Một lần nọ, ma quỷ nói với Thánh Catherina Siena: “Nếu mày không chiều theo chúng tao thì chúng tao sẽ không giảm bớt các cuộc tấn công cho đến ngày mày chết.” Bà trả lời ngay: “Tôi đã quyết chọn đau khổ làm nguồn sức mạnh của tôi. Điều đó chẳng gian truân gì đối với tôi, nhưng đúng hơn là một niềm vui, tôi sẵn lòng vì Đấng Cứu Độ mà chịu đựng tất cả những gì các ngươi gây ra cho tôi, trong thời gian bao lâu tùy uy linh Ngài muốn.”
Không ai muốn đối mặt với đau khổ, nhưng đau khổ lại là điều cần thiết, vì nhờ đau khổ mà người ta mới thành nhân. Thánh Rosa Lima cho biết: “Thiếu gánh nặng đau khổ thì không thể đạt đến đỉnh cao ơn thánh. Những tặng phẩm ơn thánh gia tăng khi các cuộc giao chiến gia tăng.” Thật vậy, người ta sa đọa vì sống sung sướng, thế nên Chúa mới nói rằng “nhà giàu khó vào Nước Trời.” (Mt 19:23; Mc 10:23; Lc 18:24)
Cái gì cũng có mặt trái và mặt phải, đơn giản như chiếc lá cũng có hai mặt. Thánh Augustinô nói: “Cùng một đau khổ, nhưng nó minh chứng, thanh luyện và làm thuần thục những người lành, nhưng nó lại kết án, phế truất và loại bỏ những kẻ xấu.” Khác nhau là cách nhìn, cách hiểu, cách chịu đựng, chứ không phải là đau khổ nhiều hay ít, to hay nhỏ, lâu hay mau.
Công thức 1 + 1 = 1 là phép tính không thuộc lĩnh vực toán học, vì đó là phép tính sai hoàn toàn, nhưng theo phạm trù triết học thì lại đúng hoàn toàn. Triết lý sống luôn có điều kỳ diệu mà lý trí không thể hiểu hết được, nhất là về đau khổ, vì đó là một mầu nhiệm. Công thức 1 + 1 = 1 ở đây là cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu và cuộc tử đạo của Mẹ Maria. Hai nỗi đau khổ hòa quyện vào nhau – Con không xa Mẹ, Mẹ chẳng rời Con.
- CHÚA ĐAU KHỔ
Thời xưa, biện pháp xử tử ghê rợn nhất dành cho các tử tội là thập giá. Là chính nhân nhưng Chúa Giêsu bị người ta ghét hơn cả tội phạm khét tiếng Baraba, thế nên Ngài phải chịu đóng đinh vào thập giá. Thế nhưng Ngài đã lật ngược thế cờ, chính thập-giá-đau-khổ trở thành “đòn bẩy” tới vinh quang, là lối vào ánh sáng, là lợi khí chiến thắng, là biểu tượng cứu độ và là phương cách giải thoát khỏi đau khổ.
Lạ lùng về một trường hợp điển hình: Một Saolê từng gay gắt bách hại đối với bất cứ ai dám yêu mến Thánh Giá, nhưng nhờ cú ngã ngựa và bị mù mắt thể lý để rồi được đứng thẳng và sáng mắt tâm linh, đặc biệt là trở thành một Phaolô “khác người” với niềm ước mong: “Ước chi tôi chẳng hãnh diện về điều gì ngoài thập giá Đức Giêsu Kitô.” (Gl 6:14) Đó là ước mong kỳ diệu chứ không kỳ quặc. Việt ngữ cũng rất lạ: THÁNH GIÁ là cái GIÁ để NÊN THÁNH. Thảo nào Chúa Giêsu đã xác định rằng “không thể theo Ngài nếu không chịu vác thập giá hằng ngày.” (Mt 10:38; Mt 16:24; Mc 8:34; Lc 9:23; Lc 14:27)
Và rồi hơn 1.600 năm sau, ĐGM Pierre Lambert de la Motte (1624–1679, Hội Thừa Sai Pháp) cũng hóa thành “dị nhân” khi quyết tâm chỉ yêu mến Thánh Giá mà thôi, cụ thể là ngài đã lập Dòng Mến Thánh Giá tại Việt Nam. Xưa cũng như nay, bất cứ ai thích Thánh Giá đều bị coi là ngược đời, điên loạn hoặc ngu xuẩn, chí ít cũng là dại dột. Thế nhưng Đức Kitô vẫn khuyên chúng ta vác thập giá mà theo Ngài. Chắc chắn phải có lợi thì Ngài mới khuyên như vậy. Chỉ những ai thực sự tin tưởng và can đảm mới có thể bước trên Đường Thập Giá và miệt mài bước đi suốt đời chứ không chỉ trong thoáng chốc, vài ngày, vài tháng hoặc vài năm.
