Góc nhìn về “Đại bàng thần bí” – Đức Cha Lambert De la Motte

71

Nhắc tới một trong số những người giàu nổi tiếng nhất thế giới, người ta thường kể đến tỷ phú Bill Gates; nhắc tới vị Giáo Hoàng có tầm ảnh hưởng lớn nhất trên thế giới, người ta thường nhắc đến Đức Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II. Nhưng nếu nhắc tới vị thừa sai hải ngoại tại vùng Á Châu có ơn thần bí sâu sắc nhất, có lẽ phải kể đến Đức cha Pierre Lambert de La Motte – người được ví như “đại bàng thần bí”.

Lịch sử tôn giáo Pháp hầu như không để ý tới người mang danh: “Pierre Lambert de La Motte”. Bởi thế, không lạ gì mà nữ sử gia Buzelin sau một khoảng thời gian dài nghiên cứu về các nhà thừa sai hải ngoại đã cho ra đời cuốn sách: “Người Cha bị lãng quên của công cuộc truyền giáo hiện đại”[1]. Thoạt đầu nghe tựa đề cuốn sách, người viết có chút cảm giác ngỡ ngàng, hụt hẫng lẫn xót xa: “Người Cha – BỊ – LÃNG – QUÊN!’’ Tuy nhiên, khi xem lại tựa đề nguyên bản bằng tiếng Pháp, tôi thấy tác giả Buzelin không dùng từ “bị lãng quên” (oublié), mà dùng phân từ inconnu (không được biết, chưa được biết, xa lạ).

Vậy, phải chăng đời sống chiêm niệm và hoạt động âm thầm “gắn liền và bám chặt vào Chúa Kitô chịu đóng đinh” đã giúp cho ngài có ánh nhìn tựa như “đại bàng thần bí” để có thể nhìn ngắm mặt trời thần linh?

Tuổi thơ và thiên hướng thiêng liêng

Pierre Lambert chào đời ngày 28.01.1624 (khoảng thời gian mà các nhà thần học gọi là “thế kỷ các thánh”) tại Giáo phận Lisieux, vùng Normandie nước Pháp. Pierre Lambert được sinh dưỡng trong một gia đình quý tộc đạo đức. Với nền giáo dục bậc nhất về mặt nhân bản, tri thức và tôn giáo của xã hội Pháp thời bấy giờ, đã sớm hình thành trong Lambert một “sức mạnh thiên tài kết hợp với vẻ đẹp một bản tính hiền lành và kiên trì”[2]. Từ nhỏ cậu đã thích đọc sách Gương Chúa Giêsu, luồng tư tưởng đạo đức đó đã thổi sâu vào trong tâm trí cậu khiến cậu say mê tìm kiếm Thiên Chúa. Và quả thực, như sách Huấn Ca viết: “Những ai từ sáng sớm đã kiếm tìm Người, sẽ được đoái thương” (Hc 32,14). Sau này chính cậu khẳng định: “Khi tâm hồn tìm kiếm Thiên Chúa trong thần khí và chân lí thì chắc chắn sẽ gặp được Ngài”[3].

Năm 09 tuổi, sau khi rước lễ lần đầu, cậu đã có chí hướng dâng mình cho Chúa cách trọn vẹn. Nhưng trong cơn rối ren sôi sục đang diễn ra trong Giáo hội Pháp thời đó, cậu không tìm thấy nơi nào đáp ứng được những nguyện vọng của mình. Rồi trong tâm trí cậu nổi lên một mẫu Những Người Yêu Mến Thánh Giá. Cậu thuật lại: “Nảy ra trong tâm tư tôi ý tưởng về một hạng người rất hợp với tôi vô cùng. Bị cuốn hút vào đó, tôi muốn theo cuộc sống của họ. Họ mang tên là Những Người Mến Thánh Giá. Cuộc sống của họ đối với tôi thật là tuyệt diệu đến nỗi nếu tôi gặp được ở đâu đó, tôi sẽ cố gắng hết sức của tôi và bằng bất kỳ giá nào, để được vào hiệp hội đó. [Nhưng] hiệp hội đó chẳng hề gặp được trên trần gian này, nên từ đó, tôi chẳng bao giờ thấy được cuốn hút vào một nhà dòng nào, cho dù tôi luôn luôn giữ nhiều tâm tình kính mến đối với các nhà dòng sống trong sự tinh tuyền của hội dòng mình, mà tôi coi tựa như những vườn ươm cây của Thiên Đàng”[4]. Từ đó cậu sống đạo đức và bác ái nhiều hơn nữa. Dưới một hình thức đơn sơ, trẻ thơ, chúng ta thấy hiện ra dấu chỉ của lòng nhiệt thành truyền giáo sẽ đưa cậu tới tận cùng thế giới.

