GÓC SUY TƯ GIA ĐÌNH Giúp con dẹp bỏ lòng đố kỵ

Giúp con dẹp bỏ lòng đố kỵ

Điều tối kỵ nếu không muốn con nảy sinh tính cách ghen ghét, đố kỵ là tránh so sánh con với bạn bè và các thành viên trong gia đình.

Trẻ con hờn dỗi, khóc lóc khi có việc gì đó làm chúng không vừa lòng. Trẻ con hay ghen tị khi chúng cảm thấy người lớn yêu chúng ít hơn những đứa khác hay chỉ vì, chúng được cho một cái kẹo trong khi những đứa khác lại được đến hai cái kẹo… Bố mẹ không nên thờ ơ với những biểu hiện trên của các con bởi vì đó là dấu hiệu ban đầu của lòng đố kỵ và ghen tức. Những chia sẻ sau của chị Thu Bình, một công chức có 2 con ở quận Hoàng Mai, Hà Nội có thể sẽ giúp các bố mẹ dẹp bỏ các thói quen xấu đó của con.

1. Không chiều theo những đòi hỏi vô lý của con

Nhiều đứa trẻ, nếu đòi một cái gì đó không được thì nằm lăn ra ăn vạ, khóc lóc. Nhiều đứa trẻ, vì thấy bạn có đồ chơi mới thì về nằng nặc đòi bố mẹ phải mua cho, không được thì giận dỗi, mặt xị ra. Sở dĩ trẻ hay làm như thế là bởi vì chúng biết bố hay mẹ của chúng rồi sẽ “đầu hàng” và chiều theo đòi hỏi đó. Hãy nói “không” một cách cương quyết với trẻ trong những trường hợp như này. Bố hoặc mẹ sẽ phải đóng vai “ác” và người còn lại nên lui vào “hậu trường” để tránh trường hợp trẻ cố bấu víu vào mà tiếp tục mè nheo. Trẻ không được chiều chuộng sẽ ít có suy nghĩ mình là số một, không ai có thể bằng mình.

2. Không so sánh con với đứa trẻ khác

Thực tế, so sánh là một trong những nguyên nhân chính tạo nên sự đố kỵ trọng lòng trẻ. Bố mẹ vì muốn con phải cố gắng, ganh đua để bằng bạn bằng bè nên so sánh con với một bạn nào đó vừa học giỏi, vừa ngoan ngoãn hoặc so sánh giữa các con với nhau. Nhưng sự so sánh đó lại là phản tác dụng vì khi thường xuyên bị đem ra so sánh với một đứa trẻ khác có nhiều ưu điểm hơn sẽ khiến đứa trẻ sinh lòng đố kỵ. Thay vào đó, bố mẹ hãy cho con biết con của ngày hôm nay có điểm gì tốt hay chưa tốt hơn chính con của ngày hôm qua để con tích cực phấn đấu. Trẻ không bị đem ra so sánh với đứa trẻ khác sẽ là đứa trẻ tự tin vào bản thân mình, từ đó cũng không mắc phải tính độ kỵ.

3. Giúp con giải tỏa cơn nóng giận

Nhiều bố mẹ trước những cơn cáu giận của con, thay vì kiềm chế và tìm cách giúp con giải tỏa thì lại đánh mắng con. Lý do là vì họ sợ nếu không làm như thế, đứa con sẽ không chừa thói cáu gắt, nóng giận đó. Trong những trường hợp này, theo kinh nghiệm của chị Bình, bố mẹ nên nhẫn nại và im lặng để cho cơn nóng giận của con nguội dần. Sau đó, bố hay mẹ hãy nhẹ nhàng hỏi lý do, phân tích và nhắc nhở con.

Nhiều trường hợp, đứa trẻ trước đó cáu giận như thế nhưng lúc bố mẹ hỏi han thì lại òa khóc và thút thít thổ lộ hết mọi nguồn cơn đang giữ ở trong lòng. Có thể đứa trẻ cảm thấy ghen tức, bực bội vì mình bị điểm kém hơn bạn, hoặc vì con không hài lòng khi cũng đạt thành tích cao trong học tập mà lại không được cô giáo tuyên dương như các bạn khác… Bố mẹ hãy lắng nghe, chia sẻ và tôn trọng tình cảm, ý kiến của con. Hãy cho con biết, tuy cuộc sống có những điều làm con không hài lòng nhưng bố mẹ luôn là người hiểu và ủng hộ cho con. Trẻ cảm thấy được bố mẹ quan tâm, chia sẻ sẽ loại bỏ được các cơn nóng giận vô cớ, từ đó sẽ giảm sự ghen ghét, đố kỵ với trẻ khác. 

4. Đối xử công bằng giữa các con 

Trong gia đình có từ hai con trở lên, có những lúc, bố hay mẹ thiên vị đứa này, mắng đứa kia vì nhiều lý do. Điều này được cho là nguyên nhân khiến đứa trẻ lúc đầu chỉ là sự tủi thân, mặc cảm nhưng lâu dần phát triển thành tính đố kỵ, ghanh ghét.  Bố mẹ nên là người sáng suốt và công bằng khi yêu thương và dạy dỗ các con. Khi thưởng hay phạt các con, bố mẹ hãy cho các con biết lý do làm như vậy. Bố mẹ nên kiềm chế và tránh thái độ “giận cá chém thớt” hay “trống đánh xuôi kèn thổi ngược”, tạo sự khó hiểu cho đứa trẻ. Trẻ bị đối xử không công bằng, không được giải thích lý do càng dễ nảy sinh nhiều tính xấu.

5. Giúp cho tự tin

Bên cạnh việc không đem con ra so sánh, bố mẹ nên giúp con nuôi dưỡng sự tự tin vào bản thân và tin tưởng ở tình yêu mà bố mẹ dành cho con. Muốn làm được điều đó, bố mẹ hãy khơi gợi những điểm mạnh của con, những lợi thế và may mắn mà con có được. Hãy động viên, khích lệ để con cố gắng, hãy cho con hiểu khi con tự tin vào bản thân mình thì lòng đố kỵ sẽ bị loại bỏ. Việc giúp con tự tin không thể thực hiện được ngay mà đòi hỏi phải có thời gian, sự kiên trì, ủng hộ của bố mẹ. 

Lệ Thúy

Exit mobile version