Hai tiếng “Thưa Vâng”

200

“Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà” (Lc 1, 28). Đó là lời chào của sứ thần Gáprien dành cho Đức Maria. Đã từ lâu, tôi vẫn nghĩ lễ Truyền Tin ( 25/03) là lễ dành cho Đức Maria. Bởi lẽ, sứ thần Gáprien được sai đến để truyền tin cho Đức Mẹ. Thật ra, có một nhân vật vô cùng khiêm tốn mà tôi đã bỏ quên, đó là Hài Nhi Giêsu.

Khi chiêm ngắm biến cố truyền tin, tôi nhận ra một người nữ được Thiên Chúa đoái thương. “Đấng đầy ân sủng” là Đấng được Thiên Chúa yêu thương cách riêng, được sủng ái. Đó cũng là tên mà sứ thần dùng để chào Đức Maria. Quả thật, Mẹ được Thiên Chúa ở cùng và được đoái thương cách riêng. Mẹ đã lắng nghe hết mọi lời của sứ thần nói với mình và sau cùng thưa tiếng “Xin Vâng” với vai trò là “nữ tỳ của Chúa” ( x. Lc 1, 38). Nhờ tiếng “Xin Vâng” của Đức Maria mà Con Một Thiên Chúa đã xuống thế làm người. Nói về Đức Maria, tôi chỉ muốn dành cho Mẹ tất cả tình yêu và lời ca khen, cảm tạ Mẹ. Mẹ thật là người nữ tuyệt vời nhất. Mỗi lần, tôi rước Chúa Giêsu Thánh Thể, tôi chỉ biết nài xin Mẹ dẫn tôi đến gần với Chúa Giêsu, xin Mẹ dạy tôi biết để Chúa Giêsu nhập thể trong lòng tôi. Là người nữ, tôi xin Mẹ dạy tôi cưu mạng và đem Chúa Giêsu đến với mọi người; cùng xin Mẹ thưa tiếng “Xin vâng” với Chúa mỗi ngày. Quả thực, tôi còn phải dùng cả cuộc đời để theo sát Chúa Giêsu như mẹ Maria đã làm. Đó là điều mà tôi ấp ủ.

Tôi phải thú thực về sự thiếu sót của tôi khi để quên Chúa Giêsu quá lâu trong biến cố này. Mẹ Maria đã để Con Một Thiên Chúa khiêm cung ngự vào lòng mình nhờ quyền năng Chúa Thánh Thần. Còn Con Một Thiên Chúa chấp nhận đi xuống ở trong lòng một người nữ. Đó quả là một mầu nhiệm. Nếu tôi cứ cố tìm cách giải thích, tìm cách để hiểu thì hẳn tôi đang đi vào ngõ cụt. Chúa Giêsu dạy tôi dùng đức tin và tình yêu để nhìn về biến cố này. Tại sao tôi cứ phải quanh quẩn trong lối suy nghĩ của bản thân mà lại không biết rằng, con người rất giới hạn, còn tình yêu của Thiên Chúa thì vô hạn. Nghĩ đến đó, tôi càng cảm phục Chúa Giêsu và yêu mến Ngài hơn. Bởi, Ngài là Thiên Chúa nhưng lại không ngần ngại để thưa vâng với Cha, chấp nhận đi xuống trần gian để sống kiếp người, sau cùng chết trên thánh giá để cứu chuộc con người, trong đó có tôi. Tôi tự hỏi, phải chăng tiếng “Thưa Vâng” của Mẹ Maria và Chúa Giêsu là một. Không hẳn thế, nhưng thiết nghĩ, tiếng “Thưa Vâng” của Mẹ mở đường cho tiếng thưa vâng của Chúa Giêsu. Tiếng “Thưa Vâng” của con người mở đường cho tiếng “Thưa Vâng” của Con Một Thiên Chúa. Từ nay, Con Một Thiên Chúa mang hai bản tính: Thiên Chúa và con người. “Mở đường” ở đây không có nghĩa là có trước. Tiếng “thưa vâng” của Con Thiên Chúa có từ đời đời. Khi Mẹ Maria “Thưa Vâng” với thánh ý Thiên Chúa đồng nghĩa với việc tiếng “Thưa Vâng” của Con Một Thiên Chúa được trở nên sống động và hiện hữu, nhờ đó con người có thể đón nhận được mầu nhiệm cao cả của tình yêu Thiên Chúa. Chúa Giêsu, Đức Vua tình yêu đã quá khiêm hạ, buông mình để thi hành ý Chúa Cha, đi vào trần gian chung chia phận người với tôi.

Tiếng “Thưa Vâng” của Đức Giêsu và của Mẹ Maria là tiếng “Thưa Vâng” của tình yêu. Mỗi ngày sống mở ra cho tôi là lời mời gọi đáp trả tình yêu Chúa dành cho tôi. Tình yêu đáp đền tình yêu. Ước chi tôi cũng biết buông mình để hoàn toàn thực thi theo ý Chúa. Tiếng thưa vâng của tôi cũng phải là tiếng thưa vâng của tình yêu. “Đừng để ngày sống qua đi mà không có tình yêu”. Yêu thương là tiếng thưa vâng đẹp nhất. Chính khi ấy là cơ hội để tôi cho Chúa Giêsu nhập thể trong lòng tôi nhờ quyền năng Chúa Thánh Thần.

Cậy Nguyễn, Tập sinh MTG.Thủ Đức