Đôi mắt thần bí ấy luôn hướng về Thiên Chúa nên tâm hồn Pierre Lambert cũng tinh tế và nhạy bén trước Thánh ý Chúa. Bị ảnh hưởng bởi các tranh vẽ thời đó, vốn thường vẽ cảnh Thánh Phaolô ngã ngựa được ơn trở lại nhờ thấy Chúa, Pierre Lambert gán cho chuyện nhỏ nhặt xảy ra với mình một ý nghĩa siêu nhiên, coi đó như một dấu chỉ của Chúa. Sự kiện ấy sẽ ghi dấu ấn sâu đậm trên cuộc tiến triển thiêng liêng của vị thừa sai tương lai. Sau này, Lambert đã quyết định từ bỏ chức vụ thẩm phán tại tòa án thuế vụ và bước theo ơn gọi truyền giáo. Năm 1658, cha Lambert được bổ nhiệm làm Giám mục hiệu tòa Béryte. Khi mới 34 tuổi đời nhưng Người cũng cho thấy sự trưởng thành trong đời sống thiêng liêng: “…dường như Thiên Chúa toàn năng làm chủ nội tâm và các hoạt động nội tâm của chúng ta. Cách người tác động trong chúng ta thật là tuyệt đối, không còn có vấn đề vận dụng ý chí để muốn, nhưng một khi linh hồn thấy, hoặc cảm nghiệm được thánh ý Thiên Chúa thì hướng ngay về đó, chẳng những không cần suy nghĩ gì cả, mà còn cảm thấy thích thú một cách khôn tả nữa“[5]. Năm 1664, tại Ayuthia, ngài chia sẻ: “Nếu phải hoạt động, linh hồn sẽ bàn hỏi với Thần Khí của Chúa Giêsu Kitô đang ở trong linh hồn để biết điều Thần Khí muốn và linh hồn sẽ hoạt động do bởi Thần Khí. Qua đó, người ta có thể thấy niềm hạnh phúc thật của một thụ tạo khi tùy thuộc vào Thiên Chúa”[6].

Đôi mắt “đại bàng thần bí”: chiêm niệm và hoạt động.

Vì luôn hướng về Chúa nên “đại bàng” Lambert cũng có “mỏ” và “móng” để bảo vệ các xứ truyền giáo, có “đôi cánh” rộng mở là nơi trú ẩn cho các tín hữu và các thừa sai khi cần. Đó là sức mạnh nội lực được kết luyện từ Thánh Giá Chúa Kitô. Nếu như bậc đáng kính, Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận cho rằng: “Khí giới của con là nguyện ngắm, hy sinh, các nhiệm tích, chuỗi Mân Côi, tĩnh tâm…”[7] thì với Đức cha Lambert : “…tất cả khí giới của các nhà thừa sai là hãm mình và cầu nguyện”[8]. Như vậy, những vị thánh đều chìm đắm trong nguyện ngắm để kín múc sức mạnh từ một nguồn mạch duy nhất là Đức Kitô.

Trong việc bay nhảy thiêng liêng, Đức cha Lambert luôn biết kết hợp giữa chiêm niệm và hoạt động – một lý tưởng mà ở thế kỷ XVII người ta cho rằng không thể tồn tại. Thời đó, các nhà thần bí trở nên đáng nghi ngờ và không có quyền sống trong thế gian, còn những người tông đồ không có quyền được là nhà thần bí. Chính Đức cha Lambert đã trả giá cho xu hướng trên. Ngài vẫn luôn giữ vị thế quân bình giữa “hoạt động Dòng Tên” cần để thi hành các chức vụ – mà ngài đã được đào tạo – và “sự say mê Dòng Cát Minh” nằm trong bản chất của ngài. Đối với ngài, chỗ dựa duy nhất của ngài là Chúa Kitô trên Thánh Giá, nguyên tắc cơ bản, động lực và sự biện minh cho mọi công cuộc truyền giáo: “Khoa học sâu sắc nhất và thú vui chân thật nhất là hiểu biết và yêu mến Chúa Giêsu Kitô bằng một tình yêu thực nghiệm”[9]. Đó là điều mà Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II sau này đã phác họa cho thời đại chúng ta trong thông điệp Redemptoris Missio – Sứ vụ Chúa Cứu Thế: “Các thừa sai phải là những nhà chiêm niệm trong hành động”.

