đến lúc người thơ anh hao tàn. Tài năng thơ của Nguyễn Trọng Trí được người anh cả Nguyễn Bá Nhân (hiệu là Mộng Châu) phát hiện từ rất sớm, hai anh em có dịp đối thơ với nhau rất tâm đắc. Khoảng 14-15 tuổi anh đã viết Chơi giữa mùa trăng đó là một tác phẩm văn xuôi về thiên nhiên tuyệt vời, hứa hẹn một tài năng đầy triển vọng.

Những năm cả nước hướng về cụ Phan Bội Châu, nhà chí sĩ yêu tự do dân tộc, đang bị Pháp cho lưu trú ở Bến Ngự (Huế). Với Mộng Du thi xã, cụ tổ chức những cuộc thi hoạ thơ trên báo, và bài thơ Thức khuya của Phong Trần (bút hiệu của Nguyễn Trọng Trí) đã được cụ khen ngợi, cũng như ước ao “Hồng Nam Nhạn Bắc” có ngày gặp nhau, bắt tay cười lớn một tiếng cho hả lòng mong ước… Nguyễn Trọng Trí nổi tiếng vào thời kỳ đó (1930…). Thế nhưng, anh bị gạch tên khỏi danh sách những người đi Pháp du học, do anh đã có những cuộc giao tiếp với nhà chí sĩ họ Phan tại Huế [8].

Năm 1932, Nguyễn Trọng Trí làm thơ ký tại sở Đạc điền Quy Nhơn, anh thường lui tới hội quán và đọc rất nhiều sách. Anh thân quen và trở nên tâm giao với nhà thơ Quách Tấn, anh lên Đà Lạt vãn cảnh với bạn. Thi phẩm “Đà Lạt trăng mờ – Huyền ảo” được sáng tác hứng khởi từ thành phố thơ mộng này. Bài thơ đã được dệt thành nhạc nổi tiếng bởi nhiều nghệ sĩ tài danh. Vào thời gian này, anh cũng được mời làm giám khảo trong một cuộc thi thơ tại trường Quốc Học Quy Nhơn.

Năm 1934-1936, anh vào Sài Gòn làm báo, làm thơ, cuộc đời đem đến cho anh nhiều thành công, tình yêu, bè bạn; nhưng đời không mỉm cười với anh bao nhiêu, cuộc sống của anh đơn nghèo và đơn giản trong thời gian phiêu bạt làm báo tại Sài Gòn.

2.2 Tình yêu: Khi anh nổi tiếng, có nhiều người yêu anh và ái mộ thơ của anh. Thơ phong phú, tình đào hoa, cả hai đều đến với anh một lượt. Anh có nhiều người tình, mối tình nào cũng tha thiết diết da, nhưng hình như tình là để trao đổi thơ văn, chứ không đi đến cùng, khi anh bị bệnh anh đau khổ vì bệnh phong nan y, bệnh này trước đây làm cho nhiều người hãi sợ, bị xã hội xa lánh… Người tình Mộng Cầm, người đã từng gắn bó với anh, sang ngang:

Nhớ thôi lòng những sầu bi
Lệ rơi vào rượu hàng mi lờ đờ.

rồi anh cũng dần dần xa các mối tình khác vì nhiều lý do… như Hoàng Cúc, Mai Đình, Thương Thương, …Anh ước mơ người đẹp kín đáo, cổ điển: “kính nhi viễn chi” hay “thư trung hữu mỹ nữ”. Mối tình đầu của anh với Hoàng Hoa, rất đẹp, rất nên thơ, nhưng đã không vượt qua được vì vấn đề “lễ giáo” 

Mà anh hay em trong tim đều rạn
Dầu chôn sâu hình ảnh một người mơ.
(Hàn Mạc Tử, Đôi ta)

Khăn áo hôm nay tề chỉnh quá.
Muốn ôm hồn cúc ở trong sương.
(Hàn Mạc Tử, Hồn Cúc)

Những năm làm báo tại Sài Gòn, sống tự do phóng khoáng, xa gia đình; bè bạn muốn lôi kéo anh vào lối sống dễ dãi ăn chơi nơi đô thị phồn hoa. Trong thời gian này không ít câu thơ của anh mang tính nghệ thuật tả chân, thật tài tình:

Vô tình để gió hôn lên má
Bẽn lẽn làm sao lúc nửa đêm
Em sợ lang quân em biết được
Nghi ngờ đến cái tiết trinh em
(Hàn Mạc Tử, Bẽn lẽn)

Những dòng thơ dè dặt, giữ khoảng cách với những gì trải ra trước mắt, nhiều câu thơ diễn tả sự giằng co nội tâm với những mối tình:

Vườn chói lọi thì tình yêu phải ngợp
Tiết trinh còn, em phúc hậu hơn thơ
Tôi nín lặng âu là tôi mắc cỡ…
(Hàn Mạc Tử, Dấu tích)

Những người yêu đến với anh, với hương nồng tình yêu mời gọi… Thế nhưng anh “không” vào được, nhà thơ thật thà viết:

Hồn tôi mắc cỡ là vì
Không quen thưởng thức cái gì ngất ngây.
(Hàn Mạc Tử, Say nắng)

hay: Tôi không muốn gặp người tôi yêu,

Có lẽ vì tôi mắc cỡ nhiều…
(Hàn Mạc Tử, Tôi không muốn gặp)

Anh không theo kịp mối tình Mộng Cầm, người con gái mới, một phần khác vì anh “sợ phạm tội”, bởi con người anh, tư tưởng anh rất mẫn cảm trước các ân huệ của Chúa và sợ làm mất lòng Chúa… Trước đây 50 hay 60 năm, Việt Nam ta ở trong nền văn hoá Đông Phương, lễ giáo nghiêm khắc, kín đáo, e dè, vấn đề tính dục và phái tính ít được bàn đến, ngay đến các nhà giáo dục, bậc phụ huynh cũng tìm cách tránh né, nam nữ giao thiệp với nhau vẫn giữ khoảng cách tế nhị “nam nữ thụ thụ bất thân”, kính trọng, thuần phong mỹ tục luôn được đề caoTuổi thanh niên lao vào hoạt động, Hàn Mạc Tử sống xa gia đình, lại nhiều bè bạn, môi trường sống tự do rộng rãi, nếu anh không có một căn bản giáo dục vững chắc từ đời sống gia đình Kitô giáo lúc tuổi còn thơ, thì những chao đảo có thể khiến anh trở thành kẻ đói khát tình dục mà hậu quả khó có thể đo lường được”[9]. Mối tình của anh với Mộng Cầm say đắm thiết tha, khi đã chia tay nhau thì thật khổ luỵ, anh Trí thất vọng, mặc cảm, cô đơn và tràn xót xa: Thương nhớ về một tình yêu đổ vỡ, lời thơ đau khổ rơi nước mắt:

Trời hỡi, bao giờ tôi chết đi?
Bao giờ tôi hết được yêu vì,
Bao giờ mặt nhật tan thành máu
Và khối lòng tôi cứng tợ si.
(Hàn Mạc Tử, Những giọt lệ)

Ta lau nước mắt, mắt không ráo
Ta lấy tình nương rủa biệt ly.
(Hàn Mạc Tử, Tình Thu)

Mặc dầu giữa anh và Mộng Cầm có tình yêu tha thiết, đã có những buổi hò hẹn khá lãng mạn, anh đi khứ hồi từ Sài Gòn ra Phan Thiết để gặp Mộng Cầm… rồi cũng không đi đến đâu, mà trái lại đã làm anh thêm đau khổ sầu buồn và đắng cay, anh ghi lại:

Hỡi Phan Thiết, Phan Thiết,
Mi là nơi ta chôn hận nghìn thu
Mi là nơi ta sầu muộn ngất ngư…
(Hàn Mạc Tử, Phan Thiết)

Mối tình đẹp, nhiều kỷ niệm nên thơ, say đắm, nhưng sau này Mộng Cầm cũng xác nhận:“Chúng tôi rất mến nhau. Nhưng đó là mối tình thơ văn, còn xác thịt thì hoàn toàn không nghĩ tới, cha mẹ đã cho giao thiệp tự do, chúng tôi phải giữ gìn cho xứng đáng”.[10]

