Một trong những nguyên do đẩy ta đến chỗ bất an là việc ta cứ hay so sánh mình với người khác. Ta tự hỏi tại sao những người kia có cái này cái nọ mà ta lại không có. Tại sao họ thông minh hơn mình, tại sao họ giỏi giang hơn mình, tại sao họ đẹp hơn mình, tại sao gia cảnh của họ tốt hơn mình… Những câu hỏi ấy cứ lởn vởn trong đầu mình, gây cho mình một mặc cảm là dường như Tạo Hóa bất công quá, dường như người ta có tất cả mọi thứ, còn mình thì không. Ta cảm thấy buồn và trở nên tự ti, vì rơi vào suy nghĩ là mình chẳng có gì, mình không thể làm được gì, mình có nỗ lực cả đời cũng không bằng người ta. Nhìn thấy thế giới của người kia sao tươi đẹp và rạng rỡ quá, ta ước ao mình cũng được như vậy. Từ đó, ta dường như chỉ còn biết mơ mộng cuộc sống của người khác mà đánh mất đi những giá trị quý báu mà Tạo Hóa đã đặt để trong chính mình.
Tạo Hóa đã dựng nên mọi loài không như kiểu nhà máy sản xuất hàng hóa, mọi thứ đều giống nhau. Sở dĩ ta thán phục Tạo Hóa là vì trong hàng tỷ tỷ thọ sinh hiện hữu dưới gầm trời này, chẳng có loài nào hoàn toàn giống nhau. Từ những tinh cầu lớn nhất đến những sinh vật nhỏ bé nhất, tất cả đều có những nét riêng biệt, hữu ích cho chính nó và cũng giúp cho nó tồn tại mà loài khác không thể nào có được. Tạo Hóa đã ban cho con chim đôi cánh, là vì Ngài muốn nó tung bay giữa khoảng trời xanh, vượt qua những cánh rừng sâu, lướt trên những con sóng dữ. Vùng trời là chốn thân quen của chúng, ngọn gió là bạn của chúng. Loài cá không được hưởng nếm cái đẹp của nền trời, nhưng lại được ban cho cả một đại dương rộng lớn. Kết cấu của loài cá cho phép nó lượn lờ dưới tận đáy sâu, khám phá những bí hiểm và cái đẹp dưới nước. Tạo Hóa không ban cho con chim những gì thuộc về con cá, và không ban cho con cá những gì là đặc nét của con chim. Loài nào cũng được Ngài ưu ái cách riêng, cũng được ban cho đủ những gì cần thiết. Bầu trời có thể là tất cả với con chim, nhưng chẳng là gì trong suy nghĩ của con cá. Đại dương có thể là sinh mạng của con cá, nhưng chẳng có tí quyến rũ nào với con chim. Mỗi bên có cái gì đó là của riêng, và được mời gọi để hoàn thiện mình trong cái nét riêng ấy.
Hẳn nhiên là chẳng ai trong chúng ta hoàn hảo và tuyệt đối, vì chỉ có Thiên Chúa mới có được điều này. Nhưng khi dựng nên chúng ta, Thiên Chúa luôn đặt để trong chúng ta cái gì đó, mà không ai, kể cả những người tài năng nhất, có thể thay thế. Ta là duy nhất, là cái riêng mà Thiên Chúa làm nên. Không ai “đóng vai” là ta, trước khi ta sinh ra. Và khi ta chết đi rồi, thế giới này xem như đã mất đi cái gì đó. Ta có một vị trí độc nhất và cao cả trong mắt Chúa, vì chính Ngài dựng nên ta, phản ánh một đặc nét nào đó của Ngài. Thế nên, ta có thể không bằng người này một đôi điểm, nhưng chắc chắn có những điều người ấy sẽ không được như ta. Ta cần phải nhận thức rõ phẩm giá và địa vị cao quý này của mình để không bao giờ thất vọng hay buồn phiền về chính bản thân, hay cảm thấy mình dường như bị cuộc sống này tước mất đi tất cả.
Tạo Hóa rất công bằng. Ngài lấy của ta cái này, nhưng Ngài ban cho chúng ta cái khác. Những gì xảy đến cho chúng ta luôn là một cơ hội để ta hoàn thiện mình. Những gì mà ta đang sở hữu luôn đủ để ta có thể tiếp tục bồi đắp và làm phong phú chính mình. Thế nên, trước khi xây dựng cho mình một tương lai, ta phải biết và hài lòng với những gì mình đang có. Cái hiện tại đang ở với ta mới là điều quý giá, mới là cái làm nên cuộc sống thực sự của ta. So sánh với người khác, nhìn người khác với một thái độ thèm thuồng, mà thiếu đi thái độ an vui với những gì mình đang được thụ hưởng luôn là nguyên do của những xáo trộn và bất an trong cuộc sống.
Chúng ta hãy xin ơn Chúa, để Người giúp chúng ta nhận ra những kho tàng quý báu mà Ngài đang ban cho chúng ta đây, để từ đó, chúng ta có thể tận dụng nó mà xây dựng cuộc sống mình cho tốt hơn.
Pr. Lê Hoàng Nam, SJ