Có thể nói, việc khai sinh Dòng Mến Thánh Giá là một trong những thành quả nhãn tiền của sự kết hợp tinh tế giữa chiêm niệm và hoạt động, là cuộc gặp gỡ thiêng liêng ân tình giữa Đức Cha Lambert với Đức Kitô Chịu Đóng Đinh “Tôi đã rất ao ước chứng tỏ được một tình yêu phi thường đối với Chúa Giêsu Kitô. Thế nên, tôi đã xin Ngài cho tôi biết làm cách nào để có thể biểu lộ tình yêu ấy”[10]. Và ngài xác tín rằng: “Một trong những ý định chính yếu của Thiên Chúa là thành lập một hội dòng gồm những người tông đồ…để tưởng niệm Chúa Giêsu chịu thương khó và chết trên thập giá; và vì lí do này, dòng có thể mệnh danh cách chính đáng là Dòng Những Người Yêu Mến Thánh Giá”[11]. “Mục đích chính yếu đã đề ra khi thành lập hiệp hội này, là phổ biến khắp nơi tình yêu thực tiễn đối với Thánh Giá Con Thiên Chúa, và làm sao cho các thành phố cũng như xóm làng đều có một số tín hữu chẳng những hằng ngày suy niệm, mà còn thực sự thông phần các đau khổ của Chúa Giêsu Kitô bằng việc chế ngự thân xác”[12]. Trong bức tâm thư gửi cho “Dòng Chị Em Mến Câu Rút Đức Chúa Jêsu” (Dòng Mến Thánh Giá) tại Đàng Ngoài năm 1670, ngài viết : “… âu là bởi Đức Chúa Trời thấy trong lòng thầy ước ao cho được lập dòng nào ở khắp mọi nơi, Đức thánh Papa dạy ta giữ, gọi là dòng Kẻ Mến Câu Rút Đức Chúa Jêsu là kẻ mọi ngày mọi ngắm sự thương khó Đức Chúa Trời, cùng mọi ngày mọi chịu lấy phần nào trong sự thương khó ấy, là làm việc lành về nhân đức hãm mình. Những bổn đạo nữ đã lâu ở nước Annam đã khấn cùng Đức Chúa Trời giữ mình sạch sẽ. Ta mang tin ấy, muốn cám đội ơn Đức Chúa Trời mở lòng cho khấn những sự trọng ấy, cho nên lại xin cho được vào dòng ấy,cùng hỏi vì lẽ nào cho được phó cả và mình mà thờ phượng Đức Chúa Trời cho nên. Ấy là đàng Đức Chúa Trời đã mở ra cho nên phải lập dòng chị em tu hành ở nước Annam, dòng này đặt tên là dòng chị em Mến Câu Rút Đức Chúa Jêsu”[13]. Với Đức cha Lambert, những chị em Mến Thánh Giá cũng như các linh mục, dù là người Châu Âu hay Châu Á, đều là thừa sai đúng nghĩa, họ đều có đôi chân để đi, có tay để phục vụ, có mắt để nhìn, có trái tim để yêu thương, có miệng để rao giảng Phúc Âm và có tâm hồn để cầu nguyện. Cả những giáo dân thuộc mọi giới tính, mọi hoàn cảnh, mọi quốc gia, theo ngài đều có thể thông phần vào việc tông đồ của Giáo hội trên toàn thế giới, miễn là kết hợp bằng cách dấn thân thực sự hay trong tinh thần, vào các ý nguyện và các thực hành của Những Người Yêu Mến Thánh Giá, nhờ đó họ trở nên thừa sai trên toàn thế giới. Đó chính là “hiệp hành” đích thực.