Một trang thanh niên tài hoa, thơ văn dào dạt, tình yêu nồng thắm, cuộc sống phóng khoáng tự do, nhưng một đường ranh vô hình nào đó, một động lực vô hình nào đó đã giữ gìn ấp yêu vây bọc anh, để anh không rơi vào tình trạng sa đoạ hoặc buông thả. Phải chăng, anh xứng đáng với cái tên rất đẹp, rất thơ mà Nguyễn Thụy Kha viết về anh qua một tác phẩm với tựa đề: “Hàn Mạc Tử, Thi sĩ Đồng Trinh”[11]

2.3. Những người bạn: Với bạn bè anh cởi mở, thân mật, chan hoà chia sẻ những gì anh có, vật chất lẫn tinh thần. Anh nhận mình là nhà thơ nghèo, thanh bạch, đồ đệ Mặc Dịch [12]. Hàn Mạc Tử là người có sức quy tụ, liên kết và thắt chặt tình bằng hữu giữa các bạn thơ, bạn đồng liêu; anh sống chân thành, tuy anh đã sớm giã từ thế trần này nhưng vị trí anh không mờ nhạt trong tâm hồn các bạn. Có chút gì hoặc tiền lương ít ỏi hằng tháng anh chia sẻ với bạn bè cách chan hoà, vô vị lợi. Nhóm bạn anh đã sống tình bạn đậm đà theo tinh thần Khổng Tử; “người quân tử nhờ văn chương học vấn mà hội họp bạn bè và nhờ bạn bè mà tiến lên đức nhân – Quân tử dĩ văn hội hữu, dĩ hữu phụ nhân”. Những tâm hồn thiện chí. những tài năng sáng tạo, bạn bè cảm thông nhau “tri âm – tri kỷ”, trung thành hoà nhập, thuỷ chung liên kết, giúp nhau tiến lên trên đường thi văn, sự nghiệp. Bây giờ, nhóm thơ Bình Định hay nhóm “Tứ Linh” trong họ đã lần lượt ra đi hết: (Hàn Mạc Tử-1940, Chế Lan Viên-1989, Quách Tấn-1992, Yến Lan-1998)…, nhưng hương thơm bè bạn giữa họ vẫn vây bọc lấy nhau, đến nỗi khi nhắc đến một người trong họ, ta lại liên tưởng đến mối tình quý hiếm bất diệt của nhóm thơ đó. Thế nhưng, khi anh biết mình phát bệnh, anh đau khổ lẩn tránh bạn bè, sợ làm phiền, và mặc cảm… chính vì vậy mà anh rất cô đơn. Anh cô đơn không chỉ vì bệnh và vì thiếu bạn (thơ), xa người thân, trong thời gian phải trốn lánh chỗ này sang chỗ kia.

Sao trìu mến thân yêu đâu vắng cả
Trơ vơ buồn và không biết kêu ai?
(Hàn Mạc Tử, Biệt ly)

Về sau, qua trao đổi thư từ, khi nhận được thư hay sự giúp đỡ của bạn thì anh rất vui, cái vui hồn nhiên, bộc lộ cách đơn sơ, chia sẻ buồn vui chân tình. Như khi phải nhận sự giúp đỡ của Quách Tấn, anh thấy khó xử, viết thư hỏi ý bạn là Trần Thanh Địch. Khi Quách Tấn gởi tiền để làm thuốc tể, anh cũng vui mừng tin cho bạn hay [13].

Bạn bè chiếm một chỗ đứng rất quan trọng trong cuộc đời của anh. Anh cần bạn để tri kỷ và để trao gởi niềm bí ẩn. Anh sống không thể không có bạn! Thật vậy, tình bạn của anh được đáp trả… Sau khi Anh qua đời, những số báo Người Mới cuối năm 1940, bạn bè anh đã viết những vần thơ, những tâm tình ca ngợi và mến tiếc anh, những cảm xúc, những lời khen tặng chân thành, khóc người bạn quý thương . TRÍ, Hàn Mạc Tử vẫn xưng hô cách thân mật với bạn bè như thế. Hàn Mạc Tử chính là kho báu của mối tình bạn đậm đà keo sơn trong nhóm họ.

