Gởi những ông bố mệt mỏi

62

Mẹ Teresa kể rằng, “Bố tôi có một tấm lòng yêu thương. Ông không bao giờ khước từ người nghèo. Những ông bố tận tụy có thể không thay đổi thế giới, nhưng con của họ thì có.

Trong bài viết của tôi về việc lần hạt mỗi ngày, có người đã bình luận:

“Bài tiếp theo, anh viết gì đó cho những ông bố được không? Có một ông bố tin vào sức mạnh và vẻ đẹp của chuỗi Mân côi, nhưng ông bố đó cũng nghĩ rằng mình quá bận rộn và mệt mỏi để lần hạt, và thế là quên lẫn chuỗi hạt giữa đủ thứ chuyện khác của chút giờ nghỉ ít ỏi mình có. Ông bố đó là tôi.”

Chắc chắn tôi có thể nói gì đó.

Tôi đã nói rằng tôi bắt đầu lần hạt là vì Đức Mẹ Fatima và vì thánh Gioan Phaolô. Nhưng còn một chuyện tôi chưa nói, đó là tôi có cảm hứng lần hạt là nhờ ba người bố.

Người bố thứ nhất là Đại úy Wojtyla.

Khi Karol Wojtyla đi làm về và thấy bố mình đã chết trong căn hộ nhỏ ở Wadowice, ngài đã nói “Tôi chưa bao giờ thấy cô đơn như thế.” Ngài ở cạnh bên xác bố mình, khóc và cầu nguyện suốt đêm.

Đây là mất mát mới nhất trong hàng loạt mất mát nặng nề mà Đức Giáo hoàng tương lai đã phải chịu khi từng người thân của ngài qua đời.

Đây là một chuyện có thể khiến ngài tuyệt vọng sụp đổ hoặc đem lai cho ngài lòng cao thượng vô cùng. Và một lý do khiến ngài không sụp đổ, đó chính là bố của ngài. Sự chịu đựng trong đức tin của Đại úy Wojtyla trước cái chết của vợ và hai người anh em, là bài học lớn cho cậu con trai Karol.

Theo quyển Witness to Hope của George Weigel, Đức Gioan Phaolô kể lại rằng cha ngài là “một người cầu nguyện không ngừng.” Cậu bé Karol thấy cha mình quỳ gối cầu nguyện lúc tối muộn và sáng sớm.  Hai bố con cùng nhau đọc Kinh thánh và lần hạt đều đặn.

Theo lời một y tá, vào giờ hấp hối, ngài đã đọc một lời kinh cầu Chúa Thánh Thần mà bố ngài đã bày cho ngài.

Tôi nghĩ chuyện đó đã nói lên nhiều điều. Một trong những bậc minh triết của thời đại này, tìm thấy mỏ neo đời mình, không phải nơi những nghiên cứu thần học sâu xa hay nơi những nhà thần nghiệm lớn, mà là nơi đức tin đơn sơ của bố mình.

Người thứ hai là ông Nikolle Bojaxhiu, bố của Mẹ Teresa.

Cùng với Đức Gioan Phaolô II, Mẹ Teresa là một tượng đại Công giáo của thời đại này.  Nikolle, bố của Mẹ Teresa đã mất khi mẹ còn trẻ, nhưng ông đã có tác động vô cùng to lớn đến mẹ.

Nikolle Bojaxhiu là thợ máy và là nhà tổ chức chính trị, nhưng trên hết ông là một người con của Giáo hội. Gia đình Mẹ Teresa có lòng sùng kính Đức Mẹ Mân côi.

Ông từng dạy Mẹ Teresa khi còn nhỏ, “Con gái nhỏ của bố à, luôn luôn chia sẻ ít nhất là một chút thức ăn mình có với người khác, nhất là người nghèo. Ích kỷ là bệnh tật của tâm hồn, biến chúng ta thành nô lệ cho sự giàu có.”

Mẹ Teresa cũng kể rằng, “Bố tôi có một tấm lòng yêu thương. Ông không bao giờ khước từ người nghèo.”

Thật kinh ngạc khi nghĩ rằng tâm hồn của vị thánh truyền giáo vĩ đại này được hình thành nhờ một người bố cầu nguyện cả khi trở về mệt mỏi sau giờ làm việc.

Nhưng đấy vẫn chưa phải là những người bố khiến tôi thêm hứng khởi nhất. Tôi chuyên tâm lần hạt không ngừng là nhờ một người bố đã qua đời ở một nông trại tại Virginia.

Tôi xúc động và thay đổi nhờ mẫu gương của Thomas Vander Woude.

Khi đứa con trai 18 tuổi bị hội chứng Down ngã xuống hố tự hoại, Vander Woude đã nhảy xuống cứu cậu. Ông đưa được con mình lên an toàn, nhưng rồi ông bị ngất và chìm xuống hố.

Tôi đã tìm hiểu thêm về cuộc đời ông, và càng biết tôi càng thấy ấn tượng. Và điều khiến tôi thấy ấn tượng nhất là khi con trai đầu của ông kể lại:

“Bố tôi làm Giờ Thánh vào lúc hai đến ba giờ sáng, và ông rước lễ hằng ngày. Ông lần hạt và thường cầu nguyện với thánh Giuse. Chúng tôi thấy bố mình như thế. Trong nền văn hóa thời nay, tôi có một người bố quỳ gối cho tôi thấy làm một người của Chúa là thế nào.”

Tôi không được như Thomas Vander. Nhưng nhờ ông, mà tôi chuyên cần làm Giờ Thánh ban sáng. Và nhờ ông, tôi kiên quyết không chỉ lần hạt mỗi ngày, mà là quỳ gối lần hạt.

Bản tính con người là thế, con cái có khuynh hướng noi gương chúng ta. Có thể tốt lên mà có thể xấu đi.

Chúng nhìn những việc ta làm và nghe những lời ta nói. Nếu chúng ta viện cớ bỏ lễ, bỏ cầu nguyện, thì những lời viện cớ đó sẽ là nguyên tắc cho chúng.

Nhưng nếu chúng ta nghe chúng ta nói rằng cầu nguyện là chuyện quan trọng, rồi thấy chúng ta làm như thế, việc đó sẽ bám rễ sâu trong chúng. Nếu chúng thấy chúng ta quỳ gối cầu nguyện, chúng cũng sẽ làm thế.

Bạn và tôi có thể sẽ sớm bị lãng quên. Nhưng nếu chúng ta biết làm cho đúng, thì có thể con cái chúng ta sẽ thay đổi được thế giới.

J.B. Thái Hòa chuyển dịch