Gửi trao yêu thương giữa đại dịch

184

“Thương quá Sài Gòn ơi!” Khi đọc lên lời ấy, tôi xúc động, khóe mắt cay cay. Trái tim tôi cùng rung lên nhịp đập của tình yêu, tôi cùng biết bao người cảm nhận được tình yêu của vị mục tử và những người anh chị em đang hướng về Sài Gòn – một thành phố đang bị giãn cách trong mùa dịch.

Sao mà không thương… khi một thành phố tráng lệ bỗng trở nên im lặng! Nhiều người đã gọi với một cái tên mới: “Thành phố buồn!”. Nhịp sống đã khác. Những con đường kẹt xe trong giờ cao điểm, sự nhộn nhịp của bao tiếng người, những phương tiện di chuyển… bây giờ vắng bóng. Những quán ăn, quán cà phê, nhà hàng từng tấp nập người cũng im lìm. Tìm một chút lương thực, một nắm rau trong nhà cũng không có… Còn đâu những ngày sung túc ấy? Thành phố đã thay đổi!

Không dừng lại ở việc thương khóc và tiếc nuối, tôi nhận thấy đây là hành trình đức tin. Những khó khăn, thử thách mà cả nhân loại, cách riêng ở thành phố Sài Gòn đang phải gánh chịu vì dịch bệnh cũng giống như tình cảnh dân Israel xưa với hành trình bốn mươi năm trong sa mạc. Dân ấy được Thiên Chúa dẫn vào miền đất hứa mà Người đã dành sẵn. Tôi cảm nhận đây là thời gian nhân loại cùng sống mầu nhiệm thập giá, để rồi cùng với Đức Giêsu bước vào hành trình Vượt Qua.

Thật vậy, ngay lúc này, tôi nhận thấy thành phố rất kiên cường và mạnh mẽ giữa những khó khăn. Đặc biệt, thành phố luôn tràn ngập tình yêu thương. Điều đó được diễn tả qua những lời nói và nhiều nghĩa cử cao đẹp. Dường như giữa mùa đại dịch, sự vô cảm biến mất để nhường chỗ cho tình thương. Con người không còn vồn vã với những kiếm tìm ích kỷ như tiền bạc, công việc, danh vọng, địa vị, … thay vào đó là sự quan tâm, dấn thân phục vụ dành cho người khác. Tôi thấy “những thiên thần áo trắng” – cái tên rất dễ thương mà mọi người dành cho các bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên y tế và các thiện nguyện viên, họ đang ngày đêm miệt mài cứu chữa, chăm sóc bệnh nhân. Những người hàng xóm trở nên thân thiết với nhau. Tôi thấy ấm lòng, cảm động khi thấy những vị linh mục, những tu sĩ lo lắng, chăm chút từng bữa ăn cho đoàn chiên của mình. Điều này làm tôi nhớ lại: Chúa đã dưỡng nuôi dân Người bằng manna và chim cút trong sa mạc. Đó là hình ảnh của Đức Kitô- Người Mục Tử Nhân Lành: “Chúa là mục tử chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì. Trong đồng cỏ xanh tươi, Người cho tôi nằm nghỉ. Người đưa tôi tới dòng nước trong lành và bổ sức cho tôi. Người dẫn tôi trên đường ngay nẻo chính vì danh dự của Người. Lạy Chúa, dầu qua lũng âm u con sợ gì nguy khốn, vì có Chúa ở cùng. Côn trượng Ngài bảo vệ, con vững dạ an tâm” (Tv 23, 1-4).

Đặc biệt, khoảng cách giữa người với người, sự phân biệt giai cấp trong xã hội, giữa giới tri thức và dân thường, người giàu và người nghèo được biến đổi, biết bao bức tường ngăn cách đã được phá đổ. Lời khẳng định: “I need you – Tôi cần bạn!” đang được minh chứng. Thật vậy, chúng ta cần những người cung cấp lương thực, những nông dân, ngay cả những người lao công, những người bán hàng, … những người mà chúng ta chưa bao giờ nghĩ phải trả ơn họ. Tôi càng xác tín hơn: Tất cả mọi người đều là anh chị em với nhau qua mối dây tình yêu của Thiên Chúa, mỗi người đều quan trọng và đảm nhận những sứ mạng khác nhau, cùng góp phần cho cuộc sống của nhau thêm hạnh phúc. Ngay cả những người mà chúng ta chưa một lần gặp gỡ, người ấy đang cầu nguyện cho chúng ta, đang gửi trao biết bao “tần số yêu thương” để thành phố có thêm sức mạnh chiến đấu trong mùa dịch. Tôi cùng các bạn gửi lời cám ơn tới tất cả mọi người.

Những gì tôi đã nhận thấy và cảm nhận khiến tôi vui mừng và thốt lên: “Ồ! Nước Trời đang hiện diện ở nơi đây rồi!”. Tôi trân trọng những giây phút sống hiện tại và dâng lên Thiên Chúa lời chúc tụng, tạ ơn. Đồng thời, trong lòng tôi vang lên lời mời gọi yêu thương của Chúa: “I need you! Ta cần con để trở nên chứng nhân tình yêu, sức mạnh cho những người anh chị em con”. Mỗi người đều được mời gọi không ngừng làm cho Nước Trời được lan rộng hơn nữa. Tôi dâng lên Thiên Chúa lời cầu nguyện và những hy sinh nhỏ bé cùng chuyển tải những “tần số yêu thương” qua việc diễn tả niềm vui của Chúa Giêsu Phục Sinh trong môi trường tôi đang hiện diện.

Lạy Chúa, chúng con đang trong cơn khốn khó, chỉ có Ngài là nơi chúng con nương ẩn cậy tin. Ôi lạy Chúa! We need you- Chúng con cần Chúa! Xin Ngài đến hiện diện trong cuộc đời chúng con. Chúng con cần Chúa xoa dịu những vết thương, những mất mát, và lấp đầy chúng con bằng tình yêu của Chúa, để chúng con được chữa lành cơn đói khát thể xác cũng như tâm linh. Dù trong hoàn cảnh nào, con cũng luôn xác tín: Chúa luôn che chở, bảo vệ và làm những điều tốt nhất cho chúng con. Amen.

Maria Phạm Anh, Học viện MTG.Thủ Đức