3. Bệnh và qua đời

3.1. Hàn Mạc Tử bị bệnh vào năm 1936, lúc còn quá trẻ, mới 24 xuân. Thời gian đầu chưa phát hiện là bệnh gì, gia đình, nhất là người mẹ đã hết sức tận tình chăm chút con, nghe đâu có thầy hay thuốc tốt, bà đều đem con đến, nhưng chỉ gặp tia hy vọng rất mỏng manh, anh buồn phiền, hoảng hốt, tinh thần chao đảo, tiều tuỵ, đau nhức, anh rên siết:

Tôi đã cấu đã cào nhai ngấu nghiến!
Thịt da tôi sượng sần và tê điếng
Tôi đau vì rùng rợn đến vô biên …
(Hàn Mạc Tử, Hồn là ai)

Do việc chạy chữa, anh phải di chuyển, lánh đi từ chỗ này sang chỗ khác (1937 – 1939). Tâm trạng anh biến đổi qua thơ văn, nửa mơ nửa thực, khi đau đớn, lúc như xuất thần, làm thơ hay đọc kinh, cô liêu trên bãi vắng, đơn độc trong thôn xóm quạnh hiu, hay tủi thầm trong canh khuya lúc cả nhà đã yên giấc, anh đã hoảng sợ, như có hình ảnh ma quái chết chóc bám sát anh:

Chao ôi! ghê quá! ôi ghê quá!
Cảm thấy, hồn tôi ớn lạnh rồi!

Càng về sau, mặc dầu đang ở trong biển sầu đắng đó, nhưng anh đã gặp lại được chiếc phao niềm tin, ánh sáng của vầng trăng dịu dàng anh vẫn say mê đang dìu anh êm êm lướt sóng, bình an và thanh thản, những cơn đau đã làm anh có cơ hội tiến sâu vào lãnh vực siêu thực mà chỉ mình anh mới cảm nhận được… Bài Chơi giữa mùa trăng là con đường được mở ra từ “trong ánh sương mờ” anh chếnh choáng đi tìm “Con trăng lạc”. Hạnh phúc, sức khoẻ, sự nghiệp không còn ở trong tầm tay với, nhưng thật sự anh đã bước một bước mạo hiểm… vào xứ tràn ngập gió mây mà “không trào nước mắt, không thảm thê buồn” vì anh “đã nhập hồn mình trong khúc hát để nhờ không khí đẩy lên trăng”.

3.2. Yêu mến Đức Maria – Mẹ đồng trinh: Bài Ave Maria –hay Thánh Nữ Đồng Trinh Maria, bài tụng thi dài nhất trong dòng thơ của anh. Đức Maria đã vào đời anh như một vầng trăng tuyệt vời, là Nguồn trăng dịu dàng đã dìu anh đi trên giông bão cuộc đời anh. Chính anh muốn “Cho tình tôi nguyên vẹn tợ trăng rằm” để thơ anh tinh tuyền dâng Mẹ đồng trinh. Những người bạn nghe Hàn Mạc Tử ngâm lên bài Ave Maria thì hầu như thấy anh, ở một trạng thái đê mê, xuất thần.

Những năm cuối đời, nhất là lúc đã phát bệnh, đau đớn tột cùng, nhưng dần dần anh đón nhận bệnh hoạn, kiên trì chạy chữa, hy vọng rồi thất vọng, lành bệnh chỉ là mong manh… Anh đón nhận ý Chúa, lãnh lấy thập giá, cơn đau bệnh hoạn, thông phần vào ơn cứu rỗi đời mình trong kiên vững của niềm tin. “Thấy anh thích nguyện ngắm, tôi trao cho anh tập sách nhỏ tựa đề: “Imitation de Jésus Christ” của Linh mục Lamennais, anh vui mừng như bắt được của, nhất là khi đọc câu: “Dieu seul sait le temps et la manière de vous délivrer”, anh hớn hở lạ thường. Anh nói: Đúng rồi, chỉ có Chúa mới biết được lúc nào và bằng cách nào để giải thoát cho con. Từ đó, anh gia tâm cầu nguyện gắn bó tha thiết hơn”.[14]

Tràng chuỗi Mân Côi luôn có bên mình, anh kín đáo để tay trong túi áo mà lần hạt, đọc kinh hay ngâm thơ, lần hạt mỗi ngày nhiều lần. Phải chăng, niềm hy vọng, nguồn trợ lực của anh chính là Đức Trinh Nữ Maria, tràng hạt Mân Côi trong túi áo, mân mê nơi bàn tay co quắp, nhắc nhở người bệnh là con của Mẹ Maria, dâng “chuỗi ngọc” để yêu mến Người, cảm tạ Người… bàn tay khô khẳng đau đớn ấy có nhiều lúc cũng đã không giữ được tràng chuỗi!