Thầy sao, trò vậy. Không thể khác được. Chúa Giêsu chịu đau khổ tột cùng trên Chặng Đàng Thánh Giá thì cuộc đời Kitô hữu cũng là Hành Trình Thập Giá, có rất nhiều thứ xấu xa để chúng ta phải cố gắng “chết” vì yêu mến Đức Kitô. Hành trình đó là hành trình tử đạo liên lỉ, rất cần ngước nhìn lên Chúa Giêsu bị treo trên Thánh Giá như dân Israel xưa ngước nhìn lên con rắn đồng để được chữa lành. (x. Ga 3:13-15)
Thời đại chúng ta đang sống là thời cuối cùng, là “khoảng thời gian thương xót cuối cùng,” không còn dịp khác. Thánh Faustina nói: “Mọi sự bắt đầu bằng Lòng Thương Xót của Ngài và cũng kết thúc bằng Lòng Thương Xót của Ngài. Mọi ân sủng tuôn chảy từ Lòng Thương Xót của Ngài, và những giờ khắc cuối cùng đầy tràn Lòng Thương Xót của Ngài. Đừng để ai nghi ngờ lòng nhân hậu của Thiên Chúa; mặc dù tội lỗi của con người đen tối như màn đêm, Lòng Thương Xót của Thiên Chúa vẫn mạnh hơn nỗi đau khổ của chúng ta.” (Nhật Ký, số 1506)
Ai tin nhận Đức Giêsu Kitô là Thiên-Chúa-nhập-thể-làm-người thì được cứu. Chính Chúa Giêsu cho biết: “Ai tin vào Con của Người thì không bị lên án; nhưng kẻ không tin thì bị lên án rồi, vì đã không tin vào danh của Con Một Thiên Chúa.” (Ga 3:18)
Thập Giá là vinh quang, là chiến thắng, chứ không là thất bại như loài người suy diễn. Thi sĩ kiêm kịch tác gia Pierre Corneille (1606-1684, Pháp quốc) đã có nhận xét thú vị và rất đúng: “Chiến đấu càng gian nan, khải hoàn càng vinh quang.” Thật vậy, cuộc sống cho chúng ta thấy rằng không có niềm hạnh phúc nào mà lại không có dấu vết của sự đau khổ. Hy sinh mức nào thì được đền bù mức đó.
Có ngụ ngôn “Hoàng Tử và Thanh Kiếm” thế này: Một hôm, Vua Charles V kêu hoàng tử đến và cho quyền lựa chọn. Trên bàn, nhà vua đặt một THANH KIẾM và một TRIỀU THIÊN. Vua cha hỏi: “Con chọn cái nào?” Chần chừ một lúc, hoàng tử cầm lấy thanh kiếm. Thấy lạ, vua cha hỏi: “Sao con lại chọn thanh kiếm?” Hoàng tử cầm thanh kiếm chỉ vào vương miện và đáp: “Nhờ thanh kiếm này, con sẽ được triều thiên kia.” Truyện ngắn gọn nhưng hàm ý thâm thúy: ĐAU KHỔ LUÔN ĐI TRƯỚC HẠNH PHÚC. Điều đó như một chân lý bất biến vậy.
- MẸ KHỔ ĐAU
Con và Mẹ không thể tách rời. Con đau thì Mẹ khổ, con khổ thì Mẹ đau. Đau khổ của Chúa Giêsu không thể đếm được, nhưng Giáo Hội có đề cập 7 lời cuối của Ngài. Đau khổ của Đức Mẹ cũng khó đếm, nhưng Giáo Hội đề cập 7 nỗi đau của Mẹ:
- Khi ông Simêon nói tiên tri về “lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn.” (Lc 2:35)
- Khi tỵ nạn ở đất nước Ai Cập ngoại giáo: Chịu nghèo khổ, vất vả, gian nan.
- Khi lạc mất Con Trẻ Giêsu trong Đền Thờ, ba ngày mà dài đằng đẵng.
- Khi gặp Chúa Giêsu nhọc nhằn vác Thập Giá lên Đồi Sọ mà không thể giúp đỡ Con.
