Halleluia! Hãy vui lên, hãy reo lên! Chúa đã sống lại!

124

Halleluia! Hãy vui lên, hãy reo lên! Chúa đã sống lại!

Hôm nay, ngày Chúa sống lại, ngày khai mở một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên cứu độ. Nếu cuộc tạo dựng thứ nhất được khởi đầu với Lời Chúa phán: hãy có, hãy hiện hữu (x. St 1,3) – Lời có sức mạnh phá tan sự hỗn độn của tăm tối ‘tohu va bohu”, gây nên một tiếng nổ “big bang” để khởi đầu công cuộc tạo dựng vũ trụ từ trong cảnh hỗn mang, Lời đã đem vũ trụ vào hiện hữu, sự sống được khai sinh – thì biến cố Phục Sinh lại diễn ra âm thầm nơi ngôi mộ đóng kín, nhưng tiếng vang đã dội khắp hoàn cầu, đó là tiếng reo mừng của cả tạo vật được giải thoát. Chúa đã dùng Lời để đưa tạo vật vào hiện hữu trong cuộc tạo dựng thứ nhất, thì biến cố Phục Sinh đã khởi đầu một cuộc tạo dựng mới, chính Lời thành xác phàm đã đưa hiện hữu trở về với Thiên Chúa. Tiếng nổ “big bang” của cuộc tạo dựng mới không phát ra từ Lời Thiên Chúa nhưng từ môi miệng của tạo vật được cứu độ. Halleluia, hãy mừng vui lên, Chúa đã sống lại!

Nếu như biến cố chịu khổ nạn của Chúa Giêsu gây sự chú ý cho nhiều người, thì biến cố Phục sinh lại diễn ra trong âm thầm. Không ai biết tự khi nào và như thế nào, thân xác được mai táng trong mộ của Chúa Giêsu đã phục sinh. Không ai thấy, cũng chẳng ai có thể biết diễn tiến của biến cố này. Chúng ta chỉ biết rằng, ngày thứ nhất trong tuần, khi trời còn sớm, Maria Magdala, người phụ nữ được tình yêu thúc đẩy đã đi đến mộ và phát hiện ra ngôi mộ đã trống. Hai môn đệ được báo tin vội chạy ra tới mộ và thấy trong ngôi mộ trống ấy sự tĩnh lặng, trật tự nhưng trống trải. Thân xác Chúa đã không còn ở đó nữa.

Những lần hiện ra của Chúa cũng không ồn ào náo nhiệt. Ngài hiện diện trong căn phòng cửa vẫn còn đóng kín, Ngài thổi hơn và ban bình an cho những tâm hồn đang tràn đầy kinh hoàng và thất vọng vì cuộc tử nạn mới diễn ra (Ga 19,20-23); Ngài đồng hành với hai môn đệ trên đường Emmau như  người khách bộ hành tình cờ gặp trên đường (Lc 24, 13-35); Ngài ở ngay cạnh Maria Magdala nhưng cô lại cứ ngỡ người làm vườn (Ga 20,15). Sức mạnh của Chúa Phục sinh hoạt động âm thầm nhưng và mạnh mẽ như chút men được ủ trong bột làm cho cả khối bột dậy men; như một hạt giống được gieo xuống đất âm thầm mọc lên. Sức mạnh ấy không ép buộc, không làm thay, nhưng có sức biến đổi và nâng dậy sự yếu đuối của con người: Phêrô chối Thầy đã can đảm đứng lên giảng dạy trước công chúng (Cv 2,14-41); các tông đồ hèn nhát bỏ chạy đã mạnh dạn tuyên xưng đức tin và trở nên những vị tử đạo; một nhóm người chài lưới theo Thầy Giêsu đã trở nên những con người biến đổi cả thế giới.

Phục sinh không phải chỉ là một biến cố nhưng là một Mầu Nhiệm Sống. Chúa Kitô Phục sinh đã luôn sống động giữa các môn đệ và các tín hữu trong Giáo hội tiên khởi để biến đổi các ngài thành những sứ giả loan báo Tin Mừng cứu độ. Ngày hôm nay, Chúa Phục sinh cũng đang sống động ở giữa chúng ta để ban sức mạnh cho chúng ta. Thánh Phaolô trong thư Côlôsê nêu rõ: “Anh em đã được chỗi dậy cùng với Đức Kitô, nên hãy tìm kiếm những gì thuộc thượng giới…đừng chú tâm vào những gì thuộc hạ giới” (3,1-2). Cùng với Chúa Kitô, chúng ta đã được chỗi dậy từ cõi chết, được tự do khỏi mọi ràng buộc của tội lỗi và sợ hãi. Vậy hãy nên như Phêrô, như Gioan, như các môn đệ, như Maria Magdala…, chỗi dậy từ sự yếu đuối và giới hạn của con người, để tình yêu của Chúa Phục sinh biến đổi, và như thế chúng ta cùng họp đoàn với các ngài và cả tạo vật cất tiếng reo vang Tin Mừng giải thoát. Chúa đã sống lại! Allêluia, Allêluia, Allêluia!

Sr. Anna Nguyễn Hiệp, MTG Thủ Đức