Bài Ave Maria là bài thơ ưng ý nhất của anh, lời kinh Ave Maria chào kính Mẹ Việt Nam, do anh sáng tác để tỏ lòng ngưỡng mộ mến yêu Mẹ với chuỗi hạt kinh lần, là chuỗi ngọc vàng kinh, bằng Sao Mai chói rạng… Bài thơ dài nhất trong thi phẩm thơ của anh mở đầu: “Như Song lộc triều nguyên ơn phước”, rất trang trọng, uy nghi, cho đến Mầu nhiệm trọng đại trong cuộc đời Mẹ: biến cố Nhập Thể – Ra đời rất trọng vọng và kết thúc bằng: “Nguồn thiêng liêng yêu chuộng Mẹ Sầu Bi”. Khi nói đến Mẹ Sầu Bi thì người Kitô giáo nghĩ ngay đến giờ phút Mẹ lặng đứng dưới chân Thánh Giá dâng Chúa Giêsu Con Mẹ làm của lễ chuộc tội thế nhân. Anh đã suy niệm cách sâu sắc trong thầm lặng yêu mến về cuộc đời của Mẹ Maria để có thể viết lên những tâm tình trong trắng, sáng láng “Bằng Tràng hạt bằng Sao Mai chiếu rạng” như thế!

Năm 1940. Ngày 29-9-1940, anh vào trại phong Quy Hoà (Quy Nhơn, Bình Định), anh thâm tín cách sâu xa: “đều là vâng theo thánh ý cả”. Anh sống ở đây chỉ hơn hai tháng. Anh rất bình an, hạnh phúc, cảnh trời biển bao la tĩnh lặng, hợp với người thơ của anh. Mỗi ngày đọc kinh và chầu Mình Thánh Chúa vào buổi chiều, hạnh phúc lãnh nhận Bí tích Thánh Thể mỗi tuần vài lần, tâm hồn anh lâng lâng cảm động, anh đã viết những vần thơ sốt sắng:

Đây tất cả, hỡi ôi, Mình Thánh Chúa,
Của tế lễ là nguồn thương chan chứa
Đáng trọng thiêng và rất đáng mong ơn.
Ly tao rằng đàn ngọc cũng theo đờn
Bởi đạo hạnh rung muôn dây tình cảm.
(Hàn Mạc Tử, Say thơ)

Bình an trong ân sủng và niềm tin, anh vui vẻ sống chan hoà với những người đồng bệnh, biết ơn đối với những nữ tu săn sóc anh. Anh nhớ bạn bè và nhất là người mẹ đang đau khổ cùng đứa con yếu đuối bệnh hoạn này… Anh an tĩnh chuẩn bị hành trình về “Nước Cha cả có vô vàn châu báu”, anh gieo vào bạn bè ý tưởng siêu thoát rất thơ và cũng là chân lý, chết: “đó là ngưỡng cửa phải bước qua để đi vào cõi vĩnh hằng”. Như linh cảm mình không còn sống được bao lâu trong thung lũng sầu đau này nữa, trước khi chết anh đã viết cho mẹ dòng thư đứt ruột qua (Thủ bút):

“A maman de Quy Nhơn.
Viết mấy hàng chữ nầy để lạy từ tạ mẹ. Con bất hiếu. Trí”