Thương tích thập giá: minh chứng tình yêu

Cả cuộc đời Đức cha Pierre Lambert là trang Tin Mừng sống động về tình yêu nhưng có lẽ những minh chứng về tình yêu sống động nhất là trái tim “đại bàng” bị rỉ máu bởi những mũi tên ác ý nhắm vào ngài. Không chọn an phận hay nhắm mắt làm ngơ trước trào lưu tục hóa nơi giới tu sĩ truyền giáo đang nổi cộm thời bấy giờ, ngài đã thẳng thắn lên án, gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh trong Giáo hội. Quả nhiên, “thật thà thẳng thắn thường thua thiệt”, ngài nhận về sự vu khống, chống đối mãnh liệt từ phía những người đang buông mình sống theo dục vọng thế gian. Ngài cũng “lãnh đủ” như Thánh Phaolô: đắm tàu, bắt bớ, vu khống, hạ độc…nhưng điều gì có thể tách ngài ra khỏi tình yêu Thiên Chúa? “Phải chăng là gian truân, khốn khổ, đói rách, hiểm nguy, bắt bớ, gươm giáo?” (Rm 8,35). Cùng với Thánh Phaolô, ngài có thể tuyên xưng: “Chúng ta toàn thắng nhờ Đấng đã yêu mến chúng ta” (Rm 8,37) và tự hào: “Tôi cảm thấy vui sướng khi mình yếu đuối, khi bị sỉ nhục, hoạn nạn, bắt bớ, ngặt nghèo vì Đức Kitô” (2Cr 12,10), “tình yêu của nhà thừa sai Tông tòa đích thực không bao giờ để bị dập tắt,vì chất liệu làm món ăn [tinh thần] không thể thiếu hụt…”[14]

Trái tim đầy thương tích của Đức cha Pierre Lambert  vẫn thiết tha duy trì sự hiệp nhất, mong ước sự hòa giải để hướng đến hiệp thông trọn vẹn trong Hội Thánh. Để xóa bỏ mọi hiềm khích với các cha Dòng Tên, khi lập chúc thư đề ngày 22.7.1675, ngài để lại toàn bộ tài sản của mình cho công cuộc truyền giáo. Ngài viết trong chúc thư: “Tôi biếu cho nhà thờ các cha Dòng Tên ở Macao cây Thánh giá mà em tôi đã để lại cho tôi ít ngày trước khi mất, để chứng tỏ tình thân hữu của tôi với các cha”[15].  Cử chỉ tượng trưng này đủ để tóm lại tính triệt để của con người thần bí Thập Giá vĩ đại này. Khi trối lại cho “các địch thủ” lợi hại nhất của ngài một kỷ vật có ý nghĩa thiêng liêng, có lẽ là vật duy nhất ngài tha thiết muốn giữ, hơn nữa lại là hình ảnh tình yêu duy nhất của ngài, Đức Giám mục Bérythe (Lambert) đã xóa bỏ mọi hận thù và đặt các cha Dòng Tên vào chỗ đứng họ phải có, là những người anh em trong Chúa Kitô. Một cách hãnh diện và đượm chất tha thứ của Tin Mừng, ngài đã làm vinh danh Thiên Chúa qua việc thực hành đức ái hoàn hảo.

Sau cùng, sức mạnh của tình yêu phi thường trong “chim đại bàng” ấy được tỏ lộ lần cuối qua cách kết thúc cuộc đời trần gian với tâm hồn chìm đắm trong đêm tối nội tâm và thân xác bị dày vò trong cơn hấp hối kinh hoàng. Con đường thập giá kéo dài cho cả thể xác lẫn tinh thần của ngài là những năm tháng cuối đời trên giường bệnh. Người ta thường nghe ngài rên la thật thảm thương nhưng ngài bảo: đau đớn đó chưa là gì so với cay đắng tràn ngập trong tâm hồn ngài, vì Chúa đã cất đi mọi an ủi nội tâm và chỉ để lại một tia sáng le lói ngăn cản ngài tuyệt vọng. Trong những cơn đau khủng khiếp lúc hấp hối, ngài không ngớt kêu lên: “Lạy Chúa, xin gia tăng sự đau đớn, xin ban thêm sức chịu đựng cho con”[16].  Đó cũng là giây phút minh chứng những tâm tình ngài từng có: “Đây là một bí mật tuyệt vời: yêu mến Chúa Giêsu Kitô trong những cơn tăm tối, đau khổ và hy sinh của chúng ta và trong phần chén đắng Ngài ban cho chúng ta được uống,cũng như khi Ngài ban tràn đầy những âu yếm thắm thiết cho chúng ta. Vào những lúc đó… chúng ta phải hoạt động theo những hy sinh mà linh hồn đã được Thiên Chúa mời gọi tham dự vào”[17]. Ngài trở nên giống tổ phụ Apraham, như Thánh Phaolô từng nói: “Mặc dù không còn gì để trông cậy, ông vẫn trông cậy và vững tin” ( Rm 4, 18).