- Khi Chúa Giêsu bị đóng đinh, một lưỡi gươm như đâm nát cõi lòng.
- Khi đón nhận Thánh Thể Chúa Giêsu trong tình trạng bất động.
- Khi an táng Con Yêu trong mộ, rồi được Thánh Giuse Arimathê dìu ra khỏi mộ.
Giống như 7 nốt trong âm nhạc, chúng ta có thể coi 7 nỗi đau của Đức Mẹ là 7 cung tình trầm lắng. Các nỗi khổ của Đức Mẹ hòa quyện vào nỗi đau tột cùng của Chúa Giêsu, và Đức Mẹ trở thành Đấng hiệp thông cứu chuộc nhân loại. Với chuỗi đau khổ đó, Đức Mẹ âm thầm chịu tử đạo về tâm hồn vì các khổ hình của Chúa Giêsu và vì tình yêu vĩ đại Đức Mẹ dành cho Người Con Yêu Dấu.
Với kinh nghiệm làm người, ai cũng biết rằng tình cảm của người mẹ luôn dạt dào, nhưng đôi khi chỉ thể hiện điều vui ra bên ngoài mà không thể hiện điều buồn vì mẹ chỉ muốn con vui chứ không muốn con buồn. Nước mắt luôn chảy xuống và chảy vào trong. Người mẹ là một kỳ công của Thiên Chúa. Người mẹ trần gian tội lỗi mà còn kỳ diệu như vậy, hẳn là Người Mẹ tâm linh phải kỳ diệu hơn gấp bội. Đối với tình mẫu tử trần gian mà chúng ta còn chưa hiểu được thì chắc chắn chúng ta không thể hiểu được tình mẫu tử thiêng liêng.
Mặc dù người mẹ trần gian có thể chỉ là người ít học hoặc không có kiến thức rộng, thậm chí là không biết chữ, nhưng người mẹ vẫn luôn nhạy bén và nhận biết mọi thứ về người con – dù đứa con còn nhỏ bé hay đã lớn khôn. Người ta có thể lừa vài người được mọi lần hoặc vài lần, nhưng không thể lừa được người mẹ của mình dù chỉ một lần. Văn sĩ Honoré de Balzac (1799-1850, người Pháp, trường phái hiện thực) đã nhận định: “Trái tim người mẹ là vực sâu thăm thẳm mà ở đáy luôn tìm thấy lòng tha thứ.” Thật kỳ diệu quá, thực sự chúng ta không thể nào hiểu nổi.
Chỉ là loài phàm nhân, với nhiều sai lầm và tội lỗi, thế mà người mẹ trần gian vẫn có điều gì đó quá đỗi kỳ diệu và bí ẩn, huống chi với Người Mẹ tâm linh – Đức Maria. Rõ ràng chúng ta tồi tệ vô cùng. Cụ thể là ba mệnh lệnh Fátima chưa được thi hành đúng mức như Đức Mẹ mong muốn. Phải chăng đó là nỗi đau thứ tám của Đức Mẹ do chúng ta tạo ra?
Đây là nhận xét của bậc đáng kính GH Piô XII (1876-1958) dành cho mỗi chúng ta ngày nay: “Tội lớn nhất của con người không phải là tội này hoặc tội kia, mà là ĐÁNH MẤT CẢM THỨC TỘI LỖI.” Thật là kinh hãi! Không còn cảm thức về tội lỗi thì không còn sợ tội, không cảm thấy hành vi sai trái của mình là tội lỗi, không nhận biết mình là tội nhân – tức là lương tâm hóa chai lì, cằn cỗi, xơ cứng. Nếu vậy, chúng ta có thể xứng đáng lãnh nhận ơn tha thứ của Thiên Chúa – Đấng Thương Xót – hay không? Không ai có thể trả lời ngoài chính mỗi chúng ta.
Lạy Thiên Chúa giàu lòng thương xót, xin tha thứ tội lỗi cho con. Với tâm tình sám hối chân thành, con xin chấp nhận đau khổ hằng ngày để tôn vinh Ngài, để cứu các linh hồn và để đền tội của con và toàn thế giới. Xin cho mọi người được nên một với Ngài trong Mầu Nhiệm Thập Giá. Xin ban thêm can đảm và sức mạnh để mọi người vui sống và ôm lấy Thánh Giá suốt đời, đặc biệt trong thời dịch cúm Tàu này. Con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu, Đấng Cứu Độ duy nhất của nhân loại. Amen.
TRẦM THIÊN THU