Anh tin rằng anh sẽ về neo Bến Hằng Sống, cuộc hành trình tuy gần mà xa, xa mà gần, anh xin những người xung quanh cầu nguyện; lạc quan tin tưởng phó dâng vào tình yêu Thiên Chúa. Bài “La Pureté de l’âme”, ca tụng những thiên thần trần thế, những nữ tu Dòng Phanxicô đang phục vụ trong bệnh viện phong, bài thơ ngập trong điệu nhạc và hương hoa, anh viết những tâm tình chân thành tự đáy lòng, tràn ngập sự biết ơn và nhận ra được những ân huệ mà anh và những người đồng bệnh đón nhận mỗi ngày qua các “thiên thần hữu hình” thánh thiện đó. Niềm tri ân được bộc lộ, tràn lên trang giấy đã úa màu trong thể trạng bệnh tật, nơi ở là chốn cách ly với thế giới “người lành”…[15] Lời tri ân trong bài viết ấy, anh biểu tỏ một nhân cách trưởng thành phong phú; đón nhận ơn trời, cuộc sống; nhìn thẳng đau khổ và chấp nhận cái chết với ánh sáng niềm tin Kitô giáo dọi soi. Chết chưa là tận cùng mà là khởi đầu vinh quang là cánh cửa mở vào sự sống thiên thu, vĩnh hằng.

Đời, Đạo và Niềm tin trong người thơ Hàn Mạc Tử là một, hoà nhập thành thân thể máu huyết… Hơi thở của anh cũng là thơ văn, là lời cầu nguyện, là đức tin. Đức tin đã ướp vào trang thơ, chắp cánh cho nghệ thuật, tạo nên vẻ đẹp trong thơ anh. Anh lặng chìm vào Đạo như cá nhởn nhơ trong nước, tan biến như hạt muối hoà vào đại dương. Những ngày cuối đời anh, anh phải bị kiết lỵ, thân thể tiều tuỵ, kiệt sức cho đến khi “hồn lìa xác”. Ngày nay, các bác sĩ đưa ra nhận xét, bệnh nhân Nguyễn Trọng Trí có thể đã không chết vì bệnh phong (!). “Anh ấy bị nội tạng hư hỏng. Các “độc tố” mạnh… do các thầy lang băm đã giết anh”(Ces charlatans l’ont tué)[16]. Sau này, có dịp đi thực tế tại khu điều trị bệnh phong Quy Hoà (1993), bác sĩ Phan Cao Toại, đang làm việc tại đó, cũng có nêu ý kiến như trên: “Hàn Mạc Tử không chết vì bệnh phong!”.[17]

3.3 Qua đời: Ngày 11-11-1940 chuông nguyện thánh đường của khu điều trị bệnh phong Quy Hoà rơi từng giọt buồn đưa tiễn linh hồn anh. Anh được chôn cất giữa những người đồng bệnh. Cây thánh giá gỗ khiêm tốn phủ bóng lên ngôi mộ anh. Anh nằm đó như hạt lúa gieo vào lòng đất đợi ngày trổ sinh bông hạt. Thế là Phượng Hoàng – Hàn Mạc Tử đã bay, bay vào Mùa Xuân bất tận mà anh đã từng chiêm ngưỡng trong những phút xuất thần.

Năm 1959, gia đình anh đã đến nghĩa trang bệnh viện phong Quy Hoà, lấy hài cốt, đưa anh lên Ghềnh Ráng, đặt mộ thi nhân trên cao đó, nhìn ra biển đông… trên mộ thi nhân, hình ảnh Đức Mẹ ban ơn đưa tay che chở anh, ảnh thánh Maria mà anh ước ao lúc còn sống [18].

II. SỰ NGHIỆP THƠ CỦA HÀN MẠC TỬ

Nhiều tên hiệu, bút danh: Minh Duệ Thị, Lệ Thanh, Phong Trần, cuối cùng là Hàn Mạc Tử.

– Nhiều bài Thơ Đường luật
– Lệ Thanh thi tập
– Chơi giữa mùa trăng
– 1930: Xuất bản tập thơ đầu tiên: Gái quê
– 1937: Thơ điên
– 1939: Xuân như ý
– 1940: Thượng thanh khí
– Cẩm châu duyên, hai kịch thơ Duyên kỳ ngộ và Quần tiên hội (sau này Đơn Phương– cũng là một bệnh nhân phong đã viết tiếp và hoàn tất hai tác phẩm đó rất thành công)
– Viết trên các báo: Phụ nữ Tân văn -Thực nghiệp Dân báo – Sài Gòn – Công luận văn chương – Người Mới – Tân thời- Trong khuê phòng, với nhiều đề tài khác nhau…
– Nhiều bài giới thiệu thơ bằng văn xuôi của các bạn trong Nhóm Thơ Bình Định.