Tạm kết

Nếu chim đại bàng là biểu tượng cho sức mạnh, lòng can đảm, tầm nhìn xa và sự bất tử thì cha Jean de Courtaulin hẳn có lí khi nhận định: “Đức Giám mục de Bérythe là một con đại bàng bay trên mây. Ngài không ngừng sống trong cầu nguyện và cô tịch, tuy vậy, ngài vẫn có sự cảnh giác đáng khâm phục, ngài không bỏ qua một việc nhỏ nào có thể làm ích và giúp cho các thừa sai của ngài”[18]. Trong đời sống phong nhiêu lạ lùng với ơn thần bí cao trọng và óc sáng tạo trổi vượt vì Tin Mừng, linh đạo của Đức cha Lambert như một kho tàng cần tái khám phá và là mẫu gương cần tái hiện trong đường lối truyền giáo của thời đại chúng ta.

Tác giả: Nt. Maria Trần Thị Bích Hồng – Hội Dòng Mến Thánh Giá Phát Diệm
Nguồn: Giáo Phận Phát Diệm (01/11/2022)

—————————

[1] Françoise Fauconnet-Buzelin, Người Cha Bị Lãng Quên của Công Cuộc Truyền Giáo Hiện Đại, Pierre Lambert de la Motte, Nxb Phương Đông2014, bản dịch của Sư huynh Lucien Hoàng Gia Quảng. Tựa đề nguyên bản: Françoi se Fauconnet-Buzelin, Le père inconnu de la Mission moderne, Pierre Lambert de la Motte, premier vicaire apostolique de Cochinchine, (1624-1679).

[2] Cha Jacques Charles de Brisaccier.

[3] Nhóm Nghiên cứu Linh đạo Mến Thánh Giá, Tuyển Tập Bút Tích – Bút Tích Số 5, LHNB, 2017.

[4] Đào Quang Toản, Bài Viết Của Đức Cha Lambert-Tường thuật buổi tĩnh tâm ngày 3.11.1963, LHNB,Tp.HCM, 2012,tr.32.

[5] Nhóm Nghiên cứu Linh đạo Mến Thánh Giá, Tuyển Tập Bút Tích – Thư gửi Cha Halle ngày 15.3.1661, tr.108.

[6] Đào Quang Toản, Bài Viết Của Đức Cha Lambert-Về việc cầu nguyện, LHNB,Tp.HCM, 2012

[7] ĐHY Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, Đường Hy Vọng, số 81.

[8] Đào Quang Toản, Bài Viết Của Đức Cha Lambert – Tác động của tình yêu tinh tuyền, LHNB,Tp.HCM, 2012, tr.43.

[9] Nhóm Nghiên cứu Linh đạo Mến Thánh Giá, Tuyển Tập Bút Tích – Thư gửi Cha Halle ngày 15.3.1661, tr.109.

[10] Đào Quang Toản, Bài Viết Của Đức Cha Lambert – Những cái nhìn mới, LHNB,Tp.HCM, 2012, tr.64.

[11] Đào Quang Toản, nt, tr.66.

[12] Đào Quang Toản, nt, tr.68.

[13] Đào Quang Toản, Bài Viết Của Đức Cha Lambert – Dòng Chị Em, LHNB,Tp.HCM, 2012, tr.81-82.

[14] Đào Quang Toản, Bài Viết Của Đức Cha Lambert – Tác động của tình yêu tinh tuyền, LHNB,Tp.HCM, 2012, tr.38.

[15] AMEP, c.8, tr.151, được trích trong Chappoulie, t.I, tr.378.

[16] Francoise Fauconnet-Buzelin, Tìm về nguồn gốc Hội Thừa Sai Hải Ngoại, Nxb Phương Đông, 2015, bản dịch của Sư huynh Lucien Hoàng Gia Quảng, tr.295.

[17] Đào Quang Toản, Bài Viết Của Đức Cha Lambert – Tác động của tình yêu tinh tuyền, LHNB,Tp.HCM, 2012, tr.38-39.

[18] Adrien Launay, Histoire de la Mission de Siam 1662-1811, Paris, Téqui, 1920, trang 36.