Thơ và các bài viết của Hàn Mạc Tử luôn là những nguồn thơ sâu sắc, thắm đẵm tình quê, tình yêu, tình bạn, thơ đời, thơ đạo… được sáng tạo, bằng Máu và Hồn, Đời và Đạo, Đau khổ và Hạnh Phước, Gian nan và Siêu thoát, Hữu hạn và Vô biên….

Hàn Mạc Tử luôn là vấn đề được đặt ra cho những người muốn tìm hiểu, nghiên cứu về một dòng thơ lạ lấp lánh cái Đẹp như trăng sao tinh tú, cái Đẹp của Chân -Thiện – Mỹ đáng tìm kiếm và ước mơ.

Theo Linh mục thi sĩ Trăng Thập Tự, tôi viết tặng thi nhân vần thơ mọn khi thi nhân đã được tôn vinh trong dòng thơ dân tộc, dịp Kỷ niệm 100 năm ngày Phanxicô Nguyễn Trọng Trí – Hàn Mạc Tử để thi nhân có thẻ mỉm cười tươi thắm khi thi nhân đã đi vào quê hương Bình An, có vô vàn châu báu mà thi nhân đã bao lần ngưỡng vọng.

Hàn Mạc Tử “con trăng nằm yên nghỉ,
Vầng dương lên trăng theo gió hiển linh”
Phượng Trì đài lung linh hình dáng Mẹ
Hồn thơ say nép áo Mẹ Đồng Trinh.

NGUYỄN THỊ TUYỆT


 

[1] Sổ Rửa tội tại Giáo xứ Tam Tòa, còn lưu tại Giáo xứ Tam Tòa, giáo phận Đà Nẵng, cuốn số 2 từ số 1905- đến 1914, bằng tiếng Latinh.
[2]
 Giáo xứ Mỹ Hương, thuộc giáo phận Bắc Đàng Trong, được dời về Tam Tòa, lập thành giáo xứ Tam Tòa, sau biến cố 1885-1886, bây giờ thuộc giáo phận Vinh từ năm 2000.
[3]
 Nguyễn Bá Tín, Hàn Mạc Tử, anh tôi, trang 12-14, in tại xí nghiệp Tân Thành, quận 5, Tp HCM 1992.
[4]
 Nguyễn Bá Tín, Hàn Mạc Tử anh tôi, sđd, trang 17-19.
[5]
 Nguyễn Bá Tín, Hàn Mạc Tử anh tôi, sđd, trang 103.
[6]
 LM Nguyễn Cao Tường, trang internet Dũng Lạc.
[7]
 Nguyễn Bá Tín, Hàn Mạc Tử anh tôi, sđd, trang 103.
[8]
 Nguyễn Bá Tín, Hàn Mạc Tử anh tôi, sđd, trang 24-26.
[9]
 Nguyễn Bá Tín, Hàn Mạc Tử anh tôi, sđd, trang 103.
[10]
 Châu Hải Kỳ, Xin tỏ chút lòng để tạ lỗi xưa. Văn 1967, tập II, trang 77.
[11]
 Nguyễn Thụy Kha, Thi sĩ Đồng Trinh, Nxb Đà Nẵng 1993.
[12]
 Mặc Địch ( khoảng năm 450-400): Đại triết gia Trung Hoa, lập Mặc Giáo kiêm ái: tất cả thiên hạ đều yêu thương nhau như anh em.
[13]
 Trần Thanh Mại, Hàn Mạc Tử, Tân Việt xb, Nha Thông Tin Nam phần VN, in lần 3, 1957.
[14]
 Nguyễn Bá Tín, Hàn Mạc Tử trong riêng tư, trang 91, Nhà in Tuần báo Văn nghệ Tp HCM, xb năm 1994.
[15]
 “người lành”: Bên ngoài khu điều trị bệnh phong Quy Hòa, phía Tây- Nam, có một ngôi làng nhỏ, dành cho những người không nhiễm bệnh, gọi là người lành (tác giả)
[16]
 Nguyễn Bá Tín, Hàn Mạc Tử anh tôi, Sđd, trang 134.
[17]
 Ý kiến này thuộc lãnh vực y khoa, không dám lạm bàn (Tác giả).
[18]
 Nguyễn Bá Tín, Hàn Mạc Tử anh tôi, sđd